VEF - Quĩ Giáo Dục Việt Nam của Hoa Kỳ

Vietnam Education Fund, Quĩ Giáo Dục Việt Nam do chính phủ Mỹ thành lập và tài trợ từ năm 2000, đã hoàn tất đợt phỏng vấn để tuyển chọn du sinh Việt sang Mỹ năm 2013, cũng là dịp kỷ niệm mười năm hoạt động của VEF ở Việt Nam.

Trong số 77 ứng viên tháng Tám vừa qua, 73 sinh viên đã được sự giới thiệu phỏng vấn, 62 người đã trúng tuyển học bổng của VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam, 11 người còn lại được đưa vào danh sách dự bị.

Cũng trong đợt này, 4 ứng viên đã tốt nghiệp đại học với thành tích ưu tú và xuất sắc đều trúng tuyển Visiting Scholar Candidates, tức cũng được học bổng của VEF để sang học cấp cao học tại những đại học danh tiếng của Mỹ.

Trở về từ Việt Nam sau hai tuần làm việc trong trách nhiệm phỏng vấn và tuyển chọn, ông Steven Pappas, cố vấn cao cấp Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, thành viên Hội Đồng Quản Trị Quĩ Giáo Dục Việt Nam, cho biết cũng như mọi năm trước, các ứng viên được chọn cho năm 2013 sẽ là du học sinh Việt Nam qua Hoa Kỳ trong các ngành Khoa Học, Kỹ Thuật, Toán, Kỹ Sư, Công Nghệ Sinh Học …vân vân…

“Ứng viên được chia đều giữa đại học miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Trong số 77 sinh viên được phỏng vấn thì 35 ở miền Bắc và miền Trung, 35 người khác ở các địa phương còn lại của Việt Nam.

Năm 2013 là dịp kỷ niệm mười năm hoạt động của Quĩ Giáo Dục Việt Nam, vì thế trong cuộc họp vừa qua Hội Đồng Quản Trị VEF đã đồng ý nâng số học bổng lên sáu mươi, được coi là nhiều nhất tính từ trước đến giờ.”

Tiêu chuẩn

Nhân viên của trường Washington State University đang tư vấn cho một SV VN tại Hội chợ Giáo Dục Hoa Kỳ tại HN hôm 8/4/2011. AFP photo
Nhân viên của trường Washington State University đang tư vấn cho một SV VN tại Hội chợ Giáo Dục Hoa Kỳ tại HN hôm 8/4/2011. AFP photo (Nhân viên của trường Washington State University đang tư vấn cho một SV VN tại Hội chợ Giáo Dục Hoa Kỳ tại HN hôm 8/4/2011. AFP photo)

Theo tiêu chuẩn của Quĩ Giáo Dục Việt Nam, ứng viên được học bổng phải có điểm cao từ bậc đại học, phải có khả năng Anh ngữ. Trình độ học vấn của ứng viên được thể hiện qua bằng cấp, phiếu điểm và quan trọng nhất là phần phỏng vấn phỏng vấn trực tiếp của VEF.

Bên cạnh đó, sinh viên còn cần thư giới thiệu của đại học mình đang học và của giáo sư trong nước:

“Họ còn phải trải qua kỳ thi TOEFEL để khảo sát khả năng Anh ngữ, phải đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp để chứng tỏ mình đủ sức theo học tại Hoa Kỳ.

Kế đến, giai đoạn gay go nhất của việc tuyển chọn là ứng viên phải qua phỏng vấn bởi mười vị giáo sư chọn lọc của mười đại học ở Hoa Kỳ, sinh viên đủ sức thuyết phục nhất sẽ lãnh nhận học bổng của VEF để sang học tại các trường cao đẳng hoặc đại học ở Mỹ.”

Sau khi đậu tuyển chọn, tức đã nắm trong tay thư giới thiệu của các vị giáo sư phỏng vấn, đồng thời bằng học bổng mà VEF cấp, sinh viên sẽ tự ghi danh vào đại học nào ở Hoa Kỳ mà họ muốn theo học.

Ô. Steven Pappas

Đối với ông Steven Pappas, điểm đáng chú ý, có thể nói một thay đổi đáng kể của Quĩ Giáo Dục Việt Nam cho năm 2013, là ngoài danh sách 62 sinh viên trúng tuyển, 11 người còn lại được lên danh sách chờ:

“Nghĩa là nếu có sinh viên nào đã trúng tuyển mà vì lý do cá nhân, hoàn cảnh gia đình hoặc thay đổi ý kiến thì người nằm trong danh sách chờ sẽ được đôn lên và thế vào chỗ của sinh viên đó.”

Từ năm 2000, Quĩ Giáo Dục Việt Nam VEF khởi sự làm việc trong tư cách độc lập, không qua trung gian của những công ty tư vấn giáo dục trong hay ngoài nước.

Nếu không tính những người vừa trúng tuyển năm học 2013 hồi tháng Tám vừa qua, mà chỉ kể từ khi chính thức hoạt động năm 2003 đến nay, Quĩ Giáo Dục Việt Nam đã cấp học bổng cho 389 nghiên cứu sinh Việt Nam sang các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, trong đó 52 người đã nhận bằng thạc sĩ, 83 người đã hoàn tất bằng tiến sĩ. Mục tiêu của Quĩ Giáo Dục Việt Nam là sau khi tốt nghiệp những người này đều phải trở về nước.

Với tổng kinh phí khoảng một trăm triệu đô la, hàng năm Quĩ Giáo Dục Việt Nam có thể chi trả năm triệu đô la vào các khâu tuyển chọn, phỏng vấn, tổ chức những đợt thi tuyển cũng như những chương trình sinh hoạt giao lưu khác nữa cho du học sinh Việt ở Mỹ cũng như sinh viên ở Việt Nam.

Các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của VEF đều do tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Hai đối tác chính của Quĩ Giáo Dục Việt Nam là Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ và Tổ Chức Giáo Dục Quốc Tế Hoa Kỳ.

Theo dòng thời sự: