Hiệp ước đối tác xuyên thái bình dương và quyền người lao động

Việc Việt Nam đang đàm phán gia nhập vào Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngoài nhiều vấn đề như tự do thương mại, sở hữu trí tuệ, hạn chế khu vực doanh nghiệp Nhà nước… thì vấn đề bảo vệ quyền người lao động

một trong những quyền cơ bản của người dân đang được xem là nút thắt và gây trở ngại cho Việt Nam trên đường gia nhập vào tổ chức đa phương này. Để có thêm thông tin về vấn đề này, Vũ Hoàng thực hiện cuộc trao đổi với T.S Scott Flipse, Phó giám đốc Nghiên cứu và Chính sách thuộc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.

Dân chủ và nhân quyền trong hiệp ước TPP

Tính cho đến hôm 18/5 vừa qua, TPP đã đi qua 12 vòng đàm phán chính thức và nhiều đàm phán giữa kỳ tại Dallas, Hoa Kỳ. Ở mỗi vòng đàm phán, các quốc gia tham dự đều có những thoả thuận trên nhiều lĩnh vực, để sao cho vừa phù hợp với thực trạng của quốc gia mình lại vừa tuân thủ mục tiêu chung của Hiệp ước đa phương này.

TPP là một thoả hiệp thương mại tự do, tính cho đến thời điểm hiện nay, TPP bao gồm 9 nước hai bên bờ Thái Bình Dương bao gồm: Australia, New Zealand, Brunei, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Peru, Chile và Hoa Kỳ. Trong Hiệp định này, các lĩnh vực được tập trung đàm phán là bảo vệ sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hoá, chính sách cạnh tranh, bảo vệ quyền lao động, hạn chế khu vực doanh nghiệp Nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng tiếp cận thị trường cũng như bảo đảm tự do công nghệ thông tin.

Đối với Việt Nam, ngoài khúc mắc trong chuyện cải tổ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thì vấn đề bảo vệ quyền của người lao động, Việt Nam cũng vẫn còn vấp phải những bất đồng.

Bởi theo Nghị định 38 của Chính phủ VN, tụ tập từ năm người trở lên đều phải xin phép chính quyền địa phương, người lao động không có quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hiện tại, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức công đoàn duy nhất của Chính phủ và công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Theo luật, bất cứ một cuộc đình công nào đều phải có sự chấp thuận của Tổng liên đoàn lao động, vì thế các cuộc đình công tại Việt Nam được xem là bất hợp pháp. Mặc dù, hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng có đề xuất xây dựng Luật Biểu Tình và giao cho Bộ Công an soạn thảo, nhưng trong phiên họp tổ diễn ra chiều 28/5 vừa qua của Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 thì đã có một số ý kiến không đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013.

Dường như đối với Việt Nam thì nhân quyền không phải là ưu tiên hàng đầu như những mối quan tâm khác, chẳng hạn kinh tế và an ninh. Nhưng với quan điểm của riêng cá nhân tôi thì, trong chính sách ngoại giao nhân quyền mới, nhân quyền cần phải được xem xét khác đi...

TS.Scott Flipse

Tuy rằng không phải là một hiệp ước song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ -- một đối tác quan trọng trong TPP tỏ ra vẫn còn nhiều quan ngại về quyền của người lao động tại Việt Nam. Trong phần trao đổi sau đây với ông Scott Flipse, quý vị sẽ được nghe những ý kiến mang tính cách cá nhân của một vị đã từng có nhiều kinh nghiệm về vấn đề tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Trước hết, ông đưa ra một cái nhìn tổng quan trong việc đàm phán về nhân quyền:

Dường như đối với Việt Nam thì nhân quyền không phải là ưu tiên hàng đầu như những mối quan tâm khác, chẳng hạn kinh tế và an ninh. Nhưng với quan điểm của riêng cá nhân tôi thì, trong chính sách ngoại giao nhân quyền mới, nhân quyền cần phải được xem xét khác đi, nghĩa là phải nâng tầm của nhân quyền một cách phù hợp ngang bằng với các lợi ích khác chẳng hạn như: kinh tế, an ninh, nông nghiệp, môi trường…Vì vậy, đối với những người đàm phán trong các lĩnh vực thương mại như TPP hay GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ quát) thì vấn đề nhân quyền cần phải được xem xét một cách thích hợp.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vậy thì vấn đề quyền của người lao động hay vai trò của các nghiệp đoàn sẽ có vai trò hay ảnh hưởng ra sao trong quá trình đàm phán đa phương và song phương với Hoa Kỳ?

Scott Flipse: Tôi xin được nhắc lại, những gì mà tôi trình bày tiếp đây là của cá nhân tôi, người muốn thúc đẩy quyền tự do tại Việt Nam chứ không phải của Uỷ ban Tự do Tôn giáo. Quyền của công nhân phải được Hoa Kỳ đàm phán như một phần trong thương mại tự do hay trong các lợi ích kinh tế với Việt Nam.

Chẳng hạn, như trong GSP đã nêu lên rất rõ ràng, quyền của người lao động sẽ là tự do lập hội và Hoa Kỳ sẽ không tính đến những quốc gia nếu họ vi phạm quyền lao động, không có nghiệp đoàn độc lập, không có quyền tự do lập hội. Những quốc gia vi phạm điều này sẽ không thể có được GSP với Hoa Kỳ, do đó, tôi cho rằng, Hoa Kỳ không nên có những bước tiếp theo, hay thậm chí là không nên tiếp tục đàm phán về GSP, cho đến khi quyền tự do lập hội được phép thành lập ở các quốc gia đó.

...Chẳng hạn, như trong GSP đã nêu lên rất rõ ràng, quyền của người lao động sẽ là tự do lập hội và Hoa Kỳ sẽ không tính đến những quốc gia nếu họ vi phạm quyền lao động, không có nghiệp đoàn độc lập, không có quyền tự do lập hội. Những quốc gia vi phạm điều này sẽ không thể có được GSP với Hoa Kỳ,

TS.Scott Flipse

Vũ Hoàng: Những gì mà ông vừa trình bày là dưới góc độ song phương, thế còn dưới góc độ đa phương như trong TPP thì vấn đề quyền của người lao động sẽ đóng vai trò ra sao, thưa ông?

Scott Flipse: Tôi hi vọng và nghĩ rằng điều này đang diễn ra, là các thành viên trong TPP sẽ có một số quyền nhất định như tự do internet, tự do lập hội, và đây cũng là mục tiêu chung của TPP mà Việt Nam đang muốn gia nhập vào Hiệp ước này. Tôi nghĩ các quyền tự do này sẽ là những yêu cầu được mang ra khi đàm phán với Việt Nam, vì xét cho đến cùng thì tất cả chúng ta đều muốn có thêm nhiều quyền hạn và tự do hơn tại Việt Nam. Nhưng câu hỏi là làm sao để có thể đạt được điều đó. Chỉ cho đến khi Việt Nam hiểu rằng lợi ích về nhân quyền họ có được là từ những lợi ích của thương mại, kinh tế, an ninh, nông nghiệp và môi trường… và đàm phán những lợi ích này là dựa trên nguyên tắc song phương. Tôi nghĩ là trong dài hạn, tại Việt Nam, người công nhân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn chẳng hạn như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam chưa thấy điều đó, nhưng về lâu về dài, những quyền tự do đó sẽ diễn ra, mà Việt Nam không thể ngăn cản được.

Vũ Hoàng: Nhân nói về nhân quyền thì tôi có nhớ là bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ có đề cập là với một nền kinh tế thị trường phát triển thì chắc chắn các vấn đề về nhân quyền cũng phải phát triển theo cho phù hợp. Vậy trong trường hợp của Việt Nam, ông đánh giá ra sao về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và vấn đề nhân quyền?

...Điều quan trọng mà bà Ngoại trưởng Hilary Clinton phát biểu tại Hawaii cách đây khá lâu rồi là sẽ không có đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nếu như vấn đề nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện...Thượng nghị sĩ McCain từng nhấn mạnh đến chuyện sẽ không thể có chuyện hợp tác quân sự với Việt Nam nếu nhân quyền tại đây không có tiến triển.

TS.Scott Flipse

Scott Flipse: Điều quan trọng mà bà Ngoại trưởng Hilary Clinton phát biểu tại Hawaii cách đây khá lâu rồi là sẽ không có đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nếu như vấn đề nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện. Cũng xin nhắc lại cả chuyện Thượng nghị sĩ McCain từng nhấn mạnh đến chuyện sẽ không thể có chuyện hợp tác quân sự với Việt Nam nếu nhân quyền tại đây không có tiến triển. Chúng ta thấy những lời tuyên bố này đếu xuất phát từ những nhân vật cao cấp trong chính quyền hiện tại. Vậy thì giờ đây điều cần làm là làm sao có thể nối liền những ưu tiên của an ninh với những ưu tiên của nhân quyền và biến chúng thành hiện thực.

Điều tôi nghĩ quan trọng nhất ở đây là khi nói đến Việt Nam chúng ta phải phân biệt giữa giới lãnh đạo Việt Nam và người dân Việt Nam. Trước mắt, chúng ta vẫn phải làm việc và hợp tác với giới lãnh đạo Việt Nam. Thế nhưng trong dài hạn, chính sách của Hoa Kỳ sẽ là hợp tác với những ai tạo ra quyền tự do, mà trong đó có đến hơn 60% dân số của Việt Nam là người trẻ tuổi dưới 35. Xin được nhắc thêm ở đây, về những quyền tự do cơ bản, chính sách của Hoa Kỳ cũng sẽ là đứng về phía những ai muốn thúc đẩy tự do diễn ra một cách ôn hoà.

Vũ Hoàng: Cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Thưa quí vị, một lần nữa xin được nhắc lại, TPP là hiệp ước đa phương của 9 thành viên tham gia đàm phán, trong khi GSP là Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ quát song phương được đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặc dù, trên cả 2 bình diện song phương và đa phương, nhưng vấn đề về nhân quyền mà cụ thể ở đây là quyền của người lao động trong các vấn đề như lập hội, biểu tình…đều là những nội dung đang được đàm phán.