Hỗ trợ tài chánh
Hai triệu ba trăm ngàn đô là dành cho dự án về bình đẳng giới, được ký kết giữa UN Women Tổ Chức Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc với MOLISA, tức Bộ Lao Động Thương Bình Và Xã Hội Việt Nam hôm thứ Ba vừa qua .
Ông John Hendra, phó giám đốc điều hành UN Women, chuyên trách chính sách và chương trình về bình đẳng giới của Tổ Chức Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc, từng công tác tại Việt Nam từ 2006 đến 2011, xác nhận việc ký kết hôm thứ Ba, đồng thời ca ngợi nỗ lực ông cho là đáng kể của Việt Nam trong cố gắng san bằng khoảng cách giới tính những năm vừa qua.
Năm 2006 Việt Nam ban hành Luật Bình Đẳng Giới, dựa trên nền tảng và nguyên tắc chung của CEDAW Công Ước Thế Giới Chống Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ, giao cho Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội làm nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về bình đẳng giới.
Hệ thống quản lý nhà nước về bình đẳng giới từ Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội là Vụ Bình Đẳng Giới xuống đến các tỉnh, tổ chức những Phòng Bình Đẳng Giới tại các cấp nhỏ hơn như huyện, xã.
Một người làm việc rất sát trong lãnh vực bình đẳng giới cũng như CEDAW, tiến sĩ Vương Thị Hanh, giám đốc Trung Tâm Hỗ Trợ Giáo Dục Và Nâng Cao Năng Lực Cho Phụ Nữ tại Hà Nội, cho rằng hệ thống tổ chức mới này có chức năng có nhiệm vụ rõ ràng nhưng năng lực còn hạn chế, nguồn lực về con người và kinh phí cũng còn thiếu.
Chính vì thế, bà nói tiếp, sự hỗ trợ tài chánh của Tổ Chức Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc là điều tích cực để Việt nam có thể triển khai Chương Trình Quốc Gia Về Bình Đẳng Giới mà chính phủ thông qua từ 2010:
Trước đây những vấn đề bình đẳng giới được đặt ra trong nghị quyết, trong chính sách, trong các chương trình và khái quát hóa lên thành luật, đưa ra những nguyên tắc, đưa ra những trách nhiệm của xã hội, nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào công việc bình đẳng giới.
Trên cơ sở Luật Bình Đẳng Giới ra đời thì UN Women cũng lại hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng một chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước có trách nhiệm thực thi luật. Chương trình đó đã đến giai đoạn kết thúc và trên cơ sở giai đoạn kết thúc này thì UN Women đưa sang một chương trình mới là phát huy năng lực để các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về bình đẳng giới.
Dưới sự cam kết hỗ trợ của Tổ Chức UN Women Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc và UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, chương trình quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam ra đời năm 2011 và sẽ kéo dài tới 2020:
Toàn bộ chiến lược là từ 2011 đến 2020, nhưng mà trong đó có giai đoạn năm năm một, 11 đến 15, sau đó tiếp tục là 16 đến 20.
Mục tiêu của chương trình là tập trung vào cơ sở pháp lý cũng như ưu tiên cho các hoạt động để những dự án về bình đẳng giới tính trong xã hội phát triển một cách thuận lợi, đồng bộ với đà phát triển kinh tế.
Vai trò của phụ nữ
Theo tiến sĩ Vương Thị Hanh, Việt Nam được Liên Hiệp Quốc công nhận có những tiến bộ rõ rệt. Thứ nhất là nhận thức xã hội, vai trò của phụ nữ không còn thu hẹp trong phạm vi gia đình mà còn đóng góp vào xã hội như phát triển doanh nghiệp, tham gia chính trị, y tế, giáo dục:
Trước hết, về mặt giáo dục, ở Cấp Một tỷ lệ nữ và tỷ lệ nam đi học bằng nhau. Lên Cấp Hai tỷ lệ cũng sấp sỉ là 90, 95% và 100% nam, Ở Cấp Ba thì tỷ lệ đó cũng tương tự. Chỉ có lên đại học hay các ngành cao hơn sau đại học, tỷ lệ nữ so với nam nó thấp đi.
Cái thứ hai, tỷ lệ tham gia việc làm thì Việt Nam cũng được công nhận là một nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế nhiều nhất, để tăng thu nhập cho gia đình và cho đất nước. Hai cái đó chứng tỏ bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và bình đẳng trong tham gia lao động và việc làm.
Vấn đề thứ ba, tỷ lệ nữ trong các trường Cao Đẳng và Đại Học càng ngày càng tăng lên, 40% , có những trường tới 50% là nữ, chứng tỏ nếu gia đình có điều kiện thì bố mẹ sẵn sàng cho con đi học để họ có trình độ cao hơn, đó là tiến bộ rất rõ.
Về bình đẳng giới trong chính trị, tiến sĩ Vương Thị Hanh đưa ra những con số:
Trong nhiệm kỳ vừa rồi, giữ vị trí ở cấp cao thì Việt Nam có hai nữ là phó chủ tịch quốc hội. Trong đảng thì có hai nữ là bí thư trung ương đảng và một nữ là uỷ viên Bộ Chính Trị.
Tuy nhiên để phấn đấu và đạt tới bình đẳng giới thì Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, bà Vương Thị Hanh khẳng định:
Trong nhiệm kỳ vừa rồi, giữ vị trí ở cấp cao thì Việt Nam có hai nữ là phó chủ tịch quốc hội. Trong đảng thì có hai nữ là bí thư trung ương đảng và một nữ là uỷ viên Bộ Chính Trị. <br/>Tiến sĩ Vương Thị Hanh <br/>
Không phải những định kiến giới hay là những quan điểm về vai trò của nữ giới hay vai trò của phụ nữ trong gia đình, đã được thực hiện một cách bình đẳng, mà người phụ nữ vẫn phải làm nhiều hơn các công việc trong gia đình, vẫn phải làm việc nhiều hơn ngoài xã hội để kiếm thu nhập cho gia đình.
Phụ nữ các vùng sâu vùng xa, phụ nữ dân tộc, phụ nữ ở những nhóm dễ bị tổn thương, vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cơ hội tiếp cận việc làm, cơ hội để có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, các dịch vụ xã hội, hay những cơ hội học tập để có tiếng nói trong cộng đồng.
Đó là những khó khăn mà chính phủ Việt Nam cũng như các đoàn thể trong xã hội phải đối diện và phải cố gắng hơn nữa nếu muốn Chương Trình Quốc Gia Về Bình Đẳng Giới thành công, tiến sĩ Vương Thị Hanh nhấn mạnh.
Được biết ngoài dự án hỗ trợ tài chính cho chương trình quốc gia về bình đẳng giới ký với Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội, UN Women còn ký kết với Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam một chương trình nâng cao kỹ năng và vai trò tư vấn của bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình.
Theo dòng thời sự:
- Hội Nghị Bình Đẳng Giới trong chính trường của phụ nữ Châu Á
- Châu Á thiếu các phụ nữ làm lãnh đạo
- Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI
- Phụ nữ và Olympics
- Phụ nữ Afghanistan: Tôi phải bỏ trốn
- Phụ nữ Việt nghĩ gì về bình đẳng giới
- Khi người đẹp cởi áo chụp hình
- Nữ đánh bom tự sát
- Những phụ nữ nổi bật năm 2011
- Phụ nữ Arap Saudi sẽ được bầu cử & ứng cử
- Phụ nữ với thể thao mạo hiểm