Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, Gia Minh trình bày tình cảnh ô nhiễm từ mấy tháng qua mà cư dân tại hai phườn Bắc Sơn và Vàng Danh, thành phố Uông Bí đang phải chịu đựng.
Ô nhiễm quá mức
Mùi hôi thối, ruỗi muỗi bắt đầu phát sinh từ nhà máy xử lý rác Bắc Sơn khi nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 11 năm ngoái.
Nạn nhân của tình trạng đó là những cư dân sống cận kề nhà máy, thuộc hai phường Vàng Danh và Bắc Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Một người dân sống tại tổ 1, khu một phường Bắc Sơn mô tả tình hình ô nhiễm tại địa phương đang sinh sống như sau:
"Nhà máy này xây trong một thung lũng mà có khu dân cư nên cứ tầm 4-5 giờ chiều đến sáng, nên vào những ngày ‘trời yên, bể lặng’, gió không thoát ra được, không khí ‘đè’ xuống và gần như cả khu 1 Bắc Sơn và tổ 1 Vàng Danh gần như ‘dính đòn’ hết. Nó phát sinh ra ruồi, muỗi và tất cả nguồn nước từ nhà máy đưa ra do chưa có công nghệ xử lý lại nên tất cả đưa vào dòng nước chảy từ Vàng Danh ra Uông Bí. Nhà máy này cách thành phố Uông Bí chỉ 6 cây số thôi. Nguồn nước này chảy vào trung tâm thành phố nên có khả năng gây ô nhiễm mạnh trong tương lai vì gây ô nhiễm dần.
Bắt đầu từ khi nhà máy hoạt động được chừng nửa tháng, ruồi muỗi bắt đầu phát sinh. Ruồi muỗi phát sinh một cách tự nhiên vì mùi hôi thối phát xuất đến đâu, ruồi muỗi phát sinh đến đó. Người dân dùng các vỉ keo dính ruồi nhưng không hạn chế được. Mỗi gia đình, mỗi ngày trung bình lấy được từ hai ba đến bốn vỉ như thế."
Một phụ nữ khác cũng trong hoàn cảnh phải chịu cảnh ô nhiễm từ nhà máy rác Bắc Sơn trình bày:
"Mức độ ô nhiễm, mùi thối, mùi khét vẫn thế thôi, không có gì biến chuyển lắm đâu. Nhà tôi hiện tại phải lấy băng dính bịt kín hết các khe cửa sổ, để khi ngủ mùi thối, mùi khét không lọt vào trong nhà. Ruồi, muỗi rất nhiều, ngày nào cũng như ngày nào phải bỏ ra mấy vỉ dính ruồi liền. Tôi có tự mua thuốc về phun nhưng cũng không ăn thua gì cả. Rồi mình phải bịt khẩu trang; nói chung bây giờ mình phải ‘sống chung’!"
Kêu không được đáp ứng
Theo những người dân hiện đang phải chịu tình cảnh ô nhiễm do nhà máy rác Bắc Sơn gây ra, thì nhà máy đã xây dựng không đúng qui định của nhà nước, tức phải cách xa khu dân cư 500 mét. Người phụ nữ vừa nói cho biết cự ly giữa nhà chị và nhà máy:
"Theo qui định nhà máy rác hoạt động trong đô thị phải có khoảng các tối thiểu 500 mét với nhà dân, nhưng tôi đo được từ nhà máy rác đến nhà tôi chỉ từ 400-450 mét thôi."
Trước tình hình ô nhiễm gây tác động mạnh đến cuộc sống, những người dân tại hai phường Vàng Danh và Bắc Sơn, thành phố Uông Bí đã có đơn thư gửi đến cho những cơ quan chức năng; thế nhưng cho đến thời điểm cuối tháng ba những đơn thư đó vẫn chưa được phúc đáp. Người phụ nữ tại vùng ô nhiễm cho biết về điều này:
"Dân ‘thấp cổ, bé họng’ không biết thế nào, cũng đơn từ gửi cho các cấp rồi, cũng gọi điện thoại cho các lãnh đạo rồi. Chỉ biết điện, biết kêu thế thôi còn việc giải quyết hay không ở các lãnh đạo, mình không biết được.
Họ bảo dây chuyền đến tháng 8 mới hoàn thiện, bây giờ họ đang chạy thử nên vận động nhân dân cố gắng khắc phục. Họ chỉ trả lời đến như thế thôi. Hôm thứ hai vừa rồi tôi cũng ra phường để xem trả lời đơn thư của tổ tôi thế nào; phó chủ tịch phường cũng chỉ trả lời đến thế. Họ nói cấp phường chỉ có thể trả lời đến như vậy thôi.
Hôm đó rất may tôi có gặp một cán bộ tài nguyên môi trường của thành phố, tôi cũng trình bày nguyện vọng và có bảo nếu như các em cảm thấy không tin lời dân trình bày, chị sẵn sàng nuôi ‘không’ cơm em một tháng để vào nhà chị ở để xem mùi hôi, thối, ruồi muỗi thế nào. Người đó cũng trả lời ‘vâng’ thôi."
