Tunisia làm một quốc gia Hồi giáo, nằm ven bờ biển Địa Trung Hải, giáp ranh với Algeria và Libya.
Từ 12 tháng 5 năm 1881, Tunisia trở thành thuộc địa của Pháp. 75 năm sau, ngày 20 tháng 3 năm 1956, Tunisia tuyên bố độc lập. Ngày 25 tháng 7 năm 1957, ông Habib Bourguiba trở thành Tổng thống đầu tiên của xứ Cộng hòa Tunisia. Ngày 7 tháng 11 năm1987, Tổng thống Habib Bourguiba buộc phải từ nhiệm « vì lý do sức khỏe ».
Thủ tướng Zine El Abidine Ben Ali - xuất thân từ quân đội được đào tạo tại Pháp và Hoa Kỳ - lên cầm quyền với sự đồng ý của Quốc hội. Năm 2002, Ben Ali đã sửa đổi hiến pháp để có thể tiếp tục tái cử. Từ tháng 4 năm 1989 cho đến nay, Tổng thống Ben Ali đã liên tiếp tái đắc cử với số phiếu bầu gần như tuyệt đối là 90%. Ông đã bị các tổ chức Nhân quyền cho là « độc tài và gia đình trị ».
Tham nhũng và độc tài
Trong 23 năm cầm quyền, bên cạnh những cố gắng tạo ra quỹ an sinh xã hội và phát triển quyền phụ nữ. Tổng thống Ben Ali đã bóp nghẹt các quyền tự do báo chí, ngăn cản tiếng nói phản kháng dưới bất cứ hình thức nào. Giáo sư Lê Đình Thông, Giảng sư tại đại học Naterre về ngành quan hệ Quốc tế diễn giải sự liên hệ giữa tự do báo chí và tham nhũng đã dẫn đến 1 cuộc cách mạng tất yếu như sau:
"Nguyên nhân đầu tiên là tham nhũng đã đưa đến các hệ quả khác. Sở dĩ có nạn tham nhũng là vì thiếu một hệ thống pháp luật công minh, thiếu một nền truyền thông lành mạnh, tức là không có tự do báo chí. Không có tự do báo chí thì các thành phần tham nhũng tự do tác yêu, tác quái. Họ không bị tòa án trừng phạt. Tất cả những tệ nạn đó đã đến một mức độ báo động khiến cho người dân không thể nào chịu đựng được và cuộc cách mạng hoa nhài mới bùng nổ."
Câu chuyện khởi đầu từ vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi ở Sidi Bouzid, một thành phố cách thủ đô Tunis 265 km, Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, có bằng cấp đại học, nhưng không tìm ra việc làm, anh phải đi bán trái cây dạo và bị công an tịch thu xe bán trái cây vì anh không có giấy phép hành nghề và không có tiền để hối lộ, quá uất ức anh đã tự thiêu ngày 17 tháng 12 năm 2010. Anh hét to khi ngọn lửa đang bốc cháy "Chấm dứt nghèo đói, chấm dứt thất nghiệp !". Anh chết vào ngày 4 tháng 1 năm 2011.
Tất cả những tệ nạn đó đã đến một mức độ báo động khiến cho người dân không thể nào chịu đựng được và cuộc cách mạng hoa nhài mới bùng nổ.
Giáo sư Lê Đình Thông
Cũng tại thành phố Sidi Bouzid, ngày 8 tháng 1, một người bán hàng rong khác là ông Moncef Ben, 56 tuổi cũng đã tự thiêu. Sự tự thiêu của những người này đã nói lên nỗi thất vọng cùng cực của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội và đó cũng là ngọn đuốc đốt lên ngọn lửa phẫn nộ của dân chúng. Khắp nơi, sinh viên, học sinh, luật sư, ký giả, công đoàn đã biểu tình chống lại nạn thất nghiệp, tham nhũng tràn lan và đời sống đắt đỏ trong suốt 23 năm qua dưới bàn tay sắt của Ben Ali.
Cho tới ngày 9 tháng 1 đã có 14 người chết, Tổng thống Ben Ali lên truyền hình lần thứ 2 hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm, nhưng đã quá trễ, các cuộc biểu tình, nổi loạn ngày càng gia tăng. Trước sức ép của quần chúng, Tổng thống Ben Ali đã trốn thoát khỏi Tunisia ngày 14 tháng 1 năm 2011. Thoạt đầu, do mối quan hệ lâu dài giữa Pháp và Tunisia, người ta nghĩ rằng ông Ben Ali sẽ đến Pháp, nên chiều ngày 14 tháng 1 đã có 1 nhóm người Tunisia đến phi trường Bourget để biểu tình, thế nhưng chiếc máy bay chở ông Ben Ali không ghé Pháp mà dự định ghé thành phố Sardaigna,Ý để « tiếp thêm nhiên liệu », nhưng chính phủ Ý không chấp nhận. Tại Pháp, Điện Elyséé cũng cho biết « không mong muốn tiếp nhận ông Ben Ali ».
Cuối cùng, cựu Tổng thống Ben Ali, 74 tuổi, người có tài sản dự đoán là 5 tỉ euro đã được chính phủ Saudi Arabia đón tiếp tại lâu đài của nhà vua Fahd ở Jeddah, một thành phố cạnh biển Đỏ.
Ngoài ra, báo Parissien cho biết ngày 13 tháng 1, gia đình của ông Ben Ali đã tạm trú vài ngày tại một khách sạn sang trọng ở Disneyland, thuộc thành phố Marne la Vallée, Pháp. Theo đài truyền hình số 1 của Pháp, Bà Leila, vợ ông Ben Ali đã trốn thoát với 1,5 tấn vàng, tương đương với 45 triệu euro. Hiện bà Leila đang ở Saudi Arabia cùng với ông Ben Ali và 400 người thân cận.
Trong khi người dân reo hò trước sự ra đi của Ben Ali, tại Tunisia các bức hình của nhà độc tài bị phá hủy thì Đại tá Kadhafi của nước Libya, một nước láng giềng của Tunisia, không công nhận sự sụp đổ của chính phủ Ben Ali, ông cho rằng « Tổng thống Ben Ali vẫn còn là Tổng thống hợp pháp của Tunisia » Giáo sư Lê Đình Thông phân tích :
"Một ông Đại tá đưa ra một quan điểm về công pháp quốc tế hoàn toàn không thích hợp. Nguyên nhân tại sao ông lại có phát biểu như vậy : không phải lời phát biểu đó cho bên ngoài mà cho nội bộ Lybia. Sau cuộc cách mạng tại Tunisia thì tại các nước Bắc Phi có một hiệu ứng dây chuyền domino. Đối với các nước Á rập thì đặc biệt trong đó có cả xứ sở của ông Kadhafi nữa.
Tình trạng về địa lý chính trị đó thì ngoài Tunisia, các nước lân cận cũng như các nước Trung cận đông ở Á rập đều có những điểm tương đồng, tức là có một chính quyền tham nhũng, độc tài, đàn áp dân chúng, cũng không có tự do dân chủ. Tất cả các hiện tượng đó làm bùng nổ tại Tunisia. Nếu người dân tại các nước lân cận ý thức được quyền hạn của họ mà họ cũng có những yêu cầu tương tự thì đó là một sự đe dọa.
Chính vì vậy cho nên sau cuộc cách mạng tại Tunisia thì tại các nơi khác người ta bắt đầu nói đến hiệu ứng dây chuyền hoặc là hương hoa nhài lây lan đến các nước Á rập khác,thì sự phát biểu của ông Kadhafi dĩ nhiên là không đúng. Lý do không đúng là họ e ngại cho nội tình Libya của họ."
Tức nước vỡ bờ
Cùng lúc đó, trên các quốc gia ở Âu Châu, nơi có người Tunisia cư ngụ như Đức, Ý, Pháp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình. Pháp, nơi có 600 ngàn người Tunisia cư ngụ cũng đã biểu tình với các biểu ngữ « Hãy cút đi Ben Ali, đả đảo độc tài..v.v… » Bà Jamila, một phụ nữ người Tunisia tham gia cuộc biểu tình tại công trường République, Paris cho biết cảm tưởng của bà khi nghe tin chính phủ Ben Ali sụp đổ.
« Đó là một sự thở phào nhẹ nhõm cho 100% dân Tunesia. Trong vòng 23 năm qua người dân bị nhốt trong chế độ này, không ai có quyền nói, đó là 1 chế độ tham nhũng, thối nát, thanh niên có bằng cấp tú tài trở lên không có việc làm đã phải chạy qua Pháp để sống. Chúng tôi đã gào lên trong sự vui mừng và giận dữ. Giận dữ vì gia đình Ben Ali đã ăn cướp tài sản của người dân Tunisia. Dân chúng Tunisia đòi hỏi cái chết của Ben Ali và vợ ông ta ».
Sự đào nhiệm của ông Ben Ali là kết quả tất yếu của những phẫn uất từ bấy lâu nay của người dân mà cái chết của Mohamed Bouazizi chỉ là que diêm làm bùng lên ngọn lửa dẫn đến cuộc cách mạng hoa nhài. Theo Giáo sư Lê Đình Thông thì sự ra đi này đã có sự chuẩn bị trước từ phía Hoa Kỳ.
"Chuyện cựu Tổng thống Ben Ali bắt buộc phải đào nhiệm là một hành động có sự can thiệp của tướng Tư lệnh Lục quân của Tunisia. Chính ông tướng này đã yêu cầu Tổng thống ben Ali phải rời khỏi đất nước. Chúng ta cũng biết các thành phần chủ chốt trong quân đội luôn luôn họ được đào tạo và tu nghiệp tại Hoa kỳ. Chính vì vậy cho nên họ có các liên hệ với Hoa kỳ, trước tình trạng bạo loạn như hiện nay thì tất nhiên là Mỹ họ đưa ý kiến là để tránh đổ máu nên Ben Ali phải ra đi. Như vừa rồi chúng ta vừa nói đó là hành động đó có sự sắp xếp trước."
Cuộc cách mạng hoa lài đã mở ra cho người dân Tunisia một chân trời mới. Tuy nhiên, để tiến tới một xã hội dân chủ, chính phủ mới cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Nhìn vào thành phần chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập, Giáo sư Lê Đình Thông tỏ vẻ không mấy lạc quan :
Đó là một sự thở phào nhẹ nhõm cho 100% dân Tunesia. Trong vòng 23 năm qua người dân bị nhốt trong chế độ này, không ai có quyền nói, đó là 1 chế độ tham nhũng, thối nát...
Bà Jamila, một phụ nữ Tunisia
"Cái viễn tượng dân chủ thành thật mà nói là còn rất xa vời. Bởi vì chiều hôm nay, thành phần chính phủ mới của Tunisia đã được công bối với 24 bộ trưởng. Trong đó, tôi xin nhấn mạnh đã có 8 cựu bộ trưởng của ông Ben Ali vẫn tiếp tục tại vị. Ngoài ra, chỉ có 2 nhân vật có tính cách biểu tượng cho sự tranh đấu. Đó là nhà điện ảnh Tlatti và ông Amamo.
Hai nhân vật cũng tham chính với một chức vụ không quan trọng lắm tức là bộ trưởng bộ Văn hóa. Có 3 nhân vật cũng tham chính, nhưng 3 nhân vật này thuộc đảng đối lập hợp pháp dưới thời cựu Tổng thống Ben Ali. Cho nên chế độ này theo nhận định của tôi là một chế độ chuyển tiếp. Nó không đáp ứng thực sự đúng như mong muốn của người dân Tunisia. Bởi vậy, theo nhận định của tôi, đây là một « Chế độ Ben Ali mà không có Ali » Và, trong tương lai với bầu khí chính trị hiện nay sẽ đòi hỏi đất nước Tunisia phải có một nền chính trị tương đối làm kiểu mẫu cho một nền dân chủ cho các nước Á rập trong tương lai."
Với sự ra đi của Ben Ali và người xử lý thường vụ là Thủ tướng Mohamed Ghannouchi, người đã cùng sát cánh với ông Ben Ali trong 12 năm qua với một nội các còn nhiều quá khứ, Tunisia sẽ có dân chủ không, ông Moncef Marzouki, một nhà đối lập Tunisia nói: « Chúng ta đã loại trừ được một nhà độc tài, nhưng chưa loại trừ được một chế độ độc tài »
Sau cuộc cách mạng hoa lài, con đường trước mặt cho một Tunisia thật sự dân chủ sẽ còn nhiều thử thách.