Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình sau. Xin mời quý vị theo dõi.
Cây huê vàng còn gọi là sưa đỏ hay trắc thối. Thuộc họ Đậu (fabaceae), giống Trắc (dalbergia), tức trắc Bắc bộ (dalbergia tonkinensis). Cùng giống trắc này, còn có trắc Nam bộ (dalbergia cochinchinensis) và cẩm lai (dalbergia bariensis). Cây huê thuộc nhóm 1A, hiện đã vào Sách đỏ Việt Nam, tức bị cấm khai thác.
Tiền tỷ
Hầu như không có loại gỗ nào có kiểu mua bán như gỗ huê. Bất kể gỗ hộp, gốc, rễ hay cành; tùy loại, một ký gỗ huê có giá từ 3 – 40 triệu đồng. Hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua cây huê có cách đây đã nhiều năm. Bắt đầu âm ỹ từ các tỉnh phía Bắc giáp biên giới, lan dần vào nội địa. Cuộc đốn hạ cây huê từ trong rừng già đã lan ra đường phố. Cây huê bị cưa trộm ở Hà Nội, Huế, Buôn Ma Thuột và nhiều tỉnh thành khác trên phạm vi cả nước.
Người dân huyện Bố Trạch
Hồi đầu tháng này, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình trở thành điểm nóng sau khi xảy ra vụ đốn hạ những cây huê có giá trị tiền tỷ. Cuộc chiến chống phá hoại cây huê xem ra còn dai dẳng khi lãnh đạo ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thừa nhận có tình trạng người dân gùi lương thực vào rừng tiếp tế. Tình hình ở đây có vẻ hỗn loạn hơn, khi nhiều nhóm giang hồ trong Nam ngoài Bắc đổ về đây quấy nhiễu. Chúng tôi đã hỏi thăm người dân địa phương huyện Bố Trạch, câu chuyện về những cây huê nhiều tỷ đồng, đang xôn xao cả nước thì được cho biết:
“Cây sưa là cây huê. Ngày xưa ở trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng này thì có nhiều cây huê. Nhiều người đi tìm trầm, tìm huê. Bây giờ có những đội kiểm lâm nên khó để lâm tặc vào để phá rừng được.
Nhưng còn vụ cây huê này, trên mạng đã đăng thì cũng đúng sự thực là như vậy. Cây huê tính theo ký và thường thường là tính khoảng vài trăm tỷ. Tức là mình đưa ký ra, khoảng hai ba ký gì đó là mình cũng có tiền tỷ rồi.”
Mơ hồ
Trong cuộc họp gần đây, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Xuân Quang phàn nàn về việc báo giới đưa thông tin không chính thống. Tất nhiên, thông tin từ người dân thì khó có thể gọi là chính thống, nhưng chẳng phải vì vậy mà thiếu chính xác.
Đâu là giá trị thực của huê. Hay hiện tượng thu mua này giống như từng xảy ra với tôm càng có trứng, móng trâu, thịt mèo… Để hiểu thêm về cây huê, chúng tôi đã tìm đến Tiến sỹ Trần Huy Thái, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Là một trong số rất ít nhà khoa học có công trình nghiên cứu về cây huê, Tiến sỹ Trần Huy Thái cho biết vài nét về tiến độ nghiên cứu loại cây này như sau:
“Chúng tôi cũng có một đề tài nhỏ nghiên cứu về một số đặc điểm sinh học sinh thái và hóa học của cây sưa. Về hoạt tính sinh học thì chúng tôi mới làm ở lá, cũng chưa thấy có một hoạt tính sinh học gì trong việc kháng vi sinh vật, gây độc tế bào hay chống ôxy hóa. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục làm về thân, rễ hoặc quả để xem nó ra làm sao. Bởi trên công dụng của nó thì giá trị là rất lớn.
Còn để làm gì thì cũng có nhiều thông tin. Có thể tách chiết ra một cái gì đó chống ung thư hoặc liền xương, nhưng thực ra là chúng tôi chưa làm cái này. Còn về hóa học, cũng đã phân lập xác định một số chất trong cây này rồi.
Tạm thời thế, còn cái này của mình chưa làm kỹ nên chưa dám khẳng định. Để khẳng định thì phải có nghiên cứu sâu hơn.”
PGS TS Nguyễn Lân Cường
Một mét khối lõi gỗ huê nặng chừng 2,5 tấn, thời giá ở Việt Nam khoảng 11 tỷ đồng. Gỗ huê có xuất xứ từ tỉnh đảo Hải Nam trên thị trường Trung Quốc có giá gấp đôi. Rốt cuộc vụ 3 cây huê cổ thụ trị giá hàng trăm tỉ đồng cũng đã được khởi tố hình sự. Một bộ phận cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha bị loại khỏi chuyên án gỗ huê. Việc người dân vào rừng chặt que củi cũng coi chừng bị bắt phạt, vậy mà 3 cây huê cổ thụ bị đốn hạ rồi tẩu tán hàng trăm phách ra khỏi rừng mà cơ quan chức năng không biết thì quả là khó chấp nhận.
Có quá nhiều những lời đồn đoán về giá trị gỗ huê. Theo một nguồn thông tin khả tín cho rằng công dụng bột gỗ huê dùng để ướp xác, gỗ cây huê dùng để đóng quan tài các vị hoàng đế thời xưa. Chúng tôi đem câu hỏi này đến với Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam thì được biết:
“Các cụ ngày xưa vẫn nói, đấy là gỗ Ngọc Am. Ngọc Am chứ không phải là gỗ sưa. Theo chúng tôi nghiên cứu thì Ngọc Am bây giờ không còn ở Việt Nam nữa, chỉ còn một số rất nhỏ ở miền Nam Trung Quốc.
Gỗ sưa, người ta hay làm bàn thờ vì nó thơm. Đối với tâm linh thì nó chẳng có ý nghĩa gì. Tôi khẳng định gỗ sưa chẳng có liên quan gì vấn đề làm mộ táng cả."
Thị trường Trung Quốc
Trong các sách cổ của Trung Quốc như “Bác Vật Yếu Lãm” và “Bản Mục Thập Di” từng viết rằng, gỗ huê của người Giao Chỉ, gọi là Hoàng Hoa Lê. Loại gỗ này được dùng làm bàn ghế, giường tủ và những đồ dùng hàng ngày của vua chúa và những gia đình quyền quý. Quý tộc thời Đường, Minh và Thanh ưa chuộng đồ gia dụng làm bằng loại gỗ này.
Do đó, thị trường Trung Quốc rất chuộng các sản phẩm bằng gỗ huê. Một chiếc tủ thờ có giá vài chục tỷ đồng, còn một cái ghế cũng khoảng hơn 1 tỷ. Theo cảm quan, gỗ huê Việt Nam không thơm bằng, song lại có hoa văn giống hệt gỗ huê Hải Nam. Báo chí Trung Quốc từng đưa tin nhiều về một vụ kiện tụng liên quan đến gỗ huê. Khách mua kiện chủ hàng ra tòa vì lừa bán một chiếc giường có giá 24 tỷ đồng, làm bằng gỗ Việt Nam chứ không phải gỗ huê Hải Nam. Vụ kiện này xem ra không ngã ngũ, vì Trung Quốc chưa đủ trình độ xác định đâu là loại gỗ huê đúng có xuất xứ từ Hải Nam.
Những mơ hồ về giá trị của cây huê đang cần sự tiếp sức của các nhà khoa học và giới doanh nhân. Ngoài việc điều chỉnh lại dư luận xã hội, còn có những định hướng thích hợp về chính sách đối với cây huê. Nếu cây huê trong tự nhiên đang cạn kiệt, thì hiện tượng trồng huê công nghiệp đã phát sinh nhiều nơi trong nước. Liệu đâu là giải pháp hợp lý trước thực trạng này ? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.