Thế còn tại Việt Nam, những người quan tâm đến thời cuộc, đến vấn đề đấu tranh cho một Việt Nam thực sự tự do, dân chủ nghĩ gì sau sự kiện quan trọng trên? Liệu sự kiện Tripoli có tác động gì trên công cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam hay không?
Độc tài không thể tồn tại
Tối ngày 22/8, ngay khi truyền hình, báo chí và các trang mạng đang liên tục cập nhật những hình ảnh mới nhất về chiến thắng của phe nổi dậy tại thủ đô Tripoli của Lybia, thì tại Việt Nam, nhiều nhóm bạn trẻ, giới blogger và các cư dân mạng cũng đang tự nâng ly chúc mừng cho chiến thắng của những người dân đã khốn khổ dưới ách cai trị của độc tài suốt hơn 40 năm qua.
Bảo, một bạn trẻ đang họp mặt ăn mừng cùng với nhóm bạn tại Sài Gòn, cho biết cảm nghĩ của mình:
"Mọi người đang ăn mừng vụ đó nè. Nó chứng minh một điều là độc tài thì không tồn tại được. Khi mà nhu cầu người dân lên cao và động lực thúc đẩy tới dân chủ mạnh mẽ lên thì những thế lực độc tài phải gác sang một bên."
Bảo cho biết ngoài việc chia sẻ niềm vui với người dân Lybia, nhóm bạn của anh cũng mượn dịp này để tạm quên đi những nỗi buồn của đất nước, nhất là sau khi nhìn thấy những hình ảnh công an bắt bớ, đàn áp người yêu nước tại thủ đô Hà Nội vào chủ nhật vừa qua:
"Trong này anh em cũng nói là nhìn mọi người thấy rất phấn khởi. Mình chưa sống trong cảm giác đó nhưng mà mình nhìn thấy cảm giác người ta được tự do quyết định số phận một đất nước mà mình sống thì nó rất hào hứng. Mọi người đang ước là “không biết khi nào thì đến Việt Nam?”.
Dẹp qua những hình ảnh buồn của Chủ nhật vừa rồi, mọi người cũng tiếp (nối) sự hào hứng của Tripoli."
Khi mà nhu cầu người dân lên cao và động lực thúc đẩy tới dân chủ mạnh mẽ lên thì những thế lực độc tài phải gác sang một bên.
Bạn Bảo ở Saigon
Bảo và nhóm bạn trẻ tại Sài Gòn chỉ là một trong số những người dân Việt Nam “trông người lại nghĩ đến ta” từ sự kiện của Tripoli.
Hà Thanh, một sinh viên tại TPHCM, cho biết chiến thắng của người dân Lybia đem đến cho anh niềm tin rằng dân chủ cuối cùng sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, khi liên hệ đến tình hình Việt Nam, Hà Thanh cho biết không hy vọng nhiều vào tác động của sự kiện ở Lybia đến tình hình đấu tranh dân chủ ở Việt Nam:
"Tất nhiên trong hoàn cảnh này, việc so sánh giữa tình hình Việt Nam với Lybia thì nó khác xa nhiều lắm, tại vì thứ nhất là ở Việt Nam, chủ nghĩa “mặc kệ nó” còn quá nặng nề, thành ra người ta đa số không quan tâm nhiều đến chính trị, mà người ta quan tâm đến đời sống hàng ngày của người ta hơn. Thứ hai, cũng là một hệ thống kiềm kẹp bởi công an khá nặng nề nên ai cũng có tâm lý lo sợ, cho nên viễn cảnh giống như Lybia thì mình nghĩ là hiện giờ không mấy sáng sủa."
Hy vọng vào ngày mai
Trong khi đó, nhà văn Võ Thị Hảo từ Hà Nội đưa ra lời bình luận sau chiến thắng của phe nổi dậy ở Tripoli:
"Ở Tripoli họ đã thành công trong việc đấu tranh dân chủ. Sự thành công của họ chứng tỏ một điều là nền dân chủ và tự do có thể được xác lập vào một lúc nào đó, bởi một ai đó, một nhóm người nào đó nhưng những con người ở trong đất nước ấy phải tỏ ra xứng đáng để biết được quyền làm người thì có những quyền gì và để làm người thực sự thì phải như thế nào, phải xứng đáng, có những phẩm chất cũng như sự hồn nhiên, dũng cảm để có thể bảo vệ được quyền đó cho mình và cho tất cả mọi người dân ở đất nước của mình.
Bởi vì những quyền tự do và dân chủ luôn luôn bị đe dọa cướp đoạt bởi một nhóm người mạnh hơn. Khi họ muốn quá nhiều tham vọng thì họ muốn tước đoạt quyền của người khác, đó là một xu hướng đương nhiên, bởi vậy anh phải giữ nó."
Cùng cảm nhận về quyền tự do, dân chủ đang tại Việt Nam bị đe dọa cướp đoạt bởi một nhóm người, có cư dân mạng đã viết rằng “Ai là Gã-Đa-Phi của Việt Nam cũng nên run dần đi là vừa. À quên, không phải 1 người là Gã-Đa-Phi của Việt Nam, mà Việt Nam có cả một chùm Gã-Đa-Phi, đâu như 15 – 17 người cơ đấy”, hay như một bạn trẻ khác cảnh báo: “Những người trong Bộ chính trị CSVN hãy nhìn tấm gương Gaddafi nhé”.
Tuy nhận thức rõ ràng về những hoàn cảnh, điều kiện hoàn toàn khác biệt giữa Việt Nam và Lybia, thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không ngừng hy vọng và mơ đến một ngày chiến thắng cho sự tự do, dân chủ tại Việt Nam giống như Libya. Bảo chia sẻ:
"Thực sự, nhìn Lybia thì mình rất hy vọng. Mình nghĩ cái ngày Việt Nam tới đó cũng không còn xa đâu vì bây giờ việc lui tới, bắt bớ trở nên quá bình thường đối với những anh em ở đây rồi. Ngày trước thì mọi người vẫn sợ hãi, nhưng bây giờ người ta bắt quá nhiều đi, coi như là trong giai đoạn người ta lúng túng, không còn hành động nào khác ngoài việc trấn áp, thì mọi người cảm thấy rất bình thường.
Khi mọi người đều vượt qua nỗi sợ hãi, không còn gì để sợ nữa rồi thì chỉ cần một ngọn lửa hoặc một tác động gì mới thôi, rất hy vọng vì môi trường chính trị ở Việt Nam cũng đang có nhiều biến cố và sự góp mặt hay nhất là vấn đề Trung Quốc, thì mình nghĩ nó có rất nhiều sự hội tụ lại thì mình cũng hy vọng nó sẽ không xa."
Thực sự, nhìn Lybia thì mình rất hy vọng. Mình nghĩ cái ngày Việt Nam tới đó cũng không còn xa đâu vì bây giờ việc lui tới, bắt bớ trở nên quá bình thường đối với những anh em ở đây rồi.
Bạn Bảo ở Saigon
Niềm tin và hy vọng của Bảo được nhiều thanh niên khác chia sẻ, trong đó có Hà Thanh. Mặc dù không lạc quan về một ngày “không còn xa” giống như Bảo, nhưng Hà Thanh tin vào đích đến là một kết quả đẹp như kiểu Lybia cho Việt Nam trong tương lai khi nhìn lại tiến trình đấu tranh dân chủ tại Việt Nam:
"Tất nhiên, phong trào dân chủ ở Việt Nam thì nó cũng có bước tiến so với cách đây khá nhiều năm, bắt đầu có những tiếng nói đối lập ngày càng mạnh dạn hơn và cũng cần nhắc tới là những tiếng nói ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Mình nghĩ là với sự đấu tranh từ từ như thế này thì chắc là Việt Nam sẽ không có một cái kết cục lập tực giống như Lybia, nhưng mình tin tưởng là công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do, dân chủ ở Việt Nam cuối cùng cũng sẽ đi tới kết quả giống như Lybia."
Niềm tin có cơ sở
Theo nhà văn Võ Thị Hảo, niềm tin vào một sự tự do, dân chủ cho Việt Nam là có cơ sở, bởi Việt Nam vốn đã có những cơ sở quan trọng xác nhận quyền của một con người, thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ việc thực thi quyền này trong thực tế như thế nào. Bà nói:
"Ở Việt Nam, trong một số thời kỳ thì mọi người đã bắt đầu hiểu được manh nha tự do và dân chủ là như thế nào. Chẳng hạn thời kỳ gần đây nhất là năm 1946 có một hiến pháp, trong hiến pháp đó có xác tín xác nhận quyền tự do và dân chủ của người dân và điều đó đã tập hợp được nhiều lực lượng, để sau đó nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tập hợp được để họ có thể thắng.
Thế nhưng sau đó nó bị sửa đổi và mất đi dần dần. Hiện nay trong hiến pháp của Việt Nam, trong một số bộ luật, vẫn còn sót lại một số điều xác nhận quyền tự do và dân chủ của nhân dân, nhưng thực hiện nó hay không lại là chuyện khác. Bởi vậy, ở Việt Nam đã có những cơ sở và cơ sở quan trọng nhất, tôi nghĩ là nước nào cũng có những cơ sở để xác nhận, để mọi người hiểu quyền làm một con người ở trên cuộc đời này là như thế nào, quyền đó là quyền được tạo hóa ban cho và không ai có quyền tước đoạt quyền đó.
Đấy là cơ sở quan trọng nhất để mọi người hướng đến và giữ, đấu tranh cho quyền làm người, quyền tự do và dân chủ của mình. Ở Việt Nam đương nhiên việc đó cũng có nhưng như tôi đã nói, nếu chúng ta không tỏ ra xứng đáng, không cố gắng gìn giữ và hiểu về quyền làm người của mình thì quyền đó luôn luôn bị tước đoạt."
Nói như một số người, “ngày tàn của bạo chúa” đã đến với Lybia và sự kiện này một cách nào đó đã mang đến nhiều cảm xúc cho người dân Việt Nam, nhất là những người luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước. Thành trì kiên cố của một chế độ độc tài cai trị đất nước Lybia hơn 40 năm cuối cùng cũng đã sụp đổ trước sức mạnh của lòng dân. Điều này không chỉ là một dấu hiệu cảnh báo cho những chế độ độc tài khác trên thế giới, mà còn là một tín hiệu tốt lành cho người dân ở các nước thiếu tự do, dân chủ tin vào một xu hướng tất yếu của sự phát triển.