Tối Thứ Năm, 16 Tháng Tư, rạp chiếu phim UltraLuxe Anaheim Cinemas ngay cạnh Disney Land ở miền Nam California lại một lần nữa trở nên tưng bừng, nhộn nhịp bởi sự có mặt của các đạo diễn, diễn viên, các nhà làm phim và đông đảo khán giả hâm mộ trong những trang phục đẹp mắt nhất để cùng tham dự khai mạc Việt Film Fest-Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế Lần 8.
Phim viễn tưởng đầu tiên
Cô Lê Đình Y Sa, đồng giám đốc đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế 2015 cho biết:
“Năm nay đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế bước vào năm thứ 8. Có rất nhiều thể loại phim, đặc biệt như có phim hài, lần đầu tiên có phim kinh dị, phim ma, phim tình cảm, cả phim viễn tưởng, như đêm nay khai mạc chiếu cuốn phim Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, tức phim có mang tính chất viễn tưởng, tức năm 2030 thì Nam Bộ sẽ như thế nào. Ngoài ra còn những thể loại khác như phim tài liệu, các phim ngắn. Nói chung các loại phim rất là đa dạng. Đó là điều ban tổ chức thấy rất là mừng.”
Trong lời khai mạc, cô Ysa phát biểu:
“Việt Film Fest vẫn là nơi kết nối các nhà đạo diễn, các nhà làm phim với khán giả cũng như đưa lên màn ảnh những câu chuyện Việt Nam, lịch sử Việt Nam, những câu chuyện Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có mặt ngày hôm nay để xem những tác phẩm này và để chiêm nghiệm cuộc sống qua các bộ phim của các đạo diễn ở nhiều nơi trên thế giới.”
Năm nay có tổng cộng 10 phim truyện và 21 phim ngắn được chọn để trình chiếu. Phim mở màn là Nước 2030, một bộ phim trinh thám viễn tưởng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Những bộ phim truyện tiếp theo thuộc đủ thể loại, từ phim kinh dị như Chung Cư Ma và Đoạt Hồn, phim hành động như Hương Ga, đến phim hài như Để Mai Tính 2.
Năm nay đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế bước vào năm thứ 8. Có rất nhiều thể loại phim, đặc biệt như có phim hài, lần đầu tiên có phim kinh dị, phim ma, phim tình cảm, cả phim viễn tưởng, như đêm nay khai mạc chiếu cuốn phim Nước 2030
Cô Lê Đình Y Sa
Kỷ niệm 40 năm biến cố 30 Tháng Tư, Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế sẽ cho trình chiếu phim Đất Khổ của năm 1973 dựa theo bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Phim này đặc biệt hơn nữa với sự tham gia của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một vai diễn chính.
Bộ phim từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, bao gồm giải Phim Hay Nhất tại Venice Film Festival, phim Đập Cánh Giữa Không Trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được chọn làm phim bế mạc đại hội.
Mùa Len Trâu và Nước 2030
Có mặt tại ngày khai mạc, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chia sẻ cảm xúc:
“Đây là dịp có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với tôi, vì đây là lần đầu tiên phim Nước 2030 được chiếu trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Việt Film Fest là một liên hoan phim đã hỗ trợ chúng tôi từ những ngày đầu tiên, từ phim ngắn đầu tiên của chúng tôi đã được chiếu ở Việt Film Fest. Sang phim Mùa Len Trâu, giờ là phim Nước 2030, đó là sự ưu ái mà Việt Film Fest đã dành cho tôi. Hơn nữa đây là nơi tôi sinh sống, có rất nhiều bạn bè và gia đình nên có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Có lẽ vì vậy mà tôi cũng hơi căng thẳng chút xíu.

Có sự liên hệ gì không khi mà Mùa Len Trâu cũng nói về nước và giờ là Nước 2030, anh có ý tưởng như thế nào khi chọn những chủ đề như vậy?
Ban đầu mình không cố tình, nhưng khi ngồi suy nghĩ lại thì thấy phim Mùa Lên Trâu, thông điệp, ẩn dụ về nước đã tiềm ẩn trong cuốn phim. Nước là một nhân vật trong phim, có thể nói như vậy, nó hiện hữu trong cả cuốn phim, nó là biểu tượng của sự sống và chết, cả 2, đó là hai yếu tố đối kháng nhưng không thể tách rời được, cũng từ suy nghĩ đó, 10 năm sau, chúng tôi làm cuốn phim mà nước cũng là yếu tố hết sức quan trọng, có thể nói cũng là 1 trong những nhân vật chính trong phim, với thời điểm 100 năm sau đó, thay vì thập niên 1930 như Mùa Len Trâu thì Nước trong bộ phim này đặt bối cảnh vào năm 2030. Trong bối cảnh mới, do sự thay đổi khí hậu toàn cầu, làm cho mực nước biển dân cao, nước rõ ràng là yếu tố không thể thiếu được trong sự sống nhưng mà cũng yếu tố hết sức đe dọa cho cuộc sống con người, nếu sự thay đổi khí hậu toàn cầu thực sự làm cho mặt nước biển dâng cao hơn như người ta vẫn thường nói.”
Nữ diễn viên chính trong phim Hương Ga Trương Ngọc Ánh, lần đầu tiên có mặt tại Việt Film Fest nhưng cũng tỏ ra rất tự tin với những gì mình mang đến trong lần đại hội này
Ban đầu mình không cố tình, nhưng khi ngồi suy nghĩ lại thì thấy phim Mùa Lên Trâu, thông điệp, ẩn dụ về nước đã tiềm ẩn trong cuốn phim. Nước là một nhân vật trong phim, có thể nói như vậy, nó hiện hữu trong cả cuốn phim, nó là biểu tượng của sự sống và chết, cả 2, đó là hai yếu tố đối kháng nhưng không thể tách rời được
Nguyễn Võ Nghiêm Minh
“Đây là lần đầu tiên Ngọc Ánh có mặt tại Việt Film Festival ở đây, tại vì năm nay Ngọc Ánh mang Hương Ga đến tham dự trong festival này. Trong năm 2014, Hương Ga cũng đã có rất nhiều thành công trong nước, và cũng được cộng đồng người Việt trên toàn thế giới yêu thích và muốn được coi Hương Ga, thì đây cũng là dịp để Ngọc Ánh được mang Hương Ga đến để cùng tham dự và hy vọng sẽ có cơ hội trình chiếu Hương Ga ở những tiểu bang khác.
Lần đầu đến Mỹ tham dự Việt Film Festival này, cảm giác của Ngọc Ánh như thế nào?
Ngọc Ánh nghĩ đây là một liên hoan phim thường niên, mà mọi người cũng rất trông chờ, vì mỗi năm làm phim thì mình cũng muốn tham dự những liên hoan phim để trình chiếu cho những người yêu phim được xem cũng như là giới chuyên môn và đồng nghiệp nữa. Đây là dịp hội tụ để chúng ta có thể trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi lẫn nhau và cùng nhau tiến tới để trong tương lai cùng nhau làm những bộ phim điện ảnh hay hơn nữa, lại tiếp tục tham gia Việt Film Festival năm tới.
Được thành lập từ năm 2003, Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ tổ chức hai năm một lần. Đến năm 2013, đại hội trở thành sự kiện thường niên. Việt Film Fest 2015 diễn ra trong 4 ngày từ 16 đến 19 tháng 4.
Sự năng động, chuyên nghiệp và tầm vóc của Việt Film Fest do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức dường như càng lúc càng trở nên thu hút và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với những ai yêu bộ môn Nghệ Thuật Thứ Bảy này, không chỉ ở Quận Cam nói riêng mà cả trong và ngoài nước nói chung.