Hôm 26 tháng 3 vừa qua các chuyên gia về nhân quyền Liên hiệp Quốc đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam phải can thiệp khẩn cấp vào trường hợp cưỡng chế đất đai ở Cồn Dầu, Đà Nẵng. Theo thông cáo, trong năm 2013, hàng trăm người dân tại đây đã phải bị ép phải bỏ nhà của mình. Quyết định cưỡng chế được chính quyền Đà Nẵng đưa ra từ năm 2007 bất chấp những phản đối từ người dân địa phương. Việt Hà phỏng vấn Báo cáo viên đặc biệt về văn hóa, bà Farida Shaheed, người đã có chuyến thăm Việt nam, và đặc biệt là tới Cồn Dầu vào tháng 11 năm ngoái. Phần chuyển ngữ do Thanh Trúc thực hiện.
Việt Hà : là một Báo cáo viên đặc biệt về văn hóa của Liên hiệp quốc và đã tới thăm Cồn dầu vào năm ngoái, theo bà, việc cưỡng chế đất của người dân địa phương có ảnh hưởng thế nào tới đời sống văn hóa lâu đời tại đây?
Farida Shaheed : theo tôi khi người dân bị bắt buộc phải rời bỏ vùng đất nơi mà họ đã sinh sống nhiều năm thì nó luôn ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của họ vì mảnh đất và cuộc đời họ gắn kết lẫn nhau dù đó là ở đâu, ở cộng đồng nào. Trong trường hợp này, đây là cộng đồng đã sinh sống hơn 1 thế kỷ tại đó. Họ đã sống ở đó rất lâu và đời sống văn hóa của họ gắn kết với xứ đạo của họ. Bây giờ, nơi chôn cất của họ vốn là một biểu tượng trong đời sống văn hóa tôn giáo của họ đã bị dời đi. Theo tôi đây là một vấn đề khi kế hoạch di dời không được bàn thảo thỏa đáng với người dân, những người đã sinh sống ở đó rất lâu. Dù là họ có được chứng nhận có chủ quyền ở đó hay không thì họ cũng cần phải được tham khảo ý kiến khi có những thay đổi lớn như vậy.
Trong trường hợp này, đây là cộng đồng đã sinh sống hơn 1 thế kỷ tại đó. Họ đã sống ở đó rất lâu và đời sống văn hóa của họ gắn kết với xứ đạo của họ. Bây giờ, nơi chôn cất của họ vốn là một biểu tượng trong đời sống văn hóa tôn giáo của họ đã bị dời đi
Farida Shaheed
Việt Hà: khi tới thăm Cồn Dầu vào năm ngoái, bà có gặp gỡ và nói chuyện với người dân địa phương không? Bà có gặp trở ngại nào trong việc tiếp cận thông tin tại địa phương?
Farida Shaheed : tôi rất cẩn trọng trong việc tiếp cận người dân ở đây vì tôi không muốn đặt họ vào những khó khăn liên quan. Họ sẵn sàng nói chuyện với tôi và họ vẫn liên hệ với tôi qua thư từ trao đổi. Khi tôi ở đó, tôi muốn gặp một số người, tôi thăm cơ sở của xứ đạo và nơi chôn cất trước đó ngay cạnh nơi ấy. Dường như sự phát triển nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế đã khiến quyền của người dân bị lờ đi và theo tôi đó là vấn đề. Chính quyền Đà Nẵng và chính quyền trung ương ra quyết định là quyền của người dân phải được phục hồi nhưng điều này không được thực hiện. Đó là lý do vì sao mà chúng tôi gửi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải can thiệp vào vụ việc này.
Việt Hà: kể từ đó đến nay, bà có thấy có bất cứ cải thiện nào tại địa phương cho người dân?
Farida Shaheed : tôi không thấy có bất cứ cải thiện nào. Thông tin gần đây nhất từ cuộc họp tổ chức vào ngày 7 tháng 3 đã có 7 nhà nữa bị phá, bất chấp thực tế là họ đã sống ở đây rất lâu và họ vẫn bị cưỡng chế. Đây là một quan ngại lớn.
Việt Hà : vấn đề phát triển và lấy đất xẩy ra phổ biến ở nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Theo bà thì Việt Nam cần học bài học gì từ những trường hợp tương tự đã xảy ra trên thế giới và trường hợp Cồn Dầu nói riêng?
Farida Shaheed : trong phát triển, vấn đề này không phải riêng của Việt Nam. Nó xẩy ra ở khắp nơi, ở các nước đang phát triển, ở những nơi mà chỗ ở của họ, nôi chon cất của họ bị phá hủy cho đường xá hay nhà cửa. theo tôi, họ cần có những thảo luận với người dân ở đó vì có thể là họ sẽ có được giải pháp có thể là họ sẽ cống hiến một phần đất. Ví dụ như cộng đồng này, dù họ sống cuộc sống nông nghiệp nhiều đời nhưng họ sẵn sàng cống hiến đất nông nghiệp nếu như họ vẫn được sống gần nhà thờ của họ và sống trong cộng đồng của mình. Cho nên dù ở bất cứ đâu, chúng ta cũng cần phải tham khảo ý kiến người dân và cần tạo điều kiện cho việc này, nhất là chính quyền địa phương và chính quyền trung ương cần phải tạo điều kiện cho việc này.
Tôi không thấy có bất cứ cải thiện nào. Thông tin gần đây nhất từ cuộc họp tổ chức vào ngày 7 tháng 3 đã có 7 nhà nữa bị phá, bất chấp thực tế là họ đã sống ở đây rất lâu và họ vẫn bị cưỡng chế. Đây là một quan ngại lớn.
Farida Shaheed
Việt Hà : Sau chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái, bà có đưa ra một số kiến nghị cho chính phủ Việt Nam bao gồm việc tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến của người dân, tự do cho nghệ sĩ, quyền xuất bản… Bà đã thấy có những tiến bộ nào từ Việt Nam sau những kiến nghị này?
Farida Shaheed : còn quá sớm để tôi có thể kết luận là đã có những tiến bộ nào từ Việt nam trong những lĩnh vực này. Tôi cần phải có thêm thông tin từ chính phủ. Tôi hy vọng họ lắng nghe những kiến nghị của tôi. Mục đích chính là có được những đối thoại mang tính xây dựng với chính quyền và từ đó mà cải thiện. Theo tôi thì Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiều cách, nhưng tôi nghĩ bầy giờ giới trẻ cần được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Dù kinh tế phát triển mạnh nhưng lúc này chính phủ Việt Nam cần cân nhắc đến những mối nguy trong phát triển nhanh và cần cân nhắc để mọi người được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Vấn đề chủ sở hữu cũng rất quan trọng. Khi đi qua các vùng miền của Việt Nam tôi thấy nhiều công trình xây dựng, nhà cửa được xây cất, không chỉ ở vùng quê mà ở cả các vùng khác. Tôi không biết người dân có được tham gia không nhưng yếu tố then chốt là người dân cần phải được tham gia.
Việt Hà: Việt nam mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo bà điều này có giúp gì cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với quốc tế về nhân quyền nói chung và quyền về văn hóa nói riêng?
Farida Shaheed : theo tôi điều này phụ thuộc vào người dân Việt Nam, nó có ý nghĩa gì cho đất nước. Khi được bầu vào hội đồng nhân quyền thì đây cũng là một cách để đảm bảo là họ tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền. Đây là cơ hội cho người dân Việt Nam thấy liệu chính phủ có thực hiện nghĩa vụ của mình trong cam kết với quốc tế hay không và bảo vệ cũng như kêu gọi cho nhân quyền trong nước.
Việt Hà : Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn