Ukraine tiến vào một bước ngoặt bất ngờ hôm thứ bảy 22 tháng 2, 2014 khi chính quyền lập tức về tay các đại biểu quốc hội sau nghị quyết Quốc hội lên án và truất quyền Tổng thống Yanukovich. Chủ tịch quốc hội Oleksandr Turchynov được chỉ định làm Tổng thống lâm thời, quốc hội ấn định thứ ba là ngày lập chính phủ mới (nhưng sau đó đã phải đình hoãn) . Cùng ngày thứ bảy, đài truyền hình Kiev phát bài phỏng vấn thu trước của Tổng thống Viktor Yanukovich, trong đó ông chỉ trích phe đối lập và nói sẽ không từ chức, nhưng đó là lúc ông đã lên máy bay để về thành phố quê hương ông ở Donest, miền Đông Ukraina. Lực lượng an ninh ở đó cho biết đã chặn máy bay lại khi ông toan bay ra nước ngoài. Không ai biết ông ở đâu cho đến hôm thứ năm, 27 tháng 4, ông tuyên bố trên báo chí Moscow, nói ông vẫn là Tổng thống Ukraine, và dân Ukraine ở miền Nam và Đông nam sẽ không chấp nhận "luật của đám đông". Hãng thông tấn RIA cho biết ông đã họp báo ở thành phố Rostov-trên-sông-Đông.
Ít ai dự đoán được một sự xoay chuyển tình hình nhanh chóng đến thế và có thể dự kiến thành phần đối lập thành công trong việc chiếm chính quyền bằng biện pháp hoà bình như vậy.
Đến chủ nhật, 23 tháng tư, quốc hội gấp rút củng cố quyền hành, sa thải các bộ trưởng của chính phủ cũ, phóng thích tù chính trị, ra lệnh bắt giữ viên chức chế độ cũ. Thứ năm, quốc hội bổ nhiệm thủ tướng và các chức vụ then chốt trong chính phủ mới. Nhưng liệu tình hình Ukraine có yên ổn trở lại?
Đó là câu hỏi lớn cho tình hình Ukraine hiện nay. Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov phải ngưng lại quyết định bổ nhiệm chính phủ là vì có sự lũng đoạn của những thành phần cực hữu, trong khi thành quả cách mạng là do lực lượng trẻ và cấp tiến hy sinh tạo thành. Đến thứ năm chính phủ mới được thành lập, với thành phần nội các gồm những viên chức chính phủ cũ mà trước đó đã sớm tham gia cuộc phản kháng chống lại chính phủ Yanukovich.
Tình hình còn khó khăn ở cả hai lãnh vực tài chính lẫn chính trị. Về tài chính thì kinh tế bên bờ bội ước tín dụng, về chính trị thì đang có nguy cơ ly khai của vùng miền Đông và bán đảo Crimea, một nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.
Về tài chính, EU và Hoa Kỳ cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể giúp Ukraine thoát khỏi khó khăn tài chính không?
Nhu cầu tài chính trước mắt của Ukraina là 13 tỉ đô la, trong năm nay và năm tới là tổng cộng khoảng 25 tỉ, có lúc đưa ra con số 35 tỉ đô la cho ba năm. Chừng đó tiền cũng còn nằm trong khả năng của Hoa Kỳ, của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và EU. Những quốc gia và định chế này có thể tổ chức hội nghị cấp viện giống như hội nghị giúp cho Afghanistan hay một số nước gặp khủng hoảng trên thế giới trước đây. Tuy nhiên nếu không có áp lực chính trị thúc đẩy Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì IMF khó lòng giúp Ukraine khi mà nước này đã được giúp quỹ cấp cứu hồi 2008 và 2010, mà vẫn bị bội ước tín dụng. Với áp lực chính trị, IMF sẽ mở hầu bao một lần nữa. Về EU và Hoa Kỳ thì đành rằng EU đang tự gánh mình cũng vất vả, người Mỹ cũng phải thắt lưng buộc bụng, nhưng một khoản cứu cấp không nhiều như vậy thì EU có thể
đóng góp được một phần. Hoa Kỳ sẵn sàng đóng góp, có thể là một tỉ lệ dồi dào, cũng nhờ nhu cầu của Ukraine không quá nhiều.
Diễn tiến mới hôm thứ năm cho biết Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde loan báo Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đến Kiev, đáp ứng lời kêu gọi của Ukraine, để nghiên cứu biện pháp giúp đỡ. Bà Lagarde cũng cho hay IMF và các thành viên quốc tế đang thảo luận phương cách giúp Ukraine. Với sự giúp đỡ tận tình của phương Tây, Kiev có thể đứng vững dù rằng Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Ukraine gần như Trung Quốc đối với Việt Nam. Nhưng dù sao ra khỏi quỹ đạo của Nga không phải là chuyện dễ chịu. Thêm vào đó, Moscow không bao giờ muốn Ukraine ngả theo Liên Âu về cả kinh tế lẫn chính trị. Nước Nga sẽ có hành động gì, trong khi họ đưa ra những tín hiệu khác nhau, gây nghi ngại?
Đầu tiên Thủ tướng Medvedev và Ngoại trưởng Sergei Lavrov lên án phe đối lập của Kiev là những kẻ võ trang nổi loạn, nói MátX-Cơ-Va sẽ cắt đứt liên lạc. Ông Lavrov còn nói dân sắc tộc Nga ở Ukraine phải được bảo vệ an ninh, không ai được đe dọa họ. Lời lẽ này khiến người ta nghĩ tới hành động đưa quân vào bảo vệ kiều dân như nhiều nước từng làm từ thế kỷ trước đến nay để can thiệp vào nước khác. Gần nhất là tại Georgia năm 2008, Nga lấy lý do bảo vệ kiều dân Nga ở các vùng thuộc Georgia đòi độc lập đang bị quân đội Georgia tiến đánh, đem hải lục không quân tấn công Georgia, chiếm cứ Nam Ossetia và Abkhazia. Hai vùng này sau đó tuyên bố tách khỏi Georgia thành hai nước cộng hòa mới, được Nga công nhận và bảo vệ. Georgia vẫn coi đó là lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, và hầu hết các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều không công nhận hai xứ ly khai này.
Qua tới hôm thứ ba, Ngoại trưởng Lavrov có vẻ dịu giọng, tuyên bố Moscow sẽ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở láng giềng Ukraina, đồng thời mong đợi các nước khác cũng làm như vậy, và ông nhấn mạnh rằng đừng ai buộc Kiev phải chọn lựa giữa Nga với phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước giờ vẫn im lặng về vấn đề Ukraine, thậm chí không trả lời phỏng vấn về vấn đề này ngay sau khi kết thúc thế vận hội Sochi, nhưng hôm thứ tư đã ra lệnh cho hải lục không quân ở các quân khu phía Tây tập trận, theo chỉ thị nói là để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu một khi xảy ra tình huống đe dọa an ninh quân sự của nước Nga.
Các quân khu miền Tây này trải dài từ Bắc cực, xuống qua biên giới Phần Lan, các nước vùng Baltic, rồi Ba Lan, và kéo dài xuống qua biên giới Belarus, Ukraine.
Năm ngoái cũng chính Tổng thống Vladimir ra lệnh tập trận kiểm tra tương tự, và ông đã tuyên bố đây là hoạt động quân sự thường niên, các nước không phải lo ngại. Tuy nhiên năm nay cuộc tập trận cũng diễn ra như một hoạt động thường niên, nhưng là một diễn tiến bất ngờ không báo trước, lại diễn ra vào thời điểm đáng chú ý, nên gây nghi ngại cho phương Tây.
Tổng thống Nga ra lệnh tập trận, Bộ trưởng quốc phòng Nga tuyên bố sẽ có biện pháp bảo vệ an ninh căn cứ Hạm đội Bắc hải ở trên bờ Hắc Hải trên bán đảo Crimea thuộc Ukraine, thì nửa ngày sau đám đông 50 người võ trang
ở Cộng hòa tự trị Crimea chiếm giữ một số cơ sở chính quyền địa phương, giương cờ Nga, tuyên bố Crimea thuộc Nga.
Liệu còn xảy ra chuyện lớn hơn nữa chăng?
Tương lai xứ từng được gọi là "Tiểu Nga" này tùy thuộc vào chính sách khôn khéo của các nhà lãnh đạo mới. Chính quyền Kiev phải "đi giây" giỏi hơn Hà Nội mới có thể giữ được hoà bình, ổn định và phát triển cho xứ sở của mình.