Nạn nhân là anh Hồ Văn Văn, được Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại VietCom đưa đi lao động tại Malaysia kể từ tháng 7/2010. Phía địa phương và gia đình đã làm việc với công ty Vietcom một lần và cho rằng có nhiều điểm không rõ ràng trong cái chết của anh Hồ Văn Văn.
Công ty Vietcom trả lời thế nào về việc này?
Mời quý vị nghe ông Phạm Hoài Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietcom, trình bày vụ việc qua cuộc nói chuyện với Khánh An sau đây:
Trốn ra ngoài biết đâu mà tìm
Ông Phạm Hoài Minh: Sự việc lao động công ty Việt Nam đưa đi thì cái này theo chủ trương nhà nước, làm tất cả các thủ tục sang.
Lao động Hồ Văn Văn ở Đakrông, Quảng Trị, xuất cảnh vào ngày 28/10/2010, vào nhà máy làm cũng tương đối ổn định, thu nhập tốt, nhưng nó lại theo bạn bè, mùng 8/6/2011, thì trốn ra ngoài. Công ty cũng đã báo về địa phương cũng như các cơ quan hữu quan để biết là cậu này đã trốn ra ngoài, để cùng với công ty vận động người lao động trở lại nhà máy hoặc ra trình diện trước cảnh sát Malaysia để về nước.
Mình làm tất cả những động thái đấy rồi, thế nhưng tháng 10 thì nhận được tin là cậu này từ Johor lên Kuala Lumpur của Malaysia cùng một số bạn bè làm ở một nhà hàng, đi rửa bát, có nghĩa là lao động bất hợp pháp, tức là đang từ trong quản lý của công ty, dưới sự giám sát của nhà máy và của công ty môi giới ở Mã, thế thì đã vượt ra ngoài rồi thì cũng giống như cá ở biển khơi, không thể biết nó ở đâu cả.
... tức là đang từ trong quản lý của công ty, dưới sự giám sát của nhà máy và của công ty môi giới ở Mã, thế thì đã vượt ra ngoài rồi thì cũng giống như cá ở biển khơi, không thể biết nó ở đâu cả.
Ô. Phạm Hoài Minh<br/>
Khi phát hiện ra, trong số bạn bè nó cũng có một số đứa cùng ra thì có điện về báo cho công ty và gia đình là nó đang ở nhà hàng, thì lần đầu tiên, cái này không có chứng cứ, cậu này ra làm thì cũng ngoan, nhưng một khi uống rượu vào thì lại tỏ ra chán đời và muốn chết. Nó đã thắt cổ một lần rồi nhưng bạn bè phát hiện được và hô hấp nhân tạo nên nó đã sống lại bình thường.
Hai ba ngày đi làm thì nó lại uống rượu. Lúc bấy giờ nó không thắt cổ nữa mà ngay trong nhà hàng, tự hắn lấy một con dao nhọn đâm thẳng vào bụng về phía tim. Thế thì số anh em đó đã đưa nó vào bệnh viện của thủ đô Mã Lai cấp cứu và chúng nó đưa tin đấy về cho công ty. Công ty đã cử môi giới và người đại diện sang để chăm sóc cũng như thanh toán tiền viện phí.
Chúng tôi đã có kế hoạch là khi phục hồi sức khỏe, nếu bác sĩ xác định trường hợp đó đủ sức khỏe để lên máy bay thì chúng tôi sẽ cùng phối hợp với cảnh sát của Mã Lai đưa về Việt Nam. Thế nhưng chưa kịp phục hồi sức khỏe bình thường thì vào khoảng 4:30 sáng 23/10, theo lời báo của bệnh viện thì khoảng hơn 5 giờ, họ phát hiện cậu này đã xé drap giường bệnh viện và thắt cổ tự tử. Lần này thì chết chứ không cứu được nữa.
Nghe được tin ấy thì chúng tôi đã sang để phối hợp giải quyết, đồng thời mời gia đình ra. Gia đình lại không ra mà lại có một ông đại diện và một ông nữa nhân danh là đại diện của địa phương ra, các ông ấy không hợp tác chặt chẽ với công ty. Các ông ấy bỏ đi chơi. Sau đó, các ông ấy về. Chúng tôi đang điện về địa phương để mời thân nhân là chính bố của ông Hồ Văn Văn ra để cùng phối hợp với công ty giải quyết. Cái gì thuộc pháp luật thì sẽ giải quyết theo pháp luật, còn cái gì thuộc nhân đạo, hỗ trợ thì chúng tôi sẽ làm hết mình. Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ sự việc với các cơ quan tổ chức và sự việc không có gì hơn cả.
Khánh An: Phía gia đình nói rằng việc anh Hồ Văn Văn bỏ ra ngoài, vi phạm hợp đồng lao động, tự tử hay bất cứ chuyện gì mà phía công ty cung cấp thì họ đều không được nhìn thấy những biên bản, bằng chứng, tài liệu chứng minh?
Ông Phạm Hoài Minh: Hồ Văn Văn mất hôm 23 thì tối 25, hai ông đại diện ra. Nếu nói thực chất về mặt pháp lý là chưa đủ yếu tố cấu thành là gia đình ông Hồ Văn Văn vì không có giấy ủy quyền của ông bố của Hồ Văn Văn cho ai cả, mà chỉ có một giấy giới thiệu của xã thôi. Thế nhưng chúng tôi vẫn làm việc rất thiện chí vì nói chung người Á Đông hay bên Tây cũng thế thôi, "nghĩa tử là nghĩa tận", mình cũng hết mình thôi nhưng những người ra thì lúc bấy giờ mới là ngày 25, 26, buổi sáng đó bên Malaysia họ chưa gửi giấy chứng tử về. Sau đó thì các vị ấy lại không ở công ty mà đi một việc khác. Bên kia gửi về thì chúng tôi đã báo cáo với tất cả cơ quan quản lý, đã dịch thuật sang tiếng Việt và bản gốc của giấy chứng tử, nguyên nhân của cái chết, từ bệnh viện của Mã Lai thì đã có đầy đủ chứng cứ rồi.
Khánh An: Được biết là phía gia đình có yêu cầu có thể không đem xác của anh Hồ Văn Văn về nhưng thay vì dùng số tiền ấy thì sẽ để hỗ trợ cho gia đình?
Ông Phạm Hoài Minh: Chuyện họ yêu cầu hỗ trợ thì công ty cũng sẽ hỗ trợ, nhưng cái này còn tùy thuộc vào, ví dụ về pháp luật, công ty nợ 1 đồng thì cũng phải trả, bao nhiêu cũng phải trả, còn hỗ trợ thì tùy thuộc vào tài chính mà công ty có được. Tất nhiên là sẽ có hỗ trợ, nhưng không thể hỗ trợ theo yêu cầu chủ quan của bên phía gia đình người lao động được. Mà lòng người thì có khi cái đấy đáng là 5, nhưng đưa cho họ 10 thì cũng chưa chắc họ đã thỏa mãn được nguyện vọng. Chính vì vậy, cuộc họp tới đây giữa công ty và gia đình thì chúng tôi sẽ có thống nhất ký kết bằng văn bản và có xác nhận.
Cũng như anh Hồ Văn Văn, khi xảy ra sự việc, nằm ở đấy rồi thì mới biết được chứ còn nó đang khỏe khoắn, đang làm, chẳng liên lạc gì với mình, đang trốn thì làm sao mình đi tìm được nó?
Ô. Phạm Hoài Minh
Khánh An: Một trường hợp khác mà cũng do công ty Vietcom đưa đi thì cũng bị mất tích hoặc chết, không biết ông có thể xác minh sự việc này?
Ông Phạm Hoài Minh: Chuyện này thì đơn giản thế này, lao động trốn ra ngoài, chúng tôi cũng đã báo về địa phương. Đã ra ngoài thì đương nhiên người đó không có giấy tùy thân mang theo. Bây giờ không thể gọi là mất tích được vì mất tích có luật của mất tích. Còn đây là trốn ra ngoài thì là người lưu vong, đôi khi nó sử dụng sim điện thoại này, số điện thoại này, mai nó dùng số điện thoại khác. Thế thì ví dụ hôm trước người nhà có thể liên hệ với số đấy được thì bảo nó còn, nhưng hôm sau nghe thấy tò tí te, không liên hệ được thì bảo mất tích. Theo tôi thì quan điểm như thế nào là lưu vong, như thế nào là mất tích thì nó có luật của nó, chứ không thể gọi đấy là mất tích được vì trốn ra ngoài thì bây giờ cũng chưa xác định được nhân tính, định tính của lao động ấy như thế nào? Nó đang vi phạm, ra khỏi hợp đồng. Cũng như anh Hồ Văn Văn, khi xảy ra sự việc, nằm ở đấy rồi thì mới biết được chứ còn nó đang khỏe khoắn, đang làm, chẳng liên lạc gì với mình, đang trốn thì làm sao mình đi tìm được nó?
Khánh An: Vâng, cám ơn ông Phạm Hoài Minh đã dành cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn hôm nay.
Theo dòng thời sự:
- Lao động bất hợp pháp tại Malaysia có thể bị trả về nước
- Một công nhân Việt chết tại Malaysia
- Đời sống lao động Việt tại Mã Lai (Phần 1)
- Đời sống lao động Việt tại Mã Lai (Phần 2)
- Công nhân Việt ở Malaysia: Môi giới Mã xử tệ, môi giới Việt Nam bỏ mặc
- Malaysia: công xưởng cháy ba công nhân Việt Nam thiệt mạng
- Ký sự Mã Lai: nỗi khổ công nhân Việt Nam
- Chương trình ân xá lao động bất hợp pháp của Malaysia