Bên “hoà” bên “chiến”?
Thủ tướng Israel cương quyết xác định quyền tấn công phủ đầu đối với Iran vì vũ khí hạt nhân đang thành hình của xứ này là một mối đe doạ sinh tử đối với người Do thái, trong khi Tổng thống Obama vẫn can ngăn, nói rằng hãy chờ các phương sách ngoại giao, kinh tế gây tác dụng đã.
Nhìn trên khía cạnh gọi là “hoà hay chiến” thì tưởng như mâu thuẫn, nhưng trước câu hỏi này hai bên cũng không đối chọi lẫn nhau, mà chỉ có những khác biệt về thời gian, hay thời cơ, mà thôi.
Tuy nhiên có ý kiến không đồng ý với quan điểm cho rằng hai nhà lãnh đạo đều đồng thuận về một trận tấn công, chỉ khác nhau về thời điểm và chứng cứ để dựa vào đó tung ra một trận đánh phủ đầu.
Tổng thống Obama tuyên bố trong một bài diễn văn quan trọng với cộng đồng người Do Thái tại Hoa Kỳ vào đêm chủ nhật, rằng Mỹ không loại trừ giải pháp chiến tranh để đối phó với Iran, và Israel nếu có khai chiến cũng không cần xin phép Washington vì họ là một quốc gia độc lập tự chủ.
Tuy nhiên ông nói tiếp ngay, rằng chiến tranh đã được nói tới quá nhiều và như vậy chỉ có lợi cho Iran mà thôi. Sau đó ông ngụ ý tin rằng những biện pháp kinh tế, ngoại giao sẽ có tác dụng để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân. Như vậy phải chăng Tổng thống Mỹ đã chủ hoà, ít ra cũng ngay trong giai đoạn hiện tại, cho tới khi tình hình bắt buộc phải có chiến tranh?
Để tìm hiểu thêm người ta cần coi kỹ lại lập trường hai bên.
Khi họp báo chung sau cuộc hội kiến hôm thứ hai. Tổng thống Mỹ tuyên bố ông hiểu rằng Thủ tướng Israel và ông đều muốn giải quyết bằng ngoại giao và đều biết cái giá phải trả của chiến tranh. Nhưng đến lượt phát biểu, Thủ tướng Netanyahu không nói gì về cấm vận hay đàm phán, mà nhắc lại câu nói của ông Obama rằng Israel là một nước tự chủm tự quyết, có thể tự vệ theo phương cách nào tuỳ ý chọn lựa, và ông nói ông tin rằng vì thế mà Tổng thống Obama từng đề cao rằng Israel phải giành lấy quyền tự vệ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Israel phải nắm chắc số phận của mình".
Phải chăng đã có mâu thuẫn về hoà hay chiến?
Bản hợp ca nhiều bè?
Thực ra sau cuộc họp thượng đỉnh, hai phía đã gần nhau hơn tuy vẫn tuyên bố những điều khác biệt về giải pháp chính yếu cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Người ta lưu ý rằng ông Obama nhấn mạnh ông không theo lập trường bao vây một nước Iran có vũ khí hạt nhân, mà phải giải quyết sao cho Iran không thể được võ trang hạt nhân. Ông nói đó cũng là quyền lợi của nước Mỹ.
Như vậy điểm đồng thuận cốt yếu là ở chỗ cả Mỹ lẫn Israel đều xác định là Iran không thể có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Obama vẫn xác quyết rằng có thể dùng chiến tranh như biện pháp sau cùng vào lúc tối cần thiết. Điểm khác biệt quan trọng giữa Hoa Kỳ với Israel là ở chỗ “lúc nào là tối cần thiết”.
Israel có vẻ như cho rằng thời điểm đó sắp tới rồi, hay đã là ngay lúc này, khi Iran đã làm ra được uranium 20% tinh chế, tức là đã đứng trước ngưỡng cửa kho vũ khí hạt nhân. Nhưng Washington vẫn nói hãy chờ tác dụng của các biện pháp phi chiến tranh. Mâu thuẫn là ở sự đánh giá về thời điểm, nhưng đó có thể bị coi là quan điểm “chủ hoà” của ông Obama để tránh một cuộc chiến tranh Trung đông.
Trong khi đó thì các lãnh tụ đảng Cộng Hoà đều chê bai Tổng thống Obama là yếu ớt trong lập trường đối phó với Iran. Đảng Cộng Hoà tỏ ra ủng hộ một cuộc tấn công quân sự của Israel, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ tiếp trợ hay trực tiếp tham dự chiến tranh.
Tuy nhiên, xét kỹ, đó là sự khác biệt trong chiêu bài tranh cử của hai đảng hơn là mâu thuẫn về chính sách. Bên Cộng hoà thúc giục chiến tranh không có nghĩa là phát khởi chiến tranh vào lúc này.
Có ý kiến cho rằng dường như hai ông Netanyahu và Obama ca cùng một bản, chỉ hát khác bè.
Israel muốn Hoa Kỳ cam kết yểm trợ một khi hành động quân sự được tiến hành. Thủ tướng Israel vội sang Mỹ vì nhiệm vụ đó, cho thấy nước ông đã sẵn sàng ra tay, chỉ cần Mỹ bật đèn xanh và hứa tiếp trợ. Tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta liền hứa hẹn Mỹ sẽ cung cấp mọi yểm trợ để Israel duy trì ưu thế quân sự đối với mọi liên minh hay quốc gia đối nghịch. Nhưng Tổng thống Barrack Obama vẫn can ngăn Israel khoan vội gây chiến.
Đúng lúc đó, hôm thứ ba Tổng trưởng ngoại giao của Liên Hiệp châu Âu, bà Catherine Ashton, loan báo đã gởi thư cho Iran, chấp nhận mở lại đàm phán giữa 6 nước P5+1 với Iran. Iran cũng tuyên bố sẽ cho phép các thanh tra nguyên tử năng quốc tế đến thanh sát căn cứ Parchin, nơi bị nghi đang được sử dụng cho việc thử nghiệm ngòi nổ neutron của vũ khí hạt nhân.
Phải chăng bài hợp ca của phương Tây đã buộc Iran trở lại đàm phán? Và cuộc đàm phán liệu có giải quyết được vấn đề Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân?
Iran không muốn vũ khí hạt nhân?
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé thổ lộ ông e rằng Iran sẽ nói chuyện nước đôi trên bàn hội nghị. Điều đó có nghĩa là Tehran sẽ dùng hội nghị để mua thời gian hầu nghiên cứu sản xuất vũ khí hạt nhân.
Israel dè dặt hoan nghênh việc Iran trở lại hoà đàm, nhưng Tel Aviv vẫn giữ những đòi hỏi nghiêm ngặt như Iran phải từ bỏ những nhiên liệu đã tinh luyện trên 3,5%. Tổng thống Obama tỏ ra thoải mái khi tuyên bố vòng đàm phán mới với Iran có thể làm dịu “những hồi trống trận” đang ầm vang từ châu Âu sang châu Mỹ.
Tình hình sẽ biến chuyển thế nào? Tehran tuyên bố cuộc đàm phán sẽ thất bại nếu phương Tây gây áp lực với Iran. Và người ta còn nhớ hồi tuần trước nhà lãnh đạo tinh thần của Iran, Grand Ayatollah Seyed Ali Hosseini Khamenei, tuyên bố rằng “Các cường quốc phương Tây biết Iran không tìm lấy vũ khí hạt nhân vì Cộng Hoà Hồi giáo Iran coi sự thủ đắc vũ khi hạt nhân là một điều tội lỗi, và tin rằng giữ lấy những vũ khí ấy chỉ là vô dụng, tai hại và nguy hiểm”
Iran muốn tránh cấm vận và trừng phạt kinh tế cùng nguy cơ chiến tranh với Israel, để duy trì kế hoạch hạt nhân hoà bình bằng cuộc đàm phán và cho giám sát các hoạt động liên quan, hay Iran câu giờ để chế tạo vũ khí hạt nhân?
Câu hỏi này quá lớn, cần thêm nhiều thì giờ bàn luận. Xin kính chào tạm biệt quý vị.