Khỏa thân để giữ đất (phần I)

Câu chuyện dân oan lại một lần nữa làm dư luận xôn xao qua hình ảnh trần truồng của hai phụ nữ bị kéo lê trên nền đất.

0:00 / 0:00

Đó là câu chuyện của hai mẹ con bà Phạm thị Lài cởi quần áo để phản đối đội cưỡng chế đến cướp đất gia đình bà ở quận Cái răng, thành phố Cần Thơ.

Hình ảnh hai người phụ nữ trần truồng bị kéo lê trên nền đất đã gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận. Đó là hai mẹ con bà Phạm thị Lài và cô con gái tên Hồ Nguyên Thủy.

Ngược dòng thời gian

Để tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi mời quý vị ngược dòng thời gian, bắt đầu từ năm 1992, khi vợ chồng ông Hồ văn Tư và bà Phạm thị Lài mua 3008 m² đất vườn khu vực 6 phường Hưng Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ cũ, nay là khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận cái Răng, thành phố Cần Thơ. Năm 1994, bà cất nhà cấp 4, diện tích 100 m².

Tháng 11-2002, UBND xã Hưng Thạnh (thành phố Cần Thơ cũ) thông báo triển khai việc quy hoạch và thu hồi đất để làm dự án lô 49 khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ (do Cty Xây dựng số 8 – gọi tắt là CIC8 làm chủ đầu tư).

Đầu năm 2003, công ty xây dựng số 8 phát bảng giá bồi thường là 44.000 đ/ m² cho đất vườn và 40.530đ/m² cho đất ruộng. Cả nhà và vườn chỉ được bồi thường 197 triệu đ. Lúc đó giá đất ngoài thị trường trên 3000.000 đ/m².

Gia đình không đồng ý, đến ngày 8/2/2003 gia đình nhận được quyết định cưỡng chế do phó chủ tịch tp Cần thơ là ông Võ văn Đời ký. Nội dung là bác đơn khiếu nại của gia đình, nhưng thực ra khi đó các hộ dân chưa ai nộp đơn khiếu nại cả.

Suốt 6 tháng sau, gia đình không hề biết chuyện gì xảy ra giữa UBND tp Cần thơ và công ty xây dựng số 8. Bất ngờ, đến ngày 8/1/2003, gia đình nhận được quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, thi hành quyết định 2702/QĐCTUB ký ngày 13/6/2003 đối với ông Hồ văn Tư, trong khi đó cả nhà chưa hề nghe nói đến quyết định 2702 này.

Ngày 4/7/2003, gia đình nộp đơn khiếu nại lần 1 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính nói trên. Đơn bị ông Võ văn Đời bác và giữ y quyết định 118/QĐ-CT.UB. Trong khi đó gia đình cũng không hề biết quyết định 118 này là gì ?

Sau đó ngày 1/9/2003, gia đình gửi đơn khiếu nại lần 2. Nội dung 44.000/m² là quá thấp so với thực tế và đòi cứ 1000 m² thu hồi phải bố trí tái định cư 100 m², công ty 8 chỉ bố trí 60 m² cho 1 hộ 8 người là bất hợp lý. Điều kỳ lạ là khi nhận đơn khiếu nại, bà Hồ Thị Thanh Hà – Cán bộ Phòng tiếp dân của UBND Tỉnh Cần Thơ (cũ) buộc gia đình bà Lài phải viết cam kết (và ký tên): “Không gửi đơn khiếu nại đến Tòa án”.

Ngày 10 tháng 03 năm 2011, Đoàn cưỡng chế của UBND Quận Cái Răng đã tiến hành đập căn nhà cấp 4, đốn hạ toàn bộ cây cối hoa màu, cho xe công trình vào san lấp cát toàn bộ diện tích hơn 3.006,8m2 đất . Họ cũng không giao bất cứ văn bản hay quyết định nào cho gia đình mà lập tức vào cưỡng chế.

Gia đình bà Lài buộc lòng phải di chuyển về phần đất 705m² do ông bà để lại, thuộc khu vực 2 Phường Hưng Thạnh (cũng quận Cái Răng) để cất nhà ở tạm. Nhưng, khu đất này lại tiếp tục bị quy hoạch cho dự án Khu Dân cư đô thị mới của công ty Nam Long. Tại đây, họ bị ép nhận mức giá chỉ 420.000 đồng/m2, trong lúc đó giá thị trường là hơn 3 triệu/m².

Ngày 15/3/2011, công ty Nam Long tiếp tục cưỡng chế khu đất ông bà mà gia đình bà Lài gồm 8 nhân khẩu đang sinh sống.

Trong khi giá cả chưa được thỏa thuận thì công ty đã đuổi gia đình bà Lài ra khỏi căn nhà đang ở, công ty 8 và công ty Nam Long rào hàng rào chung quanh 2 khu đất để tiến hành thi công, họ mướn cho gia đình bà Lài một căn hộ khác trong vòng 6 tháng. Sau đó, thời hạn 6 tháng đã qua mà công ty vẫn chưa giải quyết nên chủ nhà nghe theo quyết định của công ty 8 đuổi gia đình bà Lài.

Quá phẫn uất

Phụ nữ khỏa thân để phản đối việc cưỡng chế đất. Courtesy of dantri
Phụ nữ khỏa thân để phản đối việc cưỡng chế đất. Courtesy of dantri (Phụ nữ khỏa thân để phản đối việc cưỡng chế đất. Courtesy of dantri)

Bà Lài tóm tắt lý do tại sao bà có hai ngôi nhà gạch mà sau đó phải cất chòi mà ở và bây giờ phải đi ở nhà mướn như sau:

“Trong khi nhà bên Nam Long thì đang ở, nhà có 8 nhân khẩu. Nhà đang ở, đang sinh sống thì chính quyền quận Cái Răng kéo lực lượng tới lấy kéo cắt nhà (chòi), cắt cửa sắt rồi dọn nhà đi xuống khu 586 vậy hà! Trong khi đó vợ chồng tôi không có ở nhà tại vì trong vòng 56 ngày mà nó đập 2 cái nhà thì không còn tinh thần nào nữa mà ở nhà , hai vợ chồng bị lên máu mới đi nằm bệnh viện, bỏ nhà cho con cháu, rồi tự động chính quyền với chủ đầu tư dọn đồ đi xuống mướn nhà dưới 586 vậy đó!

Rồi 6 tháng hết hạn hợp đồng mướn nhà, chủ nhà mới hỏi công ty còn mướn hay không, công ty nói không mướn nữa. Bên Nam Long nói cho thời hạn 3 ngày sẽ trả lời mà nó cũng không trả lời luôn. 15 ngày sau, chủ nhà nói không dọn thì người ta liệng đồ ra sân. Chủ đầu tư kêu liệng đi, nó trả tiền chi phí cho. Chủ nhà cho 3 ngày để dọn, nếu không họ sẽ liệng đồ ra sân tức là tôi phải đi mướn tôi ở. Cho đến ngày nay tôi ở cái nhà nhỏ xíu, mướn 1 triệu rưởi, tôi ở cho tới bây giờ đó!”

Ông Nguyễn Hữu Xuân nói là ở đây không giải quyết gì hết, tôi giận quá nói không nên lời tôi mới trở về bưng chai thuốc rầy uống cho chết cho rồi đi để tài sản cho tụi nó cướp hết.<br/> Ông Hồ văn Tư

Ngày 09 tháng 12 năm 2011, khoảng 7 giờ sáng, một đoàn cán bộ khoảng gần 20 người, gồm Công an, các ban ngành Đoàn thể… vào nhà bà Lài để vận động di dời. bà Lài yêu cầu gặp chủ đầu tư để thương lượng, sau đó sẽ chấp hành việc di dời. Đoàn cán bộ yêu cầu gia đình rời khỏi nhà và ra phía trước cổng (nơi Đoàn cưỡng chế đóng trú) để gặp Chủ đầu tư. Tưởng được đáp ứng yêu cầu chính đáng, ông Tư và bà Lài ra phía trước để gặp chủ đầu tư thương lượng. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Xuân (trưởng phòng quản lý đô thị quận Cái răng) phát loa, lớn tiếng khẳng định: “Đoàn cưỡng chế đến đây rồi, không cần gặp chủ đầu tư nữa...”.

Uất ức trước sự tráo trở của những cán bộ này, ông Hồ Văn Tư đã chạy vào phía sau nhà, lấy chai thuốc trừ sâu đang dùng cho rẫy cải, uống hết để tự tử. Ông Tư được khiêng lên xe cứu thương, trong khi đó, hơn 50 người gồm Công an, Bảo vệ Cty 8, cán bộ Phường… xông vào giật sập căn chòi của 2 ông bà. Ông Hồ văn Tư nhớ lại như chuyện mới hôm qua:

“Nó vô chòi rồi nó kêu qua gặp chủ đầu tư, rồi qua gặp trưởng văn phòng quản lý đô thị. Ông Nguyễn Hữu Xuân nói là ở đây không giải quyết gì hết, tôi mới giận quá, tôi nói không nên lời tôi mới trở về bưng chai thuốc uống luôn, uống cho chết cho rồi đi để tài sản cho tụi nó cướp hết.”

Đó là câu chuyện thương tâm của ông Hồ văn Tư, người đã phải dùng mạng sống của mình để giữ lại mảnh đất mà gia đình ông đã khổ công gầy dựng. Trước hành động bạo ngược của những kẻ có thế, có tiền. Vợ con ông đã phải quên cả sự xấu hổ, dùng phương tiện chẳng đặng đừng để bày tỏ sự phẫn uất của mình. Chúng tôi sẽ trình bày trong phần 2 của loạt bài này. Kính mời quý vị theo dõi.