Tám năm khiếu kiện vẫn chưa được giải quyết
Ông Phạm Hoành Sơn, một trong những người đứng đơn khiếu nại tại Bộ Tài Nguyên- Môi trường về thông tin liên quan. cho biết:
Ông Phạm Hoành Sơn: Hôm nay chúng tôi lên nộp đơn khiếu nại về hai tờ trình của Bộ Tài nguyên- Môi trường mà sau buổi đối thoại chúng tôi làm rõ ra là hai tờ trình đó không đúng chức năng của bộ, không đúng thẩm quyền, không đúng căn cứ pháp luật theo như qui định nên chúng tôi làm đơn khiếu nại. Hôm nay có chừng 1000 hộ của ba xã hôm nay ra đến đây để lo khiếu kiện.
Chúng tôi đã được đại diệp tiếp dân tiếp và hướng dẫn làm một đơn vì nội dung giống nhau theo Luật Khiếu nại- Tố cáo mới, cử đại diện và làm đơn. Hiện nay chúng tôi đã làm xong thủ tục đó, và hướng dẫn nhân dân là khi họ thụ lý xong sẽ có thông báo chính thức. Khi đó chúng tôi sẽ giải quyết theo trình tự pháp luật.
Gia Minh: Cán bộ tiếp là ai?
Ông Phạm Hoành Sơn: Đó là anh Lê Văn Dũng, cán bộ tiếp dân của Bộ Tài Nguyên- Môi trường.
Gia Minh: Chúng tôi nghe tiếng bà con rất nhiều ở đó, vậy tình hình trật tự ra sao và lực lượng an ninh, giữ gìn trật tự thế nào?
Ông Phạm Hoành Sơn: Bà con rất trật tự, hiện nay đang nghe những người đại diện phổ biến lại những
công việc khi làm việc với ban tiếp dân. Công an không có gây khó khăn gì cả.
Gia Minh: Luôn tiện muốn hỏi lại là cuộc mời các đại biểu quốc hội và người dân đến (tại địa phương) ra sao?
Họ bất ngờ vì sát Hà Nội như thế; một sự thật không vì lợi ích của người dân như thế mà sao người dân đi khiếu nại tám năm trời mà không có cơ quan nào lắng nghe, đi tìm hiểu thực tế để có những quyết sách cho đúng
Ông Phạm Hoành Sơn
Ông Phạm Hoành Sơn: Hôm qua chúng tôi có mời các vị đại biểu quốc hội nhưng không có ai đến. Chúng tôi cũng mời giáo sư Đặng Hùng Võ nhưng giáo sư cũng không đến. Chỉ có những ông như tiến sĩ Nguyễn Quang A, các đại tá về hưu, các cán bộ của Bộ Thương Mại, rất nhiều người quan tâm đến việc thu hồi đất của Văn Giang. Chúng tôi tiếp đón rất chân thành và tình cảm, họ rất xúc động.
Chúng tôi muốn họ về thăm thực tế để xem dự án đó có thực sự vì nhân dân hay không. Khi mở con đường đó thì có thực sự phục vụ cho người dân hay chỉ phục vụ dự án. Mục tiêu của chúng tôi là trình bày cho các đại biểu quốc hội, cho giáo sư Đặng Hùng Võ, cho những người quan tâm đến dự án Văn Giang hiểu được rằng cuộc sống của chúng tôi thế nào, việc phát triển kinh tế của chúng tôi ra sao và việc dự án đó mang lại lợi, hại cho chúng tôi thế nào qua tình hình thực tế. Thế nhưng rất tiếc các vị đại biểu quốc hội không đến được.
Gia Minh: Báo giới thì thế nào?
Ông Phạm Hoành Sơn: Các nhà báo đến đông lắm và theo tôi được biết có một số báo có đăng rồi.
Gia Minh: Phản ứng của những người khi chứng kiến các con đường, cũng như sau khi nghe tâm tư của bà con thì thế nào?
Ông Phạm Hoành Sơn: Họ rất bất ngờ. Họ bất ngờ vì sát Hà Nội như thế; một sự thật không vì lợi ích của người dân như thế mà sao người dân đi khiếu nại tám năm trời mà không có cơ quan nào lắng nghe, đi tìm hiểu thực tế để có những quyết sách cho đúng. Họ cũng rất buồn khi các cơ quan chức năng chưa làm tròn nhiệm vụ của họ. Hiện giới trí thức hiện họ quyết tâm cùng với nhân dân Văn Giang để làm thế nào đấu tranh bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng theo đúng phát luật cho nhân dân.
Mất ruộng kể như chết nên khiếu nại đến cùng
Gia Minh: Cũng có đề nghị gặp công ty đầu tư- xây dựng tại đó là Công ty Việt Hưng; vậy công ty này có tín hiệu gì trong việc trả lời việc gặp người dân chưa?
Ông Phạm Hoành Sơn: Theo tôi được biết chỉ có anh Lương Xuân Hà có gặp riêng luật sư Trần Vũ Hải đại diện cho nhân dân Văn Giang. Hai người gặp riêng với nhau. Thế thì qua luật sư chúng tôi được biết anh Hà chưa có sự thỏa thuận nào đối với dân. Anh chỉ tuyên bố là chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện các quyết định của chính quyền. Luật sư cũng đề nghị anh nên suy nghĩ lại và cho thêm thời gian một tuần nữa để suy nghĩ lại nên có cách giải quyết hài hòa chứ không nên cứng nhắc. Bởi vì nhân dân chúng tôi không muốn cứ đối đầu với nhau. Chúng tôi muốn thỏa thuận, nhưng phía công ty chưa có ý đồ đó, chưa có thiện chí đó.
Gia Minh: Liên quan, có một số dân giữ đất bị đánh và phiên xử hôm ngày 9 bị hoãn, vậy ông có nghe thông tin gì về phiên xử không?
Ông Phạm Hoành Sơn: Hôm đó tòa tuyên bố lý do có một đối tượng bị bệnh đột xuất không tham dự phiên toàn nên theo qui định của pháp luật thì phải hoãn. Hôm nào họ xử thì hiện chưa có thông tin gì mới.
Chúng tôi cứ kiên trì thôi. Việc này tùy thuộc vào nhà cầm quyền. Họ có qui định ngày tháng; nhưng họ không làm thế. Chúng tôi cứ kiên quyết đấu tranh thôi, vì đằng nào mất ruộng cũng kể như chết rồi
Ông Phạm Hoành Sơn
Gia Minh: Lâu nay tại một số điểm bà con ra trồng lại cây và cày cấy lúa lại, thì việc sản xuất đến nay ra sao?
Ông Phạm Hoành Sơn: Nói chung chỗ đó là vì người dân không có ruộng nên phải ra sản xuất; nhưng năng suất không bằng cũ. Lý do vì thủy lợi bị phá gần như hết rồi, năng suất không cao. Theo tôi biết thì bà con vẫn sản xuất ở đó.
Gia Minh: Còn cuộc sống của những bà con khác thì thế nào?
Ông Phạm Hoành Sơn: Những bà con mà không có ruộng, thì thực sự khó khăn lắm. Bởi vì tiền chưa lấy mà những hộ lấy rồi thì số tiền đó cũng không thể chuyển được sang nghề gì cho xứng đáng được. Nói chung khó khăn lắm.
Gia Minh: Cứ đi khiếu kiện mãi như thế thì có hy vọng khi nào được giải quyết?
Ông Phạm Hoành Sơn: Chúng tôi cứ kiên trì thôi. Việc này tùy thuộc vào nhà cầm quyền. Họ có qui định ngày tháng; nhưng họ không làm thế. Chúng tôi cứ kiên quyết đấu tranh thôi, vì đằng nào mất ruộng cũng kể như chết rồi. Buộc phải kiên trì thôi, chứ cũng không biết đến bao giờ.
Gia Minh: Qua giải đáp của ông Đặng Hùng Võ vừa rồi và ông tiếp tục có những phát biểu tiếp và bà con có nghe ngóng thì suy nghĩ gì?
Ông Phạm Hoành Sơn: Anh Võ nói luật cứng nhắc, nhưng theo tôi thì đã là qui định của pháp luật thì bất kể ai cũng phải chấp hành mà chính 'các ông' đó phát động chúng tôi nên chấp hành pháp luật, nên anh ấy cứ bao biện như thế nên chúng tôi không đồng tình. Thứ hai nữa anh ấy đưa ra lý do đó là dự án chiến lược, dự án con đường trọng điểm nhưng thực tế chúng tôi phân tích là không phải như thế. Chúng tôi có sẵn mấy con đường rồi, họ mở thêm ra chỉ thừa thôi, chứ không phải chiến lược.
Cũ chúng tôi có cả rồi. Vì thế chúng tôi mới có buổi mời hôm 18 tháng 11 là để chứng minh cho mọi người biết là anh Võ nói như thế là không có căn cứ thực tế và vì anh quản lý về bên đất đai không thể nói dự án giao thông là trọng điểm được. Lý do việc đó thuộc quyền quyết định của Bộ Giao thông, mà Bộ Giao thông vào thời điểm năm 2004 không có qui hoạch con đường đó. Anh nói như thế là thiếu cả về căn cứ pháp luật, thiếu cả về căn cứ thực tiễn do vậy chúng tôi không đồng tình với cách nói của anh Võ.
Gia Minh: Cám ơn ông Phạm Hoành Sơn, đại diện trong một số vụ việc của bà con Văn Giang.
Theo dòng thời sự:
- Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng
- Nam Định: chính quyền sử dụng vũ lực cưỡng chế đất của dân
- Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chối bỏ trách nhiệm
- Nghi vấn về tính pháp lý trong dự án Ecopark
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Thêm một vụ cưỡng chế đất gây bất bình
- Một dân oan tử vong khi biểu tình tại Hà Nội
- Đi khiếu kiện đòi đất trở thành vô gia cư
- Trả đất qui hoạch treo: Tín hiệu sửa sai?
- Hàng ngàn công an, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất ở Hưng Yên
- Căng thẳng ở Hưng Yên: chính quyền tuyên bố cưỡng chế, dân quyết chống lại
- Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội