Hoa Kỳ tỏ quyết tâm lập thế cân bằng ở châu Á

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta đi Australia dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh Mỹ-Úc. Tuần này Tổng thống Obama cũng đi ba nước Đông Nam Á, dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, trong khi Tổng trưởng Panetta bay sang Thái Lan, thảo luận về chiến lược. Những hoạt động này mang ý nghĩa thế nào đối với chính sách của Hoa Kỳ và cuộc diện tại Á châu, nhất là Đông Nam Á?

0:00 / 0:00

Những lời “nước đôi”?

Việt-Long:

Mới hôm qua, thứ ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton khuyến khích Australia tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ, đồng thời tuyên bố Hoa Kỳ cũng ủng hộ Trung Quốc phát triển trong hoà bình. Anh Thanh Quang có thể phân tích dùm lời tuyên bố nghe ra có vẻ như “nước đôi” này?

Thanh Quang:

Anh Việt-Long có thể nói rõ hơn cái ý mà anh nói là “nước đôi” như vừa rồi?

Việt-Long:

Chúng ta từng phân tích việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, và chúng ta cũng nhận định rằng Hoa Kỳ muốn hình thành một hình thức liên minh quân sự giữa Mỹ- Nhật- Úc- Ấn Độ như để giăng lưới trên Thái Bình Dương, kềm chế sự bành trướng của hải quân và ngăn chặn kế hoạch phát triển chiến lược quân sự toàn cầu của Trung Quốc. Song song với những kế hoạch đó thì Hoa Kỳ lại nói Mỹ cũng ủng hộ một nước Trung Quốc phát triển trong hoà bình, rồi Ngoại trưởng Mỹ còn nói thêm là mối quan hệ mới mẻ giữa Trung Quốc với Ấn Độ cũng là việc quan trọng. Anh thấy lập trường đó có tính cách “nước đôi” không?

Thanh Quang:

Trên phương diện chiến lược quân sự thì tôi cũng đồng ý lập trường đó quả có mang vẻ “nói nước đôi” nhưng xét thêm trên phương diện chính trị thì đó cũng là lập trường chính thống của Hoa Kỳ.

Ta còn nhớ khi nói về Trung Quốc trong cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống vừa qua, Thống Đốc Mitt Romney đã chỉ trích ông Obama mềm mỏng quá đáng với Bắc Kinh. Nhưng khi được hỏi ông có coi Trung Quốc là phía đối nghịch không, ông Romney đã trả lời ngay là KHÔNG, và ông nói thêm rằng Trung Quốc là một đối tác quan trọng mà Hoa Kỳ cần đến sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế cũng như trong nhiều vấn đề trên thế giới. Nhưng ông nói rõ rằng ông chủ trương phải buộc Trung Quốc tôn trọng luật lệ trên sân chơi kinh tế toàn cầu.

Thực ra đó cũng là chính sách của hành pháp Hoa Kỳ trong nhiều năm qua, cho nên Hoa Kỳ không thể đặt Trung Quốc vào phía đối nghịch cả về quân sự lẫn kinh tế, mà phải áp dụng

Ngoại trưởng Clinton phát biểu tại đại học Tây Úc ở Perth- Screen capture
Ngoại trưởng Clinton phát biểu tại đại học Tây Úc ở Perth- Screen capture (Screen capture )

chính sách “nước đôi” như ta thấy, là vừa ngăn chặn về quân sự, vừa khuyến khích Trung Quốc phát triển kinh tế, xã hội bằng những phương cách hoà bình.

Nam Nguyên:

Tôi xin góp thêm ý kiến ở chỗ này. Anh Thanh Quang phân tích trên cả hai khía cạnh quân sự và kinh tế, nhưng riêng trong vấn đề chiến lược quân sự tôi thấy Hoa Kỳ cũng có chính sách nước đôi. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố trong buổi nói chuyện tại trường đại học Tây Úc ở Perth, là “Hoa Kỳ đến châu Á và sẽ ở lại châu Á.”

Bà dùng chữ “stay”, và người ta có thể hiểu là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành chiến lược chuyển sang châu Á 60% lực lượng hải quân và đó là chiến lược lâu dài, trong khi tình hình nơi này biến đổi nhanh chóng do sự lớn mạnh của Trung Quốc. Và trong khi cổ võ mối quan hệ quân sự Úc- Ấn Độ, thì bà Clinton lại nói thêm bà cũng hoan nghênh những kế hoạch tập trận chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ!

Rõ là “nước đôi”, nhưng tôi cho là lời nói đó chỉ để trấn an Trung Quốc rằng Hoa Kỳ tăng cường lực lượng quân sự sang châu Á không phải để đối đầu quân sự với Bắc Kinh, mà chỉ để hợp tác về hàng hải với nhiều nước trong khu vực! Đó chính là tính cách “nước đôi” trong những lời tuyên bố của Hoa Kỳ về chính sách châu Á Thái Bình Dương từ trước tới nay.

Quảng bá quyết tâm đứng trụ lâu dài

Việt-Long:

Tôi hoàn toàn đồng ý. Ai cũng thấy rõ là khi Hoa Kỳ chia 60% lực lượng hải quân cho châu Á, để lại phía Trung Đông và châu Âu 40% lực lượng còn lại, thì hiển nhiên không phải chỉ để hợp tác vói các quốc gia địa phương trong những việc vặt như cứu nạn trên biển, cứu trợ thiên tai hay là chống hải tặc, để gọi là bảo vệ thủy lộ huyết mạch từ Ấn Độ dương qua eo biển Malacca, qua hải phận Malaysia, Singapore, tiến qua biển Đông và lên tới Nhật Bản, Hàn quốc.

Thêm vào đó còn có một thủy lộ quan trọng không kém, từ Đông Hải giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Đài Loan chạy qua hải phận Okinawa ra phía đông Philippines. Nhật và Trung Quốc tranh chấp kịch liệt quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là vì vị trí của nó như trạm tiền tiêu nằm ngay đỉnh tam giác mà đáy là ba quần đảo nhỏ của Nhật ở gần Đài Loan nhất, Tam

Vị trí Senkaku- Điếu Ngư - GoogleEarth modified map
Vị trí Senkaku- Điếu Ngư - GoogleEarth modified map (GoogleEarth modified map)

giác này chắn ngay trên đường biển giữa Okinawa với Đài Loan, mà tàu bè Trung Quốc phải qua đó để tiến ra phía đảo Guam trên Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ quả muốn giăng hàng lưới phòng ngừa và khi cần thì đối đầu với hạm đội Đông Hài của Trung Quốc bằng các liên minh quân sự khu vực có Mỹ tham dự và điều khiển. Như vậy thì mục đích thực sự của chuyến đi Úc lần này của hai vị Tổng trưởng ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ là gì, thưa anh Thanh Quang?

Thanh Quang:

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta đi dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh quốc phòng với Australia, và thêm với những lời tuyên bố như đã nói, bà Hillary Clinton còn cho biết Hoa Kỳ đã dành ưu tiên chiến lược cho việc yểm trợ Ấn Độ trong vai trò lớn mạnh hơn trong những vấn đề của châu Á, đồng thời nhấn mạnh chính sách can dự rộng rãi của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương.

Tổng trưởng Panetta trước khi lên máy bay sang Úc đã tuyên bố kế hoạch chuyển trục chiến lược sang vùng châu Á Thái Bình Dương là một kế hoạch thực sự. Ông Panetta còn nói với báo chí rằng Hoa Kỳ sẵn sàng theo đuổi đến cùng kế hoạch đó dù Trung Đông gặp khủng hoảng và có vấn đề tài chính khó khăn tại Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh, kế hoạch tái cân bằng là xác thực, và là kế hoạch lâu dài. Như vậy Hoa Kỳ đến Úc lần này tôi cho là để thảo luận kế hoạch quân sự chung, mời gọi Úc và Ấn Độ tích cực hơn nữa trong việc hình thành một mối liên minh nào đó mà chúng ta không muốn đoán trước. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng xác định với châu Á và thế giới, cũng như với Trung Quốc, là Hoa Kỳ quyết tâm trụ lại ở Á Châu để đề phòng mọi hành động bành trướng của Bắc Kinh.

Việt-Long:

Tôi xin thêm là hai bộ trưởng quốc phòng Úc và Ấn Độ vẫn duy trì cuộc đối thoại chiến lược song phương từ 2008. Trung Quốc thì luôn luôn tỏ ra nghi ngại và than phiền về mối quan hệ đó, cho là tất cả các nước liên quan muốn đối đầu với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Trong khi đó thì Úc cũng có tham dự tập trận với hải quân Trung Quốc trong những cuộc thao dượt hạn chế, dường như để vuốt ve trấn an Trung Quốc.

Nam Nguyên:

Tôi muốn thêm một vài dữ kiện, là Thủ tướng Úc Julia Gillard đã tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh Úc-Mỹ sẽ thảo luận những kế hoạch trung hạn về hợp tác không quân và hải quân hai bên, và nói thêm đây là thời điểm quan trọng khi Tổng thống Obama bước vào nhiệm kỳ thứ nhì và hành pháp Mỹ đang sẵn sàng thực hiện quan điểm và chính sách của Hoa Kỳ trong 4 năm sắp tới. Chính sách đó là gì nếu không phải là chính sách, chiến lược củaHoa Kỳ về châu Á Thái Bình Dương?

Các bộ trưởng trình diện báo chí trước hội nghị- Screen capture
Các bộ trưởng trình diện báo chí trước hội nghị- Screen capture (Screen capture )

Điều này bổ túc cho quan điểm của anh Thanh Quang vừa nói. Hơn nữa, chúng ta đừng quên là Tổng thống Barrack Obama sẽ đến Thái Lan, Miến Điện và sau đó dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, trong chuyến đi hỏa tốc từ cuối tuần này đến thứ ba tuần sau. Trong khi đó Tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta cũng đi Thái Lan trong chuyến đi ba nước nhằm củng cố các liên minh quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á.

Màn dạo đầu cho kịch bản lớn?

Việt-Long:

Như vậy tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng Hoa Kỳ đang mạnh mẽ xác định chính sách can dự sâu rộng vào châu Á Thái Bình Dương cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự, và giới lãnh đạo Hoa Kỳ muốn bảo đảm với các quốc gia châu Á là Washington sẽ đối diện với Bắc Kinh trên sân chơi, hay trên sàn thi đấu, trong mọi lãnh vực ở Á Châu bằng những phương tiện hoà bình, nhưng cũng sẵn sàng đứng chung với các quốc gia ở châu Á để đối đầu với Bắc Kinh nếu xứ này muốn hăm dọa châu Á bằng những phương tiện quân sự.

Tôi cho là những hoạt động này được thực hiện như màn dạo đầu cho những lời tuyên bố về lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, khi Tổng thống Barrack Obama tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Cambodia trong tuần tới, sau khi rời Miến Điện.

Tại đó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cùng bàn thảo vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, và giới quan sát cho là ít nhất Mỹ cũng sẽ cảnh cáo các hành động vũ lực và thúc đẩy các bên hoàn tất Bản Quy tắc Ứng Xử COC.