Giải quyết nạn kẹt xe bằng cách nào?

0:00 / 0:00

Để giải quyết nạn kẹt xe tại các thành phố lớn, Việt Nam dự định giảm lượng xe máy và hạn chế số người sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân này trong thời gian tới.

Phải giải quyết từng bước

Tại buổi hội thảo hôm thứ năm 20 tháng Tư ở Sài Gòn, với nội dung kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn thành phố, giới hữu trách cùng các chuyên gia cho rằng lượng xe máy cá nhân đông đảo và ngày càng tăng cao là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông thành phố.

Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, cho biết trung bình mỗi năm lượng xe máy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng 7 đến 8%. Ông nói thành phố có 98% hộ gia đình dùng xe gắn máy là tỷ lệ cao nhất thế giới, trong lúc qui chuẩn và diện tích đất cho giao thông lại thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của một thành phố lớn trên thế giới.

Để giải quyết thực trạng này, các chuyên gia cho rằng một lộ trình rõ ràng là điều cần thiết song song với việc phát triển các dự án chuyên chở công cộng trên toàn thành phố.

Đây không phải lần đầu tiên mà từ năm 2011 Việt Nam đã ban hành chủ trương giảm thiểu cũng như hạn chế xe mô tô, xe gắn máy tại các đô thị. Bước sang năm 2012, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai Nghị Quyết Chính Phủ cấm xe máy trên một số tuyến đường vào những giờ nhất định. Khi đó, ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải nói rằng Việt Nam còn phải sống chung với xe máy ít nhất 10 năm nữa vì hạn chế phương tiện chuyên chở thông dụng phố biến này là cả vấn đề phức tạp.

Với chủ trương được nhắc lại trong buổi hội thảo hôm 20, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ của Trung Tâm Công Nghiệp Môi Trường cho rằng phải từng bước một chứ không thể làm ngay một lúc mà được:

Việt Nam cuối cùng cũng phải giống các nước khác thôi, vì bây giờ xe máy lộn xộn quá. Tôi đi nhiều mà tôi chẳng thấy nước nào có xe máy lưu thông nhiều như ở Việt Nam cả. Tôi nghĩ trước mắt cứ đưa ra định hướng thế xong rồi cứ hạn chế từ từ, thí dụ hạn chế đăng ký xe mới, xe cũ dần dần không xài nữa thì phải vất đi, cho đến lúc nào đó thì xe máy sẽ hết.

Tôi nghĩ trước mắt cứ đưa ra định hướng thế xong rồi cứ hạn chế từ từ, thí dụ hạn chế đăng ký xe mới, xe cũ dần dần không xài nữa thì phải vất đi, cho đến lúc nào đó thì xe máy sẽ hết. <br/> - Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ

Bên cạnh đó thì phải tăng cường những phương tiện công cộng khác ví dụ xe buýt, tàu điện ngầm.... Mạng lưới công cộng sẽ phải đi đến mọi ngõ ngách khác nhau thì dân sẽ quen và dần dần họ sẽ bỏ xe máy. Tôi nghĩ nó sẽ phải như thế, đó là chiều hướng chung phải tiến đến như các nước khác thôi.

Bà Hà Trần, thành viên HealthBridge, tổ chức NGO đang hoạt động tại Hà Nội, cho rằng hạn chế xe máy, mà bà gọi là xe cơ giới cá nhân, là một giải pháp đứng đắn:

Nhận thức được việc giảm xe cơ giới cà nhân là một tín hiệu đáng mừng vì đó là xu thế tất yếu thôi, nhận thức về việc giảm phương tiện giao thông cá nhân cơ giới là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên thực hiện như thế nào là vấn đề cần phải bàn, Có rất nhiều phương cách hạn chế chứ không phải là cấm đoán bởi vì cấm đoán coi như không thân thiện với người dân, không tính được đến nhu cầu của người dân.

Tôi nghĩ mình có thể dùng phương pháp theo hướng là ưu tiên cho những người đi bộ, đi xe đạp hoặc giao thông công cộng nhiều hơn là phương tiện giao thông cơ giới cá nhân. Chúng ta phải xem xét lại phương pháp qui hoạch thành phố, làm thế nào ưu tiên cho giao thông công cộng nhiều hơn. Đấy mới là giải pháp bền vững chứ cấm đoán các thứ thì nó không được bền vững.

Theo ông Tùng, người sử dụng xe máy trong sinh hoạt hàng ngày như bao nhiêu người khác ở Hà Nội, cho biết hạn chế để tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi các đô thị sẽ gây khó khăn bức xúc cho những người đang chạy xe máy như ông.

Tuy nhiên, ông nói tiếp, nếu để giải quyết ách tắc giao thông thì đây là việc phải làm nhưng không thể một sớm một chiều cũng như áp dụng qui định cứng rắn mà được:

Sự thiệt thòi đó là sự cơ động trong cuộc sống. Đặt trường hợp tôi là nhân viên văn phòng tôi nghĩ tôi sẽ sử dụng xe buýt hoặc nếu có tàu điện trên cao hay tàu điện ngầm nhưng hiện này thực chất là giao thông công cộng ở Việt Nam chưa đáp ứng được.

Cấm xe máy thì cứ nêu ra nhưng việc giải quyết chưa có hoặc là lâu quá vẫn chưa thấy. Nếu mà cấm ngay bây giờ thì nó thiệt hại rất lớn về đi lại rồi về kinh tế nữa. Trước mắt là việc đi lại rất khó khăn, thứ hai là nó sẽ tăng chi phí.

Đối với phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sĩ, Trung Tâm Công Nghiệp Và Môi Trường, nếu giảm thiểu tối đa lượng xe máy trong thành phố cũng có nghĩa là giảm thiểu đến năm sáu chục phần trăm lượng khí thải từ khói xăng các xe gắn máy:

Thực ra dân Việt Nam có thói quen không tốt lắm, vài trăm thước cũng cứ nhảy lên xe máy đi chứ không đi bộ. Nếu tính toán thì ở các đô thị Việt Nam khí thái xe máy chiếm khoảng 50, 60% góp vào ô nhiễn không khí. Nếu để xe máy nhiều thì ô nhiễm sẽ gia tăng, còn nếu hạn chế được hết thì đã giảm được khoảng 50 đến 60% nghĩa là tốt hơn cho môi trường.

Được biết Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam dự kiến cuối 2017 đầu 2018 thì Hà Nội sẽ đi vào vận hành những kilômét đầu tiên, khoảng 10 Km, của xe điện ngầm. Sàu Gòn cũng sẽ vận hành những tuyến xe điện ngầm ngắn tương tự vào cuối 2019 đầu 2020.