Mỹ sẽ can dự vào Syria?

Lẳng lặng xuống thang

Sự im lặng xuống thang của Bắc Hàn này đã được dự kiến khi nói về việc quân đội Bắc Hàn hằng năm vẫn “buông súng cầm cày” vào dịp lễ tưởng niệm cố chủ tịch ông nội của Kim Jong-Un là nhà lập quốc Bắc Hàn, ông Kim Il-Sung. Điều chờ đợi mà không xảy ra là ông Kim cháu này đã không phóng hỏa tiễn thử nghiệm, trong khi Mỹ Nhật đã bố trí sẵn sàng vô số những dàn hỏa tiễn phòng thủ, cũng để thử nghiệm trên thực tế chiến trường tương lai. Lý do của sự xuống thang chẳng có gì khác hơn là Bình Nhưỡng đã “tố hết láng”, cạn vốn, trong khi đối thủ vẫn sẵn sàng bắt tẩy. Thêm yếu tố Trung Quốc nữa; hẳn nhiên Bắc Kinh đã quyết liệt hơn đối với nước đàn em được họ bảo trợ mà cứ cứng đầu làm theo ý riêng, nên Bắc Hàn đã không phóng thử hỏa tiễn.

Thỏa mãn nhu cầu tuyên truyền

Trước đây Kim Jong-Un đã có lúc được nhận xét là hung hăng hơn cả người cha là vì phải củng cố uy tín đối với quân đội và người dân Bắc Hàn, tự nêu cao hình ảnh của mình như một vị tư lệnh quân sự tối cao vừa thành công trong hai lần thử nghiệm vũ khí, là phóng hỏa tiễn tầm xa và nổ bom hạt nhân cỡ nhỏ.

Bình Nhưỡng leo thang thách thức cũng là để thế giới phải lưu ý về sự thành công của hai loại vũ khí mới đó, mặc dù ai ai cũng vẫn nghi ngờ khả năng Bắc Hàn chế tạo được đầu đạn hạt nhân, có chỗ nghi ngờ ngay chính việc Bắc Hàn có khả năng chế được bom hạt nhân, chưa nói đầu đạn cho hỏa tiễn.

Bắc Hàn leo thang thách thức cũng để “treo giá” cho cuộc thương lượng với Mỹ và Hàn quốc, để trong đàm phán có thể đòi hỏi nhiều hơn, trước mắt là đòi được Mỹ, Hàn quốc cho ngồi vào bàn đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết.

Và nay có vẻ như Kim Jong-Un đã thỏa mãn, khi Tổng thống Barrack Obama và Tổng thống Park Geun-Hy lên tiếng trước, ngỏ ý muốn Bắc Hàn chấm dứt khiêu khích để cùng thương lượng, với một số điều kiện. Nhưng chỉ chừng đó cũng đủ để truyền thông Nhà nước Bắc Hàn giải thích với dân và quân đội là Mỹ đã phải sợ hãi mà xin hòa đàm!

Ngược lại trong dư luận Hoa Kỳ cũng có ý kiến chỉ trích chính phủ Washington vì sao cứ để Bắc Hàn diễn lại trò cũ, là leo thang thách thức rồi đòi hỏi cao hơn trong đàm phán, y như từ thời Kim Jong-Il tới nay. Nói tóm lại, ai cũng thấy Bắc Hàn tự cho mình thỏa mãn với điều mà họ cho là kết quả của chiến dịch thách thức vừa rồi, mặc dù chưa có được thành quả nào cụ thể, mà chỉ có cớ để vin vào, lên mặt với quân đội và nhân dân của họ. Rồi thì trước áp lực của Trung Quốc vào lúc quân đội buông súng về quê làm ruộng, Kim Jong-Un đành chấm dứt chiến dịch thách thức này, hay tạm chấm dứt để chờ thái độ của các đối phương.

Những mục tiêu trong danh sách đe dọa của Bắc Hàn - gizmodo.com photo
Những mục tiêu trong danh sách đe dọa của Bắc Hàn - gizmodo.com photo (gizmodo.com photo)

Theo dõi từng bước

Hoa Kỳ có can thiệp vào Syria không, sau khi có tin nói rằng Washington vừa “thừa nhận” rằng chế độ Damascus đã dùng vũ khí hóa học tấn công nhân dân của chính họ?

Điều đáng lưu ý là tòa Bạch ốc hôm thứ năm 25 tháng tư đã dùng chữ “thừa nhận” đế nói về việc Syria có dùng vũ khí hóa học. Nguyên văn Anh ngữ được viết là “admitted”, một cách sử dụng ngôn từ pháp lý trong ngoại giao, gọi là “chơi chữ”, khá mơ hồ. Nói như vậy nghĩa là chưa “nhìn nhận và xác định” rằng chính phủ Al-Assad có thể có hay không, có thể đã sử dụng chất sarin hay không, và chất sarin có thể đã gây hại hay đã không gây hại cho lực lượng nổi dậy… Toàn là những điều người ta “có thể hiểu” mà không phải là khẳng định. Điều đó chứng tỏ thái độ hết sức do dự và miễn cưỡng của Nhà Trắng trong việc can dự vào Syria.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2012, Tổng thống Obama tuyên bố sử dụng vũ khí hóa học là một lằn vạch đỏ, hay nói cách khác là chiếc đèn đỏ, giới hạn hành động của chính quyền Damascus, nếu vượt qua thì Hoa Kỳ sẽ hành động. Bây giờ đã là lúc Tổng thống al-Assad vượt đèn đỏ chưa?

Trong thời gian tranh cử do áp lực đối đầu của đảng Cộng hòa nên Tổng thống Obama phải đưa ra một quan điểm dứt khoát và cương quyết về vấn đề Syria, tuy rằng ông từng tuyên bố là không muốn can thiệp.

Nhưng sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2 thì Tổng thống Obama đã có những lời tuyên bố mơ hồ về vấn đề này, tỏ ra như chỉ đưa một lời dọa suông, ông nói rằng nếu sử dụng vũ khí hóa học thì Damascus sẽ bị “quy trách nhiệm”, nguyên văn là “held accountable”. Thế nào là quy trách nhiệm, quy trách rồi làm gì, ông không nói.

Bây giờ khi có tin chính xác của Israel và châu Âu nói rằng chất sarin đã được sử dụng, thì tòa Bạch ốc trả lời thư chất vấn của nghị sĩ Carl Levin, nói rằng do những bài học quá khứ, ngụ ý nói về việc tấn công Iraq trước đây, cho thấy sự đánh giá của tình báo không thể là điều kiện đủ, mà chi có những chứng cứ đáng tin cậy đi cùng những dữ kiện bổ túc chính xác, được cung cấp do cuộc điều tra đang đề nghị Liên Hiệp Quốc thi hành, thì Hoa Kỳ mới có thể quyết định và củng cố vai trò lãnh đạo cộng đồng quốc tế, và đến lúc đó Hoa Kỳ cùng quốc tế sẽ không loại trừ một phương thức nào để giải quyết.

Đủ lý do để thận trọng

Có nhiều lý do cho thái độ có vẻ chần chừ do dự như vậy. Người ta không quên rằng Tổng thống Al Assad tuyên bố sẽ chỉ dùng vũ khí hóa học khi nước

Trại tị nạn của người Syria ở biên giới Jordan - PBSNewshours photo
Trại tị nạn của người Syria ở biên giới Jordan - PBSNewshours photo (PBSNewshours photo)

ngoài can thiệp. Cho nên nước ngoài dễ tạo lý cớ cho Syria sử dụng nó. Và một khi đã can dự là phải có kế hoạch và có hành động lâu dài cho một cuộc chiến tranh. Dù Mỹ có muốn can thiệp vào Syria như cách đã làm như ở Libya, thì người ta cần nhớ rằng Syria có lực lượng phòng không do Nga trang bị, mạnh nhất nhì Trung Đông, dù rằng Syria là đồng minh của Iran, mà Mỹ cùng Israel rất muốn trừ khử.

Dù sao thì hai tuần trước Hoa Kỳ đã cho một đơn vị tham mưu quân sự khoảng 200 quân nhân đi Jordan để nghiên cứu một kế hoạch dành cho tình hình Syria. Trước đó nữa CIA đã huấn luyện tới mấy trăm quân nhân tuyển lựa từ lực lượng Hồi giáo Sunni từng phục vụ trong quân đội Iraq, để họ huấn luyện lại cho lực lượng nổi dậy của Syria. Bộ quốc phòng ở Ngũ Giác Đài cũng đã thảo kế hoạch về Syria từ nhiều ngày nay, dù tòa Bạch ốc chưa yêu cầu.

Những dữ kiện đó có nghĩa là trên thực tế người Mỹ đã có can dự gián tiếp, nhưng ta cần nhớ là những cuộc chiến gần đây của người Mỹ toàn là những trận chiến tấn công các nước Hồi giáo, hết Iraq và Afghanistan đến Libya, nay lại đến nước Hồi giáo Syria nữa. Ngược lại trong những năm qua chỉ có lực lượng Hồi giáo cực đoan ôm chặt mối hận thù mà kiên quyết tìm đủ mọi cách tấn công vào nước Mỹ, hay gây khủng bố ngay từ nội địa xứ này.

Tổng thống Barrack Obama từ ngày lãnh đạo nước Mỹ đã từng hết mực khiêm tốn và tỏ thiện chí hòa bình với tất cả mọi khuynh hướng của thế giới Hồi giáo, chỉ trừ Al-Qaeda và mạng lưới liên quan. Chính sách ngoại giao đó có đạt được một số thành quả đáng kể về thái độ và chính sách của các quốc gia Hồi giáo ôn hòa chiếm đa số trong thế giới Hồi giáo, nhưng vẫn không hoàn toàn xóa bỏ được hận thù với nhiều thành phần Hồi giáo cực đoan, kiên quyết chống Israel và chống Mỹ đến muôn đời.

Vì thế Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama có đầy đủ lý do để thận trọng hết mực trước khi quyết định can thiệp hay không can thiệp vào một quốc gia Hồi giáo thù nghịch nữa.