Thủ tướng Nhật tuyên bố Nhật Bản không bao giờ trở thành một quốc gia hạng nhì trên thế giới, đó là thông điệp chính yếu mà ông mang đến Hoa Kỳ trong dịp này, đồng thời ông nói ông muốn nhắc lại rằng nước Nhật cũng quật cường trở lại. Không một quốc gia nào nên tính toán sai lầm về quyết tâm vững chắc của người Nhật. Không một ai nên nghi ngờ sự vững mạnh của mối đồng minh Hoa Kỳ -Nhật Bản.
Bên cạnh đó, mục đích chính của chuyến công du trong tuần qua của Thủ tướng Nhật Bản là siết chặt và củng cố mối quan hệ quốc phòng và kinh tế với Washington trong bối cảnh Bắc Hàn hung hăng hiếu chiến, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực Nhật Bản và ủng hộ phương sách giải quyết vấn đề lãnh hải với Trung Quốc .
Hòa hoãn trên bề mặt
Thủ tướng Shinzo Abe đi Mỹ sau khi Bắc Hàn phóng thành công hỏa tiễn liên lục địa và thử bom hạt nhân lần thứ ba. Trong khi đó thì cuộc tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông giữa Nhật với Trung Quốc vẫn không bớt căng thẳng dù rằng một chính trị gia đại diện nước Nhật đã đi Bắc Kinh diện kiến chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình để đưa thư của Thủ tướng Nhật, và hai bên cùng tuyên bố những lời hòa dịu về cuộc tranh chấp đó.
Chủ tịch Trung Quốc trong buổi tiếp kiến đặc sứ Nhật, chủ tịch đảng Tân Dân Natsuo Yamaguchi, hôm 25 tháng 1, tuyên bố rằng Trung Quốc nhất quyết giữ vững và làm tốt đẹp mối quan hệ Hoa Nhật từ 40 năm nay. Ông nói mối quan hệ đó đã là động lực mạnh mẽ của công cuộc phát triển của cả hai nước. Tuy nhiên sau đó nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng Nhật cần xem xét lại lịch sử và phải có lập trường đúng đắn về vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư.
Trong khi đó thư của Thủ tướng Nhật gửi cho chủ tịch Trung Quốc viết rằng mối quan hệ Nhật-Hoa là quan trọng nhất, và hai nước mang trách nhiệm chung đối với nền hoà bình và phát triển của châu Á Thái Bình Dương và cả thế giới; Nhật cam kết tăng tiến mối quan hệ đó. Trong khi đó Bắc Hàn càng tỏ ra hung hăng hơn trước sau khi thử bom hạt nhân dù Trung Quốc hứa hẹn sẽ kiềm chế chính quyền hiếu chiến mà Trung Quốc được coi như thế lực đỡ đầu cho nó.
Những hành động này chứng tỏ Trung Quốc chỉ hòa hoãn trên bề mặt, để sau đó lại tiếp tục những hành động mà Nhật Bản coi là xâm lấn.
Không những thế ,Trung Quốc còn có những lời tuyên bố và hành động để tỏ rõ chính sách tăng cường quân lực ở phía biển Hoa Đông, cương quyết không lùi bước trong vấn đề lãnh hải, nhất là sau khi chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe được mô tả là thành công, công luận Nhật Bản ủng hộ Thủ tướng tới 70%.
Trong những hành động mang tính cách phô diễn, Trung Quốc đưa vào hoạt động một trong hai mươi hộ tống hạm tàng hình do họ tự sản xuất. Một ngày sau Trung Quốc điều động hàng không mẫu hạm Liêu Ninh từ Đại Liên về Thanh Đảo, thao dượt vũ khí trên hải trình, để về đóng căn cứ chính thức ở Thanh Đảo.
Cảng Thanh Đảo ở bờ biển phía Đông tỉnh Sơn đông, nhìn ra Hoàng Hải và chỉ cách Seoul hơn 600 km, là một căn cứ của hạm đội Đông Hải, đơn vị cấp quân khu phụ trách hải phận từ vịnh Bột Hải đối diện Bắc Hàn, và bao gồm hải phận các tỉnh Giang Tây, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến, cùng toàn bộ quần đảo Đài Loan. Tầm hoạt động của hạm đội Đông Hải về phía đông được hoạch định ra tới hải phận Okinawa của Nhật.
Nhưng thành quả chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản ra sao mà Trung Quốc có nhiều phản ứng như vậy?
Thông điệp: Nhật Bản quật cường
Trước hết là vì Thủ tướng Shinzo Abe nói thẳng thừng với báo Mỹ rằng các triều đại Trung Quốc xưa nay vẫn có tính gây hấn thâm căn cố đế từ hằng ngàn năm lịch sử đến nay vẫn không chừa, luôn luôn gây hấn với các láng giềng một khi nội bộ và nội trị phát sinh những vấn đề gai góc. Phát ngôn nhân bộ ngọai giao TQ Hồng Lỗi chỉ trích kịch liệt lời tuyên bố đó và nói rằng không người nước ngòai nào có thể can dự vào việc nội bộ của TQ, và sự phục hưng của TQ không ai có thể ngăn cản được. Rõ ràng Trung Quốc đã nhắm vào mối liên minh Hoa Kỳ- Nhật Bản đang được hai bên tăng cường và củng cố.
Về thành quả cụ thể của thượng đỉnh Mỹ-Nhật hôm 22 tháng 3 ở Washington, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng ông và Thủ tướng Abe đoàn kết trong quyết tâm sẽ hành động mạnh mẽ trước việc Bắc Hàn thử bom hạt nhân. Thủ tướng Nhật tuyên bố Nhật Bản không bao giờ trở thành một quốc gia hạng nhì trên thế giới, và đó là thông điệp chính yếu mà ông mang đến Hoa Kỳ trong dịp này, đồng thời ông nói ông muốn nhắc lại rằng ông đã trở lại, và nước Nhật cũng quật cường trở lại.
Về cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông, Thủ tướng Nhật tuyên bố Nhật không có ý định làm tăng thêm tình trạng căng thẳng và ông luôn luôn mở rộng cửa tiếp đón các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên ông không quên xác định lập trường cương quyết của xứ Phù Tang, rằng “Nước Nhật không thể dung thứ một sự thách đố nào trong hiện tại cũng như tương lai. Không một quốc gia nào nên tính toán sai lầm về quyết tâm vững chắc của người Nhật. Không một ai nên nghi ngờ sự vững mạnh của mối đồng minh Hoa Kỳ -Nhật Bản.”
Viễn ảnh Đông Bắc Á
Dù sao, cuộc tranh chấp Hoa Đông có thể sẽ vẫn giằng dai như vậy, hai bên ba phía đều tỏ ra không chịu nhượng bộ, nhưng tranh chấp cũng vẫn chỉ trong phạm vi khẩu chiến, trong khi Trung Quốc phải duy trì sự có mặt của họ trên vùng biển họ đang giành lãnh hải, trong khi sử dụng những đòn kinh tế và ngoại giao để tiến tới mục đích.
Với những thành quả trên cùng thỏa thuận với Hoa Kỳ về hiệp ước TPP, là hiệp ước kinh tế thương mại xuyên Thái Bình Dương, công luận Nhật Bản đã cho vị Thủ tướng của họ 72% ủng hộ trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất tại Nhật.
Kết quả ủng hộ tới trên dưới 70%, là một điều rất hiếm khi xảy ra trong chính trường Nhật, nơi mà hầu hết các Thủ tướng đều là “Thủ tướng ngắn ngày”, ít khi giữ ghế được tới 5 năm.
Ở Bắc Kinh một chủ tiệm ăn nhanh họ Vương ở quận Hậu Hải, khu hành chánh bao quanh chiếc hồ cùng tên, lại trương bảng “không tiếp người Nhật, người Việt, Philippines và chó”, mà chính quyền chẳng nói một tiếng nào. Đúng là Trung Quốc đang tức giận vô cùng, không thể nào hòa dịu. Sau đó vào hôm thứ tư 27 tháng 2, được báo Tuổi trẻ phỏng vấn về vấn đề này, tổng lãnh sự Trung Quốc Trác Lôi Minh mới lên tiếng chỉ trích họ Vương, coi đó là một hành vi cá biệt, và phủ nhận mọi trách nhiệm của chính quyền Bắc Kinh trong vụ này.
Về Bắc Hàn, người ta có thể thấy là Bắc Hàn sẽ phải chịu thêm những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và chưa biết Bình Nhưỡng chịu đựng được đến bao giờ trong khi Bắc Kinh tỏ ra không ủng hộ hành động quá đáng của họ.
Tuy vậy không ít người vẫn nghi ngờ ý định của Trung Quốc trong vấn đề này. Sau khi báo chí lề phải của Trung Quốc đòi giảm viện trợ Bắc Hàn nếu xứ này thử vũ khí hạt nhân, và một đặc sứ Trung Quốc bay sang Bắc Hàn để nói chuyện với Kim Jong-Un, thì Bình Nhưỡng vẫn tiến hành thí nghiệm. Người ta có quyền nghi ngờ là chưa chắc Trung Quốc đã thực tâm muốn kiềm chế Bắc Hàn, mà có thể vẫn muốn giữ con bài này để gây áp lực với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong các lãnh vực an ninh quốc phòng và kinh tế, trong lúc Trung Quốc đã gây khó khăn cho Nhật Bản rất nhiều về mặt kinh tế vì vụ Senkakư/ Điếu Ngư.