Công an tiếp tục sách nhiễu
Tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội, lúc 1 giờ chiều hôm qua, thứ Hai ngày 19 tháng 11, dân oan Trần Ngọc Anh cho biết bà bị lên cơn mệt, rất mệt, cũng là lúc công an ở quê bà là Bà Rịa-Vũng Tàu cùng công an Bộ vào bệnh viện nói những lời khiến bà “rất ức” – nhưng vì mệt quá nên không trả lời được. Dân oan Trần Ngọc Anh giải thích:
Trần Ngọc Anh
“Vì công an đàn áp, đánh đập tôi dã man như thế mà khi vào bệnh viện này, họ cho biết có hỏi qua bác sĩ về tình hình sức khoẻ của tôi. Lúc đó, tôi có nói là tôi bị chấn thương, thì họ nói ngay rằng “không, chị bị nhẹ thôi”. Tôi mới đáp rằng chính công an đánh tôi ra nông nỗi này; nên nhẹ, nặng gì không cần biết, nhưng mà tôi bị chấn thương là sự thật. Bây giờ, dù các ông muốn điều khiển bác sĩ như thế nào đi nữa, thì trong 3 ngày đầu tôi bị hôn mê, hôm nay có đỡ. Tôi cũng không ngờ bác sĩ lại nói với tôi một câu rằng “chị cảm thấy sức khoẻ có ổn thì về đi”. Tôi cho biết hiện giờ tôi đang mệt, ói mửa nên không thể về đâu được. Công an nói là tiền chi phí hay cái gì, ít bữa sẽ tính sau. Tôi nói là nếu chờ tiền chi phí các ông, thì tới giờ tôi đã chết rồi. Và tôi không ngờ ở Việt Nam lại có bệnh viện như vậy. Khi tôi trong hoàn cảnh nguy kịch thì các ông không điều trị. Nhưng khi chị em dân oan góp tiền lại đóng một triệu thì mới điều trị cho tôi. Đó là một sự bi thảm về đạo đức của Việt Nam hiện nay. Không nhờ chị em dân oan có lẽ giờ này tôi không còn sống đâu!”
Theo dân oan Trần Ngọc Anh thì cụ Lê Hiền Đức, người được giải quốc tế về chống tham nhũng tại Việt Nam, có vào bệnh viện Saint Paul thăm. Sự hiện diện của cụ, sau cùng rồi, khiến tình cảnh của bà Ngọc Anh có đỡ hơn trong khi một người khác từ Miền Nam đứng ra nhận trách nhiệm về trường hợp nằm viện của dân oan này. Bà Trần Ngọc Anh cho biết:
“Cụ Lê Hiền Đức có vào đây, la lên rằng tại sao mọi người có bệnh án mà Ngọc Anh không có bệnh án? Thì bác sĩ mới trả lời rằng “Vì bà không phải là thân nhân của Trần Ngọc Anh nên bà không được quyền coi bệnh án”. Sáng này có chị Hài từ Miền Nam, tự ký tên bảo lãnh đưa tôi từ bệnh viện huyện Đông Anh ra bệnh viện Saint Paul, Hà Nội và chịu trách nhiệm, thì chị có quyền coi bệnh án. Sau khi làm việc với bác sĩ, chị hỏi “sức khoẻ của em tôi giờ ra sao?”. Bác sĩ mới công nhận tôi bị chấn thương, nên cho biết 3 ngày qua họ đã tích cực điều trị cho tôi. Chúng tôi nghĩ là nhờ cụ Lê Hiền Đức nên bác sĩ mới có cái nhìn khác một chút.”
Người dân giúp đỡ
Dân oan Nguyễn Thị Kim Liêng quê Bình Dương cũng đang có mặt tại bệnh viện, cho biết thêm:
Nguyễn Thị Kim Liêng
“Mấy hôm nay cũng nhờ dân oan tới khá đông. Cụ Lê Hiền Đức có lại đây, chụp hình, quay phim khiến ở đây mới đầu đòi bắt bà, và làm dữ lắm. Nhưng từ lúc cụ Lê Hiền Đức vô đây, cho nên bệnh viện ngày hôm qua tới hôm nay thấy cư xử với chị Ngọc Anh đỡ hơn. Còn mấy ngày trước, họ kiểu như không có lo. Bây giờ họ mới nhìn nhận là Trần Ngọc Anh bị tổn thương sọ não. Hồi trưa này, Ngọc Anh lại mệt, huyết áp tự nhiện tuột xuống đáng ngại, nên chúng tôi chạy kêu bác sĩ lại, vô thuốc.”
Dân oan Trần Ngọc Anh nhắc lại rằng bà là một người dân không tham gia bất cứ một đảng phái nào, mà cũng không tuyên truyền chống phá nhà nước VN này. Nhưng bà không hiểu tại sao lúc nào họ cũng “chiếu cố” , đánh đập, hành xử đối với bà “vô cùng dã man”. Dân oan Trần Ngọc Anh nhận xét:
“Họ cho người dân đi khiếu kiện là đối kháng với họ, nên lúc nào cũng sẵn sàng dùng đòn nham hiểm để đối phó. Lúc nào họ cũng nhân danh là đảng viên của đảng Cộng Sản học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Nhưng tôi nghĩ tôi quá xấu hổ sống trên một đất nước gọi là độc lập, tự do, hạnh phúc; một đất nước gọi là có đảng vinh quang lãnh đạo mà vô chính phủ như vầy. Tôi quá là đau khổ khi có hai người anh liệt sĩ đã hy sinh cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam này (khóc). Nhưng cuối cùng, đến giờ phút này, họ đàn áp, đánh đập tôi như thế (khóc). Họ còn tung tin xuyên tạc rằng tôi là phản động.”
Theo dân oan Trần Ngọc Anh thì hiện công an không lộ mặt ra, nhưng canh chừng 24/24. Bà Ngọc Anh cho biết đang buồn một điều là công an – theo lời bà – “giả nhân, giả nghĩa”, khi một mặt, họ ra tới bệnh viện này để động viên, nói là sẽ trả đất cho bà, nhưng mặt khác, họ tung tin ở quê tôi của bà rằng bà là phần tử phản động, làm chính trị, đang bị công an giam giữ. Và bà Trần Ngọc Anh lên tiếng với công luận:
"Nhân đây tôi cũng xin thưa với quý Đài, quý khán thính giả, là sau khi tôi bình phục, tôi không bao giờ lùi bước trước nhà cầm quyền CSVN này. Tôi không bao giờ lùi bước, dù những hành động dã man của chính quyền CSVN này đối xử với dân oan chúng tôi. Đó là một sự sai lầm. Chúng tôi có một ý chí cao, rất mạnh mẽ. Họ càng đàn áp bao nhiêu thì chúng tôi càng căm thù và uất hận bấy nhiêu. Ngày xưa, tôi nghĩ cha ông của chúng tôi từng hy sinh – chấp nhận hy sinh để đổi lại cái gọi là tự do, hạnh phúc là sai lầm. Nhưng bây giờ chúng tôi chấp nhận hy sinh bằng bản thân, kể cả cuộc sống, tính mạng, chúng tôi cũng không cần. Như vậy thì không có gì có thể cản trở con đường đấu tranh của chúng tôi để đòi công lý và nhân quyền, đòi lại nguồn sống mà chính quyền cộng sản VN này tước đoạt."
Thưa quý vị, giữa lúc dân oan Trần Ngọc Anh cùng nhiều dân oan khác ra Bắc kêu oan về đất đai và lâm nạn như vậy, thì Blogger Nguyễn Anh Dũng, nhà giáo, cựu chiến binh trong nước đang “Xin thắp một nén nhang” khi ông nhìn những tấm ảnh chụp cụ bà Hà Thị Nhung 76 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, “nằm chết dưới đất mà mắt vẫn không nhắm được bởi sự oan ức, tại vườn hoa Lý Tự Trọng, nơi được coi là trung tâm quyền lực của chế độ CS”. Vẫn theo blogger Nguyễn Anh Dũng thì “người bình thường cũng khó cầm lòng, xót thương cho một con người có công với chế độ, đã phải chịu một cái chết tức tưởi của một dân oan”.
Những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần
Theo dòng thời sự:
- Dự luật đất đai còn nhiều tranh cãi
- Đi khiếu kiện đòi đất trở thành vô gia cư
- Trả đất qui hoạch treo: Tín hiệu sửa sai?
- Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng
- Nam Định: chính quyền sử dụng vũ lực cưỡng chế đất của dân
- Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chối bỏ trách nhiệm
- Nghi vấn về tính pháp lý trong dự án Ecopark
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Hàng ngàn công an, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất ở Hưng Yên
- Căng thẳng ở Hưng Yên: chính quyền tuyên bố cưỡng chế, dân quyết chống lại
- Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội
- Thêm một vụ cưỡng chế đất gây bất bình