Thêm hai loại phí giao thông mới

Đề xuất thu phí hạn chế phương tiện và phí vào nội đô giờ cao điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT-Đinh La Thăng đang là đề tài “nóng” trong nước hiện nay.

0:00 / 0:00

Bộ trưởng Thăng cho rằng mức phí giao thông đề xuất là hợp lý và cá nhân ông tin rằng những người đóng phí sẽ tự hào vì tham gia đóng góp cho đất nước.

Thêm gánh nặng cho dân

Anh Hưng, một cư dân ở thành phố Hồ chí Minh phải dùng phương tiện cá nhân đi lại nhiều trong cuộc sống mưu sinh cho biết ý kiến của mình:

“Không hợp lý. Tôi nghĩ là Bộ Giao Thông làm theo cảm hứng của Bộ Giao Thông thôi. Chứ còn không có cân nhắc hoặc là không có trưng cầu ý dân. Nếu phải đóng thì tôi thiết nghĩ rằng dân sẽ có ý kiến rất nhiều. Vì cuộc sống người dân bây giờ như thế nào, chứ không phải lấy của nước ngoài mà mang về áp dụng cho Việt Nam cũng không đúng.

Bây giờ tôi nói chuyện tiền đóng thuế cầu đường này kia đã đi vào xăng bao nhiêu bận rồi. Rồi còn kinh phí ngân sách nhà nước đâu? Tiền thuế của dân ở đâu, đi về đâu? Nếu đóng tiền này không khác làm giàu cho các Bộ. Tại vì tôi nghĩ người dân dễ lấy tiền lắm, chứ ngoài ra người dân chẳng được cái gì hết. Cuối cùng người dân là người bị thiệt thòi thôi.”

Đây không chỉ là ý kiến của riêng một người dân mà là tiếng nói của hầu hết tầng lớp lao động phổ thông chiếm đại đa số trong đất nước sấp xỉ 90 triệu dân. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 triệu xe máy và Bộ trưởng Đinh La Thăng phân tích với mức phí dành cho xe máy là 500.000 đồng một năm tương ứng với 50.000 đồng mỗi tháng là hợp lý nhưng với tầng lớp lao động phổ thông thì số tiền phí 50.000 đồng này là một gánh nặng. Họ cho rằng trong đời sống khó khăn hiện nay, vật giá leo thang mỗi ngày, họ phải chật vật kiếm cơm từng bữa khi mà mọi thứ hàng hóa và dịch vụ gia tăng một cách chóng mặt thì số tiền phí hạn chế phương tiện 50.000 một tháng là bất hợp lý. Dù biết rằng cùng đóng góp với nhà nước cải thiện bài toán khó giao thông hiện nay là điều nên làm nhưng hầu hết sự tin tưởng của những người dân này vào hiệu quả của phí hạn chế xe cá nhân là hoàn toàn không có.

Về tầng lớp người dân được cho là có thu nhập cao trong xã hội, có xe ô tô nói gì khi Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố ông tin rằng 600.000 người có xe ô tô sẽ tự hào tham gia đóng góp cho đất nước? Đơn cử nhân vật nổi tiếng, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ ý kiến của mình về đề xuất thu phí là hết sức phi lý vì bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện. Cũng có ý kiến cho rằng sẽ vui vẻ đóng góp nếu Bộ Giao Thông có kế hoạch và lộ trình rõ ràng sẽ làm gì với số tiền phí, các bước và thời gian thực hiện, mục tiêu và hiệu quả của từng giai đoạn.

Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn ở trong khái niệm những thuật ngữ mà ông ấy sử dụng giữa phí, thuế và phạt là lẫn lộn. Đương nhiên phân tích cho cùng thì đấy là tự phạt thì đúng hơn.

Ông Dương Trung Quốc

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng sẽ không hạn chế được phương tiện cá nhân vì họ phải đóng mức phí “chết” dù không có nhu cầu sử dụng nhiều, do đó họ sẽ sử dụng đến mức tối đa, sẽ đi bất cứ nơi đâu, bất cứ giờ nào để tương xứng với mức phí mà họ đã đóng. Phần lớn dư luận cho rằng họ phải đóng một loại phí thật sự là mâu thuẫn. Một người sở hữu xe ô tô cho biết:

“Có nhiều bất hợp lý trong đó lắm. Bất hợp lý là tại sao gọi là phí hạn chế xe cá nhân, trong khi đó tôi lại đi đóng tiền hạn chế chiếc xe tôi?”

Trong số những cá nhân có xe ô tô cho rằng nếu bắt buộc phải đóng phí hạn chế xe cá nhân thì đa phần trong số họ quyết định sẽ bán xe. Còn các doanh nghiệp kinh doanh phương tiện chuyên chở thì sẽ tăng giá cước và cuối cùng người dân sẽ phải trả cước phí cao. Hiện nay, các chủ xe ô tô phải nộp 3 loại thuế bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng-VAT đồng thời nộp 5 loại phí là phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí kiểm định và phí bảo hiểm.

Liệu có hợp lý?

bus-250.jpg
Người dân đang chờ xe buýt ở quận 3, TPHCM. RFA photo (Người dân đang chờ xe buýt ở quận 3, TPHCM. RFA photo)

Nếu chính phủ thông qua đề xuất của Bộ trưởng GTVT thêm hai loại phí nữa thì tổng cộng chủ xe ô tô phải đóng tất cả là 10 loại thuế và phí. Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc cho rằng cách đặt vấn đề về mức phí hạn chế xe cá nhân của Bộ trưởng Đinh La Thăng là chưa chính xác. Ông Dương Trung Quốc phân tích như sau:

“Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn ở trong khái niệm những thuật ngữ mà ông ấy sử dụng giữa phí, thuế và phạt là lẫn lộn. Bởi vì ví dụ như việc thu tiền đối với các chủ xe tư nhân với mức trung bình khoảng 20 triệu/năm, thực ra không thể gọi là phí được. Bởi vì phí đi cùng với nó là chi trả cho một dịch vụ. Còn thuế là đánh vào tài sản của một người dân khi mua một chiếc ô tô thì chính phủ đã có một hàng rào thuế quan cũng để góp phần hạn chế nhập xe ô tô vào trong nước, cho nên thuế đã đánh rất cao rồi thì không thể thêm một thứ thuế chồng lên nữa. Đương nhiên phân tích cho cùng thì đấy là tự phạt thì đúng hơn.”

Về khía cạnh pháp luật, các luật gia cho rằng phí chồng lên phí là trái luật. Còn ý kiến của các chuyên gia về giao thông thì cho rằng cần phải có giải pháp căn bản là quy hoạch tổng thể hạ tầng cơ sở và phương tiện công cộng phát triển đồng bộ. Nếu thu thêm phí là giải pháp tình thế thì sẽ không giải quyết được căn bản. Trả lời câu hỏi của đài RFA với tư cách đại biểu quốc hội, đại diện cho tiếng nói của người dân, sẽ có ý kiến gì trong cuộc họp ở Quốc hội về đề xuất thu phí này. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói:

“Tôi cho rằng phải tìm ra giải pháp nào thực tế, có tính khả thi và kích thích sự phát triển, sự sản xuất chứ không phải trì hoãn lại. Hơn nữa tôi cũng sẽ đặt vấn đề là bây giờ thuế xuất nhập xe ô tô rất lớn thì số tiền mà đánh thuế vào xe ô tô như thế thì có được sử dụng đúng vào việc hỗ trợ mở mang hạ tầng giao thông hay là được sử dụng vào những việc khác, để đến lúc này thiếu thốn về ngân sách thì lại tạo ra những nguồn thu khác. Bây giờ cũng sẽ là cơ hội để nhìn lại toàn bộ chính sách liên quan đến giao thông.”

Có nhiều bất hợp lý trong đó lắm. Bất hợp lý là tại sao gọi là phí hạn chế xe cá nhân, trong khi đó tôi lại đi đóng tiền hạn chế chiếc xe tôi?

Một người dân

Và anh Hưng, một người dân không có mức thu nhập cao, cho rằng nếu như bắt buộc phải đóng mức phí 500.000 đồng/năm cho chiếc xe máy của mình thì anh sẽ chọn cách đi xe đạp:“Tôi khỏi đóng, bắt buộc tôi phải đi xe đạp thôi, cũng là phương tiện cá nhân thôi.”

Người dân luôn trách nhiệm trong đóng góp của mình để có được sự thuận tiện dễ dàng khi đi lại, được an tâm khi di chuyển trên đường. Họ sẽ chọn lựa sử dụng phương tiện công cộng nếu phương án này tiện lợi và bảo đảm an toàn cho họ. Người dân không muốn phải chọn phương án hoặc là đóng phí bị áp đặt, hoặc là phải chọn cách né tránh bằng cách đi xe đạp hay thậm chí đi bộ như cách đây hơn 20 năm về trước.

Họ trông chờ quyết định cuối cùng của chính phủ về đề xuất hai loại phí mới với sự đồng thuận của lòng dân. Với những bất cập và tính không hợp lý của đề xuất thu phí do Bộ trưởng Đinh La Thăng đề ra nếu chính phủ thông qua thì người dân cho rằng đó là “tận thu”. Và sự áp đặt này sẽ không có hiệu quả như lời nhận định của cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết : “ép dân không phải là cách phục vụ dân”.

Theo dòng thời sự: