Không sáp nhập, mà "liên-bang-hóa" Ukraine

0:00 / 0:00

Ưu thế nghiêng về phía ly khai

Trước hết diễn biến ở 5 thành phố miền đông Ukraine hiện nay có nhiều phần giống ở Crimea. Thành phố Donetsk có 1 triệu dân, hồi 10 giờ sáng thứ tư đã có khoảng một tiểu đội dân quân được 7 người mặc quân phục ngụy trang, có võ trang, mang mặt nạ yểm trợ, toan tiến vào chiếm tòa thị chính và hội đồng thành phố. Đến chiều thì trên 40 người trong đó có nhiều người vũ trang như nói trên, đã chiếm văn phòng thị trưởng nhưng vẫn để các nhân viên chính quyền làm việc trong tòa thị chính. Người ta nghi ngờ những kẻ mặc quân phục ngụy trang và mang mặt nạ này cũng là binh sĩ Nga, giống như lần trước ở tại Crimea.

Ở Slovyansk cách Donetsk 100 km hướng bắc, hôm thứ ba quân đội Ukraine bố trí 20 xe tăng và binh sĩ của lữ đoàn 25 nhảy dù, nói là để tái chiếm cơ sở chính quyền và bộ chỉ huy cảnh sát. Qua thứ tư, thiết giáp tiến vào thành phố đã bị dân thân Nga bao vây bắt sống 6 xe, giương cờ Nga, buộc binh sĩ phải theo, các xe còn lại rút lui sau khi bị tước đoạt một số vũ khí.

Tại Kramatorsk, bộ chỉ huy cảnh sát và tòa thị chính bị chiếm từ thứ bảy. Ngày thứ ba quân đội bố trí tăng cường sân bay, thứ tư 14 xe bọc thép và xe tăng tiến vào chiếm lại trung tâm thành phố, dân quân rút khỏi bộ chỉ huy cảnh sát.

Ở Lugansk dân quân thân Nga chiếm bộ chỉ huy lực lượng an ninh của chính phủ, đòi thả lãnh tụ ly khai đang bị giữ, và chuẩn bị cố thủ dù bị dọa tấn công. Ở Kharkiv, người dân thân Nga xung đột với thành phần trung thành với Kiev, phía thân Nga chiếm văn phòng tình trưởng hôm 6 tháng tư, nhưng phải rút đi vào ngày hôm sau. Ba ngày biến loạn tiếp theo sau đó. Hôm chủ nhật người biểu tình tấn công chiếm trung tâm hành chánh của thị trấn nhưng không chiếm được.

Rạng sáng thứ năm, dân biểu tình phá cổng tràn vào bộ chỉ huy quân sự và cảnh sát ở Mariupol, 100 km phía nam Donetsk, đập phá xe cộ nhà cửa, buộc quân đồn trú đầu hàng. Lực lượng phòng thủ cảnh cáo không xong, nổ súng hạ sát 3 người trong đám biểu tình bạo loạn. Tuy nhiên tòa thị chính đã bị chiếm giữ, phe thân Nga canh gác và tổ chức phòng thủ.

Quân Nga vẫn bố trí cách biên giới 40 km. Lực lượng an ninh tình báo Ukraine nói là họ nghe được liên lạc thông tin của phía dân quân và biết là lực lượng tình báo đặc biệt của Nga từng hoạt động ở Crimea nay cũng đang điều khiển cuộc nổi dậy ly khai ở miền Đông.

Trẻ em chụp ảnh trên những xe tăng nhẹ chiếm của quân chính phủ - Courtesy of Russia Today
Trẻ em chụp ảnh trên những xe tăng nhẹ chiếm của quân chính phủ - Courtesy of Russia Today (Courtesy of Russia Today)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhất quyết bác bỏ sự tố cáo là có quân Nga trong các vụ biến loạn, và ông thách thức chính quyền Ukraine bắt được một binh sĩ Nga nào trong thành phần đòi ly khai.

Trông đợi gì ở hội nghị?

Ông Putin nhắc lại rằng Quốc Hội Nga cho phép ông sử dụng quân đội để bảo vệ người dân gốc Nga sinh sống ở Ukraine. Tuy nhiên ông nói ông có nhiều hy vọng không phải làm điều đó, chờ những cuộc đàm phán đem lại kết quả.

Hội nghị bốn bên Mỹ-châu Âu-Nga-Ukraine đã khởi sự tại Genève lúc sáng thứ năm, nhưng một vài nguồn tin ngoại giao từ Washington đã nói trước là không có nhiều hy vọng hội nghị quốc tế Genève sẽ đem lại kết quả cụ thể, vì mỗi bên tham dự đều có những đòi hỏi, điều kiện khác nhau.

Hôm qua trước khi rời Hà Nội để đi Geneve phó hội, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông sẵn sàng gặp Ngoại Trưởng Andriy Deshchytsya của chính phủ lâm thời Kiev.

Cuộc tiếp xúc này được chú ý nhiều hơn cả hội nghị Genève, nhưng giới ngoại giao châu Âu cũng nói họ không đặt nhiều kỳ vọng.

Trong tình thế như vậy, khi nói là mọi chuyện đang diễn ra giống kịch bản ở Crimea, người ta đặt dấu hỏi liệu Moskva có muốn sáp nhập miền Đông vào Nga như đã làm ở Crimea không?

Sáp nhập hay ly khai?

Sáp nhập miền Đông vào Nga thì là một hành động xâm lấn quá đáng, chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh nhất từ phía Hoa Kỳ và Liên Âu. Vì thế người Nga có thể có kế hoạch khác cho miền Đông Ukraine. Theo đó Moskva sẽ bằng mọi cách buộc Ukraine phải để cho miền Đông biến thành một hay hai lãnh thổ tự trị trong khuôn khổ liên bang Ukraine.

Tại Hội nghị bốn bên ở Genève ngày thứ năm, Nga sẽ hết sức thúc đẩy kế hoạch đó. Hai Tổng thống và hai Ngoại trưởng Mỹ-Nga đã nói chuyện riêng với nhau về vấn đề Ukraine, dường như phương Tây không thể chấp nhận một giải pháp toàn thắng cho Nga như vậy.

Điều đó có nghĩa là hội nghị Genève sẽ đổ vỡ, không đạt được kết quả nào. Và đo đó tình hình miền Đông Ukraine sẽ tiếp tục biến động và ngày càng biến động mạnh hơn. Trong khi Hoa Kỳ và Liên Âu vẫn nói không dùng giải pháp quân sự, tòa Bạch ốc còn nói là chưa nghĩ tới việc viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine, thì kế hoạch của Nga biến Ukraine thành liên bang có vẻ như sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Phương Tây làm được gì?

Tới lúc đó phương Tây liệu có tung ra áp lực trừng phạt kinh tế tối đa, dùng tới lưỡi gươm Damocles vẫn treo lơ lửng từ sau khi Nga sáp nhập Crimea?

Còn nhiều yếu tố cần nói đến trước khi xem xét liệu Mỹ và châu Âu có sẵn sàng làm như vậy.

Tổng thống Putin trên truyền hình sáng thứ năm đã nhắc rằng việc châu Âu rao lên rằng không cần đến hơi đốt của Nga là ĐIỀU KHÔNG THỂ XẢY ĐẾN(Putin: "it's impossible") trong khi Moskva vẫn đang cung cấp tới 30% nhu cầu của cả châu Âu.

Vậy còn chuyện Hoa Kỳ thay Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu?

Việc xuất khẩu khí đốt của Mỹ gặp nhiều rào cản rất phức tạp vì áp lực của hằng chục bộ và cơ quan an ninh, kỹ thuật, hành chánh và các trung tâm quyền lợi, từ cơ quan kiểm soát năng lượng, vận tải, đến cơ quan bảo vệ môi sinh, bảo vệ thú hiếm, an ninh hàng hải... Dự kiến lạc quan nhất cho thấy, với điều kiện lập pháp Hoa Kỳ hết sức tích cực yểm trợ để hoàn tất mọi thủ tục và hoàn thành các nhà máy đông lạnh khí đốt trong tình huống phải giải tỏa áp lực của Nga về nhiên liệu với châu Âu, thì cũng phải mất ít nhất hai năm nữa những chuyến tàu khí đốt đông lạnh từ Mỹ mới khởi hành sang châu Âu. Nhắc lại: đó là tình huống lạc quan nhất cho phương Tây.

Như vậy có nghĩa là trong thời gian sắp tới vũ khí hơi đốt của Nga vẫn còn nhiều tác dụng trên đấu trường chính trị, ngoại giao về Ukraine. Chỉ kém một điều là Nga hiểu rằng vũ khí đó sẽ mất tác dụng chỉ trong vòng dăm ba năm nữa, trong khi đòn trừng phạt kinh tế chắc chắn sẽ lập tức gây tổn thất không nhỏ, từ đó họ sẽ có chính sách thích hợp, nghĩa là bớt cứng rắn hơn nhưng không phải là nhượng bộ, lùi bước trong tham vọng về Ukraine.

Báo chí Nga cho biết binh sĩ Lữ đoàn 25 Nhảy dù của Ukraine bỏ lại vũ khí nặng, rút lui, nói là "sẽ về nhà"- Courtesy of Russia Today
Báo chí Nga cho biết binh sĩ Lữ đoàn 25 Nhảy dù của Ukraine bỏ lại vũ khí nặng, rút lui, nói là "sẽ về nhà"- Courtesy of Russia Today (Courtesy of Russia Today)

Dựa vào đó, phương Tây có thể sử dụng lưỡi gươm Damocles (biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ) để tranh thủ cho Ukraine một số điều kiện thuận lợi hay ít tổn thất hơn.

Manh nha hình thức liên bang

Những tin tức mới nhất về hội nghị bốn bên ở Genève cho biết Ngoại trưởng Nga tuyên bố bốn phía liên quan đã thỏa thuận về một số biện pháp làm giảm tình hình căng thẳng ở Ukraine. Một trong những biện pháp đó là giải tán những nhóm võ trang bất hợp pháp trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Chưa rõ chi tiết, nhưng người ta dự đoán những đám đông bạo loạn cướp chính quyền ở miền đông Ukraine có thể được Nga coi là những nhóm dân chúng không vũ trang, trong khi quân đội Ukraine có thể bị coi là lực lượng vũ trang của một chính quyền mà Nga vẫn coi là "bất hợp pháp".

Ngoại trưởng Lavrov cũng kêu gọi thiết lập ở Ukraine một hình thức chính quyền trung ương tản quyền để các địa phương có được quyền hành rộng lớn hơn, đồng thời tạo vai trò mạnh mẽ hơn của ngôn ngữ Nga ở Ukraine. Đó chính là những điều mà Kiev đã đề nghị cho Crimea nhưng bị bác bỏ phũ phàng để Crimea sáp nhập hẳn vào Nga.

Hình thức liên bang cho Ukraine đã bắt nguồn từ đây.