Gặp gỡ Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt trong mùa lễ Tạ ơn

0:00 / 0:00

Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Hòa Ái với 2 đại diện của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt, Trung tá Mimi Phan, đặc trách về Y tế Cộng đồng và cựu Đại úy Không quân-Tino Đinh để tìm hiểu thêm và hoạt động của Hội cũng như cuộc đời binh nghiệp của những quân nhân Mỹ gốc Việt.

“Fallen Heroes Scholarship” và “Care Package”

Hòa Ái: Xin phép được chào 2 vị. Trước tiên, Hòa Ái xin được hỏi Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt được thành lập khi nào và tiêu chí hoạt động của Hội là gì?

Trung tá Mimi Phan: Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt (VAUSA) thành năm từ năm 2008. Trong đó có 2 anh từ California đi phục vụ ở Afghanistan, Trung Đông thì họ gặp nhau. Từ đó, trở về Mỹ, họ nghĩ nên lập ra một hội để trợ giúp anh em. Do đó, hội thành hình từ năm 2008 đến bây giờ. Những sinh hoạt của VAUSA có 2 sinh hoạt chính gồm "Fallen Heroes Scholarship" và "Care Package". "Fallen Heroes Scholarship" thì tượng trưng cho những anh hùng tử sĩ của quân lực Mỹ đã hy sinh. Còn "Care Package"thì khi anh chị em đi thi hành nhiệm vụ thì Hội gửi món quà nho nhỏ cho họ.

Hội thành hình từ năm 2008 đến bây giờ. Những sinh hoạt của VAUSA có 2 sinh hoạt chính gồm "Fallen Heroes Scholarship" và "Care Package". <br/> -Trung tá Mimi Phan

Hòa Ái: Trong thời gian qua, bên cạnh đó, Hội còn những hoạt động nào khác nữa không?

Trung tá Mimi Phan: Một trong những trách nhiệm của chúng tôi là vinh danh những thế hệ trước. Và hiện tại thúc đẩy thế hệ kế tiếp. Những sinh hoạt của Hội có thể có sự tương quan với cha mẹ của các thành viên trong Hội. Ví dụ như Hội Nhảy dù có tiệc thì chúng tôi đến đó trợ giúp cũng như nói lời cảm ơn những sự hy sinh của họ làm tấm gương cho chúng tôi noi theo. Hiện tại thì Hội giúp những gia đình của quân nhân Mỹ gốc Việt đang đi phục vụ ở những nước khác. Còn thế hệ kế tiếp thì Hội giúp qua sự hỗ trợ thông tin khi có em nào muốn tham gia vào một trong bảy binh chủng của Mỹ.

Hòa Ái: Xin được hỏi Đại úy Không quân Tino Đinh rằng theo ghi nhận của ông thì có nhiều người Việt ở Hoa Kỳ tham gia vào quân đội hay không?

Đại diện của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt, Trung tá Mimi Phan, đặc trách về Y tế Cộng đồng tại RFA hôm 20/11/2014. RFA PHOTO.
Đại diện của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt, Trung tá Mimi Phan, đặc trách về Y tế Cộng đồng tại RFA hôm 20/11/2014. RFA PHOTO.

Cựu Đại úy Tino Đinh: Rất nhiều. Bây giờ Hội có gần 1.000 thành viên. Dựa theo những họ như Nguyễn, Lê, Trần trong danh bạ điện thoại toàn cầu của Bộ Quốc phòng thì ước chừng khoảng không ít hơn 5.000 quân nhân gốc Việt, chưa tính đến số người phục vụ trong khâu Y tế Cộng đồng như Trung tá Phan đây và nhiều quân nhân đã hồi hưu nên có thể nói là ít nhất có hơn 5.000 người.

Hòa Ái: Như vậy những người trẻ khi họ quyết định chọn cuộc đời binh nghiệp thì gia đình của họ hay chính bản thân họ có thể liên lạc với Hội để biết thêm nhiều thông tin về quân đội Hoa Kỳ?

Cựu Đại úy Tino Đinh: Chắc chắn rồi. Họ có thể liên lạc qua website www.vausa.us và/hoặc qua email tại địa chỉ membership@vausa.us, hay qua trang Facebook có nhiều câu trả lời về các thắc mắc liên quan đến tuyển mộ cũng như gia nhập quân đội và chúng tôi sẽ tận tình trả lời những câu hỏi liên quan đến cộng đồng quân nhân Mỹ gốc Việt.

Tự hào là người lính

Hòa Ái: Nhân dịp này ông có thể chỉa sẻ vì sao ông quyết định trở thành một người lính?

Cựu Đại úy Tino Đinh: Tôi nghĩ rằng mỗi người chọn gia nhập quân ngũ đều có lý do riêng của mình. Trường hợp của tôi là vì tôi từng ước ao sẽ trở thành phi hành gia. Tôi lớn lên ở Houston và từng muốn được học ở một trường đại học ngoài tiểu bang nơi tôi ở nên lựa chọn tốt nhất cho tôi là tìm học bổng "ROTC scholarship" hay học ở Học viện Quân sự. Và tôi đã may mắn được chọn vào học ở Học viện Không quân tại Colorado Spring. Bởi vì mắt của tôi không được tốt nên tôi không thể trở thành một phi công và tôi quyết định trở thành sĩ quan tình báo. Thật là thú vị trong thời gian tôi nhận lãnh nhiệm vụ khắp nơi trên thế giới.

Bây giờ Hội có gần 1.000 thành viên. Dựa theo những họ như Nguyễn, Lê, Trần trong danh bạ điện thoại toàn cầu của Bộ Quốc phòng thì ước chừng khoảng không ít hơn 5.000 quân nhân gốc Việt. <br/> -Cựu Đại úy Tino Đinh

Đó là trường hợp của tôi. Có rất nhiều lý do để người ta quyết định gia nhập quân đội với những công việc trong các lực lượng, binh chủng khác nhau. Về lý do riêng tư thì có lẽ do tôi xuất thân từ một gia đình Việt Nam tị nạn nên tôi luôn luôn biết ơn cũng như đền ơn lại quốc gia cưu mang gia đình tôi. Và ba tôi tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt nên tôi muốn tiếp bước truyền thống của gia đình.

Hòa Ái: Thưa Trung tá Mimi Phan, riêng về bà thì bà đã tham gia quân đội bao lâu rồi và bà học hỏi được gì từ môi trường này, thưa bà?

Trung tá Mimi Phan: Mimi vô được hơn 9 năm rồi. Một những khía cạnh mà Mimi học hỏi được là mình phải "thích nghi" và "thích nghi" (adopt). Vì bất cứ khi nào mình được chuyển đến đấu thì mình phải đến đó tùy theo nhiệm vụ của mình để làm cho hoàn tất. Nên phải liên tục "thích nghi", phải linh hoạt và phải tập trung vào công việc của mình.

Hòa Ái: Bây giờ là thời gian ở Hoa Kỳ đang trong mùa lễ Tạ ơn. Nhân dịp này 2 vị có thể chia sẻ về thông điệp của Hội cũng như của bản thân mình?

Trung tá Mimi Phan: Tino nói trước nhé!

Cựu Đại úy Tino Đinh: Mến chúc mọi người một mùa lễ Tạ ơn an lành. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình, đến đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ khắp nơi. Và xin gửi lời chào đến gia đình tôi.

Trung tá Mimi Phan: Mimi mong muốn những anh chị em đang ở Hoa Kỳ dành thời gian sum họp với gia đình. Còn những anh chị em ở xa thì hãy cẩn thận, thận trọng. Bố của Mimi lớn tuổi nên Mimi sẽ dành thời gian với bố trong mùa lễ Tạ ơn này. Ông là Song ngư khóa 12 của Hải quân VNCH. Nguyện Chúa ban ân lành cho mọi người.

Hòa Ái: Hòa Ái xin cảm ơn thời gian của 2 vị đã đến đài để chia sẻ với quý khán thính giả về Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt cũng như cuộc đời quân ngũ của những người lính ở Hoa Kỳ. Và cũng xin phép được thay mặt quý khán thính giả, xin gửi lời tri ân đến tất cả những người lính đang có mặt ở chiến trường cũng như đang bên cạnh người thân một mùa lễ tạ ơn ấm cúng và an lành.