Người Việt hải ngoại với "Một ngày vì môi trường"

0:00 / 0:00

Kêu gọi “Một Ngày Vì Môi Trường” vào Chủ Nhật 7 tháng Tám mà Ban Công Lý Hòa Bình thuộc Giáo phận Vinh đưa ra không chỉ thu hút chú ý của nhiều người trong nước mà còn là tin đáng chú ý đối với người Việt hải ngoại.

Hồi chuông báo động

Một Ngày Vì Môi Trường là điều rất đáng khuyến khích, người Việt ở ngoài này nên hết lòng cỗ vũ cho Giáo phận Vinh nói riêng bằng khả năng có thể của mình, là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh Lan, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam ở Houston, Texas:

Để giải quyết vấn đề môi trường thì không chỉ phía chính quyền mà phải cả phía người dân để có thể cùng nhau xây dựng môi trường xanh đẹp hơn, sạch sẽ hơn. Việc tổ chức một ngày vì môi trường làm tăng thêm sự hiểu biết để người dân tích cực hơn trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh chung quanh.

Nhưng một ngày thì e rằng không đủ, chúng ta cần những chương trình dài hạn và liên tục do chính tất cả những tổ chức xã hội dân sự trong nước cùng nhau hợp tác để vận động thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên đó là bước đầu rất tốt để có thể thực hiện những bước kế tiếp.

Một ngày cho môi trường để thức tỉnh là đại họa đã đến rồi. Phát động ngày cho môi trường không phải một ngày mà phải đều đều. <br/> - Nhà thơ Đỗ Bình, Pháp

Một Ngày Vì Môi Trường mà Giáo phận Vinh khởi xướng Chúa Nhật này là khởi đầu của những bước sinh hoạt có qui củ và có ý thức. Bà Trần Thị Lai Hồng, từng phụ trách Bản Tin Cuối Ngày ờ ở Đài Phát Thanh Sài Gòn trước 1975, góp ý như vậy:

Tôi theo dõi tin Việt Nam rất kỹ và biết Giáo phận Vinh có những sinh hoạt rất chính đáng. Trong giai đoạn này không chỉ riêng vùng Hà Tĩnh mà cả nước phải noi theo, tại vì khi tổ chức biểu tình hay bất cứ cái gì thì phải có qui cũ. Tôi thấy trước đây ở Giáo phận Vinh có tổ chức mấy lần rồi, thấy hầu hết giới trẻ tham gia rất nhiều. Tôi nghĩ nên vận động giới trẻ tham gia nhiều hơn nữa. Tôi thấy những nơi khác chửi bới hơi nhiều, mình không cần phải chửi bới như vậy, nghĩa là rất nghiêm trang, rất qui cũ, rất trật tự. Biểu dương như vậy rất có hiệu quả.

Từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Tôn Vân Anh nói rằng “Một Ngày Vì Môi Trường tại giáo phận Vinh là một hình thức thể hiện dân chủ:

Hiện nay theo tôi thấy là trong nước đang thủ nghiệm tất cả những phuong pháp lành mạnh, bất bạo động và đáng khuyến khích. Người dân đã dần ý thức về tầm quan trọng về môi trường mà trong trường hợp này chất lượng môi trường chúng ta đang sống.

Điều tôi nghĩ người Việt trong nước cần nhất ở người Việt hải ngoại là sự ủng hộ, ít nhất về mặt tinh thần. Khi mà lên tiếng thì người dân trong nước phải vượt qua rất nhiều cản trở, người dân trong nước cần biết người Việt ở nước ngoài rất quan tâm và đánh giá cao những nỗ lực đó. Nếu mà có thể và trong khả năng của mình, những cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều có thể quảng bá tiếng nói của người Việt trong nước ra cộng đồng quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Phúc, cư dân Hambourg, Đức quốc, cho rằng Một Ngày Vì Môi Trường, được Giáo phận Vinh phát động, là tiếng chuông báo động môi trường Việt Nam đang lâm nguy:

Hành động như vậy là thức tỉnh những người chưa có ý thức về môi trường xấu của Việt Nam. Đối với người Việt ở Hambourg thì trước đây một tuần Hội Người Việt đã làm một buổi thông tin đến người dân địa phuong, qua đó thể hiện tinh thần đấu tranh của người dân ở quốc nội. Tôi nghĩ người dân hải ngoại mỗi người một việc, làm được gì để thể hiện ý chí đấu tranh của mình thì càng tốt, mình tiếp sức thêm tinh thần đòi hỏi môi trường sạch, phản đối Formosa gây xấu cho môi trường Việt Nam.

Thà muộn còn hơn không

Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa hôm 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa hôm 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo (Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa hôm 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo)

Nhà thơ Đỗ Bình, đang sống tại Paris, Pháp, hoàn toàn tán đồng lời đề xướng Một Ngày Vì Môi Trường của các vị chủ chăn ở Giáo phận Vinh vì nếu không cứu vãn kịp thời thì thế hệ sau lãnh đủ hết hậu quả không do họ gây ra. Vẫn theo lời ông, trong lúc trách nhiệm của người hải ngoại là vận động dư luận thì trách nhiệm của người trong nước có phần nặng nề hơn:

Một ngày cho môi trường để thức tỉnh là đại họa đã đến rồi. Phát động ngày cho môi trường không phải một ngày mà phải đều đều. Để cho đất nước sạch ô nhiễm thì phải chấn chỉnh lại tất cả, phải thay đổi cái tư duy cái não trạng, phải cùng nói cho nhau nghe rằng người dân phải tự quyết định lấy cái vận mạng của mình.

Rời Paris nước Pháp sang thủ đô Vienna nước Áo, ông Trần Ngọc Thành, đại diện Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, tổ chức đang kết nối giúp đỡ nạn nhân ô nhiễm môi trường Vũng Áng, ca ngợi Một Ngày Vì Môi Trường tại Giáo Phận Vinh Chúa Nhật tới đây:

Phối hợp bảo vệ môi trường, một hình thức mới từ thông điệp mà Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đưa ra, thì rất đúng lúc. Bản thân nhà cầm quyền không có một lý do gì để ngăn cản cả. Một hành động rất đúng, rất đáng trân trọng mà chúng ta, mỗi người chúng ta ở bên ngoài rất ủng hộ vì khi nào môi trường sạch thì xã hội sạch, môi trường bẩn thì xã hội bị bẩn theo.

Sau cùng, một người Việt ở Ukraina, chị Hường, cho rằng người ở ngoài góp tiếng ủng hộ phong trào bảo vệ môi trường trong nước là điều đáng làm:

Chuyện đáng lẽ phải làm từ lâu rồi, vấn đề là phải tạo nên được áp lực nào đó cho chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương ở Hà Nội để mà dẫn tới kết quả cụ thể và hữu hiệu hơn.<br/> - Anh Kiều Tiến Dũng, Australia

Bọn mình nghĩ là tốt, nếu mà tuyên truyền tốt thì người học tập làm việc ở nước ngoài tất nhiên ủng hộ thôi, đông đảo chứ không ít đâu. Bây giờ chịu ảnh hưởng nhất chính là bà con mình chứ ai. Quê hương mình quặng bô xít cũng khai thác bừa bãi rồi vụ cá chết rồi bao nhiêu thứ, cây xanh tự dung chặt hết xong đi mua cây Trung Quốc. Nói chung là đứng về phía dân thì mình cũng nên làm để nhà nước hay là ý thức của dân cũng nâng cao cảnh giác hơn.

Anh Kiều Tiến Dũng, một người hoạt động trong lãnh vực báo chí truyền thông ở Melbourne, Australia, nói rằng người Việt nước ngoài không thể giữ thái độ bàng quan mà phải có hành động thiết thực nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường như Giáo phận Vinh đã và đang thực hiện:

Thực sự thì chuyện đáng lẽ phải làm từ lâu rồi, vấn đề là phải tạo nên được áp lực nào đó cho chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương ở Hà Nội để mà dẫn tới kết quả cụ thể và hữu hiệu hơn.

Nếu mà mình cứ giữ thái độ bàng quan, nếu mình không lên tiếng thì cũng sẽ không có ai lên tiếng cho mình, mình trở nên thụ động nếu không muốn nói là hèn nhát và vô trách nhiệm. Nếu ai cũng im lặng trước những khó khăn như vậy thì vấn đề sẽ tiếp tục mãi, như vậy thì tinh thần trách nhiệm của người dân ở đâu?

Đó là những suy nghĩ của một số người Việt năm châu trước lời mời gọi Một Ngày Vì Môi Trường do Ban Công Lý Và Hòa Bình từ Giáo Phận Vinh phát động ngày Chúa Nhật 7 tháng Tám này.

Tưởng cần nhắc đây không phải lần đầu tiên một sinh hoạt tương tự được các vị chủ chăn Công giáo đề xuất. Trước đó, Tổng Giáo Phận Sài Gòn cũng từng có kêu gọi giáo dân tham gia công tác bảo vệ môi trường như là một trong những bổn phận của người có niềm tin Ki tô giáo.