DB Alan Lowenthal trả lời RFA về đề nghị đưa thương phế binh VNCH sang Mỹ

0:00 / 0:00

Hôm 17 tháng 12 vừa qua, một số Dân biểu Mỹ bao gồm Dân biểu Alan Lowenthal, Dân biểu Ed Royce, Dân biểu Christ Smith, Dân biểu Zoe Lofgren và Dân biểu Gerald Connolly đã viết một bức thư đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem xét đưa 500 sĩ quan thương phế binh VNCH sang định cư tại Mỹ. Nhân dịp này, Việt Hà của đài ACTD có cuộc phỏng vấn với Dân biểu Lowenthal về đề nghị này.

Không có ai tranh đấu cho họ

Việt Hà: Thưa Dân biểu, cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm về trước. Đã có nhiều cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa được sang định cư tại Mỹ theo chương trình ra đi có trật tự ODP và chương trình nhân đạo HO từ lâu. Tại sao đến bây giờ Dân biểu cùng với các Dân biểu khác quyết định đưa ra đề nghị định cư các thương phế binh VNCH còn ở lại Việt Nam sang Mỹ?

Họ bị bỏ ra ngoài. Họ đã phải chịu đựng khổ cực cho đến tận bây giờ. Rất nhiều người trong số họ đã phải sống trong nghèo khổ, bị bệnh tật, không được chấp nhận trong xã hội, họ bị tàn tật bởi chiến tranh. Không có ai tranh đấu cho họ. <br/> -DB Alan Lowenthal

DB Alan Lowenthal: Khoảng hơn 1 năm trước vào tháng 11 năm 2014 tôi có gặp đại diện của SBTN và hội cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH và họ đưa ra vấn đề là có nhiều thương phế binh VNCH vẫn còn sống ở trong nước. Mặc dù chúng ta đã có chương trình ODP và HO nhưng nếu những thương phế binh đó không phải đi học tập cải tạo hay đi tù thì họ không hội đủ tiêu chuẩn theo các chương trình đó dù họ có chiến đấu và bị thương trên chiến trường đi chăng nữa. Hội cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH đưa cho tôi danh sách 500 sĩ quan VNCH là những thương phế binh và họ có thể hội đủ điều kiện để định cư ở Mỹ nếu chúng ta được phép thực hiện việc này theo diện HO. Chúng tôi quyết định tìm hiểu và tôi đã gặp Dân biểu Royce để xem xét là liệu chúng tôi có thể cùng nhau thực hiện việc này. Tại cuộc gặp đó chúng tôi quyết định là chúng tôi sẽ thảo một bức thư và đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm những thay đổi ngay bay giờ mặc dù đã nhiều năm trôi qua, chúng tôi không đưa ra một dự luật mới. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ dễ hơn là đưa ra một dư luật mới vì mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ khi chương trình HO bắt đầu nhưng những người này đã không được vào chương trình HO. Tôi và Dân biểu Royce cho rằng sẽ dễ dàng hơn nếu chúng tôi nhận được hậu thuẫn từ Ngoại trưởng để đưa 500 người này vào trong bước tiếp tới. Đó là lý do vì sao đến bây giờ mới có bức thư nhưng đây là cả một quá trình được bắt đầu từ ngày 4 tháng 11 năm 2014 khi tôi gặp Hội cứu trợ và đại diện SBTN và do đó mà tôi biết được vấn đề và đã tiến hành việc này trong suốt hơn một năm qua.

Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP PHOTO.
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP PHOTO.

Việt Hà: Mục đích việc đề nghị xin định cư cho họ tại Mỹ là gì thưa ông?

DB Alan Lowenthal: Bởi vì họ bị bỏ ra ngoài. Họ đã phải chịu đựng khổ cực cho đến tận bây giờ. Rất nhiều người trong số họ đã phải sống trong nghèo khổ, bị bệnh tật, không được chấp nhận trong xã hội, họ bị tàn tật bởi chiến tranh. Không có ai tranh đấu cho họ. Vì vậy khi chúng tôi đưa vấn đề này ra theo chương trình HO là chương trình nhân đạo thì họ phải được tham gia vào chương trình đó. Chúng tôi đã không có danh sách của họ trước kia, không ai cung cấp danh sách của họ. Bây giờ khi hội cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH đưa ra danh sách 500 người và hỏi là liệu chúng tôi có thể làm gì cho họ và đó là lý do chúng tôi thực hiện việc này bây giờ.

Việt Hà: Như vậy, những người nằm trong diện được đề nghị sang Mỹ lần này chỉ là những cựu sĩ quan VNCH chứ không phải cả những người lính thường?

DB Alan Lowenthal: Đúng vậy, chúng tôi bắt đầu với những người này, những sĩ quan quân đội VNCH vì đó là danh sách mà chúng tôi có được vào lúc này mà chúng tôi có thể đưa ra cho Bộ Ngoại Giao. Đó là danh sách chính thức duy nhất mà chúng tôi có về các cựu sĩ quan quân đội VNCH, những người bị từ chối không được dời Việt Nam trước kia và bị kẹt lại trong tình thế khó khăn.

Nhiều hy vọng sẽ được thông qua

Việt Hà: Hiện tại ở Mỹ đang có tranh luật rất gay gắt liên quan đến vấn đề nhập cư, liệu ông có chuẩn bị cho những khó khăn mà mình sẽ gặp phải khi đưa ra đề nghị này?

DB Alan Lowenthal: Đó là lý do mà chúng tôi bắt đầu với việc đề nghị Bộ Ngoại Giao đưa những người này vào chương trình hiện tại, thay vì đi qua quá trình tranh luận về nhập cư và giới thiệu một dự luật mới. Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viên Ed Royce và tôi theo cách lưỡng đảng hy vọng là chúng tôi không phải thảo luận vấn đề đó mà thay vào đó để Bộ Ngoại giao xem xét chương trình hiện tại và đưa những người này vào chương trình hiện tại.

Việt Hà: Dân biểu đã nhận được phản hồi nào từ Bộ Ngoại giao chưa?

DB Alan Lowenthal: Chưa chúng tôi chưa nhận được phản hồi. Đó là bước tiếp theo. Chúng tôi bây giờ đang đợi Bộ Ngoại giao phản hồi, và dựa vào những đánh giá chúng tôi sẽ có quyết định những bước tiếp theo là gì.

Chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với Bộ Ngoại giao và chúng tôi hy vọng là chừng nào chúng tôi không phải đề nghị Bộ Ngoại giao đưa ra một dự luật mới mà chỉ đề nghị họ dùng chương trình hiện tại thì chúng tôi có nhiều hy vọng là đề nghị này sẽ được thông qua. <br/> -DB Alan Lowenthal

Việt Hà: Theo ông thì sớm nhất đến bao giờ Bộ Ngoại giao mới có trả lời?

DB Alan Lowenthal: Tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhận được phản hồi vào đầu năm tới vì Bộ ngoại giao đang trong thời gian nghỉ lễ. Tôi nghĩ là khoảng vào tháng một hoặc tháng 2 chúng tôi sẽ nhận được câu trả lời, chúng tôi sẽ không đợi quá lâu vào năm mới.

Việt Hà: Dân biểu hy vọng thế nào vào câu trả lời từ Bộ Ngoại giao?

DB Alan Lowenthal: Chúng tôi nghĩ đây là việc làm hợp lý. Chúng tôi bây giờ đã có họ tên những người này, chúng tôi có số lượng giới hạn. Chúng tôi không giới thiệu một dự luật mới nên chúng tôi có nhiều hy vọng. Chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với Bộ Ngoại giao và chúng tôi hy vọng là chừng nào chúng tôi không phải đề nghị Bộ Ngoại giao đưa ra một dự luật mới mà chỉ đề nghị họ dùng chương trình hiện tại thì chúng tôi có nhiều hy vọng là đề nghị này sẽ được thông qua.

Việt Hà: Nếu trường hợp vì những lý do khó khăn nào đó mà Bộ Ngoại giao không chấp nhận đề nghị này thì Dân biểu đã có kế hoạch cho bước tiếp tới là gì không?

DB Alan Lowenthal: Nếu vậy thì đến lúc đó tôi nghĩ tôi sẽ phải nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ed Royce nếu chúng tôi sẽ phải đi qua một quá trình về một dự luật cứu trợ, đó sẽ là một quá trình dài hơn và chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ không phải đi qua bước đó. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ thảo luận với nhau các bước tiếp tới là gì. Điều mà chúng tôi vừa làm là một bước khởi đầu hợp lý vì chúng tôi có danh sách của 500 sĩ quan… Chúng tôi sẽ không ngừng việc này. Chúng tôi hy vọng Bộ Ngoại giao sẽ đồng ý nhưng nếu họ không đồng ý thì chúng tôi sẽ xem xét bước tiếp cận về dự luật…

Việt Hà: Như vậy chắc sẽ nhiều khó khăn và mất thời gian?

DB Alan Lowenthal: Nó sẽ là một trong nhiều dự luật liên quan đến vấn đề nhập cư. Khó khăn đối với dự luật không nằm ở vấn đề là nó là một dự luật đặc biệt mà khó khăn nằm ở chỗ là có quá nhiều dự luật về nhập cư được đưa ra và có nhiều khả năng nó sẽ bị kẹt lại trong đó. Vì thế chúng tôi cố gắng đưa vấn đề này tránh xa khỏi những khó khăn đó bằng cách để Bộ Ngoại giao đưa nó vào trong các chương trình hiện tại.

Việt Hà: Xin cảm ơn Dân biểu đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.