Ngày 11 tháng 11, 2017 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương đã đặt bút ký thành lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hay còn gọi là TPP 11, nhưng không bao gồm Trung Quốc nền kinh tế lớn nhất khu vực và lớn thứ hai thế giới.
Sau đây là bình luận của một số nhà quan sát trong và ngoài nước về tầm quan trọng của TPP 11 đối với Việt Nam, dù không có Hoa Kỳ.
Lợi ích kinh tế thương mại
Truyền thông trong và ngoài nước đưa tin là mặc dù TPP 11 đã được thỏa thuận nhưng có 20 vấn đề được giữ lại để bàn luận trong kỳ họp tới của 11 quốc gia thành viên, có liên quan đến các lĩnh vực viễn thông, cấp giấy phép đầu tư, khiếu kiện về lao động, sở hữu trí tuệ,…
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên là thành viên Ban cố vấn chính phủ thời Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng đó không phải là vấn đề lớn:
"Tôi đánh giá 20 điểm còn lại ấy có thể khắc phục được. Và Việt Nam chủ động mời để đàm phán vào tháng Hai, 2018 sắp tới. Những vấn đề đó là những vấn đề đã được đưa ra thảo luận và đã được ký kết ở TPP 12 rồi, bây giờ cần phải sửa lại cho nó thích hợp."
TPP thành công và do Nhật chủ đạo sẽ là một đối trọng đối với Trung Quốc.<br/>-Giáo sư Trần Văn Thọ.
Như vậy sẽ có lần họp thứ ba liên tục về TPP 11 được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ cuộc họp tháng Năm, 2017 ở Hà Nội. Giải thích sự tích cực của Việt Nam trong việc tạo dựng lại TPP với 11 quốc gia, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tiếp lời:
“Việt Nam muốn ký cái TPP vì lợi ích chiến lược của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam muốn đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Vì Việt Nam muốn tránh không phụ thuộc vào một nền kinh tế rất lớn, lại ở bên cạnh mình. Nếu như phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế, thì có lẽ cũng khó giữ độc lập về chính trị.”
Ông giải thích thêm là trong các quốc gia tham gia TPP 11, cơ cấu kinh tế của Việt Nam không cạnh tranh với quốc gia nào cả, mà nền kinh tế Việt Nam và của các quốc gia đó bổ sung cho nhau, đặc biệt là với Nhật Bản. Ông lấy ví dụ là các mặt hàng nông hải sản của Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều vào Nhật Bản, trong khi Nhật có thể xuất khẩu những sản phẩm kỹ nghệ cao vào Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thì trong bảy tháng đầu năm 2017, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản là lớn nhất so với các thị trường vùng châu Á Thái Bình Dương, trừ Mỹ và Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á, cho chúng tôi biết ý kiến là sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì Nhật sẽ là nền kinh tế lớn nhất của khối này, và việc thực hiện được TPP 11 sẽ giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản.
Những mối lợi của Việt Nam về kinh tế và thương mại khi tham gia TPP 11 mặc dù không có Mỹ, cũng được Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh nói với báo chí sau khi TPP 11 được ký vào hôm 11/11/2017. Ông nói rằng TPP có Mỹ, những lợi ích rất lớn về thương mại, kinh tế, đầu tư, dịch vụ... đều có thể đong đếm được. Nhưng không có nghĩa khi không có Mỹ, CPTPP (TPP 11) không còn ý nghĩa với Việt Nam vì vẫn còn các thị trường các quốc gia thành viên khác. Mặc dù mức độ và quy mô khác nhau nhưng Việt Nam có lợi ích cụ thể trong tạo thuận lợi thương mại, để các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của ta tiếp cận các thị trường lớn như Canada, Mexico, Úc, New Zealand…
Chiến lược địa chính trị
Song song với các mối lợi về kinh tế và thương mại, còn có một mối quan tâm bậc nhất của 11 quốc gia thành viên TPP 11 là vấn đề chiến lược trên bàn cờ thế giới, mối quan tâm này là đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản. Tiến sĩ kinh tế Trần Văn Thọ, sống và làm việc ở Nhật, và hiện là thành viên ban cố vấn Chính phủ Việt Nam, cho chúng tôi biết nhận định của ông qua một email:
TPP thành công và do Nhật chủ đạo sẽ là một đối trọng đối với Trung Quốc, một nước có nhiều tham vọng chi phối kinh tế khu vực Á châu và thế giới qua Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á, Dự án kinh tế Một vành đai, một con đường ,...
Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á do Trung Quốc thành lập vào năm 2016, được cho là nhằm cạnh tranh với định chế tài chính Ngân hàng phát triển Á châu mà Nhật có ảnh hưởng lớn. Dự án Một vành đai, một con đường đầy tham vọng được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh công bố vào năm 2013, có mục đích kết nối Trung Quốc bằng đường bộ sang châu Âu, và bằng đường hàng hải xuống Đông Nam Á, nối với Nam Á, vùng Trung Đông và châu Phi.
TPP không hoàn toàn thuần túy là thương mại, cũng không phải thuần túy kinh tế, mà đây là một bước đi có tính địa chiến lược.<br/>-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ năm 2013, và điều này, theo một tác giả ở Học viện hải quân Mỹ ở California, gây bất lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền.
Tương tự như vậy theo một ghi nhận của tờ Star của Malaysia thì Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại, và nhà đầu tư lớn nhất tại phần lớn các quốc gia Đông Nam Á.
Bình luận ý kiến của Giáo sư Trần Văn Thọ, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
"Tôi hoàn toàn đồng ý, bởi vì TPP không hoàn toàn thuần túy là thương mại, cũng không phải thuần túy kinh tế, mà đây là một bước đi có tính địa chiến lược, để tập hợp các nền kinh tế, để tạo thành một liên kết kinh tế trong khi Trung Quốc đang lớn mạnh, đang có những tham vọng, đang muốn áp đặt ý chí của mình cho các nước khác."
Trong một lần trao đổi với chúng tôi về quan hệ Việt Nhật liên quan tới xung đột ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Việt Nam và Nhật Bản là các đồng minh tự nhiên vì nếu Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, ngoài chuyện xâm lấn quyền lợi của Việt Nam, Trung Quốc sẽ chặn yết hầu giao thương cho hàng hóa và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Nhật Bản.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Chiến lược quốc tế có trụ sở tại Mỹ, có đến 30% vận tải đường biển của thế giới là qua ngã biển Đông, liên quan nhiều đến nền kinh tế của các quốc gia trong TPP 11, nhất là Nhật Bản, Úc, Malaysia, và Việt Nam.