LS Trần Đình Triển nói về vụ kiện ông Tô Huy Rứa

Sau vụ ông Nguyễn Trường Tô mua dâm tại Hà Giang được đưa ra ánh sáng, ông Tô Huy Rứa đã gọi điện thoại cho các tổng biên tập cũng như một số cơ quan báo chí yêu cầu ngưng đưa tin về vụ này.

0:00 / 0:00

Trước hành động sai trái của ông Tô Huy Rứa - là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương - văn phòng Luật sư Vì Dân của luật sư Trần Đình Triển đã chính thức gửi thư yêu cầu ông Tô Huy Rứa làm sáng tỏ, nếu không thì văn Phòng sẽ chính thức khởi kiện ông theo pháp luật hiện hành. Để tìm hiểu thêm vấn đề này, Mặc Lâm có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Triển.

Lời nói thay văn bản

Mặc Lâm: Thưa luật sư, trước tiên xin được cảm ơn ông về thời gian ông đã dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay. Xin ông cho biết văn phòng Luật sư Vì Dân, do ông đại diện, đã có những hành động gì trước việc ông Tô Huy Rứa ra lệnh cho một số tổng biên tập cũng như một số tờ báo ngưng việc đưa tin về nhân vật Nguyễn Trường Tô, thưa ông?

LS Trần Đình Triển: Trước hết là tôi đã có một văn bản chính thức và tôi gửi trực tiếp cho ông Tô Huy Rứa, và gửi cho một số các cơ quan có thẩm quyền có liên quan, để xem xét lại việc vừa qua một số báo chí cho biết rằng ông Tô Huy Rứa, với tư cách Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, đã mời một số cơ quan chủ quản và tổng biên tập một số báo để đưa ý kiến là không được đưa thông tin về việc ông Nguyễn Trường Tô.

Mặc Lâm: Thưa, thông qua những sự việc mà luật sư vừa mô tả thì liệu đã đủ cơ sở pháp lý để chứng tỏ rằng ông Tô Huy Rứa có hành động phạm pháp hay không?

LS Trần Đình Triển: Tôi cho rằng đây là một việc làm không đúng pháp luật. Trước hết, với tư cách của ông Tô Huy Rứa là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, và bản thân ông Tô Huy Rứa đã có thời gian làm hiệu trưởng Trường Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, tức về mặt lý luận nó phải gắn liền với thực tiễn, nói phải đi đôi với việc làm, pháp luật phải thể hiện được trên thực tế, đường lối của Đảng phải thể hiện được một cách công minh, đàng hoàng, chính trực thì mới được lòng dân.

Mặc Lâm: Thưa luật sư, dù sao thì mọi người cũng biết rằng bao nhiêu năm nay Bộ Chính trị vẫn thường dùng quyền lực tối cao của mình để ra lệnh cho báo chí, vì thật ra báo chí chỉ là công cụ của Đảng, như vậy tại sao lần này ông lại cho rằng ông Tô Huy Rứa là sai, là phạm pháp ?

Đảng lãnh đạo chứ Đảng không bao giờ làm thay cho cơ quan hành chính. Ban tuyên giáo phải có ý kiến với Bộ Thông tin Truyền thông để Bộ Thông tin Truyền thông có ý kiến bằng văn bản, chứ không thể bằng lời nói được.

LS. Trần Đình Triển

LS Trần Đình Triển: Tôi đặt ra một vấn đề là gì? Tại sao nó sai? Sai thứ nhất là về mặt đường lối của Đảng CSVN. Đảng lãnh đạo chứ Đảng không bao giờ làm thay cho cơ quan hành chính, thế nhưng nếu như có việc gì đó về mặt chủ trương không cần phải được đăng thì cơ quan đảng là Ban tuyên giáo phải có ý kiến với Bộ Thông tin Truyền thông để Bộ Thông tin Truyền thông có ý kiến bằng văn bản, chứ không thể bằng lời nói được. Bằng lời nói thì chỉ mang tính cách cá nhân mà thôi.

Cái thứ hai nữa, vì Hiến Pháp nước CHXHCNVN là tự do ngôn luận, Luật báo chí VN cũng tự do đưa thông tin, trừ những sự việc liên quan đến bí mật quốc gia thì không đưa thông tin. Trường hợp ông Nguyễn Trường Tô không thuộc bí mật quốc gia thì không có lý gì lại phải ngăn cấm. Cái nữa là căn cứ vào quá khứ, khi sự việc này đã xảy ra từ năm 2009 thì thông tin báo chí đưa lên cũng chính Ban tuyên giáo Trung ương cũng ngăn cấm báo chí không đưa tin. Chính vì vậy mà nằm trong một cái hộp kín, họ vi phạm tố tụng, họ bỏ lọt tội phạm, và không được đưa lên thông tin, họ muốn làm gì thì làm.

Do đó khi sự việc được đưa ra ánh sáng, đang được lòng dân, tôi muốn dùng cái từ là lòng dân đang háo hức chờ đón, và tôi muốn nói rằng như ngày hôm qua tôi vừa ở trên Hà Giang tất cả lòng dân đang hồ hởi, đang phấn khởi để làm một sự việc để rửa sạch cái bộ máy mà một số cán bộ hư đốn như vậy, để lập lại trật tự, đưa lại uy tín của nhà nước và của Đảng, của nhân dân, thì tự nhiên bị dội một đống nước vào dập tắt ngọn lửa háo hức đang lên đó của người dân, thì tôi cho rằng đó là điều làm trái đường lối của Đảng, làm trái với Hiến Pháp, làm trái với pháp luật, vì vậy mà tôi phải có ý kiến.

Sự ngăn cấm đó nó tạo cho sự việc mà đóng khung, mà tôi cho một vấn đề nữa là gì? Ở đây không phải chỉ có trường hợp của ông Nguyễn Trường Tô, mà theo thông tin tôi biết là dư luận của người dân nó tạo nên một phản ứng dây chuyền. Không phải một mình ông Nguyễn Trường Tô hư đốn về phẩm chất mà còn những kẻ khác nữa. Cái thứ hai, xung quanh sự việc này thì cũng đã xuất hiện một số cháu trong trường hợp này gia đình bị khống chế, không được khai.

Ngược trở lại, cháu Thúy, cháu Hằng trước đây bị khống chế trong trại là không được mời luật sư thì bây giờ cũng lại tiếp tục như vậy nữa. Tôi thấy rằng, với tư cách là một công dân sống hết mình vì tổ quốc, vì nhân dân, tôi vô cùng buồn và rất là đau khổ. Vì vậy trước tiếng nói của người dân và mong muốn được điều đó tôi đã chính thức làm văn bản đó, và tôi cũng nói luôn là nếu có sự việc đó và tôi đang chờ ông Tô Huy Rứa trả lời. Nếu không trả lời tôi sẽ là người khởi kiện ông Tô Huy Rứa trước pháp luật.

Có điều gì bất thường?

ong-to-huy-rua.jpg
Ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN. photo courtesy of chinhphu.vn (Ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN. photo courtesy of chinhphu.vn)

Mặc Lâm: Thưa luật sư, đối với bản báo cáo mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố tổng hợp các cáo trạng của ông Nguyễn Trường Tô thì liệu việc làm của ông Tô Huy Rứa có được xem là chống lại tập thể cao nhất của Bộ Chính trị hay không?

LS Trần Đình Triển: Đó là một điều rất lạ. Trước hết là về mặt địa vị của người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong điều lệ đảng thì rất là lớn, bởi vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn mang tính chất ủy ban, tính chất tập thể nữa. Ngoài trưởng ban, các phó trưởng ban và các ủy viên thì đây là một tổ chức mang tính tập thể, làm việc hết sức thận trọng và chu đáo. Tôi biết chính xác như vậy.

Tất nhiên là những sự việc mà bản thân Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra thì cái đó đã phải nghiên cứu, cũng đã điều tra, cân nhắc cụ thể thì ủy ban mới công bố. Nhưng sự việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới công bố trên báo Nhân Dân, trên Đài Truyền hình Việt Nam, là hai tổ chức truyền thông lớn, mà không hiểu lý do gì sau đó lại được cá thể hóa một vài ba trường hợp, như trường hợp ông Nguyễn Trường Tô, với ông Tô Huy Rứa gọi điện các nơi cấm không được đưa thông tin.

Đây là một dấu hỏi đặt ra rất lạ, ngay trong tổ chức, đó là Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi thông báo đó đã được thông báo, lại quay trở lại của cùng một tổ chức của Đảng là Ban tuyên giáo Trung ương lại khuyến cáo các tổ chức khác là không được đưa thông tin gì thêm về ông Nguyễn Trường Tô. Đây là một việc mà tôi thấy rằng nó bất bình thường.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới công bố trên báo Nhân Dân, trên Đài Truyền hình Việt Nam, lại quay trở lại khuyến cáo các tổ chức khác là không được đưa thông tin gì thêm về ông Nguyễn Trường Tô. Đây là một việc bất bình thường.

LS. Trần Đình Triển

Mặc Lâm: Trong trường hợp ông Tô Huy Rứa vẫn im lặng thì bước kế tiếp luật sư sẽ hành động như thế nào, thưa ông?

LS Trần Đình Triển: Trước hết, trong văn bản của tôi thì tôi sẽ căn cứ vào Hiến Pháp, tôi căn cứ vào Luật Báo chí, căn cứ vào Luật Luật sư, căn cứ vào Bộ Luật Hình Sự, của Luật Tố tụng Hình sự và tôi sẽ khởi kiện.

Mặc Lâm: Thưa luật sư, ông có tin rằng tòa án sẽ thụ lý hồ sơ khởi kiện của ông hay không, vì trước đây thì Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng đã từng khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng không thành công.

LS Trần Đình Triển: Tôi biết là khởi kiện để chúng ta có một cái để trở thành một thói quen. Ở Việt Nam chưa có tòa án hiến pháp và cũng chưa có một định chế rõ ràng cho việc khởi kiện của luật sư, đối với trường hợp như vậy thì tôi cho rằng cũng có khả năng là tòa án bác bỏ đơn khởi kiện đó. Đây tôi cũng đoán trước được là bởi vì Việt Nam đang như vậy. Thế nhưng tôi cho rằng dù bác hay thụ lý thì đấy cũng là một tín hiệu để cho Việt Nam chúng ta phải hội nhập và không có vùng cấm nào cả.

Mặc Lâm: Luật sư có nghĩ rằng sau khi văn bản của ông gửi đi thì báo chí sẽ có niềm tin hơn trong việc mạnh dạn đưa tin hay điều tra thêm về cá nhân của ông Nguyễn Trường Tô, bất kể sự răn đe của ông Tô Huy Rứa hay không, thưa luật sư?

LS Trần Đình Triển: Thực sự ra mà nói những vấn đề khác thì báo chí có thể đưa lên, còn trường hợp này trong văn bản của tôi, với tư cách của ông Tô Huy Rứa, tức là địa vị của ông rất là lớn, mà đã liên quan trực tiếp tới báo chí, do đó tôi tin rằng báo chí không dám đưa tin và tôi thông cảm điều đó.
Trước hết là với một tổng biên tập hay phó tổng biên tập một tờ báo thì bản thân họ phải nghĩ đến sự tồn tại của tờ báo đó, phải nghĩ đến các phóng viên, các nhân viên ở đó, và bản thân họ cũng phải nghĩ đến vợ con họ. Do đó cái việc để họ đưa công khai văn bản của tôi ra, rồi tiếp tục, thậm chí họ có thể mạnh dạn tiếp tục đưa thông tin về vụ ông Nguyễn Trường Tô, thì tôi tin chắc rằng là không dám.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Luật sư Trần Đình Triển đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự: