Thương binh biểu tình tại Hà Nội đòi bảo vệ thanh danh

Theo tin trong nước, hôm 8/10, hơn 200 thương binh tại Hà Nội đã tập trung diễu hành trên các xe ba bánh tự chế yêu cầu chính quyền phải xử lý những người giả thương binh để sử dụng xe ba bánh vận chuyển kiếm lợi.

0:00 / 0:00

Giả thương binh chở hàng lậu

Đây là lần đầu tiên lực lượng thương binh tập trung đông đúc để lên tiếng đòi bảo vệ quyền lợi và thanh danh của họ sau hàng loạt những sự việc phi pháp xảy ra gần đây do những kẻ mạo danh thương binh thực hiện.

Hàng trăm thương binh đi trên những chiếc xe ba bánh có gắn biểu tượng Thương binh 27/7 diễu hành quanh Hồ Gươm và đi về phủ Chủ tịch để bày tỏ những bức xúc về thực trạng ngày càng nhiều người giả danh thương binh để lái xe ba bánh tự chế kiếm tiền và thực hiện những hành vi trái pháp luật làm xấu hình ảnh của thương binh.

Cựu chiến binh Phạm Huy Trung, cũng là một thương binh lái xe ba bánh nhiều năm, cho biết:

“Đại loại là có một số thanh niên cứ giả thương binh để đi lao động làm ăn. Nó phá vỡ giá cả của thương binh. Thí dụ trước đây chở 100.000 đồng, bây giờ 50.000 đồng nó cũng chở, 30.000 đồng nó cũng chở. Thế là các vị (thương binh thật) không có công ăn việc làm. Cuối cùng, anh em thương binh tập trung lại đề nghị UBND thành phố bắt hết các xe giả đó đi.”

Sở dĩ có chuyện mạo danh thương binh là vì theo quy định của Luật giao thông đường bộ sửa đổi vào năm 2008, chỉ có các đối tượng là thương binh và người khuyết tật mới được sử dụng loại xe ba bánh tự chế. Thêm vào đó, việc cấm lưu hành các loại xe tải trong nội đô Hà Nội đã khiến cho nhu cầu vận chuyển hàng và người tăng lên. Nhiều người xem đây là mảnh đất màu mỡ để trục lợi. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Cựu chiến binh, thương binh Huỳnh Xuân Long cho biết:

Huỳnh Xuân Long

“Trong vòng một năm trở lại đây, ở Hà Nội xuất hiện những dịch vụ làm xe ba bánh. Những chiếc xe ba bánh đó không có giấy tờ và những người sử dụng xe đó không phải là thương binh mà giả thương binh. Những người giả đó đều ở ngoại thành Hà Nội vào, họ bỏ ruộng đồng và lên Hà Nội mua một chiếc xe để chạy xe. Lúc rỗi, gặp bất kỳ ai thuê làm việc gì họ cũng làm, thậm chí đi họ thuê làm lưu manh, côn đồ, đi đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, bắt chẹt người này người khác… và cứ giả danh là thương binh. Chính vì vậy, anh em thương binh thật người ta đi đề nghị ủy ban dẹp bọn thương binh giả đi để không bị mất uy tín anh em thương binh.”

Gần đây, báo chí liên tục lên tiếng về vấn nạn thương binh giả vận chuyển hàng ngang nhiên tung hoành khắp các đường phố Hà Nội, thậm chí chuyển gỗ lậu, gà nhập lậu từ Lạng Sơn vào các tỉnh. Riêng những trang thông tin trên mạng còn cho biết thêm nhiều sự việc thương binh giả được thuê mướn để gây áp lực, phá rối, thậm chí đánh đập những người lên tiếng đấu tranh chống tham nhũng, bất công và những tệ nạn trong xã hội. Cụ thể là trường hợp của Luật sư Trần Đình Triển. Năm ngoái, ông cũng đã từng bị lực lượng tự xưng là thương binh đến văn phòng để gây hấn và đánh đập người trong văn phòng chỉ vì ông nhận lời tham gia bào chữa trong vụ án chống tham nhũng đối với một số quan chức có liên quan đến Công ty cổ phần phát chuyển nhanh Bưu điện.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, luật sư Trần Đình Triển kể với Đài Á Châu Tự Do:

“Bắt đầu từ 5/4 đã đưa một đoàn thương binh khoảng 20 người tới trấn áp văn phòng luật sư, trấn áp tôi, đề nghị bỏ sự việc đó ra. Tôi cũng đã giải thích. Tôi hỏi rằng: “Các anh bây giờ có công với nước, mỗi tháng các anh được mấy triệu? Mà con ông Tuấn đi nước ngoài riêng tiền điện thoại là 38 triệu một tháng, bằng bao nhiêu lương các anh? Tôi rất ghi nhận công lao các anh. Tôi đang làm nhiệm vụ mà các anh đã hy sinh để giữ lại là bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân và làm trong sáng bộ máy nhà nước. Các anh nghe và có một anh lớn tuổi gọi tôi ra và bảo: “Triển ơi, bọn anh biết chú thẳng thắn và trung thực, vì nước vì dân. Anh thấy chú cũng đã giúp rất nhiều gia đình liệt sĩ và thương binh miễn phí. Bọn anh nghèo. Họ thuê bọn anh một người hai triệu bọn anh đến đây thôi, chứ bọn anh không làm gì chú.”

Hơn 200 thương binh tại Hà Nội đã tập trung diễu hành trên các xe ba bánh tự chế hôm 8/10. Photo courtesy of NguyenXuanDienBlog.
Hơn 200 thương binh tại Hà Nội đã tập trung diễu hành trên các xe ba bánh tự chế hôm 8/10. Photo courtesy of NguyenXuanDienBlog.

Một trường hợp khác là Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện vào tháng 5 vừa qua cũng đã từng bị một nhóm tự xưng thương binh xông vào phòng làm việc tại Viện Hán Nôm để đe dọa đòi ông phải gỡ bỏ bài viết “Thư gửi chính phủ Nhật Bản, phản đối việc viện trợ Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân” trên blog của mình.

Công an bao che?

Qua lời trần tình của một số thương binh giả đối với các nạn nhân cho thấy lực lượng này có thể nhận làm mọi việc, kể cả những việc phi pháp, theo yêu cầu của người chi tiền, bất kể đó là dân thường, quan chức hay lực lượng chức năng. Thương binh Huỳnh Xuân Long kể:

“Những đối tượng thương binh giả thường xuyên đi đòi nợ thuê, làm những công việc trái pháp luật. Nhưng nó lại mập mờ chỗ này, ví dụ như trong vụ của tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện thì chỉ có 2 thằng là thương binh thôi, nhưng có tới 20 thằng không là thương binh nhưng vẫn đi xe ba bánh tới nên mọi người cứ tưởng nó là thương binh. Nhưng ở Hà Nội thường xuyên xảy ra những vụ đấy như cơm bữa.”

Một số thương binh cho biết sở dĩ những kẻ mạo danh vẫn ung dung hoạt động phi pháp là do có sự thả lỏng, thậm chí bao che từ phía lực lượng công an:

Một thương binh

"Thường thường họ đi một tốp 15 hoặc 20 người thì sẽ có 1, 2 hoặc 3 thương binh thật, còn đâu là thương binh giả nhưng mà nó đều đi trên cái xe ba bánh đấy và có phù hiệu thương binh. Khi đến thì những đứa thương binh giả mới lắm mồm. Những ông thương binh thật thì có thể ăn nói cáu gắt thôi nhưng thực tế người ta không dám làm gì vì người ta què cụt rồi, họ chỉ đi theo cái hội đấy. Còn cái hội đấy thì hết giờ hoặc xong nhiệm vụ thì nó sẽ chi cho mấy chục triệu để chia nhau, thường là như thế. Trong việc này thì kể cả công an cũng tận dụng bọn này, làm mất trật tự an ninh ở Hà Nội rất nhiều. Tôi khẳng định là công an luôn vì chính những vụ việc của tôi ba lần đều có công an dính vào hết."

Ông Huỳnh Xuân Long dẫn chứng về trường hợp của mình:

“Thương binh nó dẫn độ khoảng 20 xe đến ngồi đầy cửa nhà tôi. Xong nó cho 3, 4 thằng vào mặc cả xin đất, mà nếu không cho là bắt đầu nó gây hấn. Tôi bảo: “Đất của tôi, tôi không có việc cho, tôi không tiếp thằng nào cả”. Có một lần, tôi cho một thằng thương binh vào nhà để đối thoại. Nó vào nhà đập tất cả chai rượu, vô tuyến nhà tôi. Tôi đóng cửa lại, gọi công an đến. Thế nhưng công an đến lại giải vây cho nó. Nó lại về. Hết! Không giải quyết gì hết!”

Có thể nói, những hành động phi pháp trong thời gian qua của những kẻ mạo danh không những khiến cho các nạn nhân mà cả các thương binh thực sự cũng rất bức xúc. Đã rất nhiều lần, lực lượng thương binh với tư cách cá nhân hay một nhóm gửi kiến nghị, thư ngỏ lên các cơ quan chức năng để phản ánh về nhiều vấn đề nhưng hầu hết đều không được hồi đáp hay giải quyết. Tuy nhiên, những cựu chiến binh này cho biết họ sẽ không lùi bước mà vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của mình.

Opens in new window

Những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần

Theo dòng thời sự: