Từ nhiều năm qua, người dân oan các tỉnh miền Nam đổ về Hà Nội để khiếu nại đất đai bị chính quyền địa phương trưng thu mà không bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng đã trở nên bình thường, đến nỗi không ai chú ý sự có mặt của họ, những người nông dân nghèo khổ không có nổi tiền đi xe để trở về nhà sau mỗi lần nộp đơn khiếu kiện.
Văn hóa “mày tao”
Văn phòng thanh tra chính phủ, văn phòng tiếp dân, văn phòng Quốc hội hay những cơ quan có vẻ như có trách nhiệm đối với oan sai của người dân đều được dân oan cả nước tìm về. Họ không trông mong sẽ được giải quyết ngay lập tức nhưng sự hy vọng hồ sơ sẽ đựơc mở ra khiến nhiều người bán cả nhà cửa, vật dụng trong nhà để đi tìm công lý.
Hai ngày 29 và 30 vừa qua, người dân oan của nhiều tỉnh thành một lần nữa lại đổ về Hà Nội. Họ không tập trung một chỗ mà phân tán ra nộp đơn đến nhiều cơ quan nhà nước trong đó có văn phòng tiếp dân tại đường Ngô Thì Nhiệm. Sự tập trung của người dân được nhà nước luôn quan tâm không phải vì nguyện vọng của họ mà vì lý do ổn định chính trị. Không ít trường hợp người dân oan bị đàn áp nhưng cảnh tượng chửi bới của người thi hành phận sự đối với người dân ít xảy ra nhưng không phải là hiếm, Bà Lê Hiền Đức kẻ lại chuyện một dân oan bị đàn áp chửi mắng lần này:
Hôm nay có rất nhiều tỉnh có mặt thứ nhất là Nam Định, thứ hai là An Giang rồi Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang…dân các tỉnh đông lắm. Sáng hôm nay vừa bước xuống xe tôi chứng kiến một người dân phòng, không phải công an, dân phòng là lưc lượng làm thuê, làm hợp đồng với công an, nó bẻ tay một bà, cái bà này người dân miền Nam ra. Nó giằng co với bà ấy và nó gọi bà ấy bằng “mày”! Tôi tức quá và vừa xuống xe chưa kịp chào hỏi bà con thì tôi đã nhảy vào can thiệp việc này.
Tận cùng chịu đựng
Mỗi lần về Hà nội nộp đơn khiếu nại thì người dân các tỉnh miền Nam lại một lần mất đi chút tài sản hiếm hoi trong nhà. Họ chấp nhận cuộc sống trôi dạt như người vô công rỗi nghề mặc dù xuất thân là nông dân đã quen thuộc với nắng gió ruộng đồng. Chị Quang, một dân oan Tiền Giang kể lại việc chị chờ đại biểu quốc hội trong ngày hôm nay để nộp đơn như đã từng làm hàng chục năm qua, chị nói:
Hồi sáng đi ra ngoài công viên Mai Văn Thuởng, tụi tôi mặc áo đen đứng để đón Quốc Hội, công an nó theo quá chừng nó theo dân mặc áo đen, bởi vì ở đây có dân oan áo đỏ thì cái áo đen quá hay! Công an quan tâm dữ dằn lắm. Tôi đợi chừng nào Quốc hội họp xong rồi mới về. Bây giờ mà về trong đó thì cũng không làm gì được mà ra đây thấy cũng không làm gì đựơc nữa…nó đã ăn rồi thì không bao giờ nó nhả đâu. Không bao giờ thấy tương lai của dân oan, chết chứ không sống nổi đâu!
Gần với Hà Nội hơn nhưng không phải dễ dàng đối với người dân oan Nam Định. Cũng thức khuya dậy sớm chờ tập trung với nhau kéo về Hà Nội tìm công lý khi tại tỉnh nhà đã không giải quyết mà còn có dấu hiện bao che cho cán bộ thi hành cưỡng chế. Chị Nhuận cho biết lý do phải lặn lội về Hà Nội:
Chúng tôi tên là Nhuận ở đoàn Nam Định. Về đất đai của bà con họ thu hồi mà không công khai thủ tục hành chính. Tiền của mình đáng lẽ được đựơc bồi thường nhiều, đáng 10 đồng nhưng họ chỉ trả 1 đồng, tất cả các khoản hỗ trợ họ đều cắt xén hết. Đã có đối thoại của tỉnh rồi nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa hỗ trợ họ chỉ cho một chút gọi là an sinh xã hội để yên dân nhưng dân vẫn chưa nhận, thế cho nên chúng tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại văn bản chấm dứt của tỉnh.
Kỳ họp quốc hội lần này báo chí đã theo dõi và trông mong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cán bộ cao cấp nhất. Không biết những tiêu chí đặt ra trong việc phục vụ nhân dân có tính tới khâu giải quyết khiếu kiện của dân hay không, nếu có chắc không ít người sẽ bị Quốc hội nêu tên vì đã để cho người dân khốn đốn trong một thời gian dài mà không ngó ngàng gì tới số phận và nguyện vọng của họ.