Những ngày qua, sự cố các bé sơ sinh tiêm vaccine bị thiệt mạng gây ra nỗi hoang mang trong dư luận, đặc biệt những gia đình có con nhỏ cần tiêm ngừa. Trước những lời tuyên bố và cách thức xử lý vụ việc của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khiến nhiều người quyết định ký tên yêu cầu bà từ chức.
Sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong 10 phút sau khi tiêm vaccine viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hôm 20/7 được nhiều người quan tâm, theo dõi tin tức. Mối quan tâm của dư luận không chỉ dành cho gia đình của các nạn nhân bé bỏng xấu số mà mối quan tâm lớn hơn là nguyên nhân nào khiến cho sự cố xảy ra và lỡ không may sự cố lại xảy ra thì nạn nhân sắp tới có phải là thiên thần vừa chào đời của chính gia đình mình?
Phải có nguyên nhân
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, ông Trần Văn Thành cho báo giới biết lô vaccine viêm gan B tiêm cho 3 trẻ sơ sinh tử vong do công ty sinh phẩm số 1 Việt Nam sản xuất có hạn sử dụng đến năm 2015. Quá trình vận chuyển vaccine có hệ thống điều hòa và vaccine được đựng trong thùng lạnh. Quy trình quản lý vaccine của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tuy không đạt mức chuẩn nhưng không ảnh hưởng đến các trường hợp tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh. Về nhân sự tham gia tiêm ngừa cho 3 trẻ sơ sinh tử vong là một nữ hộ sinh có thâm niên kinh nghiệm 20 năm.
Trong khi sự cố khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B...vẫn chưa xác định được nguyên nhân thì dư luận lại đón nhận thêm 1 sự cố xảy ra ở Bệnh viện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khiến 1 bé gái tử vong trong cùng ngày chào đời, 21/7, sau khi tiêm ngừa vaccine viêm gan B.
Một chi tiết quan trọng được tiết lộ là bệnh viện nơi xảy ra sự cố bị cúp điện đột ngột lúc 5 giờ sáng ngày 20/7. Câu hỏi đặt ra có phải nguyên nhân cúp điện ảnh hưởng đến chất lượng của vaccine đang được bảo quản ở bệnh viện này? Phó Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Thiện khẳng định vaccine được bảo quản trong tủ lạnh nên chất lượng không bị ảnh hưởng trong tình trạng mất điện với thời gian ngắn.
Trong khi sự cố khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B ở cùng một bệnh viên thuộc tỉnh Quảng Trị vẫn chưa xác định được nguyên nhân thì dư luận lại đón nhận thêm 1 sự cố xảy ra ở Bệnh viện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khiến 1 bé gái tử vong trong cùng ngày chào đời, 21/7, sau khi tiêm ngừa vaccine viêm gan B. Dù nguyên nhân khiến bé gái tử vong vẫn chưa xác định do vaccine tiêm ngừa hay do nguyên nhân nào khác nhưng dư luận thật sự bàng hoàng khi có đến 20 cháu bé sơ sinh trên cả nước bị thiệt mạng do tiêm vaccine trong vòng 2 năm qua.
Trong khi mẫu vaccine gây ra sự cố cho 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị vẫn đang còn trong quá trình xét nghiệm thì chiều ngày 24/7-Bộ Y tế ra quyết định vẫn tiếp tục tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh theo lịch
Trách nhiệm của Bộ Y tế?
Bộ Y tế vẫn chưa có câu trả lời chính xác vì lý do nào mà 20 em bé thiệt mạng do tiêm vaccine trong 2 năm vừa rồi. Tuy nhiên, trước trường hợp nghiêm trọng gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị, Bộ Y tế có kết luận sơ bộ là do “ sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”. Trong khi đó, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở VN cho biết sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine tuy có xảy ra nhưng cực kỳ hiếm. Riêng đối với vaccine viêm gan B thì trong số 1 triệu mũi tiêm, tỷ lệ sốc phản vệ chỉ chiếm 1.1%.
Trong khi mẫu vaccine gây ra sự cố cho 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị vẫn đang còn trong quá trình xét nghiệm thì chiều ngày 24/7-Bộ Y tế ra quyết định vẫn tiếp tục tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh theo lịch trong Dự án Tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ và cộng đồng. Dư luận phản ứng như thế nào trước quyết định này? Một bà mẹ có con cần phải tiêm ngừa lên tiếng:
“Con mình đang đến thời điểm bắt buộc phải tiêm vaccine nên mình cũng đang rất lo lắng. Với tình trạng trẻ em tiêm vào mà bị chết mà nguyên nhân được cho là sốc thuốc như vậy thì mình không biết có nên cho con mình tiêm nữa hay không? Chứ đi tiêm để ngừa bệnh, phòng bệnh cho con mà tiêm vào để em bé phải chết thì chả ai muốn làm điều đó”.
Và trong khi các phụ huynh có con nhỏ vẫn còn loay hoay tìm hiểu về “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân” nguy hiểm đến mức độ nào để còn quyết định tiêm ngừa cho cháu bé hay không thì có gia đình thực hiện theo quy định đề ra của Bộ Y tế lại bị bệnh viện, nơi tiêm ngừa cho trẻ yêu cầu ký tên vào “Giấy Đăng Ký Tự Nguyện Tiêm Ngừa Cho Trẻ Sơ Sinh”. Đơn cử trường hợp phản ảnh của gia đình anh Hùng ở quận Phú Nhuận, TP. HCM với báo chí rằng trước đây bệnh viện không bắt ký giấy tờ khi tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ nhưng bây giờ phải ký giấy cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định chích ngừa cho con.
Bệnh viện giải thích mục đích yêu cầu ký giấy nhằm đề phòng nếu có chuyện gì xảy ra thì gia đình không cho là bệnh viện tự ý tiêm ngừa cho trẻ mà không hỏi ý kiến. Điều này càng khiến cho anh Hùng và các bậc cha mẹ có con cần chích ngừa càng lo lắng cao độ vì trên thế giới, trong ngành y, chỉ những ca mổ nguy hiểm mới yêu cầu ký vào giấy cam kết như vừa nêu.
Trước đây bệnh viện không bắt ký giấy tờ khi tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ nhưng bây giờ phải ký giấy cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định chích ngừa cho con
Y Đức ở đâu?
Trước những thông tin mà người dân có được về sự cố vừa xảy ra, dư luận phản ứng gay gắt về trách nhiệm của người đứng đầu ngành Y tế VN. Dù biết rằng trong mọi quy trình y tế đều chứa đựng rủi ro và vaccine cũng không là ngoại lệ nhưng dư luận cho rằng bà Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức vì những lời tuyên bố vô cảm và cách thức giải quyết vụ việc thiếu trách nhiệm của mình. Bà Kim Tiến có mặt tại Quảng Trị khi 3 trẻ sơ sinh vừa tử vong nhưng bà đã không thể sắp xếp chút thời gian đến thăm hỏi 3 gia đình nạn nhân do lịch làm việc trong chuyến công tác dày đặc. Và mới đây nhất, bà Kim Tiến gửi công văn đến Bộ trưởng Công An hôm 27/7 yêu cầu Bộ Công An vào cuộc để có kết luận điều tra xác minh sớm nhất.
Đã có hơn 8000 người ký tên yêu cầu bà Kim Tiến nên từ chức. Một giáo viên tham gia ký tên chia sẻ:
"Mình là 1 người dân rất bình thường, cũng quan tâm đến 1 chút chính trị của nước nhà, quan tâm đến những sự việc xung quanh, thấy là có quá nhiều vụ bê bối trong y tế năm vừa rồi và nhất là những ngày gần đây thì lại liên tục có 3 trẻ em chết vì tiêm vaccine viêm gan B. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt tại đó mà lại rất là vô trách nhiệm. Tôi không đồng tình với hành động đó nên ký tên".
Một bạn trẻ cùng tham gia ký tên cho biết dù việc làm này không khiến bà Bộ trưởng Y tế từ chức nhưng tin rằng phản ứng của người dân chắc chắn sẽ có tác động:
“Dù tác động ít hay nhiều nhưng mình thể hiện quan điểm của mình. Bằng cách này hay cách khác để thực hiện quyền công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội”.
Trước khi nguyên nhân gây ra sự cố các trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B có lời đáp và trước mạng sống của hàng triệu trẻ sơ sinh đang cần tiêm ngừa theo Dự án Tiêm chủng mở rộng, dư luận vẫn còn cho cơ hội để bà Nguyễn Thị Kim Tiến thể hiện tính “lương y như từ mẫu” cũng như bản lĩnh của một vị Bộ trưởng.