Học sinh sắp tốt nghiệp PTTH tại Việt Nam chuẩn bị làm thủ tục nộp đơn thi đại học vào trung tuần tháng ba này. Vấn đề tuyển sinh đại học tại Việt Nam bị cho là có những bất cập. Nhất là các bạn học sinh lại vừa phải dự cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học ngay trước đó.
Tuyển sinh một cách khó hiểu?
Thống kê cho thấy hiện nay Việt Nam có 412 trường đại học và cao đẳng. So với thời gian trước khắp cả nước chỉ có vài chục trường ở các thành phố trung tâm của đất nước mà thôi.
Lý do là trong những năm gần đây Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép nâng cấp nhiều trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp lên bậc đại học. Ngoài ra, nhiều đại học tư cũng được thành lập.
Chúng ta ghi nhận được những nét tiến bộ hơn của giáo dục đại học Việt Nam như đã bỏ đi việc tuyển sinh dựa trên lý lịch, mở rộng hợp tác của các đại học Việt Nam và quốc tế… Tuy nhiên dường như đại học Việt Nam vẫn chưa tìm ra được con đường đi của nó. Chất lượng của sản phẩm đại học Việt Nam vẫn bị than phiền là không đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Ngoài nội dung giảng dạy, sự vận hành của đại học VN trong đó có việc tuyển sinh đầu vào là những vấn đề mà những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà vẫn thường lên tiếng phê bình.
Chỉ còn vài tháng nữa, mùa tuyển sinh đại học lại bắt đầu. Ngày 11/3 tới đây là ngày bắt đầu nộp đơn dự tuyển. Trước kia, với qui mô vài chục trường đại học và cao đẳng, mùa thi chỉ kéo dài trong ba ngày và mỗi thí sinh chỉ ghi danh ứng thí tại một trường, việc tổ chức vì vậy khá đơn giản. Từ khi khái niệm xã hội hóa giáo dục ra đời với sự tiếp cận dễ dàng hơn của số đông với giáo dục đại học, việc tuyển sinh lại trở nên rắc rối khó hiểu.
Thạc sĩ Nguyễn Kiều Diễm, từng là giảng viên của đại học dân lập Văn Lang tại TP HCM và đã từng nhiều lần tham gia vào công việc tuyển sinh, hiện đang học tại ĐH Iowa, Hoa Kỳ có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Kính Hòa, trước tiên Thạc sĩ cho biết:
Một trường thi chính và hai trường còn lại theo nguyện vọng. Nó rắc rối là làm cho thí sinh không hiểu rõ là nộp vào nguyện vọng một nguyện vọng hai là như thế nào. Thạc sĩ Nguyễn Kiều Diễm
Nguyễn Kiều Diễm: Ở Việt Nam mình các trường không có sự tự chủ mà phần lớn phụ thuộc vào bộ giáo dục. Mỗi năm điểm sàng qui định khác nhau và có ba lựa chọn, một trường thi chính và hai trường còn lại theo nguyện vọng. Nó rắc rối là làm cho thí sinh không hiểu rõ là nộp vào nguyện vọng một nguyện vọng hai là như thế nào. Ở nước ngoài người ta dựa vào cả ba năm còn mình thì chỉ có một lần là đậu hay không, mà thi thì cũng có lúc hên lúc xui rồi buồn vui…
Kính Hòa: Cái đó gọi là học tài thi mạng?
Nguyễn Kiều Diễm: Đúng rồi anh, có khi chỉ vì một lý do gì đó mà thí sinh thi không đậu nên mình thấy điểm sàng không phải là lựa chọn tốt nhất cho người đi thi.
Kính Hòa: Nói tóm lại là theo cái cách thi như vậy thì mình thấy nó hơi rắc rối và theo chị Diễm thì mình có thể bỏ kỳ thi đại học không?
Nguyễn Kiều Diễm: Mình thiết nghĩ nếu như các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo thì có thể…
Kính Hòa: Ví dụ như ở bên Mỹ thì người ta dựa vào quá trình học như chị Diễm vừa nói và một kỳ thi gọi là SAT nữa đúng không?
Nguyễn Kiều Diễm: Dạ đúng rồi.
Kính Hòa: Và thấy người ta tổ chức rất thong dong, cứ đang ký dự thi rồi đến thứ bảy chủ nhật gì đó đến cái trường trung học mà học sinh học đó để thi…có vẻ nhhư nó không rắc rối như bên VN phải không chị Diễm?
Nguyễn Kiều Diễm: "Dạ đúng và nó lại cho thí sinh nhiều cơ hội, anh thi đến lúc nào anh thấy cái điểm nó phản ánh đúng khả năng của anh thì anh dừng lại."
Như vậy So với các bạn VN cùng trang lứa, các bạn Mỹ thảnh thơi hơn rất nhiều. Việc tuyển chọn sinh viên hàng năm ở các đại học Mỹ chủ yếu dựa trên hai thông số, thứ nhất là điểm SAT với các môn toán, anh văn mà ngay từ lớp 10 các bạn có thể thong thả đăng ký dự thi làm nhiều lần để lấy kết quả tốt nhất cho đến giữa năm lớp 12 là lúc mà các bạn nộp đơn vô các trường đại học; thứ hai là kết quả học trong lớp. Mỗi tường đại học có chính sách tuyển sinh riêng và có những trường cũng không màng đến điểm SAT. Vì vậy ở Mỹ chúng ta không bao giờ thấy cảnh như ở Việt Nam là sĩ tử ùn ùn kéo nhau đi thi cùng những người thân, với bao lo lắng phiền muộn về vật chất lẫn tinh thần trong mùa thi, Bạn Quốc Du 22 tuổi, nhà gần trường Mạc Đỉnh Chi, quận 6 TPHCM cho biết:
“Dạ trường của cháu gần trường Mạc Đỉnh Chi là nơi tổ chức thi đại học mỗi năm và cháu cảm thấy áp lực đối với các bậc phụ huynh trong vấn đề cho con thi đại học. Ngày hôm đó giao thông rất là phức tạp, và nhiều gia đình mang theo cả chiếu võng đến địa điểm thi và chờ con thi rồi mới về.”
Ấy là chưa nói đến sự xui xẻo học tài thi mạng bất chợt có thể xảy đến trong vài ngày ngắn ngủi ấy.
Nên cạnh tranh tự chủ
Một số rất lớn các đại học Mỹ là các tổ chức phi lợi nhuận, kể cả tổ chức Hội đồng đại học (College Board), chuyên tổ chức các kỳ thi SAT. Đại học Mỹ thực sự do xã hội vận hành, và do vậy nó thỏa mãn sự tự do theo đúng tinh thần đại học.
Tuy còn nhiều ý kiến thận trọng về việc bỏ kỳ thi đại học, như giáo sư Đặng Đức Trọng từ đại học khoa học tự nhiên qua trao đổi email với chúng tôi cho biết. Nhưng cũng đã có những tiếng nói đề nghị bỏ kỳ thi đại học tốn kém, tốn kém cho gia đình học sinh và tốn kém cho xã hội phải tập trung nguồn lực tổ chức thi cử, giữ gìn giao thông…
Trước kia Đại học Việt Nam được bao cấp hoàn toàn, từ việc tuyển chọn, học hành, đến phân công sau khi ra trường. Sinh viên không phải trả tiền. Nay, với khái niệm xã hội hóa giáo dục đại học, người học phải trả tiền để được cung cấp dịch vụ học hành. Các trường đại học, nhất là các trường tư thục phải hoạt động không có sự trợ giúp của nhà nước nữa. Vậy tại sao việc tuyển chọn sinh viên của họ vẫn phải do nhà nước qui định? Chúng ta đã sẵn sàng cho phá sản các công ty kinh tế làm ăn thua lỗ, vậy tại sao chúng ta không để cho thị trường quyết định việc chọn lựa các sản phẩm đại học trong một sự cạnh tranh tự chủ?
Trong một trả lời phỏng vấn đài chúng tôi gần đây, tiến sĩ Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học tư thục Hoa Sen tại TP HCM có mong muốn phát triển được một đại học VN theo mô hình các đại học nền tảng ở Mỹ (Liberal Arts Schools). Phải chăng để bắt đầu một nền giáo dục tự do, chúng ta cũng nên bắt đầu bằng việc trao trả lại quyền tuyển sinh cho các đại học, cất đi một gánh nặng vật chất và tinh thần cho thanh niên và xã hội.