Moscow không cần động binh

Khoảng 60 người võ trang chiếm cứ tòa nhà Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea. Nhóm vũ trang hầu hết là người sắc tộc Nga kéo cờ Liên Bang Nga lên cột cờ Quốc hội Crimea. Chừng 100 cảnh sát Crimea dàn đội hình trước Quốc hội đối diện nhóm vũ trang canh cửa Quốc hội. Ngay lúc đó chừng 100 người dân sự vác cờ Nga tiến về phía tòa nhà, hô khẩu hiệu "Nước Nga, nước Nga, nước Nga..." và giương biểu ngữ kêu gọi trưng cầu dân ý cho Crimea.

50 người thân Nga, có tin nói khoảng 100 người, dàn hàng sát vai đối diện cảnh sát. Lãnh tụ nhóm này tuyên bố họ phải tự tổ chức để duy trì trật tự trong khi chính phủ bất hợp pháp bất hợp hiến chiếm chính quyền ở Kiev.

Một người dân sắc tộc Nga nói với hãng thông tấn Interfax cho biết ông cùng một số người khác đang dựng rào cản bảo vệ quốc hội thì những người Nga trẻ tuổi này tiến tới, có người cầm súng lục. Những người bảo vệ nằm xuống đất, một số bỏ chạy, có tiếng súng nổ chỉ thiên, và những người trẻ tuổi nhảy qua cửa số vào Quốc hội. Không ai bị thương. Hỏi những người này muốn gì, họ trả lời họ tự quyết định, không để Kiev bảo gì làm nấy.

Thủ tướng Crimea Anatoliy Mohilyov cho biết ông đã nói chuyện bằng điện thoại với nhóm người vũ trang chiếm giữ Quốc hội , nhưng họ không nêu yêu sách nào, cũng không cho biết tại sao họ làm như vậy, và họ hứa sẽ gọi lại nhưng không gọi.

Sau nữa, các đại biểu Quốc hội đến họp, giống như một việc đã chuẩn bị trước, được nhóm vũ trang đưa vào bên trong. Quốc hội chấp thuận quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5 tới, cùng ngày với cuộc tổng tuyển cử toàn quốc Ukraine.

Người dân Crimea sẽ bỏ phiếu thuận hay chống đề nghị cho Crimea có chủ quyền hoàn toàn trong phạm vi quốc gia Ukraine, trên căn bản các hiệp ước và thỏa ước hiện hữu.

Các nhà lập pháp cũng biểu quyết giải tán chính phủ địa phương, để giao quyền hành lại cho quốc hội với đa số thân Nga.

Từ hôm thứ tư đã xảy ra xung đột tay chân ở bên ngoài Quốc hội địa phương tại Simferopol, giữa những người biểu tình thân Nga và chống Nga. Ngày hôm trước, thứ ba, đã có mấy chục người thân Nga biểu tình hô khẩu hiệu " Nước Nga ơi cứu chúng tôi!" và gọi chính phủ lâm thời của Ukraine là "kẻ cướp".

Một chuyên viên về Đông Âu người Đức nói với báo chí rằng nhiều viên chức người Nga đã đến Crimea, trong đó có cả các đại biểu quốc hội Nga, để

Biểu ngữ "Nước Nga cứu chúng tôi với" - Courtesy of dw.de
Biểu ngữ "Nước Nga cứu chúng tôi với" - Courtesy of dw.de (Courtesy of dw.de)

khuyến khích những người chủ trương ly khai bằng những lời hứa hẹn cấp hộ chiếu, yểm trợ nhiều mặt, kể cả hợp tác kinh doanh.

Tin đồn rằng những người biểu tình chiến thắng ở Kiev có thể đang đến Simferopol để đàn áp hành động ly khai đã khiến nhiều người nơi này tự tổ chức phòng vệ. Khoảng 3 ngàn người đã ghi tên tại Sevastopol, nơi có căn cứ của Hạm đội Hắc Hải của Nga. Trong số đó có những cựu binh và cựu cảnh sát chống bạo động Berkut huấn luyện cho những người trẻ tuổi.

Lãnh tụ của nhóm này, Gennady Basov, nói họ phải tự vệ chóng lại những kẻ tội phạm võ trang, mang mặt nạ, đến Crimea để gây bất ổn, những kẻ đã biến Ukraine thành một "nước Cộng hòa củ chuối"

Không phải mọi người sắc tộc Nga đều ủng hộ ly khai. Một người Nga lớn tuổi nói cờ ngoại quốc bay trước Quốc hội là một sự sỉ nhục, giống như "người đàn ông về nhà trông thấy vợ ngủ với người khác trên giường mình". Tuy nhiên nhận định chung cho rằng người sắc tộc Nga chiếm đa số ở Crimea, sẽ bỏ phiếu cho chủ quyền rộng lớn hơn của Crimea trong khuôn khổ quốc gia Ukraine.

Từ Kiev, tân thủ tướng Yatsenyuk buồn bã tuyên bố "Ukraine đang bị xé nát" nhưng nói tiếp "Ukraine sẽ tìm tương lai ở châu Âu, sẽ là một thành phần của Liên Âu."

Cờ Nga bay phất phới trên quốc hội và nhiều tòa nhà chính phủ ở thủ phủ Simferopol của Crimea, trong khi những người dân thân Nga từ bên kia bán đảo xinh đẹp Crimea lũ lượt kéo vào trên xe buýt, xe ô tô.

Thủ tướng Crimea Anatoliy Mohilyov nói với AFP có chừng 50 người võ trang chiếm Quốc hội, nhưng vị Thủ tướng Crimea tiền nhiệm Sergiy Kunitsyn nói với quốc hội tại Kiev rằng những người liên lạc với ông từ Crimea cho biết nhóm xâm chiếm quốc hội gồm 120 người võ trang mặc đồng phục ngụy trang được huấn luyện quân sự trình độ cao, trang bị súng tự động và cả súng bắn sẻ, đem theo đạn dược đủ để cố thủ trong 1 tháng.

Tứ bên ngoài, Tổng Thư Ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi Lên Bang Nga đừng có bất cứ hành động nào có thể tạo hiểu lầm hay khiến cho tình hình Ukraine trở thành bất ổn hơn.

Tư lệnh Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO, tướng Mỹ Philip Breedlove nói với Reuters rằng NATO không có một kế hoạch nào để đối phó với giả thuyết quân Nga tiến vào Crimea hay nơi khác ở Ukraine. Vị tướng lãnh Hoa Kỳ nói thêm, không có lý do gì để NATO và Nga tranh chấp về tương lai của Ukraine, cả hai đều muốn một xứ Ukraine thịnh vượng, ổn định, hoà bình. Ông nói phương Tây cần phải bình tĩnh tìm hiểu xem người Nga đang làm gì và ảnh hưởng ra sao đối với người dân trong khu vực. được hỏi về hành động can thiệp quân sự của Nga vào xứ tự trị Crimea, tướng Breedlove nói ai ai cũng quan tâm đến vấn đề đó, nhưng đó không phải là mối quan tâm hàng đầu của ông vào lúc này.

Tại Washington, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng cho Ukraine vay 1 tỷ dollars, đồng thời còn hứa sẽ có những khoản viện trợ đi kèm.

Ông Kerry cũng cho biết EU sẽ giúp Ukraine 1 tỷ rưỡi để quốc gia Đông Âu này giải quyết phần nào khó khăn trước mắt về tài chánh.

Thủ tướng Đức tuyên bố sẽ làm mọi cách để giúp Ukraine, trong khi Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde loan báo chuyên viên của IMF sẽ đến Kiev, đáp ứng lời kêu gọi của Ukraine, để nghiên cứu biện pháp giúp đỡ.

Biểu ngữ "Nước Nga cứu chúng tôi với" - Courtesy of dw.de
Biểu ngữ "Nước Nga cứu chúng tôi với" - Courtesy of dw.de (Courtesy of dw.de)

Bà Lagarde cũng cho hay IMF và các thành viên quốc tế đang thảo luận phương cách giúp Ukraine.

Trước một chính phủ Kiev cam kết ngả sang EU, người Nga khó lòng khoanh tay không làm gì ở Crimea, nơi có đông đảo dân sắc tộc Nga ngả theo Moscow, để cổ động khu vực phía đông Ukraine, với đa số dân thân Nga, noi gương.

Bộ Ngoại Giao Ukraina đã triệu đại diện của Nga tại Kiev đến để trao công hàm ngoại giao, trong đó nói rõ là tất cả các binh sĩ Nga đang đóng ở cảng Sevastopol tại Crimea không được có bất kỳ động thái nào bên ngoài căn cứ mà Ukraine đã đồng ý cho họ thuê đến năm 2042.

Năm 2008 Nga lấy lý do bảo vệ kiều dân Nga ở các vùng thuộc Georgia đòi độc lập, đem hải lục không quân tấn công Georgia, đẩy kui quân Georgia khỏi Nam Ossetia và Abkhazia, tiến sâu vào lãnh thổ Georgia, đe dọa Tbilisi, nhưng sau đó rút quân. Hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia tuyên bố tách khỏi Georgia thành hai nước cộng hòa mới, được Nga công nhận và bảo vệ. Georgia vẫn coi đó là lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, và hầu hết các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều không công nhận hai xứ ly khai này.

Nhưng rõ ràng Nga không cần tiến quân vào Crimea như đã làm với Georgia năm 2008, mà vẫn có thể đạt được mục đích. Chính quyền Kiev khó lòng dùng đến vũ lực đàn áp thành phần thân Nga ở Crimea, trong khi quốc hội thân Nga nơi đây đã biểu quyết bãi nhiệm chính phủ địa phương, giao quyền lại cho Quốc hội.

Quốc hội Crimea lặp lại trọn vẹn hành động của Quốc hội Ukraine cách nay chưa đầy một tuần. Kiev có lý nào dùng đến vũ lực?