Sự kiện chính trị đang được cả thế giới chú ý tới là những biến chuyển xảy ra tại Ukraina, sau khi đoàn biểu tình lật đổ Tổng Thống Viktor Yanukovich, và Quốc Hội quốc gia Đông Âu này loan báo sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 25 tháng Năm tới đây để người dân chọn một nhà lãnh đạo mới.
Tin tức cho biết ông Viktor Yanukovich hiện đang có mặt tại Kharkiv, ở vùng Đông Bắc của Ukraina, đồng thời cũng là vùng đất quê nhà của ông ta, nơi ông ta tin là số người ủng hộ ông vẫn còn cao. Có tin nói rằng lực lượng an ninh trung thành với ông ta đang bảo vệ phi trường của thành phố này, đi kèm với lời đồn đãi cho rằng ông ta sẽ lên máy bay để đi đến một nới nào đó. Đi đâu, bao giờ đi, thì không ai biết, và cũng phải nói thêm là đây chỉ là lời đồn đãi, chưa thể kiểm chứng được bằng một người tin chính thức.
Tình hình tại thủ đô Kiev thì có rất nhiều tin cần phải nói tới. Đầu tiên là Quốc Hội Ukraina bỏ phiếu trao quyền tạm thời điều hành quốc gia cho ông Chủ Tịch Quốc Hội Oleksander Turchinov, đi kèm với đòi hỏi trong vòng 48 giờ đồng hồ nữa ông này phải thành lập chính phủ lâm thời, ổn định trật tự và sửa soạn cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 25 tháng Năm.
Bà Cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko, người lãnh đạo phe đối lập đã được trả tự do, xuất hiện trong cuộc biểu tình tại Kiev. Bà cũng nói là sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người yêu nước đã phải đổ máu để bảo vệ quốc gia, ý muốn nói đến con số hơn 88 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong những vụ xô xát với lực lượng cảnh sát.
Hiện rất khó để nói bà Yulia Tymoshenko sẽ là tân tổng thống của Ukraina không.
Tuần trước khi có mặt tại Sochi cũng như mới ngày hôm qua khi gọi điện thoại nói chuyện lại với những nhà báo Ukraina, tôi có đặt câu hỏi là liệu người dân nước Đông Âu này có trông chờ ngày trở lại của bà Yulia Tymoshenko hay không. Tôi nhìn thấy vẻ dè dặt của những đồng nghiệp khi nói về bà cựu thủ tướng, dù ngay từ đầu đó họ đã không loại trừ khả năng bà Yulia Tymoshenko trở lại chính trường, nhưng dường như họ không vội vã xem bà là người sẽ lãnh đạo quốc gia.
Tôi nghĩ là họ thận trọng, mặc dù họ bảo với tôi là Đảng Tổ Quốc do bà Yulia Tymoshenko thành lập là đảng đối lập lớn nhất của Ukraina hiện giờ, nhưng tôi còn nhớ là họ có nói rằng có một số chính trị gia đối lập sáng giá khác. Tôi cho rằng họ vẫn đang chờ đợi xem những chính trị gia nào sẽ tham dự cuộc bầu cử, sau đó là cân nhắc sẽ chọn ai trong vai trò của người lãnh đạo quốc gia. Điều mà họ bảo với tôi là ngay bây giờ chỉ biết đảng của ông Yanukovych đã tan rã, không còn cơ hội để nắm quyền nữa.
Tôi cũng không quên là trong số các nhà báo Ukraina, có người nói rằng bà Yulia Tymoshenko có nhiều lợi thế, như được cộng đồng quốc tế hỗ trợ, bằng chứng là ngay sau ngày bà bị ông Yanukovych bắt giam, nhiều chính phủ đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây là một vụ án chính trị.
Cuộc biểu tình bùng nổ vì ông Yanukovych quyết định đi với Liên Bang Nga thay vì đi với EU. Các đồng nghiệp Ukraina mà tôi tiếp xúc ủng hộ lực lượng biểu tình, đòi ông Yanukovich phải đi với Tây Phương chứ không thể tiếp tục đi sát với Matxcova được. Trong những buổi tiếp xúc, họ có nói với tôi về điều này, và một trong những lý do quan trọng nhất được họ đưa ra là muốn dân chủ thì phải đi với EU, xây dựng quan hệ qua những đòi hỏi buộc chính phủ Kiev phải minh bạch hơn, phải tôn trọng tiếng nói của người dân hơn, và đó chính là điều họ trôn chờ từ năm 2004-2005 đến giờ, tức từ ngày cuộc cách mạng mầu cam bùng nổ.
Họ có cho tôi biết là ông Yanukovich có mối quan hệ rất chặt chẽ với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, và ông ta xem quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo là quan hệ giữa 2 nước. Họ không chấp nhận điều đó, và tôi còn nhớ có một nhà báo là anh Yuri bảo với tôi rằng dựa vào kinh nghiệm thời Liên Xô, người dân Ukraina không muốn bị lệ thuộc bởi Nga nữa, nhất là liên hệ với một nước Nga mà họ biết là không có dân chủ.
Đồng thời họ dùng những chữ rất nặng khi nói về ông Putin, những chữ mà rất tiếc tôi không thể nhắc lại ở đây. Một số đồng nghiệp Ukraina bảo với tôi là xáo trộn chính trị xảy ra ở nước họ là lỗi của ông Tổng Thống Nga, vì ông Putin xem Ukraina là sân sau của Liên Bang Nga, nơi ông ta muốn làm gì thì làm, chứ không đối xử với Ukraina như một quốc gia.
Thái độ của Hoa Kỳ
Trong vụ này, nhiều nhà phân tích cho rằng Washington có một thái độ rất chừng mực vì chuyện Ukraina là chuyện của Châu Âu, nên để cho Châu Âu giải quyết.
Với tôi, một phần tôi đồng ý, nhưng phần còn lại thì không. Hoa Kỳ có thái độ chừng mực thì đúng, bằng chứng là ngay sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, thông cáo của Nhà Trắng chỉ nhắc lại rằng điều quan trọng nhất là tiếng nói, quyết định của người dân phải được tôn trọng.
Nhưng mặt khác, chúng ta đừng quên là trong lúc các vị ngoại trưởng EU đang họp khẩn cấp và vẫn chần chừ chưa biết có nên áp dụng biện pháp mạnh với chính phủ Kiev hay không thì Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa ra biện pháp chế tài với chừng 20 nhân vật cao cấp trong chính phủ Ukraina. Chuyện Washington bày tỏ thái độ rõ rệt đó chứng tỏ sự quan tâm của của chính phủ Mỹ đối với tình hình ở Ukraina, quốc gia mà tất cả các nhà lãnh đạo cũng như các viên chức hoạch định chính sách của Mỹ đều xem là quốc gia giữ vị trí chiến lược.
Một điểm khác nữa cũng cần phải nói tới là trong cuộc họp cấp bộ trưởng tài chánh của nhóm G-20 vừa mới kết thúc ở Sydney, Australia, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng nói sẽ cùng với những quốc gia khác sẵn sàng yểm trợ cho Ukraina, để tân chính phủ nước này có điều kiện thực hiện kế hoạch đổi mới, tái lập ổn định kinh tế, tiếp tục con đường dân chủ và phát triển.
Trong số những quốc gia Hoa Kỳ nói sẽ hợp tác chung để giúp Ukraina, có cả Liên Bang Nga. Không thể nói đến Ukraina mà không nói tới Liên Bang Nga và ông Putin. Vấn đề còn lại là với một chính phủ lâm thời sắp chào đời và cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng 90 ngày nữa, Hoa Kỳ và EU tin rằng sẽ có một người bạn đi sát với mình hơn, cho dù họ hiểu là người bạn đó cũng phải giữ mối giao hảo với cường quốc láng giềng Liên Bang Nga.