Sau Trương Duy Nhất sẽ là ai?

Trước khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt, ông từng lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài viết, các comment trả lời độc giả hoặc chứng tỏ qua bài viết, thái độ sống rằng blog của Trương Duy Nhất không thuộc về lề trái, Trương Duy Nhất không phải là nhà đấu tranh dân chủ, không cổ xúy cho việc lật đổ chế độ. Rằng Trương Duy Nhất mổ xẻ cái sai cái xấu của hệ thống, của các nhân vật cao cấp trong bộ máy đảng, nhà nước cũng ngang bằng với việc sẵn sàng chửi thẳng những kẻ chống cộng cực đoan và dân chủ giả hiệu. Rằng Trương Duy Nhất không thuộc về bất cứ một tổ chức đảng phái chính trị nào, không tham gia bất cứ hoạt động nào dù chỉ là ký tên, kiến nghị gì đó, rằng những bài viết chỉ là trình bày “một góc nhìn khác” nhằm có ý xây dựng làm cho cái hệ thống chính trị này, xã hội này tốt đẹp hơn v.v…

Tầng lớp “đối lập trung thành”

Nói theo định nghĩa của nhà văn Phạm Thị Hoài thì Trương Duy Nhất thuộc về tầng lớp “đối lập trung thành”.

Và khi khẳng định như vậy, Trương Duy Nhất có lẽ đã nghĩ rằng mình sẽ an toàn, bởi không phạm vào những điều tối kỵ đối với nhà nước cộng sản VN. Đó là: một, đứng trong một tổ chức, bất kể tổ chức đó chỉ là một nhúm người với những phương thức đấu tranh cực kỳ ôn hòa bằng ngòi bút chẳng hạn. Hai, có dính dáng đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có trả lời báo đài nước ngoài, viết bài (có nhận tiền) của báo đài bên ngoài. Ba, có tư tưởng muốn thay đổi mô hình thể chế chính trị, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp hay những cái đại loại như vậy.

Nhiều năm nay quả thật blogger Trương Duy Nhất đã an toàn trong cái cõi “Một góc nhìn khác”, một mình một ngựa với lối viết thẳng thừng, sắc bén, từng đụng chạm tới rất nhiều người thuộc cả lề trái lẫn lề phái, thuộc phe này lẫn phe kia trong bộ máy cao cấp của đảng, nhà nước. Lối viết đó khiến một số người không ưa Trương Duy Nhất, thậm chí cho Trương Duy Nhất hoặc là công an, hoặc do công an gài vào, hoặc có ai đó chống lưng nên mới viết mạnh bạo thế.

Cũng có người suy đoán sự an toàn của Trương Duy Nhất chủ yếu nhờ vào mối quan hệ với ông Nguyễn Bá Thanh khi ông Thanh còn làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Khi ông Thanh phải ra Hà Nội, lại rớt không vào được Bộ Chính trị, thì sự an toàn của Trương Duy Nhất cũng không còn nữa và đây là lúc mà những ai trong số 14, 16 vị trong Bộ chính trị từng/đang cảm thấy bị chạm nọc bởi những bài viết của Trương Duy Nhất, sẽ ra tay khóa ngòi bút Trương Duy Nhất lại.

Không ai có thể an toàn

Blogger Truơng Duy Nhất, ảnh chụp trước đây. Courtesy TDN Facebook.
Blogger Truơng Duy Nhất, ảnh chụp trước đây. Courtesy TDN Facebook.

Dù điều đó có đúng hay không thì việc nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt cũng cho thấy một thực tế, đối với nhà nước cộng sản VN thì chẳng cá nhân nào có thể an toàn một khi đã lên tiếng chỉ ra những điều không đẹp của chế độ, và không được thuận tai những người đang cầm quyền.

Là con người, có cái đầu biết phân tích đúng sai, có trái tim biết đau đớn nặng lòng với hiện tình của đất nước, dân tộc, chúng ta sẽ chỉ có thể an toàn nếu hoàn toàn giả câm giả điếc, chỉ cắm đầu đi kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình và đừng quan tâm đến bất cứ gì hết. Còn một khi đã lên tiếng một cách trung thực, dù có là đối lập trung thành hay người bất đồng chính kiến hay nhà hoạt động dân chủ, sớm muộn anh cũng sẽ bị bắt.

Và điều thứ hai, đó là đừng ảo tưởng nghĩ rằng có thể dùng thiện chí vạch ra những cái sai cái dở của nhà cầm quyền để mong họ sửa đổi. Nhìn vào bao nhiêu ví dụ từ trước đến nay mà gần đây nhất là việc góp ý sửa đổi Hiến pháp rồi cuối cùng không sửa gì cả, ngay cả tên nước, đế thấy hy vọng đó là hão huyền.

Bằng tất cả những hành động trước sau như một suốt hơn 6 thập kỷ cầm quyền, nhà nước cộng sản VN đã khẳng định lập trường sẽ bảo thủ đến cùng để giữ lấy chế độ, không thay đổi dù cho khát vọng của nhân dân và sức ép của quốc tế có như thế nào đi nữa, và sẽ tiếp tục đàn áp, bắt bớ, dập tắt mọi tiếng nói trái chiều cho dù ôn hòa nhất.

Nghĩa là nhà nước này thuộc loại không thể đối thoại được. Đừng hy vọng đối thoại, góp ý với họ nữa.

Thay vào đó, tất cả những ai đã, đang và sẽ lên tiếng, hãy chuẩn bị cho mình một ngày nào đó, sớm hay muộn, cũng sẽ tiếp bước nhau đi vào nhà tù nhỏ hoặc bị vô hiệu hóa, cách này cách khác.

Dù sao, có một điều an ủi cho tất cả những ai “sớm hay muộn gì cũng sẽ bị bắt” đó là ngày càng có nhiều người bị bắt thì mọi người càng bớt sợ hãi việc bị bắt, ngày càng có nhiều người chia sẻ, ủng hộ người bị bắt. Khác với trước đây chỉ chừng dăm mười năm thôi, người bị bắt trong những vụ việc có yếu tố chính trị thường vô cùng cô đơn, ngay cả với chính người thân trong gia đình, không ai thông cảm mà còn oán trách vì đã làm cho họ bị liên lụy…

Song, đã đến lúc 90 triệu con dân người Việt cần suy nghĩ thật nghiêm túc trước một thực tế vì sao nhà nước này vẫn có thể tiếp tục bắt bớ, đàn áp, bịt miệng nhân dân, tiếp tục chà đạp lên luật pháp, coi thường dư luận trong và ngoài nước, không những thế, ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn, với những vụ việc phi lý hơn, những bản án dã man hơn?

Câu trả lời mà chắc mỗi người cũng tự thấy, là vì sức ép từ người dân chưa đủ mạnh. Mọi sự phản đối bằng bài viết, bằng những kiến nghị, thư ngỏ…không làm cho nhà nước này trầy xước mảy may. Nên những cá nhân thuộc về thiểu số dũng cảm lên tiếng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục phải trả giá giữa đám đông vẫn im lặng.

Sau blogger Trương Duy Nhất sẽ là ai và những ai?