Vượt biên vì bị cấm đạo

0:00 / 0:00

Tháng Chín năm 2012, một thanh niên sắc tộc Ê Đê chạy trốn qua Campuchia vì không muốn phải bỏ đạo theo lệnh của chính quyền và công an địa phương. Đó là Y-blok Enuon, cư ngụ tại buôn Đạ Prông, xã Kư ebua, thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Dak Lak, Việt Nam.

Đến được Campuchia, vẫn tiếp tục bị theo dõi, Y-blok Enuon di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, cuộc sống trăm bề vất vả, bất trắc. Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, từ Sihanoukville, Xứ Chùa Tháp, Y-blok Enuon kể lại:

Bị sách nhiễu khủng bố tinh thần vì theo đạo

Từ nhỏ em đã được học trong trường giòng của người Công giáo, được các cha sở tại đào tạo thành một giáo lý viên. Em bắt đầu theo con đường truyền giáo cho các em dân tộc vào năm 13 tuổi.

Năm 2002, Y-blok Enuon được linh mục chánh xứ Giáo xứ Thánh Tâm, Giáo phận Ban Mê Thuột, chỉ định làm trưởng đoàn đại diện của Thiếu Nhi Thánh Thể Sắc Tộc trong Giáo họ Giuse thuộc Giáo xứ Thánh Tâm:

Và từ đó em làm trong phong trào thanh thiếu nhi sắc tộc Công giáo, để phục vụ trong vấn đề nghi lễ và truyền giáo cho các dân tộc tỉnh Dak Lak và một số tỉnh lân cận của Tây Nguyên.

Năm 2011, khó khăn bắt đầu khi Y-blok Enuon đứng ra tổ chức đại hội thanh thiếu niên sắc tộc toàn tỉnh Dak Lak:

Em có qui tụ các bạn ở các Giáo xứ và Giáo buôn về, cha chánh xứ cho chúng em tổ chức. Nhưng khi chúng em xin chính quyền địa phương để tổ chức ở nhà thờ thì chính quyền không cho. Họ cảnh cáo em là không được phép của nhà nước và truyền giáo một cách bất hợp pháp. Nhưng mà tại vì em muốn anh em về để cùng nhau cầu nguyện và thờ phượng Đức Mẹ Maria vào tháng Năm.

Ngày hôm đó em còn nhớ là ngày 15 tháng Năm 2012, ngày dâng hoa Đức Mẹ, đại hội cũng diễn ra đúng kế hoạch. Nhưng đại hội xong thì chính quyền mời tất cả trong ban điều hành lên, rồi mời từng người lên làm khó dể.

Hai mẹ con người Thượng Tây Nguyên trong trại tỵ nạn (Ảnh minh họa). AFP
Hai mẹ con người Thượng Tây Nguyên trong trại tỵ nạn (Ảnh minh họa). AFP (AFP)

Lúc đầu thì họ mời cũng bình thường, nhưng tại vì em có ông chú làm công an bên xã nên họ luôn gây sức ép với chú rồi với gia đình. Họ thường mời mấy bạn trong ban điều hành của em vào buổi tối, rồi nhắc nhở cha mẹ.

Em có qui tụ các bạn ở các Giáo xứ và Giáo buôn về, cha chánh xứ cho chúng em tổ chức. Nhưng khi xin chính quyền địa phương để tổ chức ở nhà thờ thì chính quyền không cho. Họ cảnh cáo em là không được phép của nhà nước và truyền giáo một cách bất hợp pháp

Y-blok Enuon

Công an kết tội Y-blok Enuon truyền giáo trái phép, lừa đảo chiếm dụng tài sản qua việc thu tiền quĩ các em nhỏ một cách bất hợp pháp :

Trong khi tiền các em đóng góp cho buổi lễ dâng hoa Đức Mẹ là tự nguyện nhưng họ lấy cớ đó và họ nói là ban điều hành này lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Họ buộc em tội đó nhưng em tuyên bố là chuyện này có giáo xứ cho phép và có cha chánh xứ quản lý.

Công an vẫn nhất mực cho rằng chuyện không liên quan đến nhà thờ, muốn tổ chức thì phải xin phép trước một tháng :

Nhưng em nói rằng chương trình này là khuôn khổ giữa các em thiếu nhi, không mang tính cách và màu sắc chính trị. Lúc đó họ truy xét em, họ cứ theo dõi em từng ly.

