Hơn 10 ngàn công nhân Việt lao động ở Libya đã rời khỏi đất nước đó, vậy ở một số nơi khác ra sao?
Có thể nói tình hình chiến sự ở Libya và tai họa hạt nhân tại Nhật Bản sau động đất và sóng thần khiến tin tức về những người lao động Việt tại khu vực bất ổn Trung Đông không còn được mấy chú ý ngoại trừ những người trong cuộc.
Trong thực tế toàn bộ số công nhân Việt lao động tại Libya, nơi chiến sự ác liệt tiếp tục diễn ra, tất cả đã rời khỏi nơi bất ổn. Tuy nhiên trong khu vực vẫn còn một số như thông tin mà ông Đào Công Hải, phó Cục trưởng Cục Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hôm chiều ngày 29 tháng 3 cho biết như sau:
“Theo kiểm tra lại chỉ còn ở Bahrain nơi có diễn biến về mặt trật tự xã hội, và Oman; thế nhưng tại hai nơi đó lao động của Việt Nam không còn nhiều, chừng gần 40 công nhân tại đó mà thôi. Các doanh nghiệp đưa đi đã có chỉ đạo nếu tình hình cần thiết đưa lao động về thôi.”
Lo âu, bất mãn
Bản thân một công nhân hiện đang lao động tại Bahrain cho biết tình hình của số hơn chục người đang làm việc tại đó cũng vào chiều ngày 30 tháng 3 vừa rồi:
"Số ở đây ít, tôi nghĩ chưa ai 'hỏi' đến chúng tôi. Họ có biết. Chúng tôi ở tại thị trấn có biểu tình mạnh, nên chúng tôi được giữ trong ký túc xá."
Tuy không phải số đông, nhưng bản thân những người đang làm việc ở quốc gia mà chính sự đang bất ổn cũng khiến họ lo âu. Người công nhân ở Bahrain cho biết công ty đưa nhóm của anh ta sang Bahrain làm việc là Công ty AIC tại Hà Nội, có gọi điện sang hỏi thăm. Tuy nhiên công nhân tỏ ra bất mãn về cách thức làm việc đó:
Tôi bực quá 'chửi cho một trận' vì hai năm vừa rồi có hỏi han gì đâu.
Một công nhân ở Bahrain<br/>
“Hôm vừa rồi công ty AIC có điện sang hỏi thăm nếu có gì thì công ty sẽ hỗ trợ. Tôi bực quá ‘chửi cho một trận’ vì hai năm vừa rồi có hỏi han gì đâu.”
Người công nhân vừa nói cho biết thêm họ phải trả chi phí cho người của công ty để sang Bahrain giúp họ về vấn đề phiên dịch; tuy nhiên trong thời gian qua những công nhân không nhận được dịch vụ mà họ phải trả tiền.
Bahrain chưa có đại sứ quán Việt Nam, nên công nhân Việt nếu có vấn đề cần nhờ cơ quan chức năng Việt Nam giúp đỡ phải liên hệ với đại sứ quán Việt Nam ở Kuwait. Trong ngày 30 tháng 3 chúng tôi gọi đến số được công khai trên mạng của đại sứ quán Việt Nam tại Kuwai nhưng không được.
Chờ chỉ thị từ cơ quan chức năng
Trước thông tin từ phía công nhân như thế, chúng tôi liên lạc với văn phòng công ty AIC tại Hà Nội vào sáng ngày 30 tháng 3 và được trợ lý giám đốc công ty trả lời:
“Công ty có đưa người đi làm việc tại Bahrain, nhưng số còn lại rất ít. Những lao động hợp đồng từ hai đến ba năm đa số về nước hết rồi. Chúng tôi cáo báo cáo cụ thể về số lượng đối với Cục Lao động Ngoài nước để đơn vị chỉ đạo tổng thể về vấn đề này chúng tôi sẽ tuân theo. Tiếp theo như thế nào phải phối hợp thế nào trong chương trình chung, chúng tôi sẽ làm thôi. Nếu cần thông tin gì thêm, anh hãy liên lạc với Cục Lao động Ngoài nước.”
Đối với số chừng 1000 công nhân Việt từ Libya về nước bằng đường biển thì đến nay vẫn chưa cập bến. Trước đó có dự báo tàu họ phải về đến Việt Nam vào ngày 21 rồi đến 27 tháng 3. Nay thì như lời của ông Đào Công Hải hôm ngày 29 tháng 3, có thể ít hôm nữa họ mới về tới:
“Tôi được biết tàu đó hiện vẫn đang còn ở trong hải phận quốc tế giữa Singapore và Malaysia. Tàu đang cần nhiên liệu, xăng dầu cho việc chuyển tiếp. Chúng tôi được tin chắc chắn hôm nay hay vào ngày mai họ sẽ rời hải phận quốc tế ngoài khơi Singapore để quay về Việt Nam.
Chúng tôi cáo báo cáo cụ thể về số lượng đối với Cục Lao động Ngoài nước để đơn vị chỉ đạo tổng thể về vấn đề này chúng tôi sẽ tuân theo. <br/>
Trợ lý giám đốc công ty AIC
Dự kiến khoảng bốn ngày họ sẽ đến phao số 0 ở Hải Phòng. Sau đó chờ con nước, thời điểm phù hợp để cập cảng Hải Phòng. Các cơ quan trung ương, cũng như địa phương (Thành phố Hải Phòng) sẽ phối hợp để tiếp nhận họ, và hai doanh nghiệp Vinaconex và Công ty Việt Thắng - đơn vị đưa những lao động đi làm việc nước ngoài - chuẩn bị mọi phương tiện giao thông để đón và đưa họ về nơi cư trú, địa phương nào đưa về địa phương đó.”
Lâu nay có nhiều bài báo trong nước loan tin về tình trạng mà họ mô tả là ‘đem con bỏ chợ’ đối với số công nhân trả tiền cho họ để được đưa sang lao động tại một quốc gia thứ ba nào đó.
Như trả lời của người trợ lý của giám đốc Công ty AIC thì cách hành xử ‘chờ chỉ thị từ cơ quan chức năng’ của đơn vị đưa công nhân đi lao động tiếp tục phổ biến. Dù tình hình có khẩn cấp thật nhưng dường như công tác cụ thể giúp công nhân mà công ty đưa đi lao động vẫn chưa được minh xác.
Trên đây là một số thông tin liên quan những công nhân Việt còn lại tại những quốc gia đang bất ổn tại khu vực Trung Đông. Trong phần trình bày tiếp, chúng tôi mời quí vị theo dõi tâm tư của những người đã trở về và họ được cơ quan chức năng hỗ trợ thế nào?
Theo dòng thời sự:
- Tình hình người Việt tại Libya
- Từ Libya hơn 1 ngàn công nhân Việt trên đường về nước bằng tàu biển
- Chính phủ VN họp bàn về việc đưa lao động từ Libya về nước
- Công nhân Việt ở Bahrain bị khấu trừ lương
- Đời Sống Công Nhân Việt Ở Bahrain
- Công nhân Việt ở Bahrain trở lại làm việc
- 1001 cách chiêu dụ công nhân của các Cty. môi giới
- Bảo vệ quyền lợi lao động Việt ở nước ngoài ra sao?