Người đàn ông tại khu ô nhiễm cũng xác nhận về việc yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết cho tình trạng tại địa phương:
"Dân khu phố này đã làm kiến nghị lên phường, thành phố, tỉnh. Thậm chí trong những ngày phôi thai dự án này chúng tôi có kiến nghị lên tận Bộ Tài Nguyên- Môi trường. Nhưng hồi âm gần như không có, ít thôi, gần như chỉ giải thích chung chung."
Trong khi dân chúng ta thán mạnh mẽ về tình trạng ô nhiễm do nhà máy rác Bắc Sơn, các viên chức địa phương khi được chúng tôi nêu vấn đề đều tránh né trả lời. Họ đùn đẩy trách nhiệm phát ngôn cho người khác:
"Các anh muốn biết thông tin phải gọi về Ủy ban Nhân dân Thành phố. Cơ quan này chỉ đạo giải quyết từ trong Tết, chúng tôi bên Thành ủy việc đó không sát sao được."
Nhà máy rác Bắc Sơn thì cho rằng họ không vi phạm mọi giới hạn cho phép về các vấn đề mùi hôi, ô nhiễm … Chúng tôi gọi điện thoại nhiều lần đến cho giám đốc nhà máy là ông Nguyễn Mạnh Hoan. Lần đầu ông a lô rồi cúp máy; những lần sau không có trả lời.
Riêng một nhân viên nhà máy thì bác bỏ những cáo giác của người dân về tình hình nhà máy rác Bắc Sơn gây ô nhiễm:
"Yêu cầu giải quyết ở đây theo đúng công nghệ công ty tư vấn cho. Khử mùi, ruồi muỗi ít. Nhà máy rác nào không có mùi, nhưng mức độ cho phép. Mọi thứ ở đây đều theo mức độ cho phép chứ không như báo chí, người dân nói.
Họ muốn nhà máy di dời đi nên kêu than, chứ không thể nói nhà máy này gây ô nhiễm."
Dân rao bán nhà
Trước tình hình ô nhiễm kéo dài mà không được giải quyết, nhiều người dân đi đến quyết định treo biển bán nhà.
Một số người khác chưa thể bán nhà và họ vẫn còn hy vọng cơ quan chức năng sẽ thấu hiểu và giải quyết tình trạng ô nhiễm cho họ như trình bày của người phụ nữ vừa nói chuyện như sau:
"Dân treo biển bán nhà là trên tổ 1; tổ 2 chúng tôi cũng nói treo băng rôn, khẩu hiệu mong Đảng, Nhà nước giải quyết. Nhưng chưa làm, chờ xem tình hình tổ 1 ra sao đã rồi mới làm."
Người này còn cho biết tại khu vực của bà sinh sống không có gia đình của những người đang tại chức trong các cơ quan Đảng và chính quyền cấp cao nên sự việc bị dùng dằng không giải quyết:
"Nếu cán bộ cấp phường, ở tổ tôi chỉ có một chị làm bên Thanh Niên; cán bộ khu, xóm cũng như chúng tôi. Còn ông to, bà lớn không có ai ở khu chúng tôi. Ở đây toàn công nhân và nông dân thôi, toàn người ‘thấp cổ, bé họng’ không làm gì được."
Tình trạng mà người dân tại hai phường Bắc Sơn, Vàng Danh thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đang phải gánh chịu không phải là cá biệt. Lâu nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những nơi tập trung các cơ sở công nghiệp sản xuất, chăn nuôi … nhiều người dân cũng phải gánh chịu nạn ô nhiễm do những cơ sở đó gây ra mà không có giải quyết rốt ráo.
Bản thân người đàn ông có gia đình tại phường Bắc Sơn đưa ra nhận xét về tình trạng chung, những nơi mà ông đã đi qua:
"Nói chung, các nơi tôi đi qua những nơi tập trung dân cư đông người cũng được giải phóng tạm thời triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Chỉ có những nơi như vùng nông thôn, hay nơi đặt những cơ sở sản xuất như thế này, người dân rất bức xúc. Các nhà máy rác, các cơ sở sản xuất như xi măng, thép, sắt, rồi một số cơ sở khác cũng thế cả. Người ta chú trọng nhiều đến kinh doanh là nhiều. Ở Việt Nam, luật ra rất gắt gao, các cơ quan chức năng của Trung ương và các tỉnh nói chung cũng rất tốt; nhưng các cơ quan địa phương, nhất là các doanh nghiệp người ta tìm cách lách luật, làm sai, trốn tránh, trốn công nghệ để lấy lãi…"
Tại một số nơi không thể chịu đựng nổi ô nhiễm, người dân phải chặn xe rác, hay ngăn không cho các công ty tiếp tục sản xuất nếu không giải quyết nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên, những phản ứng như thế có thể được tạm thời xoa dịu hay bị qui kết chống người thi hành công vụ, phần thiệt hại luôn thuộc về phía người dân, còn doanh nghiệp vì lợi nhuận vẫn tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, và cơ quan chức năng không có được biện pháp hữu hiệu để giải quyết rốt ráo vấn đề như trường hợp hiện nay của người dân sống quanh nhà máy rác Bắc Sơn ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.