Hướng tới tự do thông tin tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Ngày 1/5/2014, tại trụ sở đài RFA ở thủ đô Washington diễn ra cuộc hội thảo mang tên ‘Hướng đến một nền tự do thông tin tại Việt Nam’. Hội thảo có sự tham dự của các bloggers và nhà báo tự do đến từ Việt Nam. Ngoài ra còn có những đại diện các công ty cung cấp dịch vụ internet là Google và Access, cũng như ông trợ lý ngoại trưởng Hoa kỳ phụ trách các vấn đề nhân quyền và lao động.

Trước khi buổi hội thảo bắt đầu, nghệ sĩ Kim Chi, một trong những khách mời từ Việt Nam cho chúng tôi biết lý do tại sao một nghệ sĩ như bà lại dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho tự do truyền thông:

Tôi thì đơn giản tôi thấy bất công ở Việt nam nó nhiều quá, nhân quyền bị vi phạm tất cả mọi thứ khiến tôi bức xúc. Tôi bức xúc thì tôi thấy mình phải lên tiếng phản đối, bởi vì mình là người nghệ sĩ, người của công chúng, của nhân dân, mà không bày tỏ chính kiến của mình thì rất là kỳ, lương tâm tôi không cho phép. Khi đó các đài xúm lại phỏng vấn tôi thì tôi trả lời, đơn giản vậy thôi. Tới một lúc thì tôi hóa ra phương tiện truyền thông nó tuyệt vời, những việc mình làm, mình yêu ghét được ủng hộ.

Nhà báo tự do Tô Oanh đến từ Việt Nam trình bày sự vận hành của ngành truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Việt Nam. Theo đó thì một bài báo phải qua nhiều lần kiểm duyệt, các Tổng biên tập của các tờ báo phải định kỳ họp giao ban với ban tuyên giáo trung ương, và đây chính là nơi định hướng cho các bài viết phải chứa đựng nội dung như thế nào. Theo ông Tô Oanh thì các vấn đề nhạy cảm sẽ được các buổi định hướng này tránh đi.

Blogger nổi tiếng Nguyễn Tường Thụy thì nói rằng ở Việt Nam nhà nước kiểm soát truyền thông từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập hồi năm 1945 đến nay. Nhưng hiện nay thì Internet là một điều kỳ diệu giúp đỡ mọi người chống lại sự độc quyền truyền thông của nhà nước. Ông Thụy cũng cho biết là những người dấn thân hoạt động truyền thông như là blogger hay nhà báo tự do vì thách thức sự độc quyền đó của nhà nước sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, phải trả giá. Nhưng ông Thụy vẫn hy vọng là truyền thông qua Internet sẽ vẫn liên tục phát triển.

Tiếp lời ông Nguyễn Tường Thụy, ông Lê Thanh Tùng hoạt động truyền thông của dòng Chúa Cứu thế tại Việt Nam nêu ra các trường hợp những bloggers và nhà báo độc lập bạn bè ông bị bỏ tù, như các bloggers Điếu Cày và Tạ Phong Tần, ngoài ra còn bị sách nhiễu trong tù.

Đại diện các công ty cung cấp dịch vụ internet là Google và Access và trợ lý ngoại trưởng Hoa kỳ tại trụ sở đài RFA chiều 01/5/2014. RFA photo
Đại diện các công ty cung cấp dịch vụ internet là Google và Access và trợ lý ngoại trưởng Hoa kỳ tại trụ sở đài RFA chiều 01/5/2014. RFA photo (Đại diện các công ty cung cấp dịch vụ internet là Google và Access và trợ lý ngoại trưởng Hoa kỳ tại trụ sở đài RFA chiều 01/5/2014. RFA photo)

Blogger trẻ tuổi Nguyễn Đình Hà thì trình bày về nghị định 72 được chính phủ Việt Nam đưa ra hồi năm ngoái nhằm kiểm soát thông tin internet, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp thông tin về các nhà hoạt động nhân quyền trên Internet. Theo anh Nguyễn Đình Hà thì các bloggers đã thực hiện những hành động bất tuân dân sự chống lại nghị định 72 và các công ty như Google cũng có vẻ không hợp tác.

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng kết thức phần trình bày của các bloggers đến từ Việt Nam rằng do hệ thống chính trị Việt Nam dựa trên sự dối trá nên những nhà cầm quyền rất sợ sự thực. Nhưng ông hy vọng rằng nhu cầu nói lên sự thực của các công dân và nhà báo nên hệ thống truyền thông tự do sẽ vẫn phát triển và ông hy vọng Việt Nam sẽ có báo chí độc lập trong tương lai.

Những người tham gia hội thảo cũng được nghe các bloggers bị giữ lại Việt Nam, không được phép xuất cảnh, trình bày ý kiến của họ qua những đoạn video.

Tiếp nối chương trình, ông Scott Busby nói rằng ông quan ngại về nghị định 72 và các trường hợp bloggers bị giam giữ. Ông nói với các diễn giả từ Việt Nam tham dự hội thảo này khi về nước nên thiết lập và duy trì mối quan hệ với đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam để có thể góp phần bảo vệ họ không bị sách nhiễu.

Các vị đại diện cho các công ty Access và Google nói về những khả năng trợ giúp của họ cho những người sử dụng internet những vấn đề kỹ thuật. Ông Jonathan Fox cũng nhận thấy có những vụ tấn công những nhà hoạt động nhân quyền trên bằng các mã độc, hay ngăn cản tự do bằng tường lửa. Ông nói thêm là những doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong sự thúc đẩy tự do nhân quyền.

Ông Đỗ Hoàng Điềm, đại diện của tổ chức Việt Tân cũng đồng ý với việc cung cấp những giải pháp kỹ thuật để tránh các ngăn trở của nhà cầm quyền.
Ông Scott Busby cũng cho biết rằng cuối tháng năm 2014 hai chính phủ Hoa kỳ và Việt Nam lại sẽ có cuộc đối thoại về nhân quyền và ông cho biết sẽ đưa những vấn đề được nêu lên trong buổi hội thảo hôm nay cho phía Việt Nam.

Kết thúc buổi hội thảo, bà Libby Liu, Tổng giám đốc đài Á Châu tự do nói rằng bà cám ơn các bloggers đến từ Việt Nam, và nhắn lời với họ rằng họ không đơn độc trong cuộc dấn thân của họ vì tôn chỉ tự do thông tin của họ cũng là của đài Á Châu Tự Do.