Ngoài xã hội, người phụ nữ hiện diện trong nhiều lãnh vực, đảm trách những việc lớn lao ở mọi ngành nghề. Các thành phần trí thức như luật sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà văn, nhà báo cũng không thiếu những phụ nữ đa tài. Và trong guồng máy chính quyền, các cơ quan dân cử cũng có quý bà tham gia. Tóm lại đâu đâu cũng có bóng dáng người phụ nữ, đôi khi lại còn giữ những vai trò quan trọng hơn cả phái nam.
Nghề hiếm phụ nữ tham gia
Thế mà có một nghề kể ra cũng chẳng cao quí gì mấy, vậy mà thiên hạ, người đời lại không tin phụ nữ làm được, đó là nghề thầy tuồng, tức soạn giả cải lương.
Tại sao vậy chớ? Cái nghề ấy có khó khăn lắm đâu! Biết rằng nghề thầy tuồng rất hiếm phụ nữ tham gia, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng đã xuất hiện từ lâu trong làng ca kịch. Chỉ có cái là thiên hạ đã không tin, nói rằng “thằng cha” nào đó viết, muốn lấy điểm với người nữ, nên viết rồi để cho mấy bả đứng tên, chớ đàn bà con gái làm gì viết được tuồng cải lương (?).
Trong buổi nói chuyện này tôi nêu lên những nữ soạn giả, từng có những vở hát đề tên mình, được trình diễn trên sân khấu trong nhiều thập niên qua. Cũng đồng nêu lên những lý luận, dẫn giải của thiên hạ, nhằm phủ nhận vai trò thầy tuồng của các bà các cô.
Trước hết xin nói về cô giáo Hường với vở tuồng “Ngốc Tử Cởi Củi” ra đời thời thập niên 1930 – 1940. Từ cái thuở cải lương hát tuồng ta như: Nguyệt Nga Cống Hồ, Kim Vân Kiều, Lưu Bình – Dương Lễ. Kế đến diễn tuồng Tây (loại tình cảm xã hội kim thời), rồi chuyển sang tuồng Tàu, thì người ta thấy trên sân khấu Văn Hí Ban, trình diễn một vở hát thần thoại Trung Hoa mang tên là “Ngốc Tử Cởi Củi” hoặc Lý Chơn Tâm anh hùng cởi củi cũng thế, của một nữ soạn giả – cô giáo Hường. Thời ấy không ai tìm biết ông, bà thầy tuồng mà làm gì, chỉ cần khen tuồng hay mà thôi.
Nếu như có ai đó tọc mạch nhìn kỹ vào chương trình, thấy tên nữ soạn giả thì ai nấy cũng đều bụm miệng cười! Từ chỗ không tin là đàn bà viết tuồng được, đi đến chỗ người ta phải dị nghị rằng, bởi ông Đào Châu (lúc bấy giờ là thầy tuồng cột trụ của đoàn) muốn chọc tức khán giả chơi, nên mới bày trò đề tên cô giáo tưởng tượng nào đó, chớ đánh cá mười ăn một thì “Ngốc Tử Cởi Củi” cũng vẫn là do Đào Châu viết. Không nghe ông Đào Châu tranh cãi gì với ai, và cũng chẳng thấy cô giáo Hường bằng xương bằng thịt xuất hiện tại đoàn hát thầy Mười Vui bao giờ, nên không còn ai thắc mắc chi nữa. Tuy nhiên, thấy trên giấy trắng mực đen như thế, thì chúng ta phải kể cô giáo Hường là nữ soạn giả đầu tiên của nền ca kịch xứ này vậy.
Đến nghệ sĩ Bảy Nam với nhiều vở hát tung ra, diễn trên sân khấu lớn, và người ta không còn lạ gì nữa, do bởi tên tuổi Bảy Nam quá quen thuộc với khán giả cải lương thời bấy giờ. Cô Bảy hát hay và với tuồng Tàu, được coi như nữ nghệ sĩ có lối múa sang trọng nhứt. Về trình độ văn hóa thì nghệ sĩ Bảy Nam đã viết được hồi ký, đoản văn đăng báo rất nhiều. Cho nên trong nghề hát, người ta cũng đã thấy có nhiều vở hát mang tên Bảy Nam mà soạn phẩm đáng ghi nhớ nhứt phải nói là Phấn Hậu Cung, do cô viết để đưa Kim Cương lên sân khấu lần đầu tiên.
Vào thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, khi có cuộc thi đua sáng tác văn nghệ toàn quốc, thúc bách Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu phải đưa ra những soạn phẩm mới, để tham dự trong một thời gian rất ngắn, cũng chính cô Bảy Nam lãnh trách nhiệm viết ngay vở “Mắng Việt Gian” trao cho Hội gởi dự thi. Tiếc vì vở này Ngô Triều gạt bỏ, nên cô Bảy không đoạt được giải gì trong cuộc thi đua đó. Cuộc thi này soạn giả Điêu Huyền trúng giải vở tuồng “Chén Cháo Chí Linh”. Nhưng sau đó gặp rắc rối bất ngờ, khiến soạn giả nhà ta lên ruột. Vấn đề tôi sẽ trình bày ở các kỳ phát thanh sau.
Trong làng thì ai cũng phải công nhận là cô Bảy Nam viết được cả, nhưng ngoài ngõ, có mấy tay xấu mồm bảo rằng tuồng của cô Bảy Nam đều do anh chàng Duy Lân viết cả. Mà lại còn cả quyết rằng những vở hát ấy được viết ra từ hồi có đoàn Nam – Lân, nghĩa là lúc cô Bảy còn là bạn đầu ấp tay gối với soạn giả Duy Lân. Thế mới ác, cái miệng con người! Dầu gì thì trong làng ca kịch vẫn coi cô Bảy Nam là nữ soạn giả thứ hai.
Rồi tới cô Nguyệt, cũng có tên là Nhị Kiều, soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Cô Nguyệt đây không phải là tên ấm ớ như cô giáo Hường để bị nghi ngờ, mà đó là vợ đương thời của nghệ sĩ Tám Vân, tên thật là Hoàng Trúc Mai. Cô Nguyệt có viết lách gì được không thì không ai biết. Thế nhưng, đã có hơn mười vở hát trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga, cô Nguyệt có đứng tên bên cạnh nào là Nguyễn Phương, Tuấn Khanh, Phương Ngọc, Yên Ba, Nguyễn Đạt, Hoàng Lan. Rồi thì ai cũng bảo là cô Nguyệt đúng là nữ soạn giả thời đại. Ngược lại cũng có người phanh phui ra rằng cô Nguyệt chả có viết lách gì được đâu. Vở hát nào có cô đứng tên bên cạnh một người khác, thì đích thị người đứng chung tên với cô đó mới là soạn giả. Còn cái việc “cô Nguyệt hợp soạn” chứng minh rằng soạn phẩm của ai đó, được Tám Vân nhuận sắc lại và kèm tên vợ vào để dễ bề ăn nói trong việc chia chát tiền bản quyền vậy thôi. Điều này nghe có phần hữu lý, bởi vì có ai thấy lần nào cô Nguyệt viết được một bài báo như cô Bảy Nam đâu!
Người ta cũng không quên cô Lệ Liễu, cô này quả tình là viết được, mà viết rất nhiều bài, hoặc liên ca diễn khúc để diễn trên đài phát thanh. Lại còn làm thơ (đăng tạp chí Phổ Thông), viết tùy bút, hồi ký lung tung. Có dạo Lệ Liễu hứng chí, viết cho Thanh Minh – Thanh Nga vở tuồng dã sử tranh đấu mang nhan đề là “Theo Chơn Nguyễn Thái Học”. Vở hát nội dung đúng đắn, hềm vì kỹ thuật yếu kém, không ăn khách, khiến người ta dễ quên đi sau đó. Lại khi nhắc tới vở “Theo Chơn Nguyễn Thái Học” thì có kẻ bảo rằng, có thằng kỷ sư nào đó viết trao cho Lệ Liễu làm bài ca, chớ sức mấy mà Lệ Liễu viết tuồng? Kể cũng tội cho phái nữ. Viết bài ca, viết hồi ký, làm thơ thì ai cũng công nhận, nhưng nhảy qua viết tuồng cải lương thì có người nghi ngờ.
Còn Thanh Nga thì sao? Thanh Nga có vở hát đầu tay là “Căn Nhà Ma”. Đào kép xầm xì liền rằng đó là tuồng của Lưu Thủy, nhờ Thanh Nga đứng tên cho oai. Rồi cô còn viết thêm vở “Cổn Long Vương”. Có người lại nói đó là tuồng của một soạn giả già, giao qua tay Tám Vân để bán rẻ cho Thanh Nga.
Trong lúc mọi người đang thắc mắc nghi ngờ việc Thanh Nga làm soạn giả, thì có ai đó hỏi Thành Được vấn đề, thì anh kép này xác nhận là chính Thanh Nga viết chớ chẳng phải ai hết. Thế nhưng, lại có người phản bác nói rằng Thành Được đang si mê Thanh Nga, đang mong làm chủ con tim người đẹp thì làm sao dám nói khác hơn, sẽ bị rơi đài tức thời. Tóm lại chuyện Thanh Nga làm soạn giả, có kẻ tin người không.
Thanh Nga có viết tuồng được không? Trời mà biết. Nhưng thỉnh thoảng thấy Thanh Nga có làm thơ đăng trong các giai phẩm của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Có đứa lại rỉ tai nhà báo: Đó là thơ của Trần Đình (thi sĩ Trần Đình là người phụ trách giai phẩm kỷ yếu hằng năm của gánh Thanh Minh Thanh Nga).
Không biết vì sao mà trong văn học, người ta chỉ không tin giới nữ duy nhứt là soạn tuồng cải lương. Chớ còn mọi lãnh vực khác thì chẳng thấy ai thắc mắc nghi ngờ. Chẳng hạn như bà Tùng Long với nhiều tác phẩm tiểu thuyết đăng báo, ra sách, chẳng một ai nói là không phải của bà. Còn như tác phẩm “Vòng Tay Học Trò” khá nổi tiếng, từng chấn động trong văn giới một dạo, đâu có ai nói không phải của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng. Chắc chỉ có cải lương là lắm chuyện như vậy thôi!
Đó là chuyện của thời kỳ trước 1975, chớ sau này ở trong nước nghe nói có những nữ soạn giả xuất hiện, viết kịch bản cho các nghệ sĩ hát trên sân khấu, trên truyền hình, mà chưa nghe ai nói là có người đàn ông con trai nào đó viết thay cho.
Tôn Tẩn mang giày thể thao Adidas
Do chuyện bầu gánh hát thuộc dạng bầu tèo, bớt xén lương nghệ sĩ mà xảy ra câu chuyện hát xướng phục trang quái đản sau đây. Khoảng năm 1986, có một đoàn cải lương thuộc miền Đông Nam Bộ, về diễn ở một huyện tỉnh Long An. Hôm ấy đoàn diễn vở “Tôn Tẩn Giả Điên”, là vở tuồng ăn khách nhiều nơi, nên về đây khán giả đầy rạp.
Do bị bớt xén lương nhiều lần liên tiếp, nên anh kép chánh của đoàn đã nghĩ cách “hạ” lại ông bầu một vố. Lớp Tôn Tẩn hạ sơn, anh kép chánh trong vai Tôn Tẩn mặc áo xường xám, mang giày thể thao Adidas, đầu đội nón bêrê đen (kiểu nón binh chủng thiết giáp của quân đội VNCH), tay cầm baton bước ra sân khấu. Khán giả tưởng đâu đoàn phụ diễn trích đoạn xen kẽ với tuồng hát chính, nên vẫn im lặng chờ thưởng thức. Nhưng sau đó thấy Tôn Tẩn cứ
nói xàm, hết chọc ghẹo đào chánh, đến hề rồi cả kép độc, quân sĩ... mà chẳng chịu ca câu vọng cổ nào nên mới phản ứng dữ dội.
Anh kép chính này được trời phú cho hơi ca dài, nên khán giả rất thích anh ca vọng cổ. Ông bầu hay tin chạy như bay vào sân khấu kêu đóng màn ngay. Một cuộc mặc cả lương giữa kép chánh và bầu gánh diễn ra chớp nhoáng, phần thắng nghiêng về phía anh kép chánh. Vở diễn được tiếp tục. Tôn Tẩn đã được phục trang đúng với vai diễn, và anh kép chánh hăng hái hát hàng loạt câu vọng cổ dài hơi, làm hài lòng khán giả hôm bữa đó.