Những hành động phi lý đối với người bất đồng chính kiến

0:00 / 0:00

Giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam tiếp tục chịu những hành xử bị cho là không đúng tinh thần luật pháp của phía cơ quan chức năng gây nên.

Kết luận điều tra thiếu cơ sở

‘Nực cười, phi lý…’ là những kết luận mà nhiều người quan tâm sau khi đọc được Bản kết luận điều tra của Cơ quan an ninh Điều Tra Công an tỉnh Long An do đại tá Nguyễn Sáu ký hồi ngày 27 tháng 8 vừa qua về vụ việc của anh Đinh Nhật Uy, anh trai của sinh viên Đinh Nguyên Kha đang bị án tù tuyên truyền chống Nhà nước, và bị điều tra về tội khủng bố.

Bản kết luận điều tra dài gần 5 tờ giấy khổ A4 với 5 phần: nội dung vụ án, vật chứng thu giữ, lý lịch bị can, kết luận vụ án và đề nghị. Những người quan tâm chú ý nhất đến phần nội dung vụ án với những kết luận trên trang facebook cá nhân anh Đinh Nhật Uy có những tin mà theo cơ quan công an điều tra là xúc phạm đến các Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội- Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam- VNPT, xúc phạm lãnh đạo nhà nước trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước; thậm chí còn có tin trên facebook của anh này bị cho là lời lẽ xúc phạm đến một cán bộ đảng biên tham gia sinh hoạt tổ phụ nữ khu phố nơi anh Uy đang sinh sống… Về phần vật chứng thì cơ quan điều tra nêu ra 2 tờ giấy khổ A4 có hình Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha với câu ‘Freedom for Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha. Bên cạnh đó còn có những áo thun in dòng cữ Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam, cũng như áo thun với dòng chữ No to U-Line ở phía trước và phía sau là dòng chữ No-U FC; Xóa đường lưỡi bò, bảo vệ biển đảo Việt Nam’…

Những chiếc áo thun có dòng chữ Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, 'Xóa đường lưỡi bò' là thể hiện yêu nước, lòng tự trọng dân tộc của bất cứ ai liên quan trong vấn đề này; thế nhưng lại trở thành vật chứng trong vụ án thì tôi cho là không bình thường, khó hiểu!

Luật sư Nguyễn Thanh Lương

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, người nhận bào chữa cho vụ việc của Đinh Nhật Uy vào chiều ngày 8 tháng 9 cho biết ý kiến ban đầu của ông về kết luận điều tra đó:

Trong kết luật điều tra thì về vật chứng những hình ảnh của Nguyễn Phương Uyên với những dòng chữ ‘Freedom for Nguyễn Phương Uyên’, ‘Freedom for Đinh Nguyên Kha’, hoặc những cuốn sách có tựa đề ‘Bên Thắng Cuộc’ của Huy Đức là tài liệu của người khác làm ra; thậm chí những chiếc áo thun có dòng chữ Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, ‘Xóa đường lưỡi bò’ là thể hiện yêu nước, lòng tự trọng dân tộc của bất cứ ai liên quan trong vấn đề này; thế nhưng lại trở thành vật chứng trong vụ án thì tôi cho là không bình thường, khó hiểu! Tuy nhiên để đi vào chi tiết đúng sai thế nào, do hiện nay chưa đọc được hồ sơ nên tôi không bình luận những vấn đề này; nhưng không bình thường, cảm thấy hoài nghi! Xin dừng lại tại đó.

Blogger Mẹ Nấm, người lên tiếng phản đối biện pháp bắt người theo điều 258 của Bộ Luật hình sự Việt Nam có một số ý kiến sau khi đọc được Bản kết luận điều tra của Công an Long An về vụ việc của anh Đinh Nhật Uy:

Anh Đinh Nhật Uy và mẹ. Danluan.org
Anh Đinh Nhật Uy và mẹ. Danluan.org (Danluan.org)

Thật ra Bản kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra tỉnh Long An là điều rõ ràng phải cám ơn họ vì cho thấy quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam bị xâm phạm như thế nào!

Đối với góc nhìn của tôi, tôi nghĩ rằng họ không quá ‘ngu ngốc’ để ra bản điều tra như vậy; có thể hướng là họ dùng Bản kết luận điều tra đó để thả Uy sớm thôi. Riêng việc kết luận và đề nghị tịch thu tang vật cho thấy rõ ràng thứ nhất quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam bị xâm phạm, thứ hai đường lối ngoại giao với Trung Quốc, Việt Nam vẫn rất dè chừng và luôn trừng phạt những người có tiếng nói và quan tâm đến vấn đề nhạy cảm như vậy.

Thật ra Bản kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra tỉnh Long An là điều rõ ràng phải cám ơn họ vì cho thấy quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam bị xâm phạm như thế nào!

Blogger Mẹ Nấm

Anh Đinh Nhật Uy bị bắt hồi ngày 12 tháng 6 vừa qua.

Giam giữ quá hạn qui định pháp luật

Một người hiện đang bị giam giữ với cáo buộc trốn thuế là luật sư Lê Quốc Quân. Ngày xét xử đầu tiên của ông được đưa ra là ngày 9 tháng 7 nhưng chỉ một hôm trước khi diễn ra phiên xử, tòa án thông báo hoãn vì thẩm phán Lê thị Hợp bị ốm đột xuất.

Luật sư Hà Huy Sơn, một trong những người tham gia bào chữa cho luật sư Lê Quốc Quân cho biết đã hai lần có văn bản về vụ xét xử thân chủ khi việc hoãn được một tháng và đến thời điểm hai tháng. Ông nói lại:

Về sự vi phạm, tôi đã có văn bản có ý kiến với Tòa án thành phố Hà Nội rồi. Theo luật qui định hoãn phiên tòa chỉ có 30 ngày thôi, sau khi quá 30 ngày tôi có văn bản nêu ý kiến về việc quá hạn đó đối với Tòa án thành phố Hà Nội; nhưng họ không có ý kiến trả lời gì tôi cả. Hôm 3 tháng 9 vừa rồi tôi cũng có văn bản gửi chán án tòa án thành phố Hà Nội là người có thẩm quyền tiếp tục giam giữ hay phải trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân. Tôi căn cứ vào các qui định pháp luật thấy không có căn cứ nào để tiếp tục giam giữ luật sư Lê Quốc Quân, tôi có ý kiến nói chánh án phải có trách nhiệm và phải trả tự do cho Lê Quốc Quân; nhưng đến nay tôi không nhận được trả lời nào từ phía tòa án cả.

Tôi căn cứ vào các qui định pháp luật thấy không có căn cứ nào để tiếp tục giam giữ luật sư Lê Quốc Quân, tôi có ý kiến nói chánh án phải có trách nhiệm và phải trả tự do cho Lê Quốc Quân; nhưng đến nay tôi không nhận được trả lời nào từ phía tòa án cả

Luật sư Hà Huy Sơn

Tôi cũng đã đến gặp luật sư Lê Quốc Quân hôm thứ sáu vừa rồi. Cuộc gặp kéo dài khoảng hơn 20 phút thôi. Mục đích trao đổi tình hình sức khỏe và tình hình gia đình cho Lê Quốc Quân biết. Sức khỏe của Lê Quốc Quân dù không được khỏe nhưng bình thường, tinh thần tốt. Tôi có trao đổi về văn bản gửi cho chánh án; và tôi được biết ông Lê Quốc Quân bị tạm giam mà không theo qui định của Luật Tố Tụng mà bị tạm giam theo đề nghị Trại giam tiếp tục giam ông cho đến khi mở phiên tòa.

Xin phép được nhắc lại luật sư Lê Quốc Quân là một người công khai lên tiếng cho quyền con người, cũng như là một biểu tình viên chống Trung Quốc tích cực, nhất là hồi mùa hè năm 2011.

Ông bị bắt lần mới nhất hồi ngày 27 tháng 12 năm ngoái và bị giam tại Trại giam số 1 Hỏa Lò từ đó đến nay. Lần thứ nhất ông bị bắt giam ba tháng hồi năm 2007 sau khi tham dự khóa học của Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ- NED tại Hoa Kỳ về. Lần thứ hai ông bị giam chừng 10 ngày sau khi đến dự phiên xử sơ thẩm của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ hồi ngày 4 tháng 4 năm 2011. Ông cũng bị côn đồ đánh hồi tháng 8 năm ngoái.