Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Dân sự (sửa đổi) thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính hồi cuối tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 khiến cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới-LGBT vui mừng đón nhận và ủng hộ. Thế nhưng trong thời gian chờ đợi luật định cho phép chuyển đổi giới tính dự kiến hình thành trong năm 2019, những người chuyển giới tại Việt đang đối diện với những khó khăn và rào cản nào?
Khó khăn của bản thân
“Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi…”
Đây là giai điệu và ca từ trong nhạc phẩm “Ông bà anh” của thí sinh Lê Thiện Hiếu, một người chuyển giới, sáng tác và trình bày trong chương trình truyền hình thực tế “Bài hát hay nhất”, được phát sóng trên kênh truyền hình Việt Nam hồi tháng 11 năm 2016. Ca nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu tài năng bước ra từ hào quang của cuộc thi được sinh ra trong hình hài của một nữ giới với tên tục là Lê Phương Thảo và đã chuyển giới gần tròn một năm, tính cho đến thời điểm tham dự cuộc thi “Sing my song-Bài hát hay nhất”. Lê Thiện Hiếu chia sẻ với những người hâm mộ anh về áp lực khi quyết định chuyển giới là nỗi sợ hãi mất đi giọng hát của mình nên đã chọn lựa viết nhạc như là một cách giải tỏa giúp bản thân bình tĩnh và có suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.
Không đủ điều kiện thì chỉ hỏi trong cộng đồng thôi vì đi hỏi bác sĩ thì họ sẽ từ chối thôi do Việt Nam cho phép nhưng vẫn chưa ra bộ luật nên chưa có các dịch vụ dành cho người chuyển giới.<br/> - Thiên Ân
Có phải những người chuyển giới như ca nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu đều bị áp lực tâm sinh lý khi có quyết định quan trọng nhất cuộc đời là được sống trong diện mạo mà họ mong muốn? Chúng tôi được dịp trò chuyện với cô Nguyễn Huỳnh Tố An, một người đã phẫu thuật từ nam thành nữ lúc 20 tuổi và được cho biết chấp nhận mọi rủi ro để được thỏa nguyện sống là chính mình. Cô Tố An dù rất hạnh phúc trong hình thể nữ giới nhưng hàng ngày vẫn chịu đựng đau đớn về thể xác do di chứng của các vết mổ cũng như những trở ngại khác:
“Công việc của em vẫn có trục trặc nhiều lúc, nhưng cũng không đến nỗi nào. Ngày xưa thì khó khăn nhiều lắm, giống như em không đứng tên trên hợp đồng được, tiền trong ngân hàng em không được nhận…em phải nhờ người khác giúp.”
Không phải những người muốn chuyển giới ở Việt Nam đều có đủ điều kiện như Lê Thiện Hiếu và Nguyễn Huỳnh Tố An. Rất nhiều người trong số họ chọn cách tự mua và tiêm hormone cho mình. Trao đổi với chúng tôi, bạn Mai Như Thiên Ân, đang chích hormone để cơ thể chuyển hóa thành nam giới, cho biết có thể mua ở các tiệm thuốc về tự tiêm hoặc mua lại từ những người đi Thái Lan mang về. Trả lời câu hỏi rằng làm sao có được đầy đủ thông tin về loại hormone tiêm chích vào cơ thể bảo đảm không gây hại cho sức khỏe, bạn Thiên Ân giải thích:
“Thường thì các bạn tự tìm hiểu trên mạng, ví dụ như những trang web của cộng đồng người chuyển giới thì ở đó sẽ có thông tin chia sẻ của những người đã chuyển giới rồi hướng dẫn hoặc họ sẽ tìm đến các trung tâm như ICS hay iSEE để gặp các nhân viên có chuyên môn nhờ hướng dẫn, hoặc họ hỏi các bác sĩ ở Thái Lan nếu như họ có đủ điều kiện và tiền. Không đủ điều kiện thì chỉ hỏi trong cộng đồng thôi vì đi hỏi bác sĩ thì họ sẽ từ chối thôi do mặc dù Việt Nam cho phép nhưng vẫn chưa ra bộ luật nên chưa có các dịch vụ dành cho người chuyển giới.”
Rào cản từ gia đình và xã hội

Theo ghi nhận của RFA, hiện có hàng ngàn người trong cộng đồng chuyển giới tại Việt Nam sử dụng cách tự tiêm hormone cho chính họ. Và rất nhiều người gặp khó khăn trong quá trình theo đuổi thay đổi vẻ bề ngoài của bản thân. Huỳnh Nhã An nói với AFP là phải cân nhắc trong việc dành tiền lương để mua thức ăn hay dùng để mua thuốc hormone. Tuy ưu tiên cho việc biến đổi hình dáng nữ giới của mình, nhưng Huỳnh Nhã An cũng không được gia đình chấp nhận là một cô gái, vẫn cho cô là một người bệnh hoạn. Bạn Mai Như Thiên Ân chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do:
“Đối với những người không được ủng hộ thì đôi khi có một khoảng cách rất là lớn vì gia đình khó chấp nhận ngoại hình và giọng nói thay đổi…Rồi, ví dụ như đi học cũng có thể gặp một số khó khăn vì ngoại hình và giọng nói khác với giới tính trên giấy tờ.”
Họ không cho phép chuyển giới thì mình vẫn đi chuyển giới vì đó là ước muốn của mình, đâu có cấm được.<br/> - Nguyễn Huỳnh Tố An
Huấn luyện viên thể hình Kendy Nguyễn là một trường hợp điển hình. Với hình hài nam giới, do dùng thuốc kích thích cơ bắp và giọng nói cũng trầm xuống, Kendy Nguyễn luôn gặp khó khăn tại các cuộc thi thể hình, buộc phải tranh tài với thí sinh nữ. Nếu như được luật pháp công nhận, cho phép thay đổi giấy tờ tùy thân, chứng nhận là nam giới thì Kendy Nguyễn mong muốn được có cơ hội tranh tài trong cuộc thi thể hình dành cho nam giới.
Dù huấn luyện viên Kendy Nguyễn từng đạt được huy chương vàng trong cuộc thi hình thể quốc gia năm 2016, dù Nguyễn Huỳnh Tố An hài lòng với hệ thống hành chính thông thoáng hơn, dù Mai Như Thiên Ân cảm nhận được sự ủng hộ của bạn bè và xã hội ngày một nhiều hơn đối với cộng đồng người chuyển giới; thế nhưng những người chuyển giới tại Việt Nam vẫn trông đợi chính phủ nhanh chóng ban hành một luật định rõ ràng để họ được tận hưởng một cuộc sống bình đẳng giới theo quy định của pháp luật. Nếu không, họ vẫn sống theo cách mình chọn lựa nhưng lại là một cuộc đời không trọn vẹn như lời của Nguyễn Huỳnh Tố An mà chúng tôi dùng để kết thúc bài phóng sự này:
“Vì không công nhận thì người chuyển giới vẫn tồn tại. Họ không cho phép chuyển giới thì mình vẫn đi chuyển giới vì đó là ước muốn của mình, đâu có cấm được.”