Nobel kinh tế 2012: luật thích ứng cung cầu

Giải Nobel kinh tế năm nay về tay hai học giả Hoa Kỳ Alvin Roth và Lloyd Shapley, với công trình về phương thức điều hành tài nguyên cung cấp để thoả mãn nhu cầu một cách tối ưu.

Phương thức này được áp dụng trong những lãnh vực phổ thông mà nhu cầu khó được thoả mãn nhất, trong những "thị trường" với nhu cầu đặc biệt, và giá cả không phải là yếu tố quyết định.

Lloyd Stowell Shapley sinh tháng 6 năm 1923, là một nhà toán học-kinh tế học xuất sắc của Hoa Kỳ .

Nhà khoa học nay 89 tuổi đã từng bị động viên vào năm 1943 khi đang học đại học Harvard, trở thành một hạ sĩ quan trong Lực lượng không quân Hoa Kỳ hoạt động ở Thành đô, Trung Quốc. Ông được tặng thưởng huy chương anh dũng với ngôi sao đồng nhờ đã phá được mật mã thời tiết của Liên Xô. Sau chiến tranh ông trở lại Harvard và đoạt bằng Cử nhân toán năm 1948. Ông học tiếp tại đại học Princeton và đậu tiến sĩ năm 1953.

GS Lloyd Shapley- stuff.co.nz photo
GS Lloyd Shapley- stuff.co.nz photo (stuff.co.nz photo)

Ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực toán học kinh tế, nhất là trong ngành “game theory”, là lý thuyết về nghiên cứu và kết hợp kết quả tương tác của những yếu tố hay những quyết định chiến lược trong lĩnh vực kinh tế học, chính trị học, tâm lý học, cũng như sinh học và luận lý học.

Lý thuyết này đã được nhiều nhà khoa học khai triển từ thập niên 1950, và 8 khoa học gia của ngành này đã đoạt giải Nobel kinh tế.

Là một phương pháp của toán học ứng dụng, thuyết “game theory” được ứng dụng trong kinh tế học để sưu tầm và đối chiếu trong một số lượng lớn lao những dữ kiện thu thập được về yếu tính, hay cung cách ứng xử, của các công ty, thị trường và những người tiêu thụ.

Ngày nay ngành này đã mở rộng ứng dụng của nó sang các lãnh vực luận lý của khoa học, nghiên cứu cả những yếu tính và cung cách ứng xử về chính trị, xã hội, tâm lý, bao gồm cả tâm lý ứng xử của con người và thú vật … Đối tượng còn bao gồm cả những thứ máy móc áp dụng khoa học computer, bao gồm cả lãnh vực xã hội, liên quan đến hôn nhân, sức khoẻ con người, giáo dục, từ thiện...

Giáo sư Alvin Elliot Roth, 60 tuổi, đoạt bằng cao học và tiến sĩ về Sưu tầm Hoạt động (operations research) tại đại học Stanford, California, lần lượt trong hai năm 1973, 1974. Ông dạy ở hai đại học khác trước khi trở thành giáo sư kinh tế tại Harvard, rồi lại trở về Stanford năm nay, sẽ trở thành một khoa trưởng của trường đại học này vào sang năm, và mang danh hiệu giáo sư danh dự của Harvard.

Trọng tâm công trình của Shapley và Roth dựa trên định luật của thuyết thích ứng cung cầu (game theory) là ý niệm ổn định cung cầu, hiểu theo nghĩa phân bổ ổn định tài nguyên trong những môi trường hay tập thể, cộng đồng... mà các đối tượng thu nhận không màng tới thu nhập hay lợi nhuận qua trao đổi, mua bán, cung cấp dịch vụ...

Tài nguyên thường được phân bổ qua động cơ giá cả. Ví dụ: giá nhiên liệu cao khiến người tiêu thụ tiết kiệm năng lượng, mức lương cao thu hút nhân viên, công nhân trong một số nghề nghiệp chuyên biệt. Nhưng bên cạnh đó còn có những thị trường mà giá cả, lợi nhuận không phải là điều kiện đủ để những đối tượng tương ứng có thể gặp gỡ một cách "ổn định". Ví dụ như tiền bạc không phải yếu tố duy nhất để bác sĩ chọn bệnh viện phục vụ, hay sinh viên chọn trường đại học thích ứng nhất, nam nữ chọn bạn trăm năm trong hôn nhân...

Hai giáo sư Shapley và Roth hoạt động riêng rẽ, nhưng Alvin Roth chính là người áp dụng thực hành kho lý thuyết siêu việt của Shapley. Ông có những đóng góp đáng kể trong những lãnh vực thích ứng cung cầu "game theory", thiết kế thị trường, và kinh tế thử nghiệm.

Ông nổi tiếng trong giới kinh tế học nhờ sự chú trọng áp dụng lý thuyết kinh tế của ông và Shapley để tìm ra những giải pháp cho những vấn đề của "thế giới trên thực tế". Ông từng áp dụng thành công luật thích ứng cung cầu "game theory" trong những công tác thiết kế thị trường theo nghĩa rộng, là những thị trường trong kinh tế và xã hội, giáo dục mà giá cả, thu nhập không phải là yếu tố quyết định, để cho cung cầu thích ứng tối ưu.

GS Alvin Roth - jewishjournal.com
GS Alvin Roth - jewishjournal.com (jewishjournal.com)

Một số ví dụ điển hình về những công trình được thực hiện thành công là việc se duyên nam nữ cho hôn nhân, tìm trường lớp thích ứng cho hằng triệu học sinh trong hệ thống giáo dục công cộng của New York, Boston, tìm trái thận hiến tặng cho những bệnh nhân cần tới nó ở New England… cùng nhiều công trình tương tự trên những " thị trường" chuyên biệt khác.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển tuyên bố vinh danh hai học giả về "lý thuyết phân phối ổn định và thực hành việc thiết kế thị trường".

Giáo sư Roth nói với Đài truyền hình Thuỵ điển rằng ông ngạc nhiên khi được nhận giải, ông vẫn mong đợi giáo sư Shapley là người nhận giải Nobel kinh tế năm nay, và ông cảm thấy vinh dự được chia sẻ giải thưởng này với vị giáo sư cao niên.

Ông nói thêm, ông rất hân hoan thấy giải thưởng này rọi sáng công trình thiết kế thị trường vừa thành tựu, mà giáo sư Shapley gọi là địa hạt còn mới mẻ của kinh tế. Ông vui vẻ nói tiếp: "Sáng nay vào lớp, các sinh viên của tôi sẽ chú ý vào bài giảng của tôi hơn".

Giới kinh tế trên thế giới nói đến tuổi tác của học giả Shapley như một yếu tố thuận lợi cho ông trong năm nay, dù rằng lãnh vực nghiên cứu của ông không lên mặt báo thường xuyên như những đề tài kinh tế khác.

Uỷ ban giải Nobel kinh tế tuyên bố công trình nghiên cứu đạt được thành công nhờ sự kết hợp giữa kết quả trên lý thuyết của GS Shapley và nhãn quan thông suốt của GS Roth về giá trị thực hành của nó.

Viện Hàn lâm Hoàng gia Thuỵ điển chọn công trình thiết kế thị trường cho giải Nobel kinh tế năm nay để tránh phải lặn lội vào cuộc tranh luận nóng bỏng trên khắp thế giới về chính sách ngân sách, cùng với những biện pháp khắc khổ và những gói kích cầu.

Giải Nobel kinh tế năm nay cho thấy ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ trong lãnh vực này. Trong số 20 khôi nguyên Nobel kinh tế trong 10 năm qua có tới 17 người Mỹ, kể cả 2 người Mỹ gốc Do Thái.