Nhức nhối nạn tham nhũng đất đai

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 5 khai mạc hôm 7 tháng 5 vừa qua tại Hà Nội và sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 5 tới.

0:00 / 0:00

Chống tham nhũng chỉ là hình thức

Trọng tâm của hội nghị lần này được cho biết nhắm đến các công việc sửa hiến pháp, giải quyết khiếu kiện đất đai và chiến dịch chống tham nhũng, lãng phí. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là những vấn đề nhức nhối, bất cập, mâu thuẫn khiến người dân bức xúc.

Đề cập đến chính sách đất đai, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là một lãnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, việc sử dụng đất đai còn lãng phí hiệu quả thấp, tệ nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi, các quy định về đất đai còn chồng chéo, việc quản lý của cơ quan nhà nước còn nhiều yếu kém. Nhận xét của ông khiến dư luận nhớ lại những vụ cưỡng chiếm đất đai xảy ra ở Tiên Lãng, Văn Giang mà chính quyền địa phương đã phải huy động hàng trăm, hàng ngàn công an võ trang hùng hậu để trấn áp dân chúng, bắt họ phải khuất phục, nhượng bộ.

Qua câu chuyện với RFA, luật sư Hà Huy Sơn, Trưởng Văn Phòng Luật Hà Sơn tại Hà Nội nói lên quan điểm của ông về phương cách làm sao chấm dứt những vụ chiếm đoạt đất đai, tài sản, vẫn kéo dài lâu nay ở Việt Nam:

“Những bất cập về đất đai hiện nay là do chưa có sự công nhận quyền sở hữu của tư nhân về đất đai. Như các kiến nghị trước đây của tôi, để không xảy ra những vụ như Tiên Lãng, Văn Giang hay Vụ Bản, Nam Định, hoặc nhiều vụ thu hồi đất khác, thì pháp luật về đất đai của Việt Nam nên sửa đổi, nhà nước cần công nhận quyền tư hữu đất đai của người dân và coi đất đai như một thứ hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường như các loại hàng hóa khác.”

Kế đó, dân oan Lê Thị Kim Thu, ở Đồng Nai, 24 năm đi khiếu kiện từ địa phương tới trung ương, bị ngồi tù 18 tháng tại trại giam Ninh Bình, nói lên nỗi oan ức của những người dân oan, không sợ bạo lực, không ngại phải hy sinh cả tính mạng, để đòi quyền sống:

“Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đến nay đã 37 năm rồi, ở Việt Nam không còn những vụ nhỏ bé về tranh chấp đất đai nữa mà toàn những vụ lớn, thường là có tai mắt các quan lớn trong đó, thuộc về vấn nạn chung của dân oan, làm cách nào để giải quyết cho họ một cách ‘thấu tình, đạt lý’. Cho đến thời điểm này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị, thủ tướng chính phủ, phải xem xét, đặt lại vấn đề lên hàng đầu, để trả lại tài sản cho dân oan. Người dân mất tiền, mất của, họ có thể chịu đựng được, chứ không chịu được oan ức. Nhà cầm quyền họ, giống như họ ở tâm của dân oan, nhưng thật ra không phải như vậy, chỉ là những lời mị dân thôi. Dân oan không sợ chết, đối với công an họ không còn sợ hãi nữa, cho dù có chết, họ vẫn đấu tranh tìm con đường sống.”

Vấn đề gốc rễ của quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam, theo tôi, chính là sự thiếu dân chủ và thiếu minh bạch trong các hoạt động của nhà nước.

Luật sư Hà Huy Sơn

Luật sư Hà Huy Sơn nói lên cảm nghĩ của ông vì sao công tác chống tham nhũng, lãng phí vẫn yếu kém, chiếu lệ , chưa dẹp bỏ hẳn được :

“Vấn đề gốc rễ của quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam, theo tôi, chính là sự thiếu dân chủ và thiếu minh bạch trong các hoạt động của nhà nước.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa , một người kiên cường chống tham nhũng , tiêu cực trong ngành giáo dục đưa ra nhận xét của ông, vì sao chống hoài, chống mãi mà nạn tham nhũng vẫn tồn tại:

“Trong chủ trương chung về chống tham nhũng thì người ta đã viết thành sách, nói nghe rất hay, sự thật thì người ta nói một đằng, làm một nẻo, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư hiện nay, vốn cũng là một nhà giáo như chúng tôi, ông rất sốt ruột về các tệ nạn của đất nước, nhưng ông không có khả năng giải quyết nổi tình hình của đất nước. Những người có trọng trách trong tay là thủ tướng, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo công an, thực chất là họ không bao giờ giải quyết nạn tham nhũng. Năm 2010 có báo cáo của quốc hội cho biết, hơn 90% đơn thưa tố cáo của nhân dân không được thụ lý, giải quyết, trong có có 80% là đơn thưa về tham nhũng đất đai.”

Cần nhìn thẳng vào sự thật

nxd-250.jpg
Người dân huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định đã tập trung tại ruộng của mình, căng cờ, biểu ngữ kiên quyết giữ ruộng. Photo courtesy of blog nguyenxuandien (Người dân huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định đã tập trung tại ruộng của mình, căng cờ, biểu ngữ kiên quyết giữ ruộng. Photo courtesy of blog nguyenxuandien)

Hơn nữa theo ông, không những có sự bao che, lơ là, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến tham nhũng sinh sôi và những ai cương quyết chống tham nhũng đều bị khóa miệng:

“Người chỉ đạo chống tham nhũng ở địa phương là chủ tịch các tỉnh, không đơn tố cáo nào của dân mà không đến tay chủ tịch tỉnh, nhưng thật sự là các ông ấy cho vào sọt rác hết. Ở Việt Nam chống tham nhũng xem như là hòan tòan bất lực, không làm gì được, chỉ những anh tép riu, không ô, không dù, không vây cánh thì bị họ lôi ra xử lý, xông rồi đâu cũng vào đấy cả, báo chí có đăng tin nhưng rồi cũng chìm xuồng. Báo Tiền Phong cách đây không lâu có đăng là 100% người chống tham nhũng đều bị trù dập, càng ngày tham nhũng càng kinh khủng.”

Về phần dân oan Lê Thị Kim Thu thì cho rằng chủ trương tận diệt tham nhũng mà nhà nước luôn hô hào, quyết đẩy mạnh, chỉ là những màn dàn dựng, cô nói rõ vì sao:

“Điều đó cũng dễ hiểu, câu trả lời ngay trước mắt là nhà dột từ trên nóc xuống, nạn tham nhũng từ trên xuống dưới, trên bảo dưới không nghe, không làm. Họ tạo ra những đoàn thanh tra, với bộ tài nguyên môi trường, thanh tra chính phủ, cơ quan chuyên ngành, tham mưu cho thủ tướng, nhưng rồi cứ nghe theo tỉnh, bảo sao họ làm vậy, rồi chính những cơ quan quyền lực lại trấn áp dân. Chống tham nhũng họ chỉ giơ cao đánh khẽ thôi, không thực hiện được những gì dân yêu cầu, việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng, để những người dân có tinh thần đấu tranh vì công lý và sự thật, trực diện với tham nhũng thì cuối cùng họ bị tống vào tù. Ai cũng mở mắt, thấy rõ chiêu bài của nhà cầm quyền, không còn hiệu nghiệm đối với người dân nữa, việc nói là làm còn một khoảng cách rất xa.”

Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại trong quốc sách chống tham nhũng, đó là sự quanh co của một số quan chức:

Vấn đề gốc rễ của quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam, theo tôi, chính là sự thiếu dân chủ và thiếu minh bạch trong các hoạt động của nhà nước.

Luật sư Hà Huy Sơn

“Vừa rồi vụ Văn Giang, Hưng Yên cũng thế, phó chủ tịch Hưng Yên nói dối, cho rằng cái clip công an đánh dân là do dàn dựng giả, để bôi nhọ chính quyền, nhưng thực tế hai anh phóng viên của đài Tiếng Nói Việt Nam xác nhận chính mình bị đánh (trong clip đó). Tóm lại, cái dối trá ở Việt Nam kinh quá, vì thế công cuộc chống tham nhũng không có tác dụng gì, hy vọng là cả chục năm nữa chúng ta sẽ chống được tham nhũng, chứ lúc này thì không cách nào cả.”

Tuy nhiên đến lúc này trong phát biểu trước hội nghị, nói về chiến dịch chống tham nhũng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu phải tìm ra những nguyên nhân gốc rễ, gây ra tệ nạn tham nhũng, từ đó đề ra chủ trương hữu hiệu, giải pháp quyết liệt, để tạo sự chuyển biến rõ rệt.

Sau đó một phát biểu khác của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là mâu thuẫn với câu nói về việc tìm nguyên nhân là ông cho rằng nhiều năm nay nhà nước đã liên tục tiến hành nhiều biện pháp khả thi, mà đến nay, chiến dịch phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mọi người mong muốn.

Một lần nữa, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại yêu cầu đảng và nhà nước cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá, phân tích, tòan diện tình hình tham nhũng, đặt biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân và công luận, hầu sớm xóa bỏ những yếu kém, hạn chế và tiêu cực cố hữu. Những điều này được cho chỉ là khẩu hiệu suông, chứ trong thực tế nhiều người dân công khai lên tiếng tố cáo tham nhũng đã gặp bao trắc trở, thậm chí trả thù mà không hề được bảo vệ.

Theo dòng thời sự: