Thông tin về khả năng giảm mạnh thị phần cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì mức thuế mới ảnh hưởng lập tức tới nông dân.
Niềm hy vọng đang lung lay
Việt Nam dự kiến kim ngạch cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2013 khoảng 300 triệu USD, niềm hy vọng này đang lung lay nếu như chưa muốn nói là sụp đổ.
Ngày 14/3 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt mức thuế chống phá giá mới tăng 25 lần đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, sự kiện mà báo chí Việt Nam gọi là “Cú đánh úp” ngày 14/3.
Đây là kết quả sau cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011, thuộc vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ từ hơn chục năm qua. Thị trường cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long vốn đã chao đảo từ 2 năm qua, đa số nông dân bán cá dưới giá thành nay lại bị thêm ảnh hưởng tức thời vì tin xấu. Một nông dân nuôi Cá Tra ở Cần Thơ phát biểu:
“Ảnh hưởng ngay, chưa có gì hết trơn mà giá đã sụt bên đây coi như điêu đứng rồi. Mấy tháng nay cá mới hơi nhích lên chút xíu được 21.000-22.000 đ/kg thì bữa nay sụt còn 20.500. Tụi tôi bây giờ coi như hết biết phải nói làm sao đây.”
Họ đang bị chấn động tâm lý rất lớn, không biết sắp tới đây doanh nghiệp sẽ mua cá với giá như thế nào. <br/> TS Võ Hùng Dũng
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Võ Hùng Dũng Giám đốc Phòng Thuơng mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, phát biểu với tư cách cá nhân:
“Ngày hôm nay tôi làm việc với giới nông dân thì rõ ràng giá cá sụt trong mấy ngày qua và họ tỏ ra tâm lý rất hoang mang. Nhiều người gọi điện hỏi tôi nên có lời khuyên như thế nào. Rõ ràng họ đang bị chấn động tâm lý rất lớn, không biết sắp tới đây doanh nghiệp sẽ mua cá với giá như thế nào. Theo tôi biết hôm nay có nhiều doanh nghiệp giảm giá cá, có một số doanh nghiệp trước đây ký hợp đồng như thế nào thì bây giờ giữ. Nhưng tâm lý chung có lẽ các doanh nghiệp sẽ giảm và thực tế nông dân cũng đang căng thẳng về việc này.”
Chưa công nhận VN có kinh tế thị trường
Tin ghi nhận, việc thay đổi mức thuế chống bán phá giá cá tra trái ngược với mức thuế sơ bộ rất thấp hoặc bằng 0 công bố ngày 12/9/2012, là do Bộ Thương mại Hoa Kỳ bất ngờ chọn nước thứ ba để so sánh là Indonesia thay vì trước kia là Bangladesh. Sở dĩ phải chọn một nước thứ ba để tính giá thành, giá bán để so sánh, thay vì điều tra ngay tại Việt Nam là vì Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Theo TS Võ Hùng Dũng, trước hết về vụ này thì đối với doanh nghiệp liên quan họ có hệ thống của họ và họ làm việc với luật sư để xử lý. Ngoài ra Hiệp hội VASEP nói là sẽ áp dụng thủ tục pháp lý để phản đối và có thể tiến tới khả năng kiện phía Mỹ ra Tòa án Thương mại Quốc tế. TS Võ Hùng Dũng nhấn mạnh:
“Vấn đề lớn nhất là cải thiện như thế nào để tiến tới mối quan hệ công nhận một nền kinh tế thị trường để giảm bớt những khó khăn, đó là bình diện vĩ mô của chính phủ với chính phủ. Còn bình diện các doanh nghiệp thì tôi nghĩ là cấu trúc phải đa dạng hơn để giảm bớt sự lệ thuộc vào một thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU. Thứ hai, sổ sách kế toán của doanh nghiệp cần được kiện toàn. Thứ ba nữa đối chiếu của bên Indonesia để xem sao, hay đối chiếu của những quốc gia chọn làm so sánh, để xem những yếu tố cấu thành chi phí, giá thành của họ ra sao để mà giải quyết những vấn đề này. Về lâu dài tôi cũng mong muốn là hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đi đến chỗ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Những nỗ lực như vậy để cho hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh và không bị những vụ kiện tụng như thế này.”
Năm 2012 là năm xuất khẩu cá tra suy giảm nhưng tổng kim ngạch mặt hàng này cũng đạt 1,7 tỷ USD trong đó hai thị trường EU và Hoa Kỳ chiếm lĩnh 70%. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa cá tra xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, chỉ chưa đầy 6.000 ha mặt nước nhưng người nuôi cá đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn cá tra mỗi năm.
Tuy vậy con cá tra từng biến nhiều nông dân thành đại gia với nhà lầu ô tô thì cũng đã làm nhiều nông dân phải bỏ xứ trốn nợ. Bên cạnh đó cũng không ít doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phá sản ngập trong nợ.