Trong mục đích xử lý nợ xấu, VAMC Công Ty Quản Lý Tài Sản của Việt Nam ra đời theo Nghị Định Chính Phủ số 53, khởi sự hoạt động từ ngày 9 tháng Bảy.
Đối mặt qui mô nợ xấu thực sự
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Bộ Tài Chánh, dẫn giải và phân tích cái được và cái khó mà VAMC phải đương đầu sau gần một tháng triển khai thực hiện:
TS Vũ Đình Ánh: Văn bản cụ thể hóa Nghị Định 53 để VAMC có thể đi vào hoạt động mà theo như nội dung, đã được công bố công khai, thì việc mua bán nợ này chủ yếu dựa vào việc phát hành các trái phiếu đặc biết và không dựa vào việc mua nợ bằng tiền. Các tổ chức tín dụng, khi mà bán nợ xấu cho VAMC, sẽ nhận được trái phiếu đặc biệt này và sẽ được chuyển đổi thành tiền thông qua hệ thống của ngân hàng nhà nước, do đó chắc chắn không phải là chuyện đơn giản.
Điểm thứ 3 là trước đó Ngân Hàng Nhà Nước quyết định hoãn một cái thông tư gọi là Thông Tư 02, liên quan đến việc siết chặt hơn các qui định về nợ xấu cũng như việc trích lập tỷ lệ dự phòng cho cá khoản nợ xấu. Do những khó khăn trong hoạt động tín dụng, Thông Tư 02 đã được kéo dài đến 2014, tức là sẽ không được áp dụng ngay. Do đó, áp lực về xử lý nợ xấu lên các Ngân Hàng Thương Mại giảm đi rất nhiều.
Cái quan trọng tiếp theo sẽ là vấn đề mua lại nợ mà đi kèm theo nó là các tài sản đảm bảo cũng như vấn đề xử lý trái phiếu đặc biệt theo như thông tư hướng dẫn sẽ như thế nào. <br/> -TS Vũ Đình Ánh
Vấn đề thứ 4, theo qui định thì hiện nay Ngân Hàng Nhà Nước có cụ thể hóa là chỉ các Ngân Hàng Thương Mại mà có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3% trên tổng dư nợ tín dụng thì buộc phải bán nợ cho VAMC . Do qui định như vậy nên trong thời gian gần đây hàng loạt Ngân Hàng Thương Mại đã công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm, và gần như tất cả trong số đó đều công bố nợ xấu của họ dưới 3% để né tránh việc bán nợ xấu cho VAMC.
Điểm thứ 5, toàn bộ các khoản nợ xấu hiện nay, mà theo thống kê chính thức đã giảm xuống còn khoảng hơn 4%. Theo đó thì có thể nói nếu theo thông lệ thì tỷ lệ nợ xấu là 3% trên tổng dư nợ là chấp nhận được, thì như vậy qui mô để xử lý nợ xấu thật ra cũng không còn quá lớn như các bình luận trước đó. Đây cũng là cái cần cân nhắc.
Điểm cuối cùng, theo tin mới nhất tôi được biết, hiện có ngân hàng thương mại cổ phần là Ngân Hàng Á Châu ACB, đang dạm bán khoảng 1.500 tỷ Đồng nợ xấu cho VAMC. Tôi nghĩ đây có thể là thương vụ đầu tiên của VAMC khai triển khai thực hiện. Cái quan trọng tiếp theo sẽ là vấn đề mua lại nợ mà đi kèm theo nó là các tài sản đảm bảo cũng như vấn đề xử lý trái phiếu đặc biệt theo như thông tư hướng dẫn sẽ như thế nào.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nhiều người vẫn thắc mắc là với 500 tỷ Đồng vốn điều lệ thì làm sao VAMC xử lý nợ xấu trong lúc qui mô nợ xấu quá lớn, rồi thì những cái khó mà VAMC đang và sắp phải đương đầu trong thời gian tới. Xin ông vui lòng giải thích?
TS Vũ Đình Ánh: Trước hết phải nói số vốn 500 tỷ Đồng dành cho VAMC hoàn toàn không mang tình chất là sử dụng khoản đó để mua lại nợ. Bởi vì với 500 tỷ Đồng và với qui mô nợ xấu, được ước lượng cỡ 100 cho đến thậm chí khoảng 500 ngàn tỷ chẳng hạn, thì rõ ràng rất khó để nói là 500 tỷ có thể sử dụng được. Thậm chí có ai đó nói về chuyện "đòn bẩy tài chính" với tỷ lệ là mua nợ 50 mà vốn chỉ có 1 thôi chẳng hạn thì tôi cho rằng nó cũng khó thuyết phục.
Bởi vì người ta không định sử dụng 500 tỷ này để mua nợ xấu, và như tôi đã nói chủ yếu phải dựa vào phần phát hành trái phiếu đặc biệt, chứ còn vấn đề đáng quan tâm là thực sự nợ xấu qui mô của nó đến đâu và tỷ lệ nợ xấu đến đâu, đồng thời là cơ cấu nợ xấu thì nó nằm ở Ngân Hàng Thương Mại cụ thể nào và gắn theo đó là các điều kiện đi theo tỉ dụ các loại tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp, diễn biến các giá trị đó như thế nào.
Đây là những việc mà VAMC sẽ phải đối mặt. Thông thường, tỷ lệ nợ xấu do Cơ Quan Thanh Tra giám sát và Ngân Hàng Nhà Nước công bố, sẽ cao hơn so với tỷ lệ mà tự thân các Ngân Hàng Thương Mại công bố. Cái này tôi cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên.
Và điểm thứ ba như tôi đã nêu, là Ngân Hàng Nhà Nước đã lường trước việc này và đã ban hành Thông Tư 02 về việc tiến tới chuẩn mực quốc tế trong phân loại và xếp loại các khoản nợ xấu. Nếu phân loại, xếp loại theo chuẩn mực quốc tế như vậy thì tỷ lệ nợ xấu không ở mức 3%, 4% như hiện nay mà chắc chắn sẽ nằm ở con số khác và có thể cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên là bao nhiêu thì sẽ rất khó trả lời do như tôi nói là Thông Tư 02 hiện nay đã bị lùi thời gian áp dụng đến giữa 2014 thay vì giữa 2013 này.
Khó xác định chính xác nợ xấu
Thanh Trúc: Thưa ông, việc hoãn lại thời gian áp dụng Thông Tư 02 phải chăng là do Ngân Hàng Nhà Nước chưa sẵn sàng hay còn lý do ngoại tại nào?
TS Vũ Đình Ánh: Do cái khó khăn của các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng cũng như do bản thân các Ngân Hàng Thương Mại trong bối cảnh tín dụng hiện nay gần như đóng băng.
Tôi cho rằng sự xác định chính xác nợ xấu không hề đơn giản bởi nó liên quan chủ yếu là các thang đo hay các tiêu chuẩn chính để xếp loại và phân loại nợ xấu. <br/> -TS Vũ Đình Ánh
Tôi cho rằng sự xác định chính xác nợ xấu không hề đơn giản bởi nó liên quan chủ yếu là các thang đo hay các tiêu chuẩn chính để xếp loại và phân loại nợ xấu, chưa kể tác động của một số chính sách hoặc cơ chế mà có thể làm cho người ta che dấu bớt các phần nợ xấu đi chẳng hạn. Đó có thể là động cơ giải thích sự biến động của các con số và có thể là bản thân các con số nợ xấu không phản ảnh chính xác tình hình.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Vũ Đình Ánh, từ những phân tích và nhận định của ông thì phải chăng VAMC không phải là một công cụ thần kỳ để giải quyết toàn thể nợ xấu trong bối cảnh một Việt Nam còn khá nhiều khu vực công như hiện nay?
TS Vũ Đình Ánh: Tôi khẳng định VAMC không thể xử lý được toàn bộ cái vấn đề liên quan tới nợ xấu, vốn đã khá lâu trong hệ thống Ngân Hàng Thương Mại nói riêng cũng như trong hệ thống tài chính của Việt Nam nói chung.
Thứ hai, đặc điểm về vay nợ tín dụng cũng như đặc điểm về nợ xấu của Việt Nam, cũng tương đối khác với các nước vì liên quan khá nhiều tới khu vực công tức kể trong đó là khu vực nhà nước và thậm chí các dự án đầu tư công, tức là trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vấn đề ngân sách.
Do đó, có thể nói, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam mang cái đặc thù khá là khác biệt so với việc xử lý nợ xấu truyền thống của các nước khác trên thế giới. Nên mặc dù việc thành lập VAMC cũng là trong chừng mực nhất định học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng tôi cho rằng sự quan trọng của VAMC chính là việc đưa ra cơ chế vận hành, mua bán nợ làm sao cho phù hợp với đặc điểm riêng có của Việt Nam. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, bản thân như ban đầu tôi phản đối việc ra đời của VAMC. Để thay vì VAMC thì phải có các biện pháp khác thì cho đến nay vẫn không có, rốt cuộc phải chấp nhận phương án thành lập VAMC. Tôi cho rằng có lẽ đây là thời điểm không bàn đến việc nên hay không nên có VAMC nữa mà quan trọng nhất là làm sao sử dụng VAMC để xử lý được nợ xấu một cách tốt nhất.
Trên quan điểm nó không phải phương thuốc vạn năng để xử lý được toàn bộ vấn đề nợ xấu tuy tuy nhiên đây là công cụ quan trọng, thì hy vọng ở biện pháp và các giải pháp cụ thể triển khai của VAMC trong vấn để mua bán nợ, đặc biệt liên quan tới bước thứ hai, là hình thành một thị trường thứ cấp về mua bán nợ xấu. Vai trò của VAMC trong thị trường thứ cấp mua bán nợ xấu đó sẽ là như thế nào bên cạnh các vấn đề như tôi đã nêu để làm sao cho thị trường sơ cấp, thoạt đầu tưởng có vẻ đơn giản, nhưng rõ ràng hiện nay đang vấp phải trở ngại do những vấn đề về cơ chế chưa hoàn toàn thuyết phục.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn tiến sĩ Vũ Đình Ánh.