Thuyền nhân VN tại Úc gặp khó khăn đầu năm mới

0:00 / 0:00

Hàng trăm người Việt tị nạn vượt biển sang Úc hiện đang phải đối mặt với tương lai bấp bênh do chính sách về nhập cư khắc nghiệt của Úc. Họ thậm chí bị đối xử thô bạo trong nhiều trường hợp, nhất là vào dịp đầu năm 2014. Tương lai nào đang chờ đón những người Việt tị nạn vượt biển sang Úc? Cơ may về khả năng xin quy chế tị nạn tại đất nước tự do với họ ra sao?

Đối xử bất công

Hôm 10 tháng 2, chỉ hơn một tuần sau tết nguyên đán, Liên minh Việt BP, một tổ chức chuyên hỗ trợ cho các thuyền nhân Việt Nam đến Úc, ra thông báo cho biết, đã có khoảng 93 thuyền nhân Việt Nam bị áp tải từ trại Yongah Hill ở Tây Úc đến Christmas Island, ngoài khơi Úc. Nhưng điều đáng chú ý là 93 người Việt này, theo Việt BP, đã bị đối xử tàn tệ khi họ bị chuyển trại. Ông Đoàn Việt Trung, đại diện của Việt BP cho chúng tôi biết:

"Theo bản tin của chúng tôi thì hồi đầu tháng vừa qua có mấy chục người bị dựng đầu dậy khi họ đang ngủ ở trại Yongah hill là trại ở tây Úc nơi thành phố chính là Perth. Sau đó họ bị nắm tay hay xốc nách bởi những viên chức an ninh của bộ nội trú gửi đến và đưa họ đến trại Christmas island ở ngoài khơi nước Úc. Trên đường đi thì họ bị còng tay. Tất cả là 3 chuyến bay trở cả thảy 9 mấy người. Họ bị còng tay dù họ không kháng cự. Bộ di trú lấy cớ là trước đây đã có mấy người trốn nhưng trong số 93 người đó chỉ có 10 hay 11 người từng trốn trại và bị bắt lại nên những người kia bị lây theo nên họ bất mãn. Trên máy bay không những họ bị còng tay. Nhiều người mặc quần shorts, trời lạnh họ yêu cầu được mặc áo lạnh cũng không được, yêu cầu được đánh răng cũng không được. trên máy bay thì có một số người kể cho chúng tôi là họ không được đi toilet."

Những người này giai đoạn đầu bị biệt giam, họ bị còng trên máy bay, họ không được dùng internet không được dùng điện thoại. Vì vậy con số xác định rất khó biết được trong giai đoạn này. <br/> -LS Phạm Việt Dũng

Luật sư Phạm Việt Dũng, phát ngôn viên của Việt BP, đại diện pháp lý cho các thuyền nhân cho biết, rất khó xác minh con số những người Việt hiện tại ở Christmas Island do điều kiện liên lạc khó khăn trong khi những người mới bị chuyển ra đảo lại bị biệt giam, ông nói thêm:

"Những người này giai đoạn đầu bị biệt giam, họ bị còng trên máy bay, họ không được dùng internet không được dùng điện thoại. Vì vậy con số xác định rất khó biết được trong giai đoạn này…. Điều kiện ra Christmas Island rất khó, chúng tôi có người nhưng chúng tôi phải thận trọng vì nếu tiết lộ quá nhiều thì tội cho những người đang bị giam ở Christmas island."

Anh Hải, một thuyền nhân Việt Nam tại Úc, người đã từng ở trại Christmas Island cách đây gần hai năm, cho biết mặc dù sinh hoạt về vật chất tại đảo không thiếu thốn nhưng điều kiện sinh hoạt về tinh thần khó khăn hơn rất nhiều so với các trại trên đất liền. Nhưng điều khiến nhiều người Việt lo ngại hơn chính là tương lai của họ sau khi bị chuyển ra đảo, Anh Hải cho biết:

"Đảo xa đất liền cho nên những gì mà bộ di trú muốn làm sẽ dễ hơn trên đất liền. Không có ai can thiệp kịp thời thì trục xuất rất dễ nên nguy cơ rất cao. Thứ hai là ra đảo thì cuộc sống ngoài đảo thường những người có vấn đề gì thì mới bị đưa ra đảo nên thành ra bị đưa ra đảo như vậy là khó khăn hơn. Tại vì người ngoài đảo chỉ mong được vào đất liền cho dễ thở."

Chính sách hà khắc với người vượt biển

Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012.
Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. (DIAC PHOTO)

Hiện tại Việt BP không thể cung cấp con số cụ thể những người Việt đang sống trong các trại tị nạn tại Úc vì từ năm ngoái chính phủ Úc đã ngừng cung cấp các con số thống kê cụ thể. Nhưng theo ước tính của Việt BP hiện vẫn còn khoảng vài trăm người Việt trong các trại khắp nước Úc, sau khi có vài chục người phải hồi hương về nước vào năm ngoái.

Theo luật sư Phạm Việt Dũng, chính sách của Úc với người tị nạn vượt biển đang trở nên khó khăn hơn, ông nói:

"Nếu đứng trên vấn đề luật pháp mà nói thì những người tị nạn Việt Nam đang bị giam cầm đều đủ điều kiện để xin tị nạn. Tuy nhiên chính phủ Úc có những chính sách ví dụ như giam cầm lâu năm kể cả phụ nữ và trẻ em, kể cả thanh lọc trước khi được nộp đơn xin tị nạn hoặc cắt ngân sách cho các cơ quan cũng như các chương trình trợ giúp cho người tị nạn. Điều tệ hại nhất là giới hạn số visa cho người xin tị nạn. tất cả những điểm đó gây những khó khăn, sự chờ đợi quá lâu đối với những thuyền nhân Việt Nam nói riêng cũng như những người xin tị nạn ở Úc nói chung."

Con số hàng ngàn thuyền nhân tìm đường đến Úc trong các năm qua đã khiến chính phủ Úc phải đưa ra một loạt các biện pháp để hạn chế làn sóng thuyền nhân này. Tháng 7 năm ngoái, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd quyết định bất kỳ thuyền nhân nào đến nước này để xin tị nạn kể từ sau ngày 19 tháng 7 năm 2013 sẽ không được tiếp nhận tại Úc nữa. Những người được nhận được quy chế tị nạn cũng không được ở lại Úc mà phải sang nước thứ ba như đảo quốc nghèo nàn lạc hậu Papua New Guinea ngoài khơi Thái Bình Dương.

Sau khi lên nắm chính quyền vào năm ngoái, Thủ tướng Úc đương nhiệm Tony Abbott lại tiếp tục chính sách hà khắc và cho phép hải quân Úc đuổi các tàu của người tị nạn trở lại Indonesia vốn là nơi bắt đầu của các chuyến hành trình của những người tị nạn ở khắp nơi muốn đến Úc.

Không những siết chặt chính sách nhập cư với người vượt biển, chính phủ Úc còn đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ với người đang bị giam giữ trong các trại.

Hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ Úc cho biết những người vượt biển tìm quy chế tị nạn phải ký bản cam kết về hành xử khi tới Úc với visa tạm thời. Bản cam kết quy định những người tìm quy chế tị nạn sẽ bị trả về nơi họ đi nếu họ gây khó khăn cho người khác hoặc có các hành vi không hòa đồng, cách ly người khác.

Điều kiện giam cầm khó khăn cũng gây ảnh hưởng lên sức khỏe của người tị nạn. Luật sư Phạm Việt Dũng cho biết:

"Nguy hiểm nhất mà chúng tôi thấy vừa qua là có một số đồng bào đang bị ảnh hưởng tâm thần và tôi có một số tường trình của các chuyên gia về tâm lý học về những người Việt đang bị ảnh hưởng trầm trọng về tinh thần do sự giam cầm."

Mới đây nhất vào ngày 17 tháng 2, một vụ nổ súng đã xảy ra ở trại Manus ở Papua New Guinea, nơi giam giữ khoảng 1,300 người tị nạn chủ yếu từ Trung Đông và châu Phi, khiến 1 người thiệt mạng và 77 người khác bị thương. Hiện vẫn chưa có thông tin xác định liệu trong số người bị thương có người Việt nào hay không.

Hy vọng trong thời gian tới

Mặc dù tình hình những người tị nạn vượt biển đến Úc vẫn còn nhiều khó khăn, luật sư Phạm Việt Dũng lại nhìn nhận lạc quan về một luồng gió mới cho những người Việt hiện đang bị giam giữ trong các trại tị nạn khắp Úc:

"Chúng ta thấy trong những tháng vừa qua nhóm chúng tôi thấy có luồng gió mới cho những người tị nạn. Chính sách mới của Úc đang bị chỉ trích bởi cao ủy tị nạn, bởi Amnesty International nó gây ra sự căng thẳng trong bang giao giữa úc với người dân và các nước láng giềng. Các cơ quan truyền thông bây giờ cũng đã lưu ý đến vấn đề này. Trong cộng đồng công giáo tại Úc, các giám mục công giáo người Úc đã bắt đầu lên tiếng về vấn đề này. Vừa qua đã có một giám mục của giáo phận Darwin đã đến trại Chrismas Island để thăm viếng thuyền nhân Việt Nam và làm lễ. Thì tôi thấy có những cái chuyển biến mới."

Mặt khác, chính sách mới của chính phủ Úc cũng không giúp giải quyết được vấn đề làn sóng thuyền nhân tới Úc. Vì vậy người đại diện Việt BP hy vọng sẽ có những thay đổi có lợi hơn cho những người tị nạn tới Úc nói chung và người Việt nói riêng vào sau kỳ bầu cử liên bang Úc vào năm 2016. Tuy nhiên, luật sư Phạm Việt Dũng cũng nhìn nhận con đường tiến tới đích là quy chế tị nạn cho những người Việt tại Úc vẫn còn rất dài. Vì vậy ông khuyên mọi người nên kiên nhẫn và tuân thủ pháp luật để liên minh Việt BP có thể tiếp tục tranh đấu cho quyền lợi của họ.