“Touch” và ước mơ làm phim Hollywood của đạo diễn gốc Việt

Touch là bộ phim đầu tay của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Minh Đức Nguyễn từng đoạt nhiều giải thưởng quan trọng như Giải Khán Giả Bình Chọn tại Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2011; Giải Nữ Diễn Viên Xuất Sắc, Truyện Phim Hay Nhất và Nghệ Thuật Điện Ảnh Đẹp Nhất tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Boston; Giải Phim Đầu Tay Xuất Sắc Nhất tại đại hội điện Ảnh Quốc Tế Santa Rosa; và Giải Giám Khảo tại Đại Hội Điện Ảnh Á Châu Atlanta, Georgia.

0:00 / 0:00

Nhân dịp phim Touch sắp sửa được phát hành tại một số nơi trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ từ ngày 9 tháng 3, thông tín viên Ngọc Lan có bài phỏng vấn đạo diễn Minh Đức Nguyễn về bộ phim này cũng như những chia sẻ của anh về chuyện làm phim tại Mỹ.

“Touch” là cuốn phim dài đầu tiên của Minh Ðức Nguyễn, đạo diễn tốt nghiệp từ trường University of Southern California và thắng giải về biên kịch, Jeffrey Jones for Excellence in Screenwriting.

Không chỉ là chuyện của tiệm nail

touch-2-250.jpg
Một cảnh trong phim "Touch". Photo courtesy of Facebook - Touch (2011).

“Touch” kể về một tình bạn không mong đợi giữa Tâm (Porter Lynn đóng), một cô gái gốc Việt mới đến làm việc trong một tiệm nail toàn thợ Việt Nam, và Brendan (John Ruby đóng), một chàng thợ máy người Mỹ có chút gì như nhút nhát, chút gì như chán nản, muộn phiền.

Bàn tay lấm lem dầu mỡ của Brendan là nguyên nhân khiến anh bị người vợ của mình từ chối, bớt yêu thương. Mỗi chiều sau khi tan sở, Brendan đến tiệm nail nơi Tâm đang làm việc để mong làm sạch sẽ bàn tay. Tại đây, Brendan kể cho Tâm nghe tình cảnh của anh, và Tâm giúp anh những lời khuyên làm sao để hàn gắn lại, làm ấm lại cuộc hôn nhân của vợ chồng Brendan.

Một thời gian sau, Tâm và Brendan cũng bị lôi cuốn nhau. Nhưng những giềng mối quan hệ khác đã giữ chân họ.

Ý nghĩa của phim Touch là về sự xúc giác của chữ 'touch' nghĩa là sự gắn kết, chạm nhau giữa những con người xa lạ như là cô thợ nail gặp anh Mỹ này hai người xa lạ.

ĐD Minh Đức Nguyễn<br/>

Bên cạnh việc đề cập đến tình cảm vợ chồng, tình yêu trai gái, “Touch” còn đề cập đến mối quan hệ cha con giữa Tâm và ông bố ngồi xe lăn khắc nghiệt của cô (Long Nguyễn đóng).

Nói về cuốn phim dài đầu tay của mình, đạo diễn Minh Đức Nguyễn cho biết:

“Ý nghĩa của phim Touch là về sự xúc giác của chữ ‘touch’ nghĩa là sự gắn kết, chạm nhau giữa những con người xa lạ như là cô thợ nail gặp anh Mỹ này hai người xa lạ, nó đề cập đến một ít quan hệ của người trai gái, nhưng nó cũng có nói về mối quan hệ của cổ và người cha của cổ, thì đó là mối quan hệ ruột thịt. Nội dung của phim Touch thì đây là một bộ phim bi hài có nhiều cảnh buồn cười mà cũng có nhiều cảnh cảm động.”

Người đạo diễn trẻ chia sẻ thêm về ý tưởng thực hiện cuốn phim đang gây nhiều tiếng vang này:

“Minh biết là ngành nail rất quan trọng cho cộng đồng Việt Nam chúng ta. Nó làm cho người Việt di cư chúng ta rất là nhiều. Cho nên khi vô mấy tiệm nail thì Minh thích lắm, Minh thấy mấy cô trong tiệm nail nói chuyện với nhau rất là vui vẻ, như là một gia đình chặt chẽ thì Minh muốn tạo ra một câu chuyện trong cảnh của tiệm nail. Thì đó là cảm hứng của mình khi viết chuyện Touch.”

Khó khăn

touch-250.jpg
Poster phim "Touch". Photo courtesy of Facebook - Touch (2011).

Theo đạo diễn Minh Ðức Nguyễn, khó khăn trong quá trình hơn một năm thực hiện cuốn phim trước hết nằm ở khâu tìm kiếm diễn viên:

“Phim Touch thì cần diễn viên Việt Nam mà họ phải nói rành tiếng Việt và cả tiếng Mỹ nữa. Bây giờ thế hệ mới, trẻ của người Việt tại hải ngoại thì thật ra họ nói tiếng Mỹ rành hơn nói tiếng Việt thành ra khi Minh đi tuyển kiếm mấy diễn viên nói cả 2 thứ tiếng rành rất là khó. Nhưng cũng may là Minh gặp được cô Porter Lynn Dương. Cổ là người Việt Nam nhưng cổ nói tiếng Việt cũng được được thôi. Thành ra khi tuyển cổ, cổ phải về nhà tập với người mẹ, tối nào cổ cũng tập lời đối thoại với người mẹ của cổ nên Minh cũng cảm ơn mẹ của cổ rất là nhiều.

Còn vai của những cô thợ nail thì Minh đăng báo Người Việt nên có mấy người đọc báo họ biết họ đi tới họ tuyển. Có nhiều người trong đó đóng phim lần đầu tiên như cô Mỹ Lan. Cổ đâu có muốn đóng, cổ đem hai đứa con trai nhỏ của cổ đến để kiếm vai cho nó đóng nhưng không có vai cho nó. Nhưng từng cờ Minh thấy cô Mỹ Lan có tướng rất là hay nên Minh mời cổ đọc vai của bà chủ tiệm nail thì cổ đọc 1 lần là tự dưng cổ nhập vai liền. Minh tuyển cổ ngay tại chỗ.”

Bây giờ thế hệ mới, trẻ của người Việt tại hải ngoại thì thật ra họ nói tiếng Mỹ rành hơn nói tiếng Việt thành ra khi Minh đi tuyển kiếm mấy diễn viên nói cả 2 thứ tiếng rành rất là khó.

ĐD Minh Đức Nguyễn

Trong phim Touch có khá nhiều “cảnh nóng” mà theo lý giải của đạo diễn người Mỹ gốc Việt này là:

“Trước hết Minh muốn nói là mấy cảnh nóng trong phim là do câu chuyện nó đẩy ra mấy cảnh đó chứ không phải là do Minh cố làm ra mấy cảnh đó để bán vé để kéo kha1n giả vô coi phim nên mấy cảnh đó nó rất tự nhiên. Thứ hai cách Minh làm thì muốn theo lối Mỹ hơn. Khi mình coi phim Mỹ, mấy cảnh nóng rất tự nhiên, rất bình thường. Mấy phim Việt Nam trước đây khi mà làm cảnh nóng thì họ rất là ngượng, rất là mắc cỡ, giống như lúc nào cũng che chắn nên Minh không muốn như vậy nữa.

Minh muốn làm hướng mới cho phim Việt Nam chúng ta, tức là khi có những cảnh nóng thì mình cứ làm tự nhiên đi, không cần mắc cỡ. Nhưng Minh biết là cộng đồng Việt Nam khi coi phim Touch của Minh sẽ có bị ngạc nhiên, nên sẽ bị shocked một chút thì Minh cũng chuẩn bị tinh thần. Nhưng Minh mong là họ cho cơ hội, tức là coi đi, coi trước rồi nếu mà có chuyện gì thì tính sau.”

Theo lời đạo diễn Minh Đức Nguyễn, với phim Touch, nếu chỉ đọc tóm tắt nội dung thì khán giả chỉ nghĩ nó là chuyện của tiệm nail thôi nhưng thực ra phim này có rất nhiều ý nghĩa, không chỉ có hình ảnh của tiệm nail, mà nó còn là tình nghĩa cha mẹ, con cái, tình yêu, sự đau khổ khi mình mất một người nào đó. Thế nên, Touch là bộ phim thực ra ai xem cũng được.

Mơ ước

touch-3-250.jpg
Từ trái, diễn viên John Ruby, đạo diễn Minh Đức Nguyễn, Raoul Rosenberg and diễn viên Porter Lynn Dương. Photo courtesy of Facebook - Touch (2011).

Đánh giá về cơ hội thành công của những đạo diễn người Mỹ gốc Việt tại đất nước của Hollywood, đạo diễn Minh Đức Nguyễn bày tỏ:

“Trước Minh cũng đã có nhiều đạo diễn Việt Nam như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Hàm Trần, hay là Timothy Bùi. Họ có làm phim về người Việt Nam ở nước Mỹ rồi sau đó họ lại về Việt Nam làm phim. Tại vì ở đó có nhiều cơ hội hơn. Minh thì ở Mỹ lâu rồi. Minh có mấy câu chuyện trong lòng của Minh về người Việt ở Hải ngoại, Minh muốn viết về những câu chuyện đó. Ở đây nói thật là khách Việt Nam ở Mỹ ít nhưng tại vì Minh đã quen thuộc mấy câu chuyện này rồi nên Minh vẫn ráng làm cho được.

Nhưng mà làm phim ở Hollywood thì rất là khó vì rất nhiều cạnh tranh mà nếu mình là người Á Đông hay người Việt thì lại khó hơn nữa.

ĐD Minh Đức Nguyễn

Nhưng mà làm phim ở Hollywood thì rất là khó vì rất nhiều cạnh tranh mà nếu mình là người Á Đông hay người Việt thì lại khó hơn nữa tại vì những người Mỹ lúc nào họ cũng thắc mắc, họ nghĩ là mình có khả năng làm được giống như họ không nên nếu mà có người trẻ tham gia vô thì Minh muốn là họ phải làm việc thật là mạnh bạo hơn, mạnh bạo hơn cả người Mỹ nữa thì mình mới thành công được.”

Nói về ước mơ của mình, đạo diễn Minh Đức Nguyễn cho biết:

“Hồi xưa mẹ Minh cứ muốn Minh làm bác sĩ thì Minh cũng ráng học làm bác sĩ nhưng cuối cùng rồi lại không được vì không có đam mê. Tại vì đam mê của Minh lúc nào cũng là viết truyện, viết kịch bản, hay làm kịch nên Minh đổi hướng làm phim. Bây giờ Minh thấy rất là sung sướng vì mình chưa có thành công nhưng mà mình vẫn có quyền tự do để mà làm phim. Thật ra Minh làm phim lúc nào cũng muốn để người Mỹ coi được mà người Việt cũng coi được hết. Đó là hướng đi của Minh.”

Có lẽ ước mơ của người đạo diễn này cũng là ước mơ của những đạo diễn Mỹ gốc Việt đang sống tại Hoa Kỳ.

Theo dòng thời sự: