Nếu kết quả bất phân thắng bại...

Trong ít phút đồng hồ nữa, phần lớn các phòng phiếu ở miền Đông sẽ đóng cửa, các phòng phiếu ở miền Tây thì vì lý do giờ giấc chênh lệnh nên sẽ đóng cửa trễ hơn khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Nếu mỗi ông giành 269 phiếu ...

Suốt ngày hôm nay, các cuộc thăm dò được thực hiện với cử tri sau khi họ rời phòng phiếu cho thấy số người bỏ phiếu cho ông Barack Obama của đảng Dân Chủ cũng đông, số người ủng hộ ông Mitt Romney của đảng Cộng Hòa cũng nhiều. Chính điều này khiến cho cuộc bầu cử năm nay trở nên sôi động hơn so với những cuộc tranh cử trước đây, và biết đâu chừng tối nay sau khi cuộc kiểm phiếu kết thúc, không ông nào có được 270 phiếu đại cử tri để trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ.

Giả sử điều đó xảy ra, mọi chuyện sẽ trở nên rắc rối. Lý do là vì nước Mỹ không bầu tổng thống dưới dạng phổ thông, tức là ông hay bà nào nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử, mà bầu dưới dạng cử tri đoàn. Nói đơn giản là thế này: cử tri từng bang bỏ phiếu chọn một ứng cử viên, và trên nguyên tắc, cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên đó.

Nước Mỹ có 50 bang, nhưng chỉ có 26 bang có luật bắt buộc cử tri đoàn phải bỏ phiếu theo ý dân, thí dụ: dân chọn ông Obama, cử tri đoàn phải bỏ phiếu cho ông Obama, dân chọn ông Romney, cử tri đoàn phải bỏ phiếu cho ông Romney, 24 bang còn lại không có luật quy định điều đó, tức “trên nguyên tắc” 256 người được chọn vào cử tri đoàn của những tiểu bang này muốn bỏ phiếu cho ai thì bỏ. Xin nói rõ hơn: thông thường, cử tri đoàn ở 24 tiểu bang này cũng bỏ phiếu cho ứng viên được đa số cử tri toàn tiểu bang chọn, nhưng chỉ cần 1 hoặc 2 người quyết định bỏ phiếu theo ý riêng của họ, kết quả cuộc bầu cử sẽ trở nên… khác hẳn ngay. Điều đó có nghĩa là nếu có một ông hay một bà nào xé rào, tình hình có thể sẽ đổi khác hẳn.

Đó là chưa kể đến luật bầu cử ở hai tiểu bang Maine và Nebraska. 2 tiểu bang này còn có luật chia phiếu cử tri đoàn cho từng đơn vị bầu cử. Tôi xin lấy tiểu bang Nebraska làm thí dụ. Đây là tiểu bang được dự báo sẽ bỏ phiếu cho ông Romney của đảng Cộng Hòa, giả sử ông Romney thắng ở Nebraska và có đúng 270 phiếu cử tri đoàn, nhưng vì tiểu bang này chia phiếu cử tri đoàn cho các đơn vị bầu cử, do đó chỉ cần đại diện đơn vị Obama quyết định ủng hộ ông Obama, lấy lý do vị tổng thống đương nhiệm thắng ở thành phố này, lúc đó ông Romney đang từ 270 phiếu xuống còn có 269 phiếu. Hai ông sẽ huề nhau, nước Mỹ vẫn chưa có tổng thống.

Cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa phải tìm đủ mọi cách để ngăn chận chuyện xé rào. Ngăn chận bằng cách nào? Câu trả lời là họ phải tìm đủ cách để đảm bảo chuyện đó không xảy ra, tức là nếu ứng viên Dân Chủ thắng ở một bang nào đó, thì bắt buộc những người được đảng Dân Chủ đưa vào cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu cho đảng, và ngược lại, nếu ứng viên Cộng Hòa thắng ở một bang nào đó, thì bắt buộc những người được đảng Cộng Hòa đưa vào cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu cho đảng, không có chuyện xé rào bất ngờ.

Tối nay có thể xảy ra chuyện cả ông Obama và ông Romney mỗi ông có đúng 269 phiếu cử tri đoàn, dù xác suất không cao.

Tuần trước ông Karl Rove của đảng Cộng Hòa bảo “chắc chỉ 1% là cùng”, tuần rồi ông giáo sư toán học Nate Silver nói “chỉ 0.7% là tối đa”, mới đây lại nghe một đài phát thanh ở Washington D.C. cho biết “không thể cao hơn 0.34%”. Con số quả có khác biệt, nhưng tất cả đều chứng tỏ chuyện “nhức đầu chính trị” có thể xảy ra.

Tôi còn nhớ có lần nhìn thấy các ông bà chuyên gia chụm đầu vào tấm bản đồ tranh cử toàn quốc, sau đó đưa ra kết luận cho biết ngoại trừ những tiểu bang đã thuộc về ông Romney hay đang nghiêng về ông Romney và những tiểu bang đã thuộc về ông Obama (hay đang nghiêng về ông Obama, vẫn còn 9 tiểu bang “định đoạt” số phận chính trị của cả ông Dân Chủ lẫn ông Cộng Hòa. Theo tính toán thì nếu ông Obama thắng ở Ohio, New Hampshire, New Mexico, Wisconsin và ông Romney thành công tại Florida, Virginia, Iowa, Nevada, Colorado, lúc đó 2 ông mỗi người sẽ có đúng 269 phiếu, cuộc bầu cử trở thành bất phân thắng bại.

... chuyện gì sẽ xảy ra?

Hôm nay ở Mỹ là ngày mùng 6 tháng 11 người dân đi bầu, ngày 17 tháng 12 cử tri đoàn của từng tiểu bang gặp nhau để bỏ phiếu chọn tổng thống và phó tổng thống, kết quả sau đó sẽ được gửi lên Quốc Hội Liên Bang. Ngày mùng 6 tháng Giêng năm tới các vị dân cử liên bang sẽ đếm phiếu cử tri đoàn do tiểu bang gửi về, sau đó tuyên bố danh tánh người đắc cử cho dân chúng biết.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định vấn đề sẽ được lưỡng viện lo, Hạ Viện bầu tổng thống, Thượng Viện bầu phó tổng thống. Hiến pháp cũng quy dịnh mỗi tiểu bang chỉ có một phiếu, tức các vị dân cử cùng tiểu bang sẽ gặp nhau và quyết định lá phiếu chọn ông chánh và ông phó cho người dân.

Dựa theo tình hình bầu cử hiện giờ, gần như chắc chắn Hạ Viện tiếp tục do đảng Cộng Hòa điều khiển, bên Thượng Viện đảng Dân Chủ sẽ nắm khối đa số. Do đó, sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy Hạ Viện bỏ phiếu chọn ông Romney làm tổng thống, và ông Joseph Biden được Thượng viện chọn làm phó tổng thống. Lúc đó nước Mỹ sẽ có ông tổng Cộng Hòa và ông phó Dân Chủ.

Nhưng chuyện chưa chấm dứt ở đó! Trường hợp đã chọn xong phó tổng thống mà các ông bà dân biểu Hạ Viện vẫn không thể quyết định chọn ai thì sao? Lúc đó, theo hiến pháp, Hạ Viện phải tiếp tục họp cho đến khi có kết quả. Cuộc họp này có thể kéo dài một vài tuần hay một vài tháng, trong lúc đúng ngày giờ theo hiến pháp quy định là ngày 20 tháng Giêng năm tới, tổng thống đương nhiệm là ông Obama sẽ mãn nhiệm kỳ, và một vị tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức. Vị tổng thống đó, có thể là ông Biden, người đứng phó cho ông Obama.

Hy vọng chuyện nhức đầu này không xảy ra, tức là tối nay người Mỹ sẽ biết ai làm tổng thống.

Theo dòng thời sự: