Mới đây ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ có thay đổi lớn về chính sách ngoại tệ đặc biệt là đồng đô la Mỹ. Cụ thể trong tương lai người gửi ngoại tệ vào ngân hàng có thể phải rút ra bằng tiền đồng Việt Nam và khi doanh nghiệp hoặc cá nhân gửi ngoại tệ vào ngân hàng chẳng những không có lời mà còn phải trả lệ phí tiền gửi. Mặc Lâm phỏng vấn GSTS Vũ Văn Hóa, Trưởng khoa Kinh tế tài chánh ĐH Quản Lý Kinh Doanh để có thêm chi tiết về vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, trước tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Văn Bình về việc siết chặt ngoại tệ khi người dân gửi đồng đô la vào thì khi rút ra không được lấy đô la mà phải lấy bằng tiền đồng Việt Nam. Kế đó, chằng những không có lãi mà còn phải trả phí tiền gửi. Xin ông cho biết mặt tích cực cũng như tiêu cực của chính sách này.
GSTS Vũ Văn Hóa: Chúng tôi cũng hơi bất ngờ. Trước hết là việc gởi ngoại tệ vào ngân hàng của cả doanh ngiệp và cá nhân với lãi suất bằng không. Thật ra thì cũng dễ giải thích thôi nhưng còn việc gửi vào mà rút ra có lệ phí thì việc này còn phải xem lại bởi vì sẽ làm cho người gởi tiền rất là thất vọng. Người sử dụng ngoại tệ có những mục đích khác nhau. Người ta có thể dự trữ ngoại tệ để dùng vào một việc nào đó mà bây giờ bắt người ta phải trả phí thì tôi cho là không hợp lý. Thứ hai, người ta gửi ngoại tệ mà bắt phải rút ra bằng tiền Việt thì quá vô lý bởi vì việc này vi phạm sở hữu về tiền tệ đối với các thể nhân và pháp nhân. Chúng tôi cũng còn nghiên cứu thêm về việc này nên chưa muốn giải thích chi tiết. Nói chung nhiều người cũng không đồng tình về vấn đề này.
Người ta có thể dự trữ ngoại tệ để dùng vào một việc nào đó mà bây giờ bắt người ta phải trả phí thì tôi cho là không hợp lý. Thứ hai, người ta gửi ngoại tệ mà bắt phải rút ra bằng tiền Việt thì quá vô lý bởi vì việc này vi phạm sở hữu về tiền tệ đối với các thể nhân và pháp nhân
GSTS Vũ Văn Hóa
Mặc Lâm: Nhiều người cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vì ngoại tệ gửi vào để thanh toán hay rút ra để trang trải đều phải rút bằng tiền Việt Nam. Điều này sẽ gây trở ngại và nhất là doanh nghiệp nước ngòai sẽ gặp rắc rối dẫn đến những tiêu cực phát sinh trong ngành ngân hàng. GS có thêm ý kiến gì không?
GSTS Vũ Văn Hóa: Vâng, tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh. Tôi nghĩ là những đơn vị đã gởi ngoại tệ vào, như đã nói ở trên, thì người ta đã có mục đích sử dụng riêng. Ví dụ là thể nhân thì người ta cũng có thể đi nước ngoài hoặc là gởi cho con cái người ta đi du học. Đó là một mục đích. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì việc sử dụng ngoại tệ là việc rất là thường xuyên. Do vậy, bây giờ anh gởi vào mà lại bắt rút ra bằng tiền Việt thì tôi cho là không hợp lý bởi vì như vậy thì tỉ giá anh tính tỉ giá như thế nào và cũng có lúc lên lúc xuống. Nhìn chung, lợi ích đối với các doanh nghiệp thì tôi là nó bị tác động. Do đó, việc này rất không hợp lý trong điều kiện Việt Nam và anh có thể dùng cái từ gọi là " cưỡng chế" và như vậy có thể nói là mất cái quyền dân chủ đối với những người có tài sản ở trên đất nước Việt Nam.
Mặc Lâm: Theo lập luận của ông Bình thì tỉ giá sẽ thay đổi hàng ngày nhằm chống lại đầu cơ đồng tiền đô la vì khi ấy không ai dám găm lại để kiếm lời. Theo GS thì đây co phải là một biện pháp cần thiết trong lúc này hay không?
GSTS Vũ Văn Hóa: Không phải là vì đầu cơ. Bây giờ người ta đã gởi vào ngân hàng thì còn đầu cơ cái gì. Người ta dùng để kinh doanh mà. Anh có thể sử dụng tiền đó của người ta bởi vì tiền trên tài khoản thì ngân hàng có quyền sử dụng như một phương tiện tín dụng để anh có thể dùng vào việc nào đó. Khi nào các chủ sở hữu của những đồng tiền đó người ta có nhu cầu thì lúc ấy ngân hàng trả về cho người ta theo số dư ban đầu. Tôi nghĩ việc đó là toàn quyền của ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào sử dụng tiền của người ta mà chúng ta ép buộc theo cách tỉ giá áp đặt. Tôi nghĩ là không nên.
Tôi cho là đồng tiền của tất cả các nước chậm phát triển trong đó có VN đều không ổn định bền vững bởi vì nó tùy thuộc vào tình trạng kinh tế của đất nước ấy. Thứ nhất là về tâm lý, người ta cũng chưa tin tưởng lắm. Thứ hai, rõ ràng là tình trạng kinh tế của anh cũng không ổn định...Hai lý do đó khiến người ta chưa tin tưởng lắm bằng việc người ta tự giữ ngoại tệ
GSTS Vũ Văn Hóa
Mặc Lâm: Ông Bình cũng cho rằng biện pháp này sẽ làm cho người có đô la sẽ bất an vì cảm thấy giữ đô la không chắc chắn mà nên đổi ra tiền đồng để ký gửi. Sự thật dòng tiền ngoài xã hội có nhu cầu đúng như lập luận của ông Thống đốc này không?
GSTS Vũ Văn Hóa: Bây giờ đối với đô la hay Euro hay đồng bảng Anh thì tôi cho đấy là đồng tiền của quốc gia nhưng mà nó có vai trò quốc tế của nó và nó được đảm bảo rất là tốt. Mình cũng không thể lấy nội tệ của mình để áp đảo và bắt người ta phải tuân theo. Như vậy là mất quyền tự chủ nên phải xem lại. Nếu mà dân chúng không đồng tình với việc đó thì chính sách đó là chính sách không hợp lòng dân.
Mặc Lâm: Sự thật cho thấy là đồng tiền Việt Nam vẫn chưa mạnh như vài nước trong khu vực để có thể tự tin giao dịch ngoài thị trường. Chính sách này có làm cho thị trường tài chánh Việt Nam trở nên bất ổn hay không?
GSTS Vũ Văn Hóa: Tôi cho là đồng tiền của tất cả các nước chậm phát triển trong đó có Việt Nam đều không ổn định bền vững bởi vì nó tùy thuộc vào tình trạng kinh tế của đất nước ấy. Thứ nhất là về tâm lý, người ta cũng chưa tin tưởng lắm. Thứ hai, rõ ràng là tình trạng kinh tế của anh cũng không ổn định một cách vững chắc. Hai lý do đó khiến người ta chưa tin tưởng lắm bằng việc người ta tự giữ ngoại tệ. Nếu như chính sách này còn tồn tại thì tôi cho rằng lượng ngoại tệ gởi vào ngân hàng sẽ ít đi chứ không phải như hiện nay.
Mặc Lâm: Là một chuyên gia tài chánh ông có ý kiến gì cho người dân cũng như cho chính phủ về chính sách này?
GSTS Vũ Văn Hóa: Bây giờ chính sách đã như vậy thì có thể giải thích nhưng mà có thể chính phủ chưa nghe và ngân hàng chưa thực hiện. Việc này phải chờ dư luận của công luận. Chính sách này phải liên quan đến việc ngoại tệ gởi vào ngân hàng; Nó sẽ giảm đi một cách nhanh chóng thì các ông ấy mới tỉnh ra và sẽ có một chính sách khác.
Mặc Lâm: Xin cám ơn GSTS Vũ Văn Hóa