Đảng cộng sản, người nắm giữ quyền lực chính trị thực sự và cao nhất ở Việt Nam, chuẩn bị tiến tới kỳ Đại Hội lần thứ 11 vào tháng giêng sang năm.
Theo tập quán, vào năm bản lề trước Đại Hội Đảng, báo chí có nhu cầu và cũng có thể là nhiệm vụ phổ biến các ý kiến xây dựng Đảng.
Những ý kiến này nhiều khi khá gay gắt xuất phát từ các giới chức về hưu hoặc giới trí thức từng nhiều năm phục vụ Đảng và Nhà nước.
Sau 35 năm Việt Nam thống nhất qui về một mối theo chế độ xã hội chủ nghĩa, đã xuất hiện nhiều ý kiến về nhu cầu bức thiết phải chấn chỉnh Đảng để tồn tại. Hiện nay tình trạng tham ô, tham nhũng lớn bé tràn lan, kinh tế tiến bộ chậm, đời sống đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng.
Những người yêu nước vẫn là một thế lực bắt mọi người 'có vấn đề' phải e dè, đại hội đảng là một dịp để thể hiện tinh thần đó.
Ô. Nguyễn Trung Dân<br/>
Thế lực những người yêu nước
Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Trung Dân, nguyên phó tổng biên tập báo Du Lịch, tờ báo từng bị đình bản một thời gian vì lỗi ‘yêu nước sớm hơn chỉ đạo’, ngay từ số báo Xuân Kỷ Sửu 2009 đã đăng những bài đề cao lòng yêu nước chống Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Dân có 15 tuổi Đảng hiện cư ngụ ở Saigon phát biểu về niềm tin đổi mới:
“Tôi tin rằng chắc chắn rồi cũng phải có thay đổi, đi lên theo hướng tiến bộ hơn. Không phải riêng mình tôi, tôi thấy cả nước đều hy vọng có thay đổi. Ở đất nước này không thể có những thay đổi đột biến, vẫn cần sự ổn định.
Ở Việt Nam không có hình thức đấu tranh nghị trường, nhưng những người yêu nước những người có lòng với đất nước vẫn hiện diện. Những người yêu nước vẫn là một thế lực bắt mọi người ‘có vấn đề’ phải e dè, đại hội đảng là một dịp để thể hiện tinh thần đó.”
Trong dịp gặp gỡ báo chí đầu Xuân Canh Dần ở Hà Nội, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý báo chí đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng đặc biệt là vấn đề chống tham nhũng.
Ông Dũng mô tả báo chí là diễn đàn của nhân dân, đừng bỏ sót ý kiến người dân đóng góp cho Đảng.
Mọi đổi mới nếu có ở Việt Nam phải bắt đầu từ Đảng Cộng Sản. Nhận định về cơ hội và nhu cầu cải cách cho Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội phát biểu:
Thực hiện công khai minh bạch, thực hiện được một nền báo chí tự do và có trách nhiệm đối với đất nứơc. Theo tôi đấy là các yêu cầu đang được đặt ra.
TS Lê Đăng Doanh<br/>
"Đạt được sự cải cách rất cơ bản, chống tham nhũng chống lãng phí, chống tiêu xài từ nguồn quĩ ngân sách, thực hiện công khai minh bạch, thực hiện được một nền báo chí tự do và có trách nhiệm đối với đất nứơc. Theo tôi đấy là các yêu cầu đang được đặt ra."
Nhiều vấn đề cần xét lại
Trong bối cảnh này, chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nguyễn Trung Dân về ý kiến xây dựng Đảng Cộng Sản mà ông là đảng viên. Ông Nguyễn Trung Dân đáp:
"Xưa nay tôi vẫn tin cái lý tưởng tôi theo là tốt đẹp, nhưng đã đến lúc phải nhìn lại cách thể hiện lý tưởng đó vào thực tế. Tôi cũng hy vọng Đảng sẽ nhìn lại từ lý luận cho đến thực tiễn và chắc chắn rằng một khi nhìn lại thì sẽ có nhiều vấn đề phải được xét lại.
Hy vọng Đảng sẽ nhìn lại từ lý luận cho đến thực tiễn và chắc chắn rằng một khi nhìn lại thì sẽ có nhiều vấn đề phải được xét lại.
Ô. Nguyễn Trung Dân<br/>
Tôi hy vọng vào điều đó nhiều hơn. Chính từ chỗ đó sẽ có nhiều thay đổi. Chứ còn ngay từ lý luận mà anh chỉ sống giả trá với nhau hết, sống giả với nhau tất cả thì còn gì là thực. Ngay từ tư tưởng mà mình còn tự giả với mình thì có cái gì là thực nữa.
Tôi tin rằng Đại Hội Đảng sắp tới sẽ có người đặt vấn đề đó ra và có người để giải quyết. Có thể chính tập thể Đảng sẽ tham gia và giải quyết chuyện đó.”
Đảng cộng sản Việt Nam đã có lần đổi mới quan trọng nhất tại Đại Hội Đảng lần thứ 6 cuối năm 1986. Thời điểm đó trước sự suy sụp của nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, Đảng Cộng Sản đã chấp thuận việc chuyển đổi để tiến tới nền kinh tế thị trường nhưng theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, sự định hướng này đã là tiền đề cho nhiều tranh cãi trong suốt hai thập niên vừa qua.