Quyết định cho pháo đài bay B-52 và oanh tạc cơ tàng hình B-2 bay sang Nam Hàn biểu diễn sức mạnh đã khiến Bắc Hàn lồng lộn và có thể có hành động hung hăng hơn nữa, trong lúc chiến dịch hăm dọa lớn tiếng của Bình Nhưỡng đang có vẻ tắt dần.
Trước ngày hai chiếc B-2 của quân lực Mỹ bay biểu diễn. gọi là tập trận, trên bầu trời Nam Hàn, Bình Nhưỡng có vẻ như đang dần dần dịu bớt những thái độ khiêu khích hung hăng để tập trung vào dịp lễ 15 tháng tư, sinh nhật của ông nội Kim Jong-Un, cố chủ tịch Kim Il-Sung, nhà lập quốc Bắc Hàn. Đó cũng là thời gian hầu hết mọi binh sĩ Bắc Hàn phải quay về đồng ruộng cho vụ mùa xuân. Vụ khủng hoảng bằng lời nói đang có triển vọng lắng dần, thì Hoa Kỳ lại làm cho lãnh tụ Bắc Hàn phải làm một điều gì đó vì thể diện của “người cầm lái vĩ đại.”
Nhà nghiên cứu về Bắc Hàn Lee Min-Yong nhận xét: “Có vẻ như Kim Jong-un đang ở vị trí lái một con tàu lớn để dạo chơi cho thỏa thích.”
Lập tức phá thành tro bụi
Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA phổ biến hình ảnh Kim Jong-Un đang phác thảo kế hoạch phản ứng với máy bay ném bom tàng hình B-2A, vẽ ra đạn đạo dự kiến của phi đạn Bắc Hàn tấn công các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương và ngay trong nội địa Hoa Kỳ.
Văn bản gọi là “Bản tuyên chiến toàn diện” của Bắc Hàn do KCNA phổ biến viết:
“Nay là lúc lực lượng quân sự cách mạng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã bước vào hành động quân sự thực sự, mối quan hệ liên Triều đương nhiên bước vào tình trạng chiến tranh.”… “Hiền nhiên là mọi xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đều dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện, chiến tranh hạt nhân khi mà những oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược của Mỹ ở các căn cứ trên Thái Bình Dương, kể cả Hawaii và Guam, cũng như từ nội địa Hoa Kỳ, đã bay vào bầu trời Nam Hàn để tham gia sách lược chiến tranh hạt nhân liều lĩnh nhắm vào CHDCNC Triều Tiên. Trận tấn công đầu tiên của quân lực cách mạng CHDCND Triều tiên sẽ đánh nổ tung các căn cứ quân sự xâm lược trong nội địa Mỹ và trên các chiến trường địa bàn hành quân ở Thái Bình Dương, kể cả Hawaii và Guam. Và (trận tấn công của CHDCNC/TrT) không những phá thành tro bụi ngay lập tức những căn cứ quân sự của Mỹ ở Nam Hàn mà cả những cơ sở của chế độ cầm quyền bù nhìn tại nơi này, kể cả dinh Tổng thống và các căn cứ quân sự, khỏi nói đến những kẻ xâm lược và kẻ khiêu khích.”
Đoạn 3 của bản tuyên chiến toàn diện viết: "CHDCND Triều tiên không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến vĩ đại để thống nhất đất nước. Trận chiến tranh này sẽ không phải cuộc chiến 3 ngày mà sẽ là trận đánh chớp nhoáng, chỉ một trận độc nhất, khi quân lực (bắc) Triều tiên chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Nam Hàn, đến tận đảo Jeju (ở cực nam Nam Hàn)…. "Không một sức mạnh nào trên quả đất có thể phá vỡ ý nguyện của toàn thể quân dân Triều tiên cho cuộc chiến vĩ đại để thống nhất đất nước…"
Đây là giọng điệu lớn lối gây chiến cao nhất từ xưa đến nay trong lịch sử chiến tranh loài người. Xưa kia các nước tuyên chiến và bước vào chiến tranh thực sự cũng không hề có giọng điệu giết chóc ghê gớm đến thế, chỉ trừ lực lượng khủng bố Hồi giáo gần đây thù ghét phương Tây đến tận xương tủy. Các nước châu Âu, Mỹ, Nhật trong thế chiến thứ hai chỉ đòi buộc đối phương phải đầu hàng và bồi thường chiến tranh là cùng, không ai dọa giết tới cùng, phá nát thành tro bụi cả xứ sở đối phương.
Các lãnh tụ Cộng Sản hiếu chiến hàng đầu như Krutchev, Mao Trạch Đông cũng đòi đánh tan thế giới tư bản, nhưng chưa hề khoác lác về một trận đánh như bằng phép Trời như vậy. Chỉ có một mình ông Thống Chế chưa đầy 30 tuổi Kim Jong-Un, được cận thần tôn xưng quá đáng, tưởng mình là thần thánh thật, mới dám đòi phá nát Seoul, chiếm cả nước anh em Nam Hàn chỉ trong một trận, không tha cho cả Mỹ ở xa hằng ngàn dặm. Hay ông và cận thần biết rằng chỉ có người dân Bắc Hàn tin vào lời ông nói, nên mới có giọng điệu kệch cỡm đến thế?
Lời dọa dẫm đối với các căn cứ Thái Bình Dương và nội địa Mỹ là hoàn toàn lố bịch, nhưng nguy cơ đối với Nam Hàn rất thực tiễn, vì lãnh thổ Nam Hàn nằm trọn trong tầm hỏa tiễn mà Bình Nhưỡng dọa có bom hạt nhân gài vào để dội xuống. Thủ đô Seoul chỉ cách lằn ranh ngưng chiến 40 km. Bản nghiên cứu của Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược cho biết Bắc Hàn bố trí 80% tổng hỏa lực trong phạm vi 100km của khu vực ranh giới. Lực lượng bố trí bao gồm khoảng 700 ngàn quân, 8 ngàn đại pháo và 2 ngàn xe tăng.
Nghiền nát như con kiến!
Ông Đặng Vũ-văn, Phó Trưởng Biên tập Thời báo Nghiên cứu, nhật báo của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cơ sở đào tạo các viên chức Trung Quốc có nhiều triển vọng tương lai, tin rằng không bên nào có ý định tung ra chiến tranh toàn diện mà trong đó, theo ông, "người Mỹ sẽ đạp và nghiền cái ông này (Kim Yong-un) như nghiền nát con kiến!" Tuy nhiên ông Đặng nói tiếp: "Điều này tuy vậy không loại được nguy cơ nổ súng lầm lẫn, không thể loại trừ những tai nạn như thế"
Hôm nay, 1 tháng tư, 2013. Hoa Kỳ đưa thêm phi cơ chiến đấu tàng hình Raptor F-22 đến Nam Hàn, tỏ quyết tâm đứng cạnh Seoul trong mọi tình thế. Một chiếc F-22 được coi là đủ sức chiến đấu và tiêu diệt 10 chiếc Su-35 của Nga, Trung Quốc mới mua 24 chiếc này và bản quyền chế tạo của Nga.
Đông Bắc Á có ba nhà lãnh đạo mới trong củng một năm: Trung Quốc và Nam Bắc hàn. Trước khi trở thành Tổng thống, bà Park Geun-Hy hứa hẹn quan hệ với Bắc Hàn để đền bù nếu Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nhưng chỉ một tuần trước khi bà nhậm chức, Bắc Hàn thực sự phá vỡ chính sách đó bằng cuộc thử nghiệm bom hạt nhân lần thứ ba hôm 12 tháng 2.
Trong khi bà Park không làm gì được hơn, thì chủ tịch họ Tập phải có chính sách khéo léo đễ kềm chế và trừng trị họ Kim. Trung Quốc đã thực hiện điều ất bằng cách ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể đi quá xa vì là đồng minh duy nhất và là nước nuôi ăn nuôi nhiên liệu cho Bắc Hàn. Nhà báo họ Đặng của Trưởng Đảng Trung Quốc cho rằng nếu Trung Quốc áp dụng những biện pháp chế tài ngặt nghèo hơn nữa, tình hình Bắc Hàn càng trở nên bất ổn.
Dù sao thì kịch bản bán đảo Triều Tiên mấp mé bờ vực xung đột võ trang rộng lớn đã nhiều lần diễn ra sau chiến tranh Triều Tiên !950-1953.
Pháo đài bay B-52 đã từng được dùng để gây áp lực với Bình Nhưỡng trong thập niên 1970. Đó là vào năm 1976, hai lính Mỹ bị đánh chết bằng cán rìu khi muốn cưa bỏ một cái cây trong vùng phi quân sự chia đôi Nam Bắc Hàn. Mỹ đã tập trung lực lượng quân sự để cảnh cáo, sử dụng cả pháo đài bay. Sự kiện cũng trôi qua không gây nên chiến sự, mặc dù quân Bắc Hàn đã bắn lên một trực thăng của Hoa Kỳ. Truyền thông Bắc Hàn lâu nay vẫn cường điệu hiếu chiến không biết bao nhiêu lần, dọa biến Seoul thành biển lửa là chuyện như cơm bữa, cũng như lời thóa mạ thô bỉ đến nỗi không ai dám dùng tới, khi gọi lãnh đạo Nam Hàn là chuột, là chó…
Tuy nằm dưới tầm đại pháo của Bắc Hàn, người dân Seoul không hề tỏ ý muốn di dời khỏi thủ đô, nơi đã có sẵn kế hoạch phòng thủ thụ động chống tấn công đại quy mô bằng pháo kích. Quân đội Mỹ và Nam Hàn cũng sẵn có kế hoạch phản công hoặc đánh phủ đầu để chặn đứng trận pháo tiêu diệt trước khi Bắc Hàn khởi động. Các phi cơ oanh tạc khổng lồ của Mỹ bay qua Seoul là để nhắc nhở tất cả các bên về kế hoạch và chiến thuật ấy, đồng thời trấn an cả hai đồng minh Nam Hàn, Nhật Bản trước khả năng quân sự mới mẻ đang thành hình của chế độ độc tài Bình Nhưỡng.
Tạm buông súng, làm ruộng
Có ý kiến trong giới báo chí quốc tế cho rằng gần đây nếu Mỹ không cho phi cơ B-2 và B-52 bay qua với mục đích đó thì có thể Bắc Hàn đã sẵn lòng giảm cường điệu tuyên truyền và mối căng thẳng.
Lý do là nay đang là thời gian tan băng giá của mùa xuân, quân đội Bắc Hàn phải xuống ruộng cày cấy để cứu nạn đói kinh niên cho xứ sở. Ngoại trừ những đơn vị tên lửa và đơn vị tinh nhuệ nòng cốt, phần đông trong số 1 triệu 200 ngàn quân Bắc Hàn ha82gn năm đều phải làm ruộng trong 1 tháng kề từ giữa tháng tư. Lính phải về quê, ở lại làm ruộng như dân, cho tới khoảng 20 tháng 5 là lúc xong thời vụ. Thời gian này là lúc thích hợp để giới lãnh đạo quân phiệt Bình Nhưỡng tạm quên sôi nổi tuyên truyền hiếu chiến để nói chuyện cày cấy với dân, với lính. Nhưng Hoa Kỳ đã không để cho Bình Nhưỡng có dịp giảm cường độ gây hấn, mà khiến Bắc Hàn tỏ ra nguy hiểm hơn.
Không rõ kế sách của Washington là vô tình hay cố ý, trong lúc công luận Hoa Kỳ không mấy ai tỏ ý lo sợ hay oán ghét gì trước những lời lẽ tuyên truyền ngây ngô lố bịch của chế độ lạc hậu nhất trên thế giới này, dù là họ có thể sắp có vũ khí hạt nhân. Ý kiến trong dư luận Hoa Kỳ chỉ toàn những lời chế diễu, đùa cợt với nhau như đang xem một anh hề dở mà cứ tưởng mình hay, vì mình là lãnh tụ của một dân tộc không biết gì đến thế giới bên ngoài. Nhưng chính vì lạc hậu không còn cách nào đuổi kịp thế giới mà không mất ngôi vị quyền lực thần thánh, Kim Jong-Un buộc phải ôm con bài vũ khí hạt nhân để đòi thế giới phải trả giá cao. Vị lãnh tụ non yếu nhưng ham quyền lực chỉ nghĩ được đến thế, hay đang làm theo lời cố vấn của Bắc Kinh?
Điều khó hiểu
Trung Quốc chưa thực hiện hết vai trò khuyên bảo họ Kim, hay vẫn dùng Kim Jong-un như con bài trong tay áo để thương lượng với Mỹ trong nhiều ván bài trên thế giới? Chưa có câu trả lời. Sự cứng đầu và hành động được coi như độc lập của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh là điều khó hiểu, nhìn từ bên ngoài. Có ý kiến giải thích rằng Bắc Kinh phải có lợi cách nào đó trong mọi hành động của Bắc Hàn, nên mới phải dung dưỡng chế độ này trong nhiều năm nay.
Điều rõ ràng nhất là giới lãnh đạo ở Washington ngày nay không hề muốn can dự vào chiến tranh với bất cứ ai vì bất cứ lý do gì. Tổng thống Obama vẫn luôn luôn muốn đứng ngoài mọi xung đột trên thế giới. Washington đứng hẳn bên ngoài cuộc nội chiến Syria, hạn chế tối đa sự can dự của quân đội Mỹ trong chiến cuộc Lybia, dứt khoát từ chối ý muốn của Israel đòi tấn công vào kế hoạch hạt nhân của Iran.
Tổng trưởng quốc phòng Chuck Hagel, cựu chiến binh Việt Nam, thường tuyên bố rằng việc sử dụng quân lực chỉ là sách lược sau cùng khi không còn cách nào khác cho nền an ninh của Hoa Kỳ và thế giới.
Song song với ý kiến về việc Hoa Kỳ gây khó khăn cho tình hình vì các chuyến bay của B-52. B-2, thì một chuyên gia Mỹ cho rằng hành động đó là hợp lý.
Chuyên gia về an ninh châu Á Thái Bình Dương DennyRoy của Trung tâm Đông Tây, một cơ sở nghiên cứu và tư vấn ở Hawaii, cho rằng từ quan điểm của Hoa Kỳ, việc trấn an Nam Hàn về quyết tâm lâu dài của Mỹ là điều thích hợp, nhất là trong thời kỳ có thể nảy sinh sự nghi ngờ về quyết tâm đó giữa lúc kinh tế khó khăn vì khủng hoảng hiện nay.