Hồi ký của Trần Trọng Kim được xuất bản rồi dừng lại

0:00 / 0:00

Ngày 26 tháng sáu, năm 2017, báo chí Việt Nam đưa tin quyền hồi ký Một Cơn Gió Bụi của nhà sử học Trần Trọng Kim, được công ty cổ phần văn hóa Phương Nam ấn hành, nhưng bị thu hồi. Lý do chính được Cục xuất bản đưa ra là nội dung không phù hợp.

Cho xuất bản rồi dừng lại, hoặc thu hồi

Hồi ký Một Cơn Gió Bụi của nhà sử học Trần Trọng Kim ra đời vào năm 1949, mô tả những diễn biến thời cuộc, chính trị tại Việt Nam diễn ra từ năm 1940 đến năm 1948. Trong giai đoạn này ông có đảm nhận chức vị Thủ tướng vào năm 1945, trước khi chính phủ của ông do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu thoái vị, nhường quyền lực lại cho mặt trận Việt Minh do đảng cộng sản lãnh đạo sau cuộc cách mạng tháng tám.

Chính phủ của ông Trần Trọng Kim bị các nhà sử học của nhà nước Việt Nam xem là một chính phủ do Nhật Bản dựng lên khi họ chiếm đóng Đông Dương trong giai đoạn thế chiến thứ hai.

Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán, ông lưu lạc sang Singapore, Hồng Kong, rồi Phnom Penh, trở về Việt Nam và mất tại Đà Lạt vào năm 1953.

Hồi ký Một Cơn Gió Bụi gồm 11 chương trong đó có 3 chương có đề cập đến những người cộng sản và đảng cộng sản.

Theo ý tôi thì họ không đọc... Cũng chẳng loại trừ trường hợp các nhà sách họ tố lẫn nhau. <br/> - Nhà báo Đoan Trang

Trong chương thứ tư, ông Trần Trọng Kim kể lại cuộc tiếp xúc với một người cộng sản sau năm 1945, người này nói với ông rằng với phương cách đấu tranh giành độc lập của đảng cộng sản thì dù có hại cũng không sao, miễn là cuối cùng đi đến thắng lợi, dù có chết đến 9 phần 10 người Việt Nam.

Trong chương thứ sáu, ông Trần Trọng Kim mô tả cuộc tổng tuyển cử do mặt trận Việt Minh, mà nòng cốt là đảng cộng sản tổ chức. Ông gọi đây là một cuộc bầu cử kỳ cục, khi các nhân viên Việt Minh đứng ở các phòng phiếu dọa nạt người dân, bắt người dân phải bầu cho họ.

Trong chương thứ bảy, ông mô tả chủ nghĩa cộng sản giống như là một tôn giáo, mà những người đi theo nó không cần phải suy nghĩ mà phải tuân lệnh.

Với nội dung này, khi quyển sách được công ty cổ phần sách Phương Nam ấn hành, nhiều người đã ngạc nhiên. Nhà báo Đoan Trang, hiện sống ở Hà Nội, người từng tham gia việc xuất bản sách nói với chúng tôi về những người cấp giấy phép xuất bản cho quyển sách này:

"Theo ý tôi thì họ không đọc. Tôi biết chuyện này vì khoảng năm 2007-2008, tôi cũng có làm sách. Thì những người duyệt họ không đọc, nhất là những quyển sách dày, chẳng hạn như quyển Nền dân trị Mỹ. Hầu hết các trường hợp là có ai đấy tố. Cũng chẳng loại trừ trường hợp các nhà sách họ tố lẫn nhau. Có điều tôi lấy làm lạ là quyển Một Cơn Gió Bụi này rất nổi tiếng, vậy mà họ cũng không đọc, thế mới lạ."

Dịch giả Phạm Nguyên Trường, hiện sống tại Vũng Tàu cũng đồng ý với nhà báo Đoan Trang, ông lấy ví dụ một quyển sách viết về các món ngon ở Hà Nội do nhà văn Vũ Bằng, đã được xuất bản để chứng minh. Nhà văn Vũ Bằng là một người di cư từ bắc vào nam sau khi những người cộng sản nắm quyền tại Hà Nội vào năm 1954:

"Cái câu của ông Vũ Bằng viết là tôi mong bao giờ miền Bắc được giải phóng khỏi chế độ cộng sản, vậy mà cũng được in. Nhưng mà trong câu chuyện của cụ Trần Trọng Kim, nếu có chuyện gì thì cũng chỉ có cái câu là chúng ta bị bọn du côn nó lừa. Nếu cắt câu ấy đi thì theo mình nó cũng chẳng có vấn đề gì."

Câu nói trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi mà ông Phạm Nguyên Trường đề cập là của cựu hoàng Bảo Đại, nói với tác giả tại Hồng Kong vào năm 1947, sau khi ông bị những người cộng sản đưa ra khỏi nước, chấm dứt vai trò chính trị mờ nhạt của mình sau cách mạng tháng tám.

Tự do truyền thông xuất bản còn rất lâu

Tuy nhiên cũng có một quyển sách của ông Trần Trọng Kim đã được xuất bản trong nước, và vẫn phát hành cho đến nay, đó là quyển Việt Nam sử lược.

Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, cựu hiệu trưởng Đại học Hoa Sen so sánh hai quyến sách Việt Nam sử lược, và Một Cơn Gió Bụi, của cùng tác giả Trần Trọng Kim:

Cuốn kia ông ấy viết với tư cách một nhà sử học, còn Một Cơn Gió Bụi là với một nhà chính trị tường thuật lại. Người ta chưa sẵn sàng nghe sự tường thuật đó. Đó chỉ là quyển hồi ký của ông ấy thôi, sự kiện như thế nào ông ấy tường thuật như vậy, nhưng người ta chưa sẳn sàng nghe hồi ký chính trị. Mặc dù cái đó nó xảy ra từ hồi chống Pháp rồi, không phải là bây giờ, nhưng dù sao nó cũng cùng một lúc với sự khai sinh ra chế độ mà. Nó đâu phải là vô tình đâu.”

Cụ Trần Trọng Kim làm chính trị thì ít mà làm sử học thì nhiều...Mà cụ cũng không chống cộng một cách cực đoan, sách của cụ tôi nghĩ in cũng được.<br/> - Dịch giả Phạm Nguyên Trường

Dịch giả Phạm Nguyên Trường nhận định về tác giả Trần Trọng Kim, cùng quan điểm chính trị của ông:

"Cụ Trần Trọng Kim làm chính trị thì ít mà làm sử học thì nhiều. Mà cái quyển sử của cụ in cách đây hơn chục năm rồi. Và người ta vẫn con quyển lịch sử ấy như một xương sống so với những quyển lịch sử khác. Mà cụ cũng không chống cộng một cách cực đoan, sách của cụ tôi nghĩ in cũng được."

Trong vài năm trở lại đây, đã có việc cho xuất bản những quyển sách có nội dung được xem là nhạy cảm, nhưng sau đó lại kèm theo những quyết định thu hồi, hay đôi khi là những mệnh lệnh không có văn bản yêu cầu ngừng phát hành.

Vào đầu năm 2017, quyển sách mang tên Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ, của học giả Nguyễn Đình Đầu được xuất bản, nhưng sau đó theo lời tác giả là có chỉ thị miệng yêu cầu ngừng việc phát hành. Petrus Ký vốn bị các sử gia chính thống của nhà nước Việt Nam xem là người theo thực dân Pháp.

Vào năm 2013, quyển sách Trại Súc Vật, của nhà văn người Anh George Orwell, cũng được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Chuyện Ở Nông Trại, sau đó bị lẳng lặng thu hồi. Quyển này được tác giả viết theo kiểu ngụ ngôn, trình bày một xã hội do những con vật tổ chức, mang hình ảnh mô hình cộng sản được thực hiện ở các quốc gia cộng sản.

Hiện tại quyển hồi ký Một Cơn Gió Bụi tuy không được xuất bản nữa, nhưng vẫn có thể được tìm đọc một cách dễ dàng trên rất nhiều trang mạng khác nhau.

Khi được hỏi liệu những tác phẩm như hồi ký Một Cơn Gió Bụi sẽ có cơ hội ra đời một cách công khai ở Việt Nam hay không, trong thời gian bao lâu nữa, nhà báo Đoan Trang cho rằng sẽ rất lâu vì sự tự do về xuất bản sẽ là tự do sau cùng được cho phép.