Nói chung nhiều lần bị gây sức ép em quyết định đi xuống Sài Gòn, may mắn được một cha giúp đỡ em đi Kampuchia.

Nếu mọi chuyện chỉ xoay quanh những cáo buộc như Y’Blok vừa kể, cũng là tình cảnh tương tự của những người sắc tộc theo đạo Chúa, thì không đến nỗi phải bỏ đi như thế. Trường hợp của Y-blok Enuon có phần bức bách hơn vì trước đó một năm anh tự động dựng tượng Đức Mẹ trước sân nhà mình:

Bây giờ tượng đài Đức Mẹ trước nhà em vẫn còn dấu vết. Em xây cái tượng đài nhỏ cho các em cầu nguyện, lúc đó em có xin phép chính quyền. Sau khi dựng xong và nhờ cha làm phép đàng hoàng rồi thì chính quyền lên đập phá . Lúc đó có một ông công an say rượu, cầm súng chĩa vào đầu em hù dọa, bảo “mày mà theo đạo tao bắn mày luôn, mày đừng có nghĩ Công giáo tụi mày hay ho, toàn một lũ bệnh hoạn”.

Áp lực và đe dọa dồn dập từ phía chính quyền khiến gia đình và bà con trong buôn làng đi tới chỗ bắt buộc Y-blok bỏ đạo:

Gia đình em rồi là họ hàng khuyên em nên từ bỏ, bắt em ở nhà không được đi đâu. Họ nói với em đạo của dân tộc Ê Đe là tại tâm, không phô trương khoe khoang, xây tượng đài Đức Mẹ là không được phép của nhà nước. Nói chung họ luôn canh chừng em, tìm mọi cách canh chừng em.

Đa số người Thượng sống ở vùng miền Trung Tây Nguyên, Việt Nam. RFA
Đa số người Thượng sống ở vùng miền Trung Tây Nguyên, Việt Nam. RFA (RFA)

Có lúc họ bắt em làm chi hội trưởng Chi Hội Thanh Niên, em từ chối họ bắt em làm, xong họ khuyên nhỏ em là “nếu theo đạo thì tương lai của con sẽ không tốt,còn nếu con từ bỏ đạo thì tương lai của con các chú sẽ giúp con. Lúc đó em nói là em từ chức em không làm nữa. Từ đó họ luôn gây sức ép lên gia đình em, nói rằng “mày đi theo đạo này thì gia đình anh em mày không có việc làm”. Rồi gia đình cũng gây áp lực cho em, rồi bắt đầu là công an xã, công an phường, công an tỉnh đến dò hỏi bố mẹ em này kia. Lúc đó có cha linh hướng là cha Lịch, chánh xứ Châu Sơn, cha bảo em rằng cái đó tùy con, con nghĩ sao trong lòng là quyết định của con chứ không phải của ai hết.

Áp lực và đe dọa dồn dập từ phía chính quyền khiến gia đình em rồi là họ hàng khuyên em nên từ bỏ, bắt em ở nhà không được đi đâu. Họ nói với em đạo của dân tộc Ê Đe là tại tâm, không phô trương khoe khoang, xây tượng đài Đức Mẹ là không được phép của nhà nước.

Y-blok

Không vì áp lực mà chịu bỏ đạo, Y-blok trốn đi Sài Gòn. Tại thành phố đông đúc rộng lớn này, nắm trong tay thư giới thiệu của linh mục ở Ban Mê Thuột, người thanh niên Ê Đê này được một nhà thờ cho tạm trú để sinh hoạt. Nhưng, vì sợ bị lộ diện, Y-blok phải di chuyển qua ba nhà thờ khác nhau trước khi được vị linh mục của nhà thờ sau cùng thu xếp và tìm cách đưa anh sang Kampuchia.

Vượt biên sang Kampuchia

Tháng Tám 2012, Y-blok Enuon chính thức bước lên Xứ Chùa Tháp, đến tá túc tại nhà thờ Chợ Nhỏ ở đây:

Lúc đầu em định sinh hoạt ở nhà thờ Chợ Nhỏ, có giáo dân Việt Nam mình cũng giúp đỡ em. Sau này em thấy có bà này luôn dụ em đi lên Lãnh Sự Quán Việt Nam. Nhưng mà những người dân tộc nói với em đừng có tin, bà này là người nhà nước gài để chuyên bắt những người phạm tội chính trị từ Việt Nam đến. Em có quen với một anh giáo lý viên biết nói tiếng Việt, anh cũng khuyên em tránh xa bà này.

Không muốn nhà thờ Chợ Nhỏ cũng như những người tốt bụng giúp đỡ mình bị liên lụy, Y-blok lại trốn lên Seam Reap. Tại thành phố Seam Reap, anh bị công an Kampuchia bắt vì không có giấy tờ:

Nhưng mà lúc đó công an Kampuchia chưa biết gì về em, chỉ biết là em không có giấy tờ. Nhưng được cái là họ rất dễ dàng, họ cho em ở nhà một người dân Việt Nam ở gần đồn công an du lịch, nói với em là ba ngày sau sẽ có nhân viên Lãnh Sự Quán Việt Nam sẽ lên nói chuyện với em.

May đâu quá là may, Y-blok Enuon nhớ lại, chủ nhân ngôi nhà mà cảnh sát gởi anh tới là một người theo Thiên Chúa Giáo. Hiểu được tình cảnh đào thoát của người bạn trẻ sắc tộc Ê Đê này, người Việt Nam nhân hậu ấy cho anh một ít tiền, chỉ đường cho đi nơi khác và bảo sẽ nói với công an bản xứ là anh bỏ trốn lúc nào không hay:

Y-blok Enuon nhớ lại, chủ nhân ngôi nhà mà cảnh sát gởi anh tới là một người theo Thiên Chúa Giáo. Hiểu được tình cảnh đào thoát của người bạn trẻ sắc tộc Ê Đê này, người Việt Nam nhân hậu ấy cho anh một ít tiền, chỉ đường cho đi nơi khác

Nhà anh đó là người đạo Công giáo, anh ấy nói là anh biết bây giờ người ta dang kêu công an Việt Nam điều tra về em rồi chắc người ta sẽ trả em về Việt Nam. Bây giờ anh muốn biết tại sao em lên đây mà tự nhiên không có giấy tờ, không có ai quen ai biết… thì phải có lý do.

Em mới nói em làm giáo lý viên, bị chính quyền bắt bớ, bị truy cứu. Lúc đó anh mới cho em 10 đô tức là khoảng bốn mươi nghìn Ria, anh cho em đi vào buổi tối. Em không biết đi đâu em chạy lên nhà cha sở của Seam Reap. Cha đó không biết tiếng Việt nhưng cha kêu giáo dân người Việt Nam phiên dịch cho em tại em nói được tiếng Anh chút ít.

Cha cũng có giúp đỡ nhưng không dám cho em ở nhà thờ mà gởi em đi nhà người bạn của cha ở Mondulkiri. Nhưng mà thật sự cha không hiểu là Mondulkiri ở ngay cạnh Dak Lak luôn, ngay cạnh tỉnh của em luôn và có rất nhiều công an Việt Nam.

Thấy bất ổn thì em bắt xe chạy về Sihanoukville. Tại Sihanoukville em gặp một người Việt Nam làm du lịch. Em xin cho em làm việc, nói rằng em là người Việt Nam mà đến đây bị mất tiền mất đồ hết. Chị ấy là người Hồi giáo Việt Nam ở Châu Đốc, đến giờ em còn làm việc trong công ty của chị đó.

Công an chìm của Việt Nam

Thực tế có hẳn một đội ngũ công an Việt Nam, gọi là cảnh sát chìm, được rải từ trong nước qua đến Kampuchia. Những người công an đó có nhiệm vụ theo dõi, canh chừng và có thể ra tay bắt người tình nghi đưa về nước bất cứ lúc nào. Đó là khẳng định của Y-blok Enuon:

Lúc đầu em tưởng làm ở trên này có vẻ là em thoát khỏi Việt Nam, nhưng mà bên công an ở đây họ luôn theo dõi em. Họ đội lốt là công ty điện lực MetPhone( tên công ty viễn thông của quân đội Việt Nam) mà thực ra mấy người là công an mật của Việt Nam.

Mỗi lần họ lên văn phòng họ nói “anh biết em lâu rồi, em là người Thượng nhưng mà để từ từ đã…” Em cảm thấy run, em đi đâu là họ theo dõi, họ chưa bắt nhưng họ chỉ nói vòng vo. Em không biết tương lai rồi sẽ ra sao, chỉ biết lúc nào cũng có thể bị bắt hết.

Sống bấp bênh là vậy mà trở về buôn làng thì cũng không xong và không phải một lựa chọn sáng suốt. Vì sao, Y-blok Enuon giải thích:

Em nghĩ quyết định của em đi Kampuchia thật sự là đúng nhưng hiện giờ em không biết đi bước tiếp là bước nào. Nhiều lúc mình không thể tin tưởng được ai, em phải luôn đổi chỗ ở và luôn luôn chuyển chỗ làm.

Em ở trong buôn em chứng kiến nhiều cảnh người Thượng vượt biên sang Kampuchia mà bị chính phủ Kampuchia trả về Việt Nam. Họ hứa với toàn thể dân làng là người này sẽ sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng, không có chuyện kỳ thị hay bắt bớ. Nhưng trên thực tế những người này không được hưởng cái gì cả và ba tháng sau từng người chết lần lượt.

người Thượng vượt biên sang Kampuchia mà bị chính phủ Kampuchia trả về Việt Nam. Họ hứa với toàn thể dân làng là người này sẽ sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng, không có chuyện kỳ thị hay bắt bớ. Nhưng trên thực tế những người này không được hưởng cái gì cả và ba tháng sau từng người chết lần lượt

Y-blok

Trong bảy người về là không còn ai sống sót. Gia đình mấy người này biết, họ nói lúc về thì mấy người này bị tiêm thuốc gì cho họ chết dần chết mòn. Và gia đình xác nhận họ chết thứ nhất là có đánh đập lúc còn ở trong tù, thứ hai họ chết vì bị đầu độc. Trả về chưa chết mà ba bốn tháng sau mới chết. Cảnh đó trong làng lúc đó em thấy nhiều tại vì bạn bè em vượt biên mà.

Cuộc sống người Thượng theo Thiên Chúa Giáo tại buôn làng Ban Mê Thuột đã khổ sở rồi mà xem ra vẫn đỡ hơn người Thượng theo đạo Tin Lành nhiều lắm, Y-blok nói:

Đúng, nói chung cái buôn em là buôn lớn nhất của tỉnh Dal Lak. Buôn làng em một nửa Công giáo và một nửa Tin Lành, mà những người Tin Lành nơi đây là họ bị bắt hoài. Tin Lành họ làm khó nhất, nhà nước ghi tên hết, nói chung là làm đủ kiểu, họ thuyết phục những người đó về sinh hoạt với Đoàn Thanh Niên Cộng Sản và với Chi Hội Phụ Nữ.

Câu hỏi sau cùng dành cho Y-blok Enuon, những người Thượng theo đạo Chúa hay đạo Tin Lành, đặc biệt các thanh niên trai tráng trong buôn làng, thực sự có mục đích chính trị hoặc ý đồ chống đối gì không mà luôn luôn bị dò xét bị kiểm soát gắt gao như vậy. Suy từ bản thân mình, Y-blok Enuon khẳng định anh và bạn bè cũng như các em sắc tộc trong Thiếu Nhi Thánh Thể chỉ họp nhau để cầu nguyện và thờ phượng Chúa:

Tụi em không có làm chính trị, tại vì chính trị và tôn giáo là hai cái khác biệt, không lẫn lộn vào nhau được.

Mỗi lần họp làng đầu tháng, họp buôn đầu tháng, họ đưa lên là mê tín dị đoan và lôi kéo các em đi vào con đường tà đạo rồi là phản động chia rẻ tình đoàn kết các sắc tộc. Tất cả các phong trào xã hội là tụi em và Tin Lành không được tham gia. Họ lập danh sách riêng về những người cần chú ý đặc biệt, trong đó có em và một số người trong ban lãnh đạo của em và cả những người Tin Lành.

Câu chuyện về một thanh niên sắc tộc Ê Đê, Y-blok Enuon, trốn qua Kampuchia để thà sống một đời vô định hơn là phải bỏ đạo như bao người Tây Nguyên đi trước.